Một nghiên cứu mới đây đo lường quy mô kinh tế số của Việt Nam cho thấy, tỷ trọng “kinh tế số cốt lõi” đóng góp vào GDP đã tăng gần 5 lần sau 12 năm, kể từ năm đầu tiên được đo lường, vào 2007.

Ảnh: Viettel
Ảnh: Viettel

Nghiên cứu được đăng trên tạp chí Telecommunication Policy sử dụng khái niệm tác động lan tỏa trong lĩnh vực kỹ thuật số (digital spillover) và mô hình dữ liệu bảng (panel model) để đo lường đóng góp của nền kinh tế số cốt lõi và kinh tế số hóa vào GDP của Việt Nam.

Kinh tế số cốt lõi (core digital economy) được hiểu là lĩnh vực kỹ thuật số, bao gồm sản xuất phần cứng ICT (công nghệ thông tin và truyền thông), dịch vụ ICT và nội dung số; còn kinh tế só hóa (digitalized economy) bao gồm tất cả các hoạt động sử dụng công nghệ số trong nền kinh tế hiện nay.

Các tính toán và phân tích cho thấy, quy mô nền kinh tế số cốt lõi của Việt Nam đã tăng nhanh trong hơn một thập niên qua. Nếu như năm 2007, tỷ trọng của nền kinh tế cốt lõi trong GDP chỉ là 1,45% thì vào năm 2019, con số này tăng lên 7,08%.

Thứ hai, quy mô nền kinh tế số hóa của Việt Nam tăng trưởng đáng kể từ năm 2007 đến năm 2019. Trong giai đoạn 2007–2011, nền kinh tế số hóa chiếm 4,90% GDP. Con số này tăng lên 11,56% trong giai đoạn 2016–2019.

Nghiên cứu cũng đánh giá, tăng trưởng của nền kinh tế số hóa chủ yếu dựa trên sự tăng trưởng của nền kinh tế số cốt lõi. Do đó, tác động lan tỏa trong nền kinh tế số hóa của Việt Nam trong thời gian qua thay đổi không đáng kể.

Nghiên cứu này đưa ra hàm ý rằng Việt Nam cần có chính sách phát triển nền kinh tế số cốt lõi và đẩy mạnh chuyển đổi số để đạt được mục tiêu nền kinh tế số hóa chiếm tỉ trọng 20% GDP vào năm 2025 và 30% vào năm 2030.

Đăng số 1316 (số 44/2024) KH&PT