Khám phá mới đã làm thay đổi những quan niệm trước đây về cuộc sống đô thị trên vùng núi xa xôi ở Trung Á từ hơn một nghìn năm trước.
Nghiên cứu mang tính đột phá này do nhà khảo cổ Michael Frachetti tại Đại học Washington ở St. Louis (Mỹ) và Farhod Maksudov, Giám đốc Trung tâm Khảo cổ học Quốc gia Uzbekistan, thực hiện bằng cách áp dụng công nghệ LiDAR – công nghệ phát hiện và đo khoảng cách bằng tia laser. Công nghệ LiDAR sử dụng thiết bị trên không để quét cảnh quan bên dưới với hàng nghìn xung ánh sáng laser mỗi giây, từ đó tiết lộ các chi tiết ẩn bên dưới cây cối và những vật che phủ khác.
Cuộc sống thịnh vượng trên núiDữ liệu khảo sát đã hé lộ tàn tích của thành phố cổ Tugunbulak ở độ cao lên tới 2.200m, tương đương với độ cao của thành phố Machu Picchu trên dãy Andes của Peru. Thành phố này phát triển thịnh vượng từ thế kỷ 6 đến thế kỷ 11 với dân số hàng chục nghìn người. Nó bao phủ diện tích khoảng 120ha, và là một trong những khu định cư lớn nhất thời bấy giờ, theo kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature vào ngày 23/10.
“Công nghệ LiDAR đã giúp chúng tôi phát hiện thành phố Tugunbulak nằm ngay trước mắt, nhưng trước đây không ai nhận ra”, Frachetti cho biết. “Công nghệ này tạo điều kiện cho chúng tôi quan sát toàn cảnh thành phố, cả về kích thước và quy mô của nó với mức độ chi tiết đáng kinh ngạc”.
Cách đó khoảng 5km, nhóm nghiên cứu phát hiện thêm một thành phố đông đúc khác gọi là Tashbulak, có quy mô nhỏ hơn so với Tugunbulak. Họ cũng sử dụng công nghệ LiDAR để vẽ bản đồ 3D chi tiết khu vực.
Thật khó để hình dung những thành phố có quy mô lớn như vậy lại phát triển thịnh vượng trong một môi trường khắc nghiệt, phủ đầy tuyết và gió thổi mạnh – nơi mà ngày nay cũng chỉ có một số ít người du mục chăn nuôi dám lui tới. Mùa đông dài, vách đá dựng đứng và địa hình hiểm trở khiến việc canh tác nông nghiệp quy mô lớn gần như không thể diễn ra. Có lẽ đây là lý do khiến các nhà sử học và khảo cổ học ít chú ý đến khu vực hẻo lánh này trong suốt một thời gian dài.
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu của Frachetti tin rằng các trung tâm đô thị vùng cao ở Uzbekistan không chỉ tồn tại mà còn phát triển mạnh mẽ, theo những cách vượt xa kỳ vọng về khả năng của các xã hội miền núi thời Trung Cổ.
Cả hai thành phố Tashbulak và Tugunbulak đều có nhiều công trình kiến trúc kiên cố và thiết kế đô thị phức tạp, tận dụng tối đa địa hình đồi núi. Hình ảnh LiDAR với độ phân giải cao cung cấp góc nhìn chi tiết về nhà cửa, quảng trường, pháo đài và đường sá – những yếu tố góp phần định hình cuộc sống và kinh tế của các cộng đồng vùng cao này. Tugunbulak là thành phố lớn hơn, có năm tháp canh kết nối với nhau bằng các bức tường chạy dọc theo đỉnh núi, cùng một pháo đài trung tâm được bảo vệ bằng tường đá và gạch bùn.
“Khám phá này đã làm sáng tỏ mức độ phức tạp, quy mô và độ cao của các xã hội trong thời kỳ Trung Cổ dọc theo Con đường tơ lụa – mạng lưới các tuyến đường thương mại cổ xưa, rộng lớn, kết nối châu Âu và Đông Á”, nhóm nghiên cứu nhận định.
