Khi thông tin một nhà hàng phở tại Anh đăng ký bảo hộ nhãn hiệu “phở” (Pho) lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội trong thời gian gần đây, một làn sóng phẫn nộ đã bùng lên. Bởi lẽ, phở là một trong những món ăn truyền thống nổi tiếng của Việt Nam. Nếu “phở” trở thành nhãn hiệu riêng của một nhà hàng, họ sẽ có quyền ngăn cấm các quán phở khác sử dụng từ “phở” trên biển hiệu.
Điều này đã xảy ra cách đây gần chục năm. Tháng 9/2013, Công ty Pho Holdings - nhân vật chính trong vụ việc trên, đã yêu cầu một nhà hàng phở có tên “Mo Pho” (Mơ Phở) ở Anh phải đổi tên, với lập luận Pho Holdings đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu “Pho” vào năm 2005 nên họ là đơn vị duy nhất có thể sử dụng từ này trên nhãn hiệu nhà hàng. Sau đó, Pho Holdings rút lại quyết định, nhưng vẫn tiếp tục sử dụng nhãn hiệu “Pho” cho 45 nhà hàng phở trên khắp nước Anh.
Cuối cùng, “cuộc chiến” về nhãn hiệu phở cũng đi đến hồi kết. Trước sự phản đối mạnh mẽ của công chúng, cách đây hơn một tuần, Pho Holdings đã nộp đơn yêu cầu hủy bỏ nhãn hiệu “Pho” lên Cơ quan sở hữu trí tuệ (SHTT) Vương quốc Anh. Quá trình này đã hoàn tất trong vòng hai ngày kể từ khi nộp đơn. Đến nay, “phở” không còn là nhãn hiệu độc quyền và bất cứ nhà hàng nào ở Anh cũng có thể sử dụng từ này mà không còn e ngại rủi ro pháp lý như trước đây.
“Cuộc chiến phở” kéo dài hơn một thập kỷ đã kết thúc, song những tranh luận về việc bảo hộ nhãn hiệu vẫn tiếp tục nảy sinh. Không ít người thắc mắc tại sao một tên gọi chung như “phở” lại được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu thành công. Bởi theo quy định trong Luật SHTT Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, một trong những tiêu chí bắt buộc đối với một nhãn hiệu là phải có đủ chức năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu đó với hàng hóa, dịch vụ cùng loại của các chủ thể khác. Bất cứ dấu hiệu, hình vẽ, tên gọi thông thường của hàng hóa/dịch vụ đã được sử dụng thường xuyên và thừa nhận rộng rãi trước ngày nộp đơn đều bị coi là không có khả năng phân biệt. Nếu theo quy định này, từ “phở” sẽ không đủ khả năng phân biệt để trở thành một nhãn hiệu.
Hầu hết các quốc gia trên thế giới, bao gồm Việt Nam, đều yêu cầu phải dịch nhãn hiệu chứa ngôn ngữ nước ngoài khi nộp đơn đăng ký bảo hộ. Dù đăng ký nhãn hiệu bằng tiếng Anh, tiếng Nhật hay bất cứ ngôn ngữ gì, người nộp đơn đều phải dịch các từ ngữ nước ngoài trong nhãn hiệu sang ngôn ngữ ở quốc gia đăng ký. Đây sẽ là căn cứ để đánh giá nhãn hiệu đó có khả năng phân biệt hay không. Những từ có khả năng gây nhầm lẫn, hoặc là tên gọi chung sẽ không đáp ứng điều kiện bảo hộ.
|
Tuy nhiên, cũng có ý kiến bênh vực, cho rằng nhà hàng phở tại Anh đã đăng ký từ “Pho” chứ không phải “phở”, và từ “Pho” không có nghĩa trong tiếng Anh. Hơn nữa, Cơ quan SHTT nước này cũng quy định ngay cả khi các từ nước ngoài được dịch sang tiếng Anh mang nghĩa mô tả hàng hóa, dịch vụ thì người tiêu dùng thông thường ở Anh không hiểu được điều này, và do đó, các từ này thường được coi là không mang tính mô tả, vẫn đáp ứng yêu cầu bảo hộ. Nhưng với nhiều người, lập luận này không đủ sức thuyết phục, bởi phở là một món ăn nổi tiếng, thậm chí còn được đưa vào từ điển Oxford vào năm 2007. Do vậy, khi đăng ký nhãn hiệu “Pho” cho quán phở thì hầu hết mọi người sẽ nghĩ đó là từ “phở” viết không dấu trong tiếng Anh.
