Đại tá John Boyd (1927 – 1997) là một huyền thoại của Không lực Hoa Kỳ, nhưng không phải nhờ thành tích trong chiến trận, mà là những lý thuyết và mô hình tư duy chiến lược OODA loop do ông phát triển – hiện đang ảnh hưởng sâu rộng trên nhiều lĩnh vực như quân sự, thể thao, kinh doanh, tố tụng... và có thể áp dụng trong cuộc chống Covid-19.
Sau khi tốt nghiệp ngành kinh tế (ĐH Iowa) và kỹ sư (ĐH Công nghệ Georgia), Boyd tham gia giai đoạn cuối của Chiến tranh Triều Tiên (1950 – 1953) trong vai trò phi công yểm trợ (wingman), và do đó chưa kịp lập nhiều công trạng. Tuy nhiên, không đoàn F-86 Sabre của ông đã giành chiến thắng áp đảo trước những chiếc Mig-15 của đối thủ, với tỷ lệ bắn hạ/bị hạ kinh ngạc (lên tới 10:1).
Về Mỹ, ông được chọn tham gia khóa đào tạo chuyên sâu tại Trường Chiến tranh Không lực (Fighter Weapons School) danh tiếng, rồi trở thành giảng viên ở đây. Bên cạnh danh hiệu “Boyd 40 giây” (khoảng thời gian mà ông cần để hạ đối thủ trong tất cả các cuộc đấu tập không chiến), Boyd còn dành rất nhiều thời gian nghiên cứu, phân tích dữ liệu và phát hiện ra nguyên nhân giúp các phi công Mỹ chiếm ưu thế tại Triều Tiên. Đó là khả năng nhận diện tình huống tốt hơn nhờ tầm nhìn rộng trên vòm những chiếc F-86.
Từ đó, ông đã phát triển mô hình OODA loop (vòng lặp OODA) về việc ra quyết định trong các tình huống cụ thể như không chiến (dogfight), với giả thiết: quyết định cuối cùng là kết quả của một chuỗi những hành vi đúng đắn, mà ở đó vấn đề được nhìn nhận theo chu kỳ gồm 4 hành động: Quan sát (Observation), Định hướng (Orientation), Quyết định (Decision) và Hành động (Action). Đó cũng là kỹ năng cần thiết quyết định sự sống sót của phi công chiến đấu, những người cần tự rút ngắn vòng lặp của chính mình bằng cách phải phản ứng nhanh hơn khả năng theo kịp của đối phương.
Lý thuyết này sau đó đã được Không lực cùng các nhà thầu nghiên cứu, vận dụng rất kỹ trong quá trình phát triển những dòng máy bay chiến đấu đặc biệt thành công là F-15, F-16 và F-18, rồi lan tỏa sang nhiều địa hạt khác đòi hỏi tư duy chiến lược.
Việc đương đầu với đại dịch COVID-19 phần nào cũng giống như không chiến. Hãy lưu ý về các vòng lặp ở đây. Chẳng hạn, ba tuần trước, chúng ta nhắc nhở nhau rửa tay khi ra ngoài, nhất là tại nơi công cộng; Hai tuần trước, chúng ta mang theo nước rửa tay và thậm chí cả thuốc khử trùng để lau bàn ăn trên các chuyến bay; Một tuần trước, chúng ta tranh cãi về việc có nên nghỉ tại nhà và làm việc từ xa; Cuối tuần vừa rồi, chúng ta lùng mua dao kéo, chén đĩa sử dụng một lần, và tự hỏi có nên hủy tất cả tiệc tùng; và hôm nay, chúng ta đi vét hàng tồn kho, đặt thêm cả hàng trực tuyến phòng khi siêu thị bị đóng cửa đột ngột, hoặc bị nhốt cách ly trong nhà. Mức độ nghiêm trọng của COVID-19 đang không chỉ tăng nên mỗi ngày, mà nó thực sự còn làm cuộc sống của chúng ta hoàn toàn bị đảo lộn. Trong khi virus vẫn tiếp tục lây lan với tốc độ chóng mặt theo cấp số nhân, chúng ta lại phản ứng quá chậm, đến mức chỉ còn biết tìm cách thích nghi trong sự vật lộn.
