Món cà ri có thể đã được du nhập vào Đông Nam Á cách đây hai thiên niên kỷ, theo bằng chứng mới nhất về quá trình chế biến món ăn vừa được các nhà khoa học khai quật ở Óc Eo - nơi từng là thành phố cảng lớn của vương quốc Phù Nam cổ đại.

Các hạt tinh bột gừng, quế và nhục đậu khấu đã được xác định trên bề mặt của phiến đá sa thạch này. Ảnh: Nguyễn Khánh Trung Kiên

Ngày nay, thật khó để tưởng tượng ra một thế giới mà không có gia vị. Thương mại toàn cầu đã giúp cho việc xuất - nhập khẩu tất cả các loại nguyên liệu thơm ngon trở nên dễ dàng - những nguyên liệu góp phần mang các món ăn Ấn Độ, Trung Quốc, Malaysia, Sri Lanka (và nhiều quốc gia khác) đến bàn ăn của chúng ta.

Mới đây, một nghiên cứu đã cho thấy việc buôn bán các loại gia vị để sử dụng trong ẩm thực đã có từ lâu, chính xác là khoảng 2.000 năm trước.

Trong bài báo mới công bố trên tạp chí Science Advances, nhóm nghiên cứu đã trình bày chi tiết những phát hiện mới về bằng chứng lâu đời nhất của món cà ri ở Đông Nam Á.

Khám phá thú vị này đã được nhóm nghiên cứu tìm ra tại quần thể khảo cổ Óc Eo tại khu vực núi Ba Thê thuộc tỉnh An Giang, Việt Nam. Theo đó, họ đã tìm thấy tám loại gia vị độc đáo - có nguồn gốc từ nhiều nơi khác nhau - và có vẻ như chúng được sử dụng để chế biến món cà ri. Điều thú vị hơn nữa là một số trong các loại gia vị này đã được vận chuyển qua hàng nghìn kilomet bằng đường biển.

Bằng chứng từ những hạt tinh bột

Ban đầu, nhóm nghiên cứu không tập trung vào cà ri. Thay vào đó, điều mà họ tò mò muốn tìm hiểu là vai trò của một bộ công cụ mài đá cổ có tên là “pesani” mà người dân của vương quốc Phù Nam cổ đại có thể đã sử dụng để nghiền gia vị. Nhóm nghiên cứu mong muốn tìm hiểu sâu hơn về việc buôn bán gia vị thời xưa.

Với việc sử dụng kỹ thuật phân tích hạt tinh bột, các nhà khoa học đã phân tích những phần sót lại siêu nhỏ thu được từ một loạt các công cụ nghiền và đập được khai quật từ di chỉ Óc Eo. Hầu hết các công cụ này được nhóm khai quật từ năm 2017 đến 2019, một số công cụ khác đã được bảo tàng địa phương thu thập từ trước.

Các hạt tinh bột là những cấu trúc siêu nhỏ trong các tế bào thực vật, và chúng có thể được bảo quản trong một thời gian dài. Việc nghiên cứu các hạt này cung cấp những hiểu biết sâu sắc về việc sử dụng thực vật, chế độ ăn, các thực hành trồng trọt và thậm chí là điều kiện môi trường trong quá khứ.

Trong số 40 công cụ được phân tích, có 12 công cụ được dùng để sản xuất các loại gia vị gồm nghệ, gừng, ngải bún, địa liền, riềng, đinh hương, quế và nhục đậu khấu. Điều này cho thấy những người đã từng cư ngụ tại địa điểm khảo cổ thực sự đã sử dụng các công cụ trên để chế biến thực phẩm, bao gồm cả việc nghiền củ, hạt và thân của các cây gia vị.

"Chúng tôi đã phát hiện nhiều loại gia vị đến từ nhiều nơi khác nhau", TS. Hsiao-chun Hung (Đại học Quốc gia Úc) - người chủ trì cuộc khai quật và nghiên cứu - chia sẻ trên The Guardian. "Tất cả các gia vị này đã đến Việt Nam cách đây 2.000 năm, góp phần tạo ra những món ăn thú vị mà người dân thời đó chắc chắn rất ưa thích". Nhóm nghiên cứu cũng bất ngờ khi phát hiện hạt nhục đậu khấu từ địa điểm khai quật vẫn còn hương thơm sau hơn 2.000 năm.

Trong số tám loại gia vị được tìm thấy tại địa điểm này, các hạt tinh bột nghệ và gừng xuất hiện nhiều nhất. “Những hạt này bị vỡ, cho thấy có khả năng là chúng đã được nghiền, tương tự như các hạt trong bột cà ri ngày nay", TS. Hsiao-chun Hung cho biết.