Đánh giá khả năng phân biệt của nhãn hiệuĐằng sau những cuộc thảo luận về “cuộc chiến phở” là sự phức tạp khi đăng ký nhãn hiệu chứa ngôn ngữ nước ngoài. Hầu hết các quốc gia trên thế giới, bao gồm Việt Nam, đều yêu cầu phải dịch nhãn hiệu chứa ngôn ngữ nước ngoài khi nộp đơn đăng ký bảo hộ. Dù đăng ký nhãn hiệu bằng tiếng Anh, tiếng Nhật hay bất cứ ngôn ngữ gì, người nộp đơn đều phải dịch các từ ngữ nước ngoài trong nhãn hiệu sang ngôn ngữ ở quốc gia đăng ký. Đây sẽ là căn cứ để đánh giá nhãn hiệu đó có khả năng phân biệt hay không. Những từ có khả năng gây nhầm lẫn, hoặc là tên gọi chung sẽ không đáp ứng điều kiện bảo hộ. Chẳng hạn “Chat Noir” có nghĩa là “mèo đen” trong tiếng Pháp, đã từng bị từ chối đăng ký nhãn hiệu cho nước hoa “Eau De Cologne” ở Mỹ vì trước đó, đã có nhãn hiệu “Black Cat” (mèo đen) được đăng ký cho nước hoa. Hoặc “Chupa” có nghĩa là “kẹo que” trong tiếng Tây Ban Nha nên “Chupa Chups” không thể đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho kẹo que. Đến đây sẽ có người thắc mắc tại sao có những nhãn hiệu là tên gọi thông thường vẫn được bảo hộ, chẳng hạn thương hiệu Apple nổi tiếng về các sản phẩm công nghệ có nghĩa là “quả táo”, hay thuốc lá Camel có nghĩa là “lạc đà”... Nguyên nhân là do các nhãn hiệu này không sử dụng cho các sản phẩm, hàng hóa liên quan đến ý nghĩa tên nhãn hiệu, nếu Apple dùng cho táo hay các loại trái cây sẽ là chuyện khác.
Cũng như nhiều doanh nghiệp trên thế giới, nhiều đơn vị ở Việt Nam từng vấp phải quy định này khi tiến ra thị trường nước ngoài. Tiêu biểu là trường hợp của Công ty CP Văn phòng phẩm Hồng Hà, khi nộp đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Mỹ cho các sản phẩm văn phòng phẩm vào năm 2006 đã bị từ chối với lý do tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu “Red River” đã được đăng ký cho cùng nhóm hàng hóa tại nước này từ năm 1997. “Cơ quan sáng chế và nhãn hiệu Mỹ (USPTO) từ chối đăng ký nhãn hiệu ‘HỒNG HÀ, hình’ dựa trên cơ sở học thuyết tiếng nước ngoài tương đương (doctrine of foreign equivalents). Theo học thuyết này, các từ hoặc thuật ngữ nước ngoài sẽ không được đăng ký là nhãn hiệu tại Mỹ nếu trước đó có nhãn hiệu với nghĩa tiếng Anh tương đương đã được đăng ký cho sản phẩm liên quan và người tiêu dùng có khả năng dịch tiếng nước ngoài đó ra thành tiếng Anh tương đương”, theo thông tin trên trang web của Văn phòng luật sư Lê & Lê - đơn vị đại diện đăng ký nhãn hiệu cho Văn phòng phẩm Hồng Hà. “Trong trường hợp này, USPTO cho rằng ‘Hồng Hà’ được coi là thành phần nổi bật của nhãn hiệu xin đăng ký, tên ‘Hồng Hà’ là từ tiếng Việt của ‘Red River’. Do vậy, hai nhãn hiệu này được coi là tương tự nhau”.
Dù vậy, sự tương đương về mặt ngữ nghĩa không quyết định tất cả. Trong quá trình thẩm định, nhãn hiệu sẽ được xem xét tổng thể chứ không riêng từng thành phần. “Theo các nguyên tắc xét nghiệm nhãn hiệu tại Mỹ, khi đánh giá tính tương tự gây nhầm lẫn giữa các nhãn hiệu cần phải xem xét, so sánh các nhãn hiệu dựa trên ấn tượng tổng thể từ cách phát âm, hình thức thể hiện, ngữ nghĩa của nó đến ấn tượng thương mại. Xét trên các phương diện này, nhãn xin đăng ký khác với nhãn hiệu đối chứng nhờ sự kết hợp với phần logo và các thành phần chữ khác”, theo công văn phúc đáp của Lê & Lê. “Sự tương tự về nghĩa có thể sẽ không còn có ý nghĩa nhiều trong việc đánh giá khả năng tương tự gây nhầm lẫn nếu các nhãn hiệu khác nhau về cách trình bày, cách phát âm hoặc các yếu tố khác. Rõ ràng là nhãn hiệu đối chứng chỉ gồm hai từ ‘Red’ và ‘River’ trong khi đó nhãn hiệu xin đăng ký bao gồm cả phần từ và phần hình, phần từ thì gồm rất nhiều từ được phát âm khác với nhãn đối chứng”. Với lập luận của Văn phòng luật sư Lê & Lê, USPTO đã chấp thuận bảo hộ nhãn hiệu này.
Để tránh những rủi ro pháp lý trong quá trình bảo hộ và khai thác nhãn hiệu, doanh nghiệp nên chú ý ngay từ bước đặt tên. Việc chọn những nhãn hiệu có khả năng phân biệt mạnh, đáp ứng các tiêu chí bảo hộ sẽ tạo thuận lợi cho quá trình đăng ký. Chẳng hạn, “nhãn hiệu tự tạo/tự đặt (fanciful/coined marks), được tạo nên bởi các từ không có bất kỳ nghĩa nào được xem là loại nhãn hiệu có mức độ phân biệt cao nhất, như Exxon hay Kodak”, luật sư Lê Quang Vinh, Giám đốc Công ty SHTT Bross và cộng sự, giải thích. Bên cạnh đó, các loại nhãn hiệu khác sẽ có mức độ phân biệt thấp hơn bao gồm nhãn hiệu tùy ý (arbitrary marks), chứa từ ngữ có nghĩa trong một ngôn ngữ cụ thể nhưng lại được dùng cho hàng hóa/dịch vụ không liên quan đến nghĩa đó; hay nhãn hiệu gợi ý (suggestive mark), có gợi ý hoặc ám chỉ bản chất hoặc đặc tính của một loại hàng hóa dịch vụ nhưng thực tế lại không mô tả hàng hóa/dịch vụ đó, chẳng hạn như Airbus cho máy bay hoặc Coppertone gợi ý đến loại kem chống rám nắng…
Để tránh những rủi ro pháp lý trong quá trình bảo hộ và khai thác nhãn hiệu, doanh nghiệp nên chú ý ngay từ bước đặt tên. Việc chọn những nhãn hiệu có khả năng phân biệt mạnh, đáp ứng các tiêu chí bảo hộ sẽ tạo thuận lợi cho quá trình đăng ký.
|
Điều này càng trở nên quan trọng khi xu hướng đặt tên nhãn hiệu bằng các từ nước ngoài, đặc biệt là tiếng Anh đang ngày càng gia tăng. “Cần thận trọng với tên thương hiệu có nghĩa tiêu cực hoặc mang bản chất mô tả hàng hóa ở ngôn ngữ khác tiếng Việt. Một thương hiệu mang tính mô tả trong ngôn ngữ nước ngoài ít phổ biến vẫn có thể được cấp vì thẩm định viên không tìm được căn cứ từ chối ở thời điểm xét nghiệm nhưng nó vẫn có thể bị hủy bỏ hiệu lực sau khi được bảo hộ. Ví dụ như nhãn hiệu Cotto bị hủy bỏ hiệu lực một phần đối với thiết bị vệ sinh vì Cotto trong tiếng Ý có nghĩa là nung, gạch nung”, luật sư Lê Quang Vinh cho biết. Kể cả khi được bảo hộ, quá trình đăng ký những nhãn hiệu có khả năng phân biệt không mạnh sẽ phức tạp và tốn nhiều thời gian hơn. Chẳng hạn trường hợp nhãn hiệu “The Coffee House” của Công ty Trà Cà phê Việt Nam phải mất hơn tám năm mới được cấp văn bằng bảo hộ cho nhóm sản phẩm/dịch vụ quán cà phê, nhà hàng. Trong tiếng Anh, “Coffee House” có nghĩa là “quán cà phê”, mặc dù được cấp văn bằng, nhãn hiệu này cũng chỉ được bảo hộ tổng thể chứ không bảo hộ riêng dấu hiệu chữ “The Coffee House”.
