Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ trong năm nay sẽ định hình tương lai của khoa học Mỹ.
Tương lai của khoa học Mỹ sẽ phụ thuộc vào cuộc bầu cử tháng 11. Vị tổng thống mới sẽ cùng với Quốc hội đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các cơ quan khoa học Mỹ cho những năm tới thông qua các kế hoạch tài trợ, chính sách với người nhập cư và các biện pháp đảm bảo an ninh quốc gia có thể ảnh hưởng đến hợp tác quốc tế.
Nhân dịp này, Nature đã thử đo lường vị trí của khoa học Mỹ để dự đoán xem tương lai của nó sẽ như thế nào.
Mất vị thế vào tay Trung quốc
Năm nay, Mỹ đã ấn định dành một 1.000 tỉ USD cho R&D, nhiều hơn mọi quốc gia khác và các phòng thí nghiệm của Mỹ tiếp tục thu hút các nhà nghiên cứu từ mọi nơi trên thế giới. Tuy nhiên, theo một vài nhà khoa học hàng đầu vẫn lo ngại, một số cường quốc khoa học khác, ví dụ như Trung Quốc, sẽ sẵn sàng vuợt qua Mỹ trên nhiều bảng trắc lượng khoa học. “Khoa học Mỹ đang mất dần sức cạnh tranh trong cuộc đua dẫn đầu khối ngành STEM toàn cầu”, Marcia McNutt, Chủ tịch của Viện Hàn lâm Khoa học quốc gia Mỹ, nói vào tháng 6/2024.
Lâu nay, Mỹ dẫn đầu KH&CN nhờ việc mạnh tay rót kinh phí hơn nhiều quốc gia khác. Kết hợp cả các nguồn tài trợ của chính phủ lẫn tư nhân, Mỹ dành 923 tỉ USD trong năm 2022, tương đương 30% đầu tư R&D của toàn cầu. Còn Trung Quốc với nền kinh tế đang tăng trưởng, đầu tư cho R&D của họ hiện vào khoảng 812 tỉ USD. Dự báo họ sẽ đạt mức độ như Mỹ trước năm 2030.
Về số lượng kết quả khoa học và sáng chế thì Mỹ đã mất vị trí dẫn đầu. năm 2016, Trung Quốc đã vươn lên như quốc gia hàng đầu về xuất bản bài báo khoa học và kỹ thuật. Năm 2019, họ vượt qua Mỹ về số lượng tiến sĩ. Và năm 2021, trở thành quốc gia dẫn đầu về số lượng hồ sơ xin cấp sáng chế, theo Quỹ Khoa học Mỹ.
Trong nhiều năm, một số nhà khoa học đã lập luận là Trung Quốc vẫn đứng sau về chất lượng bài báo nhưng điều đó đã thay đổi. Năm 2020, họ vượt qua Mỹ ở số lượng chia sẻ những bài báo top 1% thế giới, theo dữ liệu của Web of Science.
Vậy Mỹ hay Trung Quốc ở vị trí số một? Mặc dù một số luận điệu pha màu chính trị cho đây là cuộc chơi có tổng bằng không nhưng trong khoa học, lợi của quốc gia này không nhất thiết là mất của quốc gia khác.
Theo Caroline Wagner, chuyên gia về chính sách nghiên cứu ở ĐH bang Ohio, nếu Trung Quốc hay bất cứ quốc gia nào, rót thêm nhiều tiền vào nghiên cứu thì nó cũng đem lại lợi ích cho Mỹ, miễn là Mỹ giữ được những nhà khoa học hàng đầu thế giới cũng như giữ được tài trợ và chất lượng nghiên cứu.
Sự sụt giảm của ngân sách R&D
Năm 2022, Quốc hội Mỹ đã thông qua Đạo luật Chip và khoa học với việc đồng thuận rót 280 tỉ USD để thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn nội địa và tăng ngân sách cho nhiều cơ quan nghiên cứu chính. Tuy nhiên, tính theo tỷ lệ GDP, đầu tư công vào Quỹ Khoa học Mỹ, Văn phòng Khoa học thuộc Bộ Năng lượng và Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ quốc gia hiện đang thấp hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ năm 1997. Đầu tư nghiên cứu của Mỹ tính theo tỷ lệ GDP vẫn đang tăng - nhưng đó là do đầu tư R&D từ các doanh nghiệp tư nhân đang bù đắp lại sự sụt giảm.
