Làm trong lĩnh vực nông nghiệp và theo dõi sự phát triển của nông nghiệp Việt Nam trong hơn 20 năm qua, chúng tôi nhận thấy rằng chặng đường đó không phải đường thẳng mà luôn có những nốt thăng trầm và nếu để ý, chúng ta có thể nhận thấy mỗi giai đoạn thường gắn với một từ khoá nổi bật.

Những từ khóa nổi bật

“Thâm canh tăng năng suất” chính là từ khoá nổi bật của giai đoạn những năm 1990, kéo theo rất nhiều phong trào sản xuất tạo lượng nông sản khổng lồ, không chỉ giải quyết nhu cầu lương thực trong nước mà còn đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu có thứ hạng trên thế giới ở một số cây trồng như lúa gạo, hồ tiêu, cà phê... “Hiện đại hoá nông nghiệp”, “Tích tụ ruộng đất” là những từ khoá nổi bật trong giai đoạn những năm 2000-2010, nó đã thúc đẩy mạnh mẽ việc áp dụng cơ giới hoá trên đồng ruộng, kéo theo động lực tích tụ ruộng đất rộng rãi.

Có điều, dù đạt được những kết quả được ca ngợi rộng rãi, thì phía sau những giai đoạn đó, chúng ta đều nhận ra những tồn tại mặt trái của nó là không hề nhỏ cả về kinh tế, xã hội và môi trường: chất lượng nông sản thấp, giá trị thấp, nông dân bỏ ruộng, môi trường xuống cấp.... Điều đó khiến cho sự cân bằng giữa ba trục của khái niệm phát triển bền vững cứ bị lệch đi.

Vài năm trở lại đây, “nông nghiệp công nghệ cao - NNCNC” lên ngôi như một xu thế hiện đại hứa hẹn đem lại nhiều lợi ích và bước đầu đã tạo nên một vài phong trào lan tỏa trong xã hội. Trước quá nhiều bài học hậu quả từ quá khứ, có lẽ chúng ta cần phải dừng lại trước vòng xoáy sắp đến để nghiền ngẫm đúng đắn tính khả dụng của khái niệm trên.

 Canh tác ngô ở Hà Giang. Ảnh: Báo Hà Giang.
Canh tác ngô ở Hà Giang. Ảnh: Báo Hà Giang.

Trước khi nói cụ thể về nông nghiệp công nghệ cao, chúng tôi muốn kể về những câu chuyện sinh động và mới nhất về nông nghiệp ở hai địa phương nơi chúng tôi vừa mới thực địa:

Hãy nhìn vào Gia Lai. Thiên nhiên ưu đãi, với bạt ngàn hồ tiêu, cà phê và đóng góp vào giá trị xuất khẩu hàng tỷ đô-la. Nhưng hơn hai năm trở lại đây, hồ tiêu đang trở thành một gánh nặng quá sức với nhiều nông dân. Tháng tư này khi đến Gia Lai, không khó khi chứng kiến những khu vườn xơ xác mà nhiều người cay đắng gọi là “nghĩa địa tiêu”.

Trên 4.200 tỷ đồng là con số nông dân trồng tiêu tại Gia Lai đang nợ ngân hàng và hầu hết không có khả năng trả nợ. Họ đang chịu hậu quả từ chính hành động cách đây 20 năm: “thâm canh tăng năng suất”. Nông dân ồ ạt mở rộng diện tích, phá rừng làm trang trại, sử dụng không kiểm soát phân bón và các loại thuốc bảo vệ thực vật. Trong khi đó, hơn 90% diện tích sử dụng cùng một loại giống hồ tiêu dẫn đến tình trạng mất cân bằng sinh thái nghiêm trọng. Hạn hán và dịch bệnh bùng phátkhông thể ngăn chặn đã khiến tiêu chết hàng loạt. Năm 2018, giá tiêu liên tục giảm mạnh đến hơn 80% so với thời kì cao nhất năm 2015 và dự báo giá sẽ còn tiếp tục giảm do tổng sản lượng vẫn sẽ tăng trong ít nhất 2 năm nữa.