Khi tên riêng biến thành tên chungMột nhãn hiệu nổi tiếng, được nhiều người biết đến có lẽ là mục tiêu mà hầu hết các doanh nghiệp đều hướng đến. Nhưng sự nổi tiếng có thể trở thành con dao hai lưỡi. Nếu nhãn hiệu nổi tiếng đến mức mọi người dùng tên nhãn hiệu thay cho tên gọi chung của mặt hàng đó, doanh nghiệp có nguy cơ đánh mất nhãn hiệu của chính mình. Chẳng hạn như trước đây nhiều người Việt Nam dùng từ “Honda” - nhãn hiệu xe máy nổi tiếng của Nhật Bản, để gọi xe máy nói chung. Nếu việc này tiếp diễn, rất có thể, “Honda” sẽ biến thành từ đồng nghĩa với “xe máy” trong tâm trí của người Việt Nam, chẳng mấy ai nhớ rằng Honda vốn là một tên nhãn hiệu riêng.
Sự biến đổi từ một nhãn hiệu nổi tiếng thành tên thông thường không phải là điều hiếm gặp. “Tại thời điểm cấp bảo hộ, một dấu hiệu xin đăng ký có thể thỏa mãn chức năng chỉ dẫn nguồn gốc thương mại - điều kiện cần và đủ để được bảo hộ với tư cách là nhãn hiệu - nhưng vì nhiều lý do khác nhau, chẳng hạn như chủ sở hữu không kịp thời ngăn chặn hiện tượng nhãn hiệu đó trở thành tên thông thường (generic name) của hàng hóa/dịch vụ trong một khoảng thời gian đủ dài, dẫn đến nhãn hiệu đó mất tính chất phân biệt hàng hóa/dịch vụ mà hệ quả là nhãn hiệu đó không còn khả năng đóng vai trò là chỉ dẫn nguồn gốc nữa. Chẳng hạn như Aspirin, Escalator, Linoleum, Cellophane, Inox,… vốn đều là các nhãn hiệu được bảo hộ nhưng đã bị xem là mất chức năng nhãn hiệu ở một hoặc vài lãnh thổ”, luật sư Lê Quang Vinh cho biết.
Thoạt nghe có vẻ kỳ lạ song thực tế, rất nhiều nhãn hiệu nổi tiếng hiện nay bị từ chối cấp văn bằng bảo hộ vì quá nổi tiếng đến mức trở thành tên gọi thông thường. Chẳng hạn như Vaseline là thương hiệu gắn với sản phẩm sáp dưỡng ẩm nổi tiếng của tập đoàn Unilever. Nhiều người ở Việt Nam đã sử dụng từ “Vaseline” để chỉ các sản phẩm dưỡng ẩm nói chung. Do vậy, dù nộp rất nhiều đơn đăng ký nhưng đến nay, chưa có bất kỳ nhãn hiệu nào liên quan đến từ “Vaseline” của Unilever được bảo hộ tại Việt Nam. Tình trạng tương tự cũng xảy ra với nhãn hiệu “Formica” của tập đoàn Formica, vốn dùng cho các sản phẩm gỗ phủ nhựa, từng bị từ chối đăng ký nhãn hiệu ở Việt Nam do bị coi là tên chung.
Ngay cả khi đã đăng ký thành công, doanh nghiệp vẫn phải chú ý theo dõi tình trạng sử dụng nhãn hiệu, kịp thời ngăn chặn việc “thông thường hóa” tên nhãn hiệu. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp giữ được nhãn hiệu trên thị trường, trong tâm trí người tiêu dùng, mà còn tránh bị “thu lại”. Bởi theo Luật SHTT sửa đổi lần gần đây nhất, nhãn hiệu đã đăng ký có thể bị chấm dứt hiệu lực nếu trở thành tên thông thường của hàng hóa, dịch vụ đăng ký cho chính nhãn hiệu đó.