Những thiết bị dùng để đào tạo và chạy các mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) có thể tạo ra từ 1,2 đến 5 triệu tấn chất thải điện tử trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2030.

Ảnh: Elytus.
Ảnh: Elytus.

Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Computational Science vào ngày 28/10, các nhà khoa học tại Viện Khoa học Trung Quốc và Đại học Reichman (Israel) cảnh báo, những thiết bị dùng để đào tạo và chạy các mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) có thể tạo ra từ 1,2 đến 5 triệu tấn chất thải điện tử trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2030.

Phần lớn chất thải điện tử bắt nguồn từ những phần cứng hiệu năng cao như bộ xử lý đồ họa (GPU), bộ xử lý trung tâm (CPU), các mô-đun bộ nhớ và thiết bị lưu trữ. Những thiết bị này có vòng đời ngắn, thường chỉ kéo dài khoảng ba năm. Việc sản xuất chúng không chỉ tiêu tốn một lượng lớn kim loại quý như vàng, bạc, đồng mà còn chứa các nguyên tố độc hại như chì và thủy ngân. Khi không được xử lý đúng cách, các chất độc có thể gây hại nghiêm trọng đến sức khỏe con người và môi trường.

Chất thải điện tử liên quan đến AI tập trung chủ yếu ở các khu vực phát triển như Bắc Mỹ, châu Âu và Đông Á, nơi có nhiều các trung tâm dữ liệu lớn.

Theo Báo cáo giám sát chất thải điện tử toàn cầu năm 2024 của Liên Hợp Quốc, hiện nay chỉ có khoảng 22% rác thải điện tử được thu gom và tái chế.

“Một số giải pháp có thể giúp giảm thiểu chấtthải điện tử từ ngành công nghiệp AI bao gồm kéo dài tuổi thọ phần cứng, tái sử dụng và tân trang lại các linh kiện, cũng như thiết kế phần cứng dễ tái chế hơn”, Asaf Tzachor, đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết. “Nếu các biện pháp này được thực hiện một cách toàn diện, lượng chất thải điện tử sẽ giảm từ 16-86%”.

Tuy nhiên, một rào cản lớn là vấn đề an ninh dữ liệu, khi nhiều công ty lo ngại rằng việc tái sử dụng hoặc tái chế thiết bị có thể làm rò rỉ thông tin. Do đó, việc xóa sạch dữ liệu nhạy cảm trước khi tái sử dụng là rất quan trọng.

Nguồn: Techxplore, MIT

Đăng số 1316 (số 44/2024) KH&PT