Sử dụng gió núi để rèn kim loạiTrong tiến trình lịch sử, các trung tâm đô thị lớn rất hiếm khi xuất hiện ở vùng núi cao. Các địa danh nổi tiếng như Machu Picchu, Cusco và Lhasa thường được xem là những trường hợp ngoại lệ, minh chứng cho sự bền bỉ và khả năng sinh tồn của con người trong điều kiện môi trường khắc nghiệt.
Tuy nhiên, người xưa có thể đã chọn vị trí xây dựng hai thành phố Tashbulak và Tugunbulak để tận dụng gió mạnh trên núi, duy trì ngọn lửa ở nhiệt độ cao để nấu chảy quặng kim loại. Một số cuộc khai quật khảo cổ trên quy mô nhỏ đã phát hiện một lò nung. Đây có thể là xưởng sản xuất, nơi những người thợ rèn đã biến đổi các quặng sắt phổ biến trong khu vực thành kiếm, áo giáp hoặc công cụ.
“Chúng tôi cần điều tra thêm, nhưng nhiều khả năng khu vực này được định hướng cho hoạt động luyện kim hoặc các công nghệ khác sử dụng nhiệt độ cao để biến đổi vật liệu”, Frachetti nhận định. “Vào giữa buổi sáng, Mặt trời làm nóng mặt đất, thúc đẩy hiện tượng đối lưu tự nhiên, tạo ra một luồng gió mạnh thổi lên các sườn núi – điều kiện lý tưởng để đốt lò rèn sắt”.
Nhóm nghiên cứu cho rằng nền kinh tế của thành phố Tugunbulak chủ yếu dựa vào nghề rèn và gia công kim loại, tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có và vị trí gần Con đường tơ lụa để giao thương với bên ngoài.
“Vào thời Trung Cổ, sắt và thép là những tài nguyên mà ai cũng mong muốn sở hữu, cùng với ngựa và chiến binh”, Frachetti nói. “Đây là thời kỳ có nhiều biến động nhanh chóng, khi mọi người cần sức mạnh để tồn tại. Những tài nguyên này giống như các mỏ dầu thời hiện đại, là yếu tố cần thiết cho sự phát triển kinh tế và chiến tranh”.
Những xã hội phức tạp trên núiTrong nhiều thế kỷ, các nhà sử học tìm hiểu về Con đường tơ lụa chỉ tập trung vào những bộ tộc du mục và đế chế phát triển tại vùng đất thấp ở Uzbekistan. Họ thường mô tả vùng núi là khu vực ngoại vi, ít quan trọng hơn so với cuộc sống ở thung lũng bên dưới. Tuy nhiên, sự xuất hiện của các trung tâm đô thị rộng lớn trên những ngọn núi hiểm trở ở phía Đông Nam Uzbekistan cho thấy vùng núi cũng tồn tại những xã hội riêng biệt, với nền kinh tế, hệ thống chính trị và văn hóa phức tạp.
“Sự phát triển đô thị ở vùng núi không phải là hiện tượng hiếm gặp tại Trung Á, mà là một phần của bức tranh rộng lớn và phức tạp hơn về cuộc sống thời Trung Cổ”, Frachetti nhận định. “Những xã hội này hình thành ở độ cao lớn, nằm ngoài vùng đất thích hợp cho phát triển nông nghiệp. Đây là điều đáng ngạc nhiên, vì không ai nghĩ rằng một thành phố lớn có thể tồn tại ở vị trí xa xôi, khó khăn cho canh tác như vậy”.
Các nhà nghiên cứu sẽ tiếp tục tìm hiểu thêm về những người dân sống trong khu vực, nhưng rõ ràng là họ đã phát triển lối sống riêng, khác hẳn với các xã hội nông nghiệp điển hình thời bấy giờ. “Họ không phải là các bộ lạc du cư, cưỡi ngựa giống như sách lịch sử thường mô tả. Đây là những cộng đồng vùng núi, có hệ thống chính trị và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị lớn. Điều này đã làm thay đổi hoàn toàn những gì chúng ta từng biết về lịch sử Trung Á”, Frachetti nói.
Theo: National Geographic