Dự án Camila với bốn vệ tinh cho các mục tiêu dân sự và hai dự án cho mục tiêu an ninh quốc phòng với kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy hệ sinh thái công nghệ vũ trụ quốc gia của Ba Lan.
Năng lực quan sát Trái đất của Ba Lan đang hứa hẹn sẽ được gia tăng một cách nhanh chóng khi họ thiết lập dự án Camila phát triển bốn vệ tinh cho các mục tiêu dân sự (dự kiến sẽ được phóng vào năm 2027), và hai dự án cho mục tiêu an ninh, quốc phòng (sẽ phóng vào năm 2028).
Nhiệm vụ dân sự của Camila sẽ đem lại ít nhất bốn vệ tinh có độ phân giải cao, với ba cảm biến quang lượng tử và một radar. Dự án này sẽ do Cơ quan Hàng không châu Âu (ESA) quản lý và các công ty Ba Lan sẽ thiết kế, chế tạo các vệ tinh và quản lý các điều hành trên mặt đất, cho phép họ có được những kinh nghiệm và hiểu biết vô giá.
Dự án thứ hai, gồm hai vệ tinh quỹ đạo Trái đất tầm thấp nhằm cung cấp các bức ảnh có độ phân giải cao cho cả ứng dụng dân sự và quân sự, sẽ do Bộ Quốc phòng Ba Lan quản lý, và một hợp đồng đã được ký kết với hãng Airbus về thiết kế, chế tạo và phóng các vệ tinh, dự kiến sẽ sẵn sàng cho vận hành vào năm 2028.
Vào tháng năm vừa qua, Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) đã loan báo khoản vay 300 triệu Euro và đã đồng thuận với việc Ngân hàng Phát triển Ba Lan (BGK) hỗ trợ việc phóng hai vệ tinh quốc phòng và xây dựng các cơ sở dưới mặt đất. Đây là một trong số những loan báo đầu tư đầu tiên của EIB kể từ khi dự án được thay đổi theo hướng công nghệ lưỡng dụng và an ninh.
Các vệ tinh này sẽ do Ba Lan sở hữu và vận hành, qua đó đem lại một mức tự chủ về quan sát Trái đất mà hiện tại còn thiếu.
Dù được thiết kế để có thể quan sát khắp các vùng trên thế giới nhưng các thiết bị trên vệ tinh này sẽ được thiết kế theo nhu cầu của Ba Lan. Điều này rất quan trọng bởi nó cần giám sát các đường biên giới với Ukraine, Belarus và Nga, và các thiết bị có thể cần được tối ưu cho phù hợp với các điều kiện mặt đất và điều kiện thời thiết.
Phát triển ngành công nghiệp Ba Lan
Cả hai dự án đều được kỳ vọng sẽ đem lại tác động lớn nhất với hệ sinh thái công nghiệp Ba Lan. “Các vệ tinh đang được các công ty Ba Lan thiết kế, có lẽ là phần lớn, vì vậy knowhow và sau đó là việc truy cập vào dữ liệu sẽ trở nên mở hơn”, Waldemar Franczak, Giám đốc Điều hành spectator.earth, một công ty dò theo vị trí của các vệ tinh hình ảnh Trái đất, thu thập dữ liệu của chúng cho khách hàng để áp dụng trên một phạm vi rộng lớn từ nông nghiệp, quản lý đô thị đến năng lượng tái tạo và trí tuệ nhân tạo nguồn mở. Việc dò theo các bức ảnh vệ tinh giúp người sử dụng có thể biết chính xác khi nào họ cần có dữ liệu cho các vị trí và thời gian mà mình quan tâm.
Tham gia vào một dự án lớn như Camila không chỉ trao cho các công ty cơ hội tăng cường kinh nghiệm và knowhow mà còn là cơ hội tiếp cận tài trợ, với các dự án phụ có thể dao động từ hàng chục nghìn đến hàng triệu euro. “Luôn luôn có cơ hội để bạn gửi hồ sơ tham gia, dù bạn là một công ty khởi nghiệp hay một công ty tầm trung”, Franczak nêu vấn đề. “Vì vậy, một sáng kiến như Camila sẽ khuyến khích cả hệ sinh thái không gian ở Ba Lan”.
Mikołaj Podgórski, Giám đốc Điều hành nhà sản xuất Công nghệ quang Scanway Space, đồng ý với nhận định này. “Những gì chúng ta thấy ở Mỹ và phần còn lại ở châu Âu là các dự án có định hướng của chính phủ sẽ hỗ trợ ngành công nghiệp địa phương, trao cho các công ty cách nuôi dưỡng và phát triển các sản phẩm mới”, ông nói. “Chúng tôi chưa từng có một chương trình quốc gia dạng này nên đây sẽ là một khởi đầu tốt”.
