TS. Phương Hữu Khiêm (Đại học Thái Nguyên) và TS. Thảo Bùi (Queens College CUNY, Mỹ) đã thực hiện một đánh giá khảo sát về hiệu quả của chương trình Chăm sóc sức khỏe nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Chăm sóc y tế cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: Ảnh: Ủy ban Dân tộc
Triển khai chương trình chăm sóc y tế cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: Ảnh: Ủy ban Dân tộc

Trong công bố của mình, họ cho rằng, trong vài thập kỷ qua, Việt Nam đã có những cải thiện đáng kể về vấn đề chăm sóc sức khỏe, trở thành một điển hình về việc một quốc gia có thu nhập thấp đạt được thành công lớn trong y tế công cộng.

Nhận thấy sự tồn tại của bất bình đẳng trong tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe giữa người nghèo, dân tộc thiểu số và các nhóm dễ bị tổn thương khác, Chính phủ đã triển khai chương trình hỗ trợ chăm sóc sức khỏe tại các vùng dân tộc thiểu số vào năm 2013.

Xem xét tác động của chương trình này đối với việc sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở những người cao tuổi từ 55 đến 74 tuổi, hai nhà nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu từ "Khảo sát mức sống hộ gia đình Việt Nam" từ năm 2008 đến năm 2018 và mô hình khác biệt kép (difference-in-differences approach).

Kết quả cho thấy, chương trình có tác động tích cực đến các lượt khám nội trú tại các cơ sở y tế công. Tuy vậy, chương trình này lại không có tác động đến các lượt khám ngoại trú. Việc phân tích bổ sung cho thấy chương trình cũng làm tăng lượt khám ngoại trú tại các trạm y tế xã và lượt khám nội trú tại các bệnh viện huyện.

Do đó, họ đi đến kết luận là cung cấp các nguồn lực chăm sóc sức khỏe cho các khu vực khó khăn có thể làm tăng cơ hội sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi, từ đó có thể cải thiện sức khỏe của họ.

Nội dung được trình bày chi tiết trong bài báo “The healthcare support program and healthcare utilization of older adults in ethnic minority areas in Vietnam”, xuất bản trên tạp chí Social Science & Medicine.

Đăng số 1316 (số 44/2024) KH&PT