Bài học hồ tiêu có lẽ không phải lần đầu diễn ra, nông dân Việt Nam đã luôn vấp phải những sai lầm cũ để luôn phải “đối phó”, “sửa sai” hay “giải cứu” hết sản phẩm này đến sản phẩm khác.

Hãy nhìn vào Hà Giang, quê hương của đá, nơi người dân bao đời trồng ngô bản địa– với khả năng sống dai dẳng đến 5 tháng trời chỉ dựa vào nước trời, một chút đất giữa những kẽ đá. Đã nhiều lần tiến bộ công nghệ về giống đưa lên đây ngô lai năng suất cao, thời gian sinh trưởng ngắn vượt trội so với giống bản địa, nhằm giúp họ có “của ăn của để”. Thế nhưng không có giống ngô lai nào chịu sống tốt ở vùng khắc nghiệt này. Một lãnh đạo huyện Mèo Vạc đề nghị chúng tôi xem có giải pháp tiến bộ nào có thể áp dụng được cho nông nghiệp nơi này không?

Khó khăn của Hà Gianggợi nhớ đến lịch sử của Israel - đất nước nổi tiếng với nông nghiệp công nghệcao,khi người ta phát triển công nghệ cao để giải quyết khó khăn từ chính thực tế thiếuđất canh tác. Còn Gia Lai, có lẽ do thiên nhiên quá ưu đãi mà người ta chưa phảisáng tạo nhiều. nhưng giờ nơi đây cần công nghệ cao để kiểm soát quy trình sảnxuất một cách khoa học, bền vững.

Đồng bộ và hài hòa

Theo Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường thuộc Bộ NN&PTNT, thì nông nghiệp công nghệ cao là nền nông nghiệp được áp dụng những công nghệ mới vào sản xuất, bao gồm: công nghiệp hóa nông nghiệp (cơ giới hóa các khâu của quá trình sản xuất), tự động hóa, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới, công nghệ sinh học và các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng, đạt hiệu quả kinh tế cao trên một đơn vị diện tích; và phát triển bền vững trên cơ sở canh tác hữu cơ.

Tập huấn quy trình chăm sóc phục hồi vườn tiêu ở Gia Lai. Ảnh: gialai.gov.vn
Tập huấn quy trình chăm sóc phục hồi vườn tiêu ở Gia Lai. Ảnh: gialai.gov.vn

Bản thân khái niệm này mang nhiều nội hàm chưa cụ thể: Công nghệ luôn phát triển, do đó một công nghệ nào đó gọi là cao đối với nước này nhưng có thể là lạc hậu so với nước khác, cao so với giai đoạn này nhưng sẽ nhanh chóng trở thành lạc hậu trong vài ba năm tiếp theo, đặc biệt là công nghệ thông tin. Do đó, việc lựa chọn một công nghệ để áp dụng cho từng nơi có lẽ không hẳn vì nó “cao” đến đâu mà quan trọng hơn là nó xuất phát từ nhu cầu và phù hợp với điều kiện thực tiễn của vùng đó.

Ví như Hà Giang, quê hương của đá, nơi người dân bao đời được nuôi sống bởi loại cây trồng quen thuộc là cây ngô. Đã nhiều lần tiến bộ công nghệ về giống đưa lên đây những tên tuổi ngô lai năng suất cao vượt trội, chất lượng tốt vượt trội, và thời gian sinh trưởng thì ngắn vượt trội so với giống ngô bản địa với mục đích giúp bà con có của ăn của để. Khó khăn của Hà Giang gợi nhớ đến lịch sử của Israel - đất nước nổi tiếng phát triển CNC để giải quyết chính thực tế thiếu đất canh tác. Hà Giang có lẽ là nơi cần công nghệ hơn cả nhưng dường như ít người quan tâm.

Sản xuất kinh tế luôn cần phải được đặt trong một thế cân bằng thường thấy với môi trường và xã hội. Nếu luôn tính toán đến điều đó một cách đầy đủ, có lẽ chúng ta sẽ không ồ ạt phá bỏ hết những đồi thông đẹp đẽ để biến thành những “cánh đồng trắng” với bạt ngàn nhà lưới, nhà kính như thường thấy ở Lâm Đồng; Chúng ta cũng sẽ không ồ ạt đẩy mạnh ba vụ lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long để giá lúa thấp, luôn bấp bênh và nông dân thì dường như nghèo hơn; và chúng ta sẽ suy nghĩ lại đến thứ hạng xuất khẩu của cà phê, hồ tiêu nếu thấy những hậu quả nặng nề về sinh thái đe doạ khu vực Tây Nguyên.

nông nghiệp bền vững

Đại đa số nông dân hiện nay chưa hiểu được nông nghiệp công nghệ cao là gì, có lẽ chỉ một từ họ quan tâm nhất, đó là: bán được giá. Thế nhưng nông nghiệp Việt Nam đang rất yếu ở khâu thị trường. Người nông dân vẫn chủ yếu nhìn nhau để sản xuất chứ không theo tín hiệu của thị trường hoặc thậm chí không có thông tin thị trường, đôi khi phớt lờ sự khuyến cáo của các chuyên gia, và các hiệp hội nông nghiệp, cơ quan quản lý không có đủ dữ liệu để có thể điều chỉnh việc sản xuất và liên kết nông nghiệp thành chuỗi có hiệu quả cáo hơn. Và khi tình trạng thời tiết, khí hậu cực đoan, ô nhiễm, dịch bệnh xảy ra ngày càng nhiều hơn thì từng ngành trong nông nghiệp lại rơi vào thế điêu đứng.

Như các từ khoá khác, NNCNC không phải là mục tiêu của ngành nông nghiệp mà chỉ là một phương thức canh tác, nó không thể giải quyết được toàn bộ những khó khăn của nền nông nghiệp hiện nay. Có lẽ hơn cả, từ khóa mà chúng ta cần thúc đẩy phải là “nông nghiệp bền vững”. Bền vững đến từ sự hài hoà, sự hài hoà đến từ việc từ bỏ tư duy chạy theo một cực kinh tế, từ bỏ tư duy coi phát triển là một cuộc đua để đuổi theo những lợi ích ngắn hạn.

Trên góc nhìn tổng quan, chúng tôi đề xuất năm trụ cột của ngành nông nghiệp cần quan tâm để có sự phát triển bền vững, đó là: Thị trường; Tổ chức sản xuất; Công nghệ; Tài chính; Nguồn nhân lực. Theo đó, công nghệ cao áp dụng trong nông nghiệp cũng chỉ là một trụ cột và cần phải hài hoà với tổng thể, nhưng nó sẽ cung cấp công cụ có khả năng liên kết các trụ cột kia lại.

Hãy hình dung một hệ thống quản lý nông nghiệp trong đó ở mức độ vi mô – các nông dân, trang trại, doanh nghiệp ứng dụng những phương thức công nghệ phù hợp để tăng chất lượng, năng xuất và giá trị sản phẩm mà vẫn đảm bảo sử dụng tối ưu tài nguyên và giảm tác động môi trường. Nông nghiệp sẽ không đi một mình mà liên kết với các ứng dụng tiến bộ từ công nghệ thông tin, IoT, AI,… để hình thành những chuỗi giá trị cao hơn, hoạt động liên tục trong một vòng lặp có phản hồi từ sản xuất, đến vận tải, phân phối, và tiêu dùng.

Nông nghiệp sẽ đòi hỏi nguồn nhân lực có trình độ cao hơn và các phương thức huy động vốn thuận tiện hơn. Và ở tầm vĩ mô, khi có những cơ sở dữ liệu quốc gia về nông nghiệp kết nối với nhau mà người dân có thể truy cập, những nhà quản lý và ra quyết định sẽ biết được tình hình sản xuất, chất lượng cung ứng, tác động môi trường-xã hội, để từ đó đưa ra những phân tích nhu cầu, dự đoán giá và điều chỉnh nền nông nghiệp một cách hài hòa.