Nhóm sinh viên Trường Đại học Bách khoa TPHCM đã chế tạo robot y tá thực hiện được nhiều thao tác giống con người, nhằm giảm tình trạng quá tải cho y tá trong các bệnh viện hiện nay.

Mô hình robot y tá không còn mới lạ trên thế giới. Tuy nhiên ở Việt Nam, việc ứng dụng robot y tá còn hạn chế do vấn đề chi phí, độ tương thích về mặt công nghệ, chức năng,… Trong nước cũng còn rất ít những nghiên cứu về robot hỗ trợ ngành y tế được triển khai thực tế.

Nhằm góp phần cải thiện chất lượng chăm sóc bệnh nhân tại các bệnh viện, nhóm sinh viên Trường Đại học Bách khoa TPHCM đã nghiên cứu, chế tạo robot y tá Florence có những tính năng tiên tiến như tự động điều hướng và nhận diện bệnh nhân, vận chuyển vật phẩm y tế, đo lường chỉ số sức khoẻ cơ bản, giao tiếp bằng giọng nói để hướng dẫn và nhắc nhở bệnh nhân về liệu trình điều trị.

Ro
Robot y tá do nhóm chế tạo. Ảnh: NNC

Sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet vạn vật (IoT), robot có khả năng thu thập dữ liệu bệnh nhân và truyền dữ liệu nhanh chóng đến bác sĩ để hỗ trợ chẩn đoán. Khả năng hỗ trợ từ xa của Florence chính là yếu tố quan trọng giúp giảm tải cho nhân viên y tế và đảm bảo người bệnh được quan tâm chu đáo.

Theo Nguyễn Thành Thơ, thành viên của nhóm, Florence có khả năng tự động hóa một phần quy trình khám bệnh. Khi bệnh nhân đến bệnh viện, Florence có thể thay y tá thu thập thông tin huyết áp, nhiệt độ, chiều cao, cân nặng qua các cảm biến tích hợp. Bệnh nhân chỉ cần đứng trước màn hình hoặc cảm biến, Florence sẽ tự động đo các thông số và lưu trữ chúng an toàn trên hệ thống IoT.

Sau khi bác sĩ hoàn thành các bước khám và điều trị, Florence tiếp tục đảm nhận vai trò 'hậu cần'. Robot sẽ cung cấp cho bệnh nhân những giải thích cụ thể hơn về phác đồ điều trị, nhắc nhở về lịch uống thuốc, cung cấp các chỉ dẫn sau khi điều trị hoặc chuẩn bị cho những lần kiểm tra sức khỏe tiếp theo.

Florence cũng có khả năng trả lời các câu hỏi thường gặp của bệnh nhân. Nhờ tính năng giao tiếp qua giọng nói và màn hình cảm ứng, bệnh nhân dễ dàng đặt câu hỏi hoặc nhận thông tin bổ sung mà không cần sự hỗ trợ trực tiếp từ nhân viên y tế.

D
Dự án "Robot điều dưỡng tích hợp AIoT và điều hướng tự động" nhận giải Nhất
Cuộc thiBach Khoa Innovation năm 2024. Ảnh: BK

Thơ cho biết thêm, nhóm đang cố gắng phát triển robot y tá có giá thành bằng 1/5 so với nhập khẩu (khoảng 60 nghìn USD, đã gồm giá vận hành, bảo trì).

Đến nay, robot mới được thử nghiệm trong phòng thí nghiệm. Nhóm sẽ tiếp tục cải tiến sản phẩm, tối ưu thiết kế và khả năng di chuyển thông minh của robot để phù hợp với không gian và yêu cầu của môi trường bệnh viện, sau đó tiến hành thử nghiệm thực tế tại bệnh viện.

Dự án “Robot điều dưỡng tích hợp AIoT và điều hướng tự động” của nhóm sinh viên vừa đoạt giải Nhất của Cuộc thi Bach Khoa Innovation năm 2024 mới đây.

Đăng số 1316 (số 44/2024) KH&PT