Theo Jonathan Adams, nhà khoa học chính tại Viện Thông tin Khoa học của Công ty Phân tích Clarivate. Mỹ vẫn giữ vị trí dẫn đầu trong các lĩnh vực mà họ đầu tư nhiều nhất, chẳng hạn như nghiên cứu y sinh nhưng Trung Quốc đang vượt qua Mỹ về khoa học vật liệu, vật lý và khoa học máy tính, những lĩnh vực mà Mỹ còn đầu tư chưa đủ.
Vậy liệu tổng thống tiếp theo và Quốc hội sẽ cùng nhau thúc đẩy thực hiện cam kết đầu tư cho khoa học? Điều này sẽ còn phụ thuộc vào việc ai kiểm soát thượng viện và hạ viện, hiện đang bị chia rẽ: Đảng Dân chủ nắm Thượng viện và Công hòa nắm Hạ viện.
Tầm quan trọng của tài năng nước ngoài
Mỹ phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu cho cỗ máy khoa học là tài năng quốc tế. hơn một phần ba tiến sĩ khoa học và kỹ thuật ở Mỹ là từ nước ngoài. “Ở mọi thời điểm, chúng ta đều phụ thuộc vào họ”, theo Darío Gil, Giám đốc nghiên cứu tại gã khổng lồ công nghệ IBM.
Nhìn chung, theo dữ liệu từ OECD, Mỹ vẫn là điểm đến hàng đầu thế giới của sinh viên quốc tế, chiếm 15% tổng số sinh viên trên toàn thế giới vào năm 2020. Tuy nhiên đã có những dấu hiệu cho thấy Mỹ có thể đang mất đi lợi thế. Tỷ lệ sinh viên quốc tế của Mỹ đang giảm và mặc dù số lượng tuyển sinh đã phục hồi lên mức cao nhất sau đại dịch, vẫn còn câu hỏi về việc liệu những tài năng hàng đầu từ Trung Quốc có tiếp tục coi Mỹ là một điểm đến hấp dẫn hay không.
Hiện nay, Trung Quốc vẫn là đối tác nghiên cứu lớn nhất của Mỹ nhưng số lượng bài báo do các nhà nghiên cứu hai quốc gia là đồng tác giả đang giảm - ngay cả khi sự hợp tác giữa Trung Quốc và các đối thủ cạnh tranh tăng lên. Một số người có thể hoan nghênh xu hướng này vì họ sợ nguy cơ để khoa học do Mỹ tài trợ rơi vào tay Trung Quốc.
Phe Cộng hòa tại Quốc hội cũng thúc đẩy hạn chế hợp tác nghiên cứu mà các nhà nghiên cứu tại trường đại học Mỹ có thể theo đuổi dưới tên gọi Sáng kiến Trung Quốc, đã dẫn đến cáo buộc phân biệt chủng tộc sau khi bắt giữ các nhà khoa học có liên hệ với Trung Quốc.
Do vậy, dẫu số lượng sinh viên Trung Quốc đến Mỹ dần phục hồi thì những tài năng xuất sắc nhất không lựa chọn Mỹ, theo Yingyi Ma, nhà xã hội học phụ trách chương trình nghiên cứu người châu Á/Mỹ gốc Á tại ĐH Syracuse ở New York.
Tương lai có bền vững?
Bất kể đảng nào kiểm soát chức tổng thống và Quốc hội, số phận của nền khoa học Mỹ gắn liền với các xu hướng rộng hơn trong một xã hội ngày càng phân cực, trong đó lòng tin vào nhiều tổ chức đã bị xói mòn trong nhiều thập kỷ. Nhưng điều đó có thể thay đổi với sự ủng hộ của nhiều nhóm công chúng cùng sự phân cực gia tăng về các vấn đề từ vaccine đến sự nóng lên toàn cầu. Theo Henry Brady, một nhà khoa học chính trị tại Đại học California, Berkeley, nếu khoa học trở thành những nỗ lực mang tính ý thức hệ thì chúng sẽ khó có thể tồn tại.
Nguồn: nature.com
Đăng số 1316 (số 44/2024) KH&PT