Dự án Camilahứa hẹn sẽgia tăngnhanh chóngnăng lực quan sát Trái đất của Ba Lan.
Công ty Scanway tạo ra các kính viễn vọng quang có độ phân giải cao cho quan sát Trái đất. Cuối năm nay, một trong những sản phẩm của công ty sẽ dược lắp đặt ở EagleEye, một vi vệ tinh được thiết kế và chế tạo ở Ba Lan cho quan sát Trái đất. Việc tham gia vào dự án Camila cũng là một cơ hội vô giá với họ. “Vì vậy tôi vui mừng khi thấy những quy định của Camila là định hướng tới những gì ngành công nghiệp Ba Lan có thể làm hơn là thu hút những kẻ cạnh tranh từ nước ngoài”, Podgórski nói.
Phát triển hệ sinh thái công nghệ không gian Nhìn vào bức tranh toàn cảnh về hệ sinh thái không gian của Ba Lan, Franczak thấy phấn khích về những phát triển mới đạt được. “Trong nhiều năm qua, chúng tôi đã đi đúng đường. Tôi nghĩ Cơ quan Hàng không Ba Lan và chính phủ đã hợp tác tốt hơn trong quá khứ và đem lại tác động tích cực chung lên cả hệ sinh thái hàng không Ba Lan”.
Tuy nhiên, có một vấn đề là còn thiếu dạng tài trợ khởi động cho các công ty, dẫu spectator.earth may mắn nhận được một tài trợ trong số không nhiều đó. “Ấn tượng của tôi là hiện có quá ít cơ hội cho các công ty nhận được tài trợ dạng này, với số tiền nhỏ hơn so với dạng tài trợ làm ra sản phẩm mẫu hay cho phép những người tập trung vào vấn đề cụ thể trong vòng 6 đến 12 tháng và cố gắng biến nó thành một công việc kinh doanh được”, Franczak nói.
Dẫu vậy có một thực tế là việc tài trợ cho lĩnh vực không gian đang gia tăng, bất chấp các điều kiện kinh tế khó khăn trên diện rộng. “Có rất nhiều mối quan tâm trong lĩnh vực này, có thể so với các công nghệ AI và blockchain”, Franczak nói. “Vì vậy nếu như anh muốn tìm nguồn tài trợ thì anh vẫn có thể tìm ra”.
Tuy nhiên, Wilgucki phát hiện ra là các khoản đầu tư mạo hiểm ở Ba Lan có quá nhiều ràng buộc. Phần lớn các nguồn tài trợ kiểu này đều được nguồn tài chính công “chống lưng” nên có nhiều giới hạn về việc kết hợp với những quỹ tài trợ khác. “Chúng tôi muốn có nhiều quỹ tư nhân có thể lấp đầy những khoảng trống trong không gian này”, Wilgucki nói.
Podgórski thì muốn thấy có thêm hợp tác tài trợ ngoài khung tài chính ESA, ví dụ như những thỏa thuận song phương cho những dự án hợp tác hoặc nhiệm vụ khoa học lớn. Ví dụ như chương trình Artemis của NASA, vốn tận dụng những thỏa thuận song phương để xây dựng hợp tác quốc tế quanh các nhiệm vụ không gian mà Ba Lan đã ký tham gia vào năm 2021. “Nó cho phép các công ty Ba Lan đã tìm được một chỗ trong cuộc chạy đua lên Mặt trăng nhưng vẫn còn chưa đủ, vẫn cần có thêm những nguồn tài trợ khác”, Podgórski nói. “Có lẽ cần nhiều tiền hơn cả một dự án vệ tinh, dù số lượng các công ty tham gia dự án có thể còn ít hơn. Tuy nhiên tôi nghĩ điều này sẽ giúp cho ngành công nghiệp không gian của Ba Lan phát triển”.
Hiện còn một câu hỏi mở là dữ liệu sẽ được mở như thế nào. Theo EIB, do đã lường trước được sự xuất hiện tiếp theo cả các ứng dụng dân sự và quân sự, nên dòng chảy dữ liệu sẽ về tới Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ và các cơ quan dân sự của chính phủ như Cơ quan Hàng không vũ trụ Ba Lan. Ngay cả như thế cũng đem nhiều lợi ích cho các công ty như spectator.earth. “Nếu dữ liệu chỉ được chính phủ sử dụng thì nó cũng cho thấy là các chính quyền địa phương và các cơ quan khác sẽ phải cập nhật các bản đồ vệ tinh, và có lẽ nó sẽ đem lại cơ hội cho chúng tôi”, Franczak nói.
Nguồn:
sciencebusiness.net
Bài đăng số 1296 (số 24/2024) KH&PT