Như tại Mỹ, chính quyền liên bang, tiểu bang và các địa phương đã phải dựa quá nhiều vào việc thu thập thông tin từ phía người dân để ra quyết định. Nhưng tại thời điểm mà thông tin có sẵn đang được xử lý, cùng những cân nhắc lợi hại và đề xuất giải pháp can thiệp trong phạm vi thận trọng và chấp nhận được, virus lại có xu hướng phát triển thành biến thể mới, lây nhanh và phức tạp hơn. Điều này cũng giống như chơi một ván cờ vua mà bạn liên tục bị các quân tốt hóa hậu của đối phương áp đảo. Việc suy tính trước một vài bước trên thực tế sẽ không mang nhiều ý nghĩa khi các quy tắc có thể bị thay đổi.
Tất nhiên virus chẳng cần hiểu điều đó, nó chỉ đơn giản là đang tự nhân lên. Sự không chắc chắn về tốc độ lan truyền, thời gian ủ bệnh, khả năng phục hồi cùng số người chính xác bị phơi nhiễm, bên cạnh những hạn chế của chính quyền trong việc cung cấp năng lực xét nghiệm đầy đủ lẫn phổ biến thông tin đáng tin cậy, đã đặt chúng ta vào tình huống liên tục bị chiếu tướng.
Quyết định nhanh để rút ngắn vòng lặp OODA là điều mà chúng ta cần làm nếu muốn sớm dẹp dịch. Như kinh nghiệm của Hàn Quốc, các cơ sở xét nghiệm lưu động, hạ tầng chuyên dụng để cách ly người bệnh ngay khi vừa xuất hiện triệu chứng (dù nhẹ), và chế tài nghiêm khắc đối với những vi phạm kiểm dịch, … đã tỏ ra khá hiệu quả, giúp nước này không bị vỡ trận như Ý.
Mặc dù vậy, các quyết định cũng cần được tham vấn đội ngũ chuyên gia uy tín, bằng không chúng ta sẽ rất dễ đi từ vòng lặp này sang vòng lặp khác, rồi lâm vào trạng thái hoảng loạn toàn diện. Như chuyên gia phân tích rủi ro nổi tiếng Nassim Taleb lập luận: những phản ứng cá nhân thái quá chỉ được xem là sự thận trọng khi xét ở cấp độ toàn xã hội.
Có hai bài học quý giá đúc kết từ lý thuyết của Boyd. Thứ nhất, con người thường mất thêm thời gian quyết định khi đứng trước quá nhiều lựa chọn. Năm 1952, nhà tâm lý học William Edmund Hick đã chỉ ra: với hai phương án để đáp lại một kích thích, các đối tượng thường phản ứng chậm hơn khoảng 58% so với trường hợp chỉ có duy nhất một lựa chọn (luật Hick). Vì thế, hãy thu hẹp lại lựa chọn, càng nhiều càng tốt, để hành động nhanh hơn, giống như nhấn phanh khi lái xe vậy. Luôn đặt chân lên bàn đạp [phanh] để sẵn sàng dừng lại ngay lập tức. Nếu mải nghĩ tới những gì cần thực hiện sau đó, vấn đề sẽ trở thành “Khi nào?”, thay vì “Giờ thì sao”.
Thứ hai, những định kiến và phản ứng mang nặng cảm xúc thường sẽ kéo dài các vòng lặp. Chẳng hạn, nếu cố tính phủ nhận sự yếu kém và khăng khăng rằng mình đã kiểm soát dịch hiệu quả, hoặc kỳ vọng vào phép lạ (dịch tự nhiên biến mất), chúng ta sẽ rất dễ trì hoãn những biện pháp quyết đoán nhẽ ra cần có, để rồi phải trả giá đắt. Theo nguyên lý Bayes, cơ sở logic của niềm tin thường dựa trên các quan sát và giả định ưu tiên, cùng sự đánh giá về những gì có/hoặc không có khả năng xảy ra trước khi thu thập được sự thật. Vì thế, hãy thật công tâm, đừng thiên kiến, sẵn sàng thừa nhận sự không chắc chắn để tránh bị dẫn lối bởi những giả định mơ hồ.
Sau cùng, cần thường xuyên cập nhật dữ liệu chính xác, kịp thời, giới hạn các khuyến nghị ở mức có thể tiên lượng, luôn chuẩn bị cho sai lầm và thực hiện những thay đổi, điều chỉnh cần thiết. Chỉ như vậy, chúng ta mới có thể sớm chiến thắng trong cuộc giao tranh khốc liệt này.