Để tìm hiểu tuổi của di chỉ cũng như các công cụ được khai quật, nhóm nghiên cứu đã xác định 29 niên đại riêng biệt từ các mẫu than và gỗ. Trong đó, một mẫu than được lấy ngay bên dưới tấm mài lớn nhất (có kích thước 76 cm x 31 cm), được xác định có niên đại từ 207-326 Công nguyên.

Các cuộc khai quật của nhóm nghiên cứu tại Óc Eo đã được thực hiện trong nhiều năm. Ảnh: Nguyễn Khánh Trung Kiên

Một nhóm nhà khoa học khác cùng nghiên cứu tại di chỉ khảo cổ Óc Eo đã áp dụng phương pháp xác định niên đại bằng nhiệt phát quang (thermoluminescence dating) để xác định niên đại của các viên gạch được sử dụng trong kiến trúc của địa điểm. Nhìn chung, kết quả cho thấy quần thể Óc Eo là nơi sinh sống của cư dân trong khoảng thời gian từ thế kỷ I đến VIII Công nguyên.

Một lịch sử gia vị

Chúng ta đã biết việc giao thương gia vị toàn cầu đã kết nối các nền văn hóa và kinh tế ở châu Á, châu Phi và châu Âu kể từ thời cổ đại.

Tuy nhiên, trước nghiên cứu này, có rất ít bằng chứng về cà ri thời cổ đại ở các địa điểm khảo cổ - và những bằng chứng ít ỏi mà các nhà nghiên cứu có được chủ yếu đến từ Ấn Độ. Do đó, hầu hết các hiểu biết về việc buôn bán gia vị thời kỳ đầu đều đến từ những manh mối là các tài liệu cổ đại của Ấn Độ, Trung Quốc và La Mã.

“Đây là nghiên cứu đầu tiên xác nhận rằng những loại gia vị này thực sự là hàng hóa được giao dịch trong mạng lưới thương mại hàng hải toàn cầu cách đây gần 2.000 năm", TS. Hsiao-chun Hung nói.

Với nghiên cứu này, các tác giả đã lần đầu khẳng định, một cách hữu hình, rằng gia vị là hàng hóa có giá trị trao đổi trong mạng lưới thương mại toàn cầu cách đây gần 2.000 năm.

Các gia vị được phát hiện ở Óc Eo không phải đều có sẵn trong vùng một cách tự nhiên: vào một thời điểm trong quá khứ, ai đó đã mang chúng đến Óc Eo qua Ấn Độ Dương hoặc Thái Bình Dương. Điều này chứng minh rằng cà ri có một lịch sử đầy thú vị ở bên ngoài Ấn Độ, và các gia vị để tạo nên món cà ri được ưa thích ở rất nhiều nơi.

Nếu từng tự chế biến món cà ri, bạn sẽ biết rằng nó không hề đơn giản. Món ăn này đòi hỏi rất nhiều công sức và thời gian, cũng như cần đến một loạt các gia vị độc đáo và phải sử dụng các công cụ nghiền.

Do đó, thật thú vị khi biết rằng gần 2.000 năm trước, những cư dân sống bên ngoài Ấn Độ đã có khao khát mãnh liệt được thưởng thức hương vị của món cà ri - bằng chứng là họ đã kỳ công chuẩn bị các gia vị.

Một phát hiện lý thú khác là công thức chế biến món cà ri ở Việt Nam ngày nay gần như không khác nhiều so với công thức từ thời Óc Eo cổ đại. Các thành phần chính như nghệ, đinh hương, quế và nước cốt dừa vẫn được duy trì nhất quán trong công thức. Có thể thấy rằng, một công thức nấu ăn ngon sẽ trường tồn với thời gian!

Điều gì chờ đợi phía trước?

Trong nghiên cứu này, các tác giả chủ yếu tập trung vào các hạt tinh bột hay những cấu trúc siêu nhỏ trong những phần sót lại của thực vật. Và nhóm nghiên cứu vẫn chưa so sánh các phát hiện này với những phần sót lại lớn hơn của thực vật được khai quật từ di chỉ khảo cổ.

Trong suốt quá trình khai quật được thực hiện từ năm 2017 đến 2020, nhóm nghiên cứu cũng đã thu thập được một số lượng đáng kể các hạt giống vẫn còn được bảo quản tốt cho đến ngày nay. Trong tương lai, nhóm nghiên cứu hi vọng có thể phân tích các hạt giống và xác định được thêm nhiều loại gia vị, hoặc thậm chí khám phá ra các loài thực vật mới, từ đó góp phần tạo nên sự hiểu biết chung về lịch sử của khu vực.

Bằng cách xác định thêm nhiều niên đại ở di chỉ khảo cổ, các nhà khoa học cũng có thể hiểu thêm thời điểm và cách thức mà từng loại gia vị hoặc thực vật bắt đầu được buôn bán trên toàn cầu.

Nguồn: