Dữ liệu cá nhân có thể giúp theo dõi người bệnh, truy tìm các tiếp xúc và kiểm soát lây nhiễm, nhưng việc truy cập vào dữ liệu này đứng trước các vấn đề pháp lý và đạo đức.

Hơn 3 tỷ chiếc điện thoại thông minh lưu hành trên khắp thế giới đang tạo ra loại dữ liệu mà các cơ quan y tế thèm muốn trong thời gian dịch bệnh như hiện nay. Dữ liệu này cho thấy các cá nhân đang ở đâu, nơi họ đã từng đi qua, những người mà họ có thể đã tiếp xúc hoặc thậm chí cho thấy họ đã chạm vào ai. Đây là những thông tin có thể tạo ra "bản đồ" những người bị nhiễm bệnh và là manh mối để kiểm soát lây nhiễm.

Nhưng việc truy cập vào dữ liệu này, ngay cả khi xảy ra đại dịch toàn cầu, trở nên phức tạp bởi các vấn đề pháp lý và đạo đức xung quanh việc chính phủ truy cập thông tin về cuộc sống riêng tư của công dân - bao gồm các mối quan hệ, hoạt động chính trị, niềm tin tôn giáo và các hoạt động thể chất của họ phản ánh qua dữ liệu điện thoại.

Ứng dụng bản đồ của Baidu Inc. (Trung Quốc) hiển thị các địa điểm mà những người đã xét nghiệm dương tính với virus corona đã đến.

Nhiều người ủng hộ quyền riêng tư cũng nhận thấy giá trị trong việc cung cấp cho các cơ quan y tế công cộng quyền truy cập vào dữ liệu được tạo ra bởi điện thoại thông minh. Điều này đặc biệt hợp lý nếu dữ liệu được chia sẻ tự nguyện, như đã diễn ra ở một số quốc gia, nơi người dùng có thể tự nguyện cung cấp lịch sử vị trí của họ cho cơ quan y tế.

Nhưng có nhiều lo ngại về chương trình đang diễn ra ở Israel: nước này sử dụng dữ liệu vị trí mà chính phủ thu thập để chống khủng bố để xác định những người có khả năng tiếp xúc với virus corona và ra lệnh cho họ cách ly ngay lập tức để "bảo vệ người thân và công cộng." Các cơ quan y tế nước này đã gửi hàng trăm văn bản như vậy. Sau đó Tòa án Tối cao của Israel đã phải ban hành lệnh cấm tạm thời, chỉ cho phép theo dõi những người đã xét nghiệm dương tính.

Tại Hoa Kỳ, Nhà Trắng đã đàm phán với các công ty công nghệ lớn, bao gồm Google và Facebook, O2 về khả năng sử dụng dữ liệu vị trí tổng hợp và ẩn danh được tạo bởi điện thoại thông minh. Theo The Washington Post, Thượng nghị sĩ Edward J. Markey đã gửi thư để đặt vấn đề mối quan hệ đối tác tiềm năng giữa chính phủ liên bang và các công ty tư nhân.

"Mặc dù tôi đồng ý rằng chúng ta phải sử dụng sự công nghệ mới và hợp tác với khu vực tư nhân để chống lại virus corona, chúng ta không thể chấp nhận hành động xâm phạm quyền riêng tư, đặc biệt là liên quan đến thông tin vị trí cá nhân và các thông tin rất nhạy cảm," Markey viết cho Michael Kratsios, quan chức phụ trách công nghệ của chính phủ. "Tôi yêu cầu ông cân bằng quyền riêng tư với bất kỳ giải pháp dựa trên dữ liệu nào để đối phó với cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng hiện nay."

Các đại gia viễn thông ở Áo, Đức và Ý cũng cho biết họ sẽ cung cấp dữ liệu ẩn danh về các địa điểm của khách hàng cho các cơ quan chính phủ để phân tích các hoạt động di chuyển của người dân.

Các chuyên gia bảo mật nhiều lần đã chỉ ra rằng dữ liệu được cho là ẩn danh vẫn có thể được sử dụng để xác định từng người, dựa trên các di chuyển đã biết của họ và các dấu hiệu khác. Dữ liệu vừa ẩn danh và vừa tổng hợp thì sẽ riêng tư hơn, nhưng cũng ít hữu ích hơn trong việc xác định những người đặc biệt có nguy cơ nhiễm virus corona và lây lan sang người khác.

Chính phủ Hoa Kỳ có thẩm quyền yêu cầu dữ liệu cá nhân trong trường hợp khẩn cấp quốc gia, nhưng không có thẩm quyền, ngoại trừ trong các cuộc điều tra hình sự, để yêu cầu các công ty giao nộp dữ liệu này, Al Gidari, giám đốc quyền riêng tư tại Trung tâm Luật học Internet và xã hội Stanford, nói.

Với các biện pháp bảo vệ phù hợp, Gidari cho biết có thể dùng dữ liệu vị trí để chống lại virus corona mà vẫn bảo vệ quyền riêng tư của mọi người. Nhưng hiện tại không có kiểm soát pháp lý nào về cách chính phủ liên bang có thể sử dụng dữ liệu sau khi đã thu thập, do đó thông tin vị trí được thu thập cho trường hợp khẩn cấp sau đó có thể được FBI hoặc IRS dùng lại.

Sự phức tạp như vậy làm các công ty khó cân bằng an toàn công cộng và quyền riêng tư của khách hàng trong việc quyết định chia sẻ dữ liệu.

Những ví dụ thành công

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia y tế công cộng nói rằng có những ví dụ ở nước ngoài về việc dùng công nghệ để nhanh chóng hạn chế bùng phát dịch.

Tại Hàn Quốc, chính phủ đã chỉ đạo hàng chục ngàn người bị cách ly cài đặt ứng dụng "Bảo vệ an toàn tự cách ly", theo dõi vị trí điện thoại của họ và cảnh báo các cơ quan y tế nếu họ rời khỏi nhà. Mọi người cũng có thể sử dụng ứng dụng này để báo cáo triệu chứng hàng ngày và nói chuyện với giới chức chính quyền địa phương giám sát họ. Nhưng vì ứng dụng này là tự nguyện, một số nhà phê bình cho rằng giá trị của nó bị hạn chế; những người muốn trốn tránh kiểm dịch có thể tắt ứng dụng.

Các quan chức Hàn Quốc cũng thường xuyên gửi tin nhắn văn bản tới điện thoại của người dân, bao gồm những lời khuyên và cảnh báo về sức khỏe cộng đồng về các ca nhiễm mới được xác nhận trong khu phố của họ, cùng với thông tin chi tiết về nơi mà ca nhiễm (giấu tên) đã đi trước khi bị cách ly.

Nhưng với trường hợp Hàn Quốc, bên cạnh công nghệ, nước này cũng có cơ sở hạ tầng sàng lọc sức khỏe rất mạnh, xét nghiệm hơn 300.000 người trong hai tháng, so với khoảng 80.000 ở Mỹ. Đây là yếu tố đã được các nhà nghiên cứu cho rằng đã giúp nước này hạn chế lây lan.

Singapore cũng yêu cầu mọi người sử dụng hệ thống theo dõi vị trí tự nguyện dựa trên mã QR - mã vạch vuông có thông tin có thể đọc được bằng điện thoại thông minh - được cài đặt trong xe taxi, văn phòng và không gian công cộng. Ở các điểm này người dân sẽ được hướng dẫn quét mã khi đi qua. Các quan chức y tế ở đó nói rằng "dấu vết" kỹ thuật số này có thể giúp lây nhiễm truy tìm các tiếp xúc của các ca nhiễm.

Đài Loan có cách tiếp cận mạnh tay hơn và dường như đã có hiệu quả, dân số ở đây là 24 triệu người mà chỉ ghi nhận 100 ca nhiễm, mặc dù nằm ngay 80 dặm ngoài khơi bờ biển Trung Quốc. Đài Loan sử dụng tính năng theo dõi vị trí điện thoại bắt buộc để thực thi kiểm dịch, gửi tin nhắn cho những người đi ra ngoài phạm vi phong tỏa của họ, chỉ đạo họ gọi cảnh sát ngay lập tức hoặc chịu mức phạt 33.000 USD. Những người không có điện thoại hỗ trợ GPS được chính phủ cấp một điện thoại trong toàn bộ thời gian cách ly.

Đối với những người khác, chính phủ có một ứng dụng cung cấp thông tin cập nhật hàng ngày về các ca nhiễm, hạn chế đi lại và chi tiết về tình hình lan truyền trong cộng đồng. Các cơ quan cũng công khai các dữ liệu thời gian thực, bao gồm các bản đồ trực tuyến về nơi mọi người có thể mua khẩu trang.

Mức độ thu thập và giám sát dữ liệu như vậy là rất riêng tư, nhưng Chi, giám đốc Trung tâm Sức khỏe Toàn cầu, cho biết, nó cũng mang lại cho người dân Đài Loan sự an tâm. "Khi công chúng không nhận được thông tin đầy đủ, thông tin giả mạo sẽ dễ lan truyền, và gây hoảng loạn," Chi nói. "Khi làm giống như Đài Loan, bạn cảm thấy an toàn và không phải lo lắng về việc ai bị nhiễm bệnh. Khác với ở Hoa Kỳ."

Nguồn: