Khoa học đang vướng vào rắc rối ngày một lớn do căng thẳng chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc. Việc tham gia các hội nghị quốc tế, thị thực nghiên cứu, kinh phí đầu tư cho khoa học… đều bị ảnh hưởng.

Nhà vật lý lượng tử Jian-Wei Pan – người dẫn dắt chương trình truyền thông lượng tử siêu bảo mật của Trung Quốc cũng khó xin được visa đến Mỹ. Nguồn: Nature
Nhà vật lý lượng tử Jian-Wei Pan – người dẫn dắt chương trình truyền thông lượng tử siêu bảo mật của Trung Quốc cũng khó xin được visa đến Mỹ. Nguồn: Nature

Ảnh hưởng lên khoa học Mỹ như thế nào?

Tháng 8/2018, ông Francis Collins - giám đốc Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH) đã viết một bức thư gửi hơn 10.000 viện nghiên cứu Mỹ đã nhận được tài trợ của NIH, bày tỏ sự lo ngại về việc “một số tổ chức quốc tế” đã tham gia vào các dự án nghiên cứu do NIH tài trợ. Ông Collins cho biết những cuộc điều tra được thực hiện trong 55 trường đại học Mỹ đã phát hiện một số vi phạm về tài trợ theo quy định của cơ quan chính phủ này là “vô cùng lớn” — bao gồm cả việc nhận kinh phí bí mật từ chính phủ nước ngoài hoặc chuyển tài sản trí tuệ từ các viện nghiên cứu Mỹ tới nhiều quốc gia khác, trong đó có Trung Quốc.

Tháng 2/2019, một thông báo từ Bộ Năng lượng Mỹ (DOE) cho biết đã ngăn cấm các nhân viên của bộ tham gia ký hợp đồng hoặc cấp học bổng cho các nhà nghiên cứu thuộc những chương trình tuyển dụng tài năng của các chính phủ ở các quốc gia “nhạy cảm” vì lo ngại mất thông tin về các nghiên cứu do Mỹ tài trợ.

Một nhà nghiên cứu ở Văn phòng khoa học của DOE nói với Nature rằng Bộ này đang nâng cao các chính sách an ninh trong quan hệ hợp tác quốc tế ở một số lĩnh vực nghiên cứu.

Bộ Thương mại Mỹ cũng đang cập nhật một số quy định về xuất khẩu công nghệ, có thể làm phức tạp thêm các quy định an ninh trên một phạm vi rộng các dự án nghiên cứu. Thậm chí với những quy định đang tồn tại, các nhà nghiên cứu đã thường xuyên hứng chịu những rắc rối - và cả các nghiên cứu sinh tham gia nghiên cứu - khi họ đề xuất các dự án để kiểm tra, hiệu chỉnh về mặt an ninh, Wayne Mowery - người phụ trách phần liên quan đến các thiết bị, hóa chất xuất nhập khẩu tại trường đại học bang Pennsylvania và chủ tịch Hiệp hội Những nhà kiểm soát xuất khẩu của trường đại học, nói. Thi thoảng, Mowery còn nói với các nhà nghiên cứu là sinh viên người Trung Quốc của họ có thể không được tham gia dự án.

Trong nhiều trường hợp, một số nhà nghiên cứu quyết định không tham gia dự án nữa, và với những trường hợp khác, các nhà nghiên cứu trẻ cho biết họ không thể có mặt trong danh sách thực hiện vì lý do an ninh, Mowery nói. Điều này dẫn tới một vấn đề đáng quan tâm trong trường Đại học Pennsylvania, nơi 30 đến 40% sinh viên quốc tế là người Trung Quốc và có thể ảnh hưởng đến việc thu hút sinh viên. “Nếu các sinh viên nói là khi không thể tham gia các dự án tiên tiến tại các trường đại học Mỹ, họ có thể tới những nơi khác,” Mowery lo ngại.

Trở ngại về visa

Những quy định mới về cấp visa đã được nêu. Sau một chính sách được đưa vào áp dụng từ tháng 6/2018, sinh viên Trung Quốc tốt nghiệp tại Mỹ muốn nghiên cứu robotics, hàng không và công nghiệp công nghệ cao tại Mỹ có thể khó có được visa 5 năm: chính sách này chỉ cho phép họ lấy visa theo từng năm.

Sự ngặt nghèo về visa cũng ảnh hưởng đến các nhà khoa học. Pan nói với Nature là ông đã để lỡ hai hội nghị quốc tế tại Mỹ năm 2019, bao gồm hội nghị của Hiệp hội Khoa học tiên tiến Mỹ (AAAS), nơi ông được trao giải Newcomb Cleveland cho một công bố xuất sắc trên tạp chí Science, vì ông không thể có được visa đúng thời điểm. “Rõ ràng là quá khó để nhận được một visa đi Mỹ,” Pan nhận xét.

Cuối cùng thì ông cũng nhận được visa với thời hạn 3 tháng vào tháng 3/2019. Trong quá khứ, ông đã nhận được visa một năm trong vòng dưới một tháng. “Khó khăn này dứt khoát là nguyên nhân gây trở ngại cho hợp tác khoa học giữa các nhà khoa học Mỹ và quốc tế’, ông nhận định.

Rất nhiều cuộc hội thảo khoa học lớn tại Mỹ đã chứng kiến những chậm trễ visa cho các nhà khoa học Trung Quốc. Peter Teuben – một nhà thiên văn học tính toán tại trường Đại học Maryland ở College Park từng giúp thành lập hội nghị Phần mềm và các hệ thống phân tích dữ liệu thiên văn tại College Park vào tháng 11/2018 – cho rằng, trong số 24 nhà nghiên cứu Trung Quốc đề xuất tham gia hội nghị thì chỉ có 6 là nhận được visa.

Và khoảng 300 nhà khoa học Trung Quốc đã không tham gia hội nghị của Hội Địa vật lý Mỹ ở Washington DC vào tháng 12/2018, nhiều hơn gấp đôi số lượng các nhà khoa học Trung Quốc không dự hội nghị năm 2017. Theo người phát ngôn của Hội này thì nguyên nhân chính là visa. Một quan chức của Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington DC, không muốn công khai danh tính vì sự nhạy cảm của tình hình hiện nay, cho biết, đại sứ quán nhận biết được sự gia tăng về số lượng sinh viên và học giả Trung Quốc không nhận được visa tới Mỹ theo các chương trình trao đổi học thuật Mỹ - Trung, các hội thảo trong vòng 12 tháng qua. Nguyên nhân của tình trạng này, theo ông là không rõ ràng.

Trước những khó khăn đó, Jay Siegel, người phụ trách trường Dược tại trường Đại học Thiên Tân, cho rằng Trung Quốc với lợi thế là các nguồn lực tự có, bao gồm các cơ sở nghiên cứu hiện đại, một lực lượng nghiên cứu lớn và các khoản đầu tư mạnh, đang “ngắm nghía” EU và coi đó là một nơi nhiều thu hút với nhiều cơ hội nghiên cứu hoặc phát triển doanh nghiệp, bởi có nhiều xu hướng cởi mở và dễ chấp nhận các mối hợp tác với Trung Quốc hơn so với Mỹ, Siegel nói.

Nếu vấn đề về visa vẫn tiếp tục thì các nhà nghiên cứu Trung Quốc sẽ đơn giản là quay sang củng cố mối hợp tác với đồng nghiệp EU. “Họ sẽ đến nơi họ được chào đón,” ông nói.

Minh bạch hóa thông tin hợp tác

Theo sau bước đi của NIH, nhiều trường đại học Mỹ đang cập nhật chính sách của mình về tài chính và sở hữu trí tuệ nhằm đảm bảo các mối hợp tác với những đối tác quốc tế đều phải được báo cáo một cách đúng đắn hoặc nhắc nhở các khoa về những chính sách hiện hành của nhà trường.

Các trường viện như trường Đại học California ở Berkeley, Viện công nghệ Massachusetts ở Cambridge, trường Đại học Stanford ở California, trường Đại học Minnesota ở Minneapolis và trường Purdue ở West Lafayette, Indiana đều đã bị giới hạn các mối hợp tác với công ty viễn thông Trung Quốc Huawei. Công ty này là nhà đầu tư chính cho các nghiên cứu trên khắp thế giới nhưng chính phủ Mỹ cùng với các quốc gia khác, đã kêu gọi về sự nguy hiểm cho an ninh quốc gia bởi vì có thể bị chính quyền Trung Quốc lợi dụng. Huawei chối bỏ rằng việc đầu tư cho nghiên cứu của mình là nỗi đe dọa an ninh các quốc gia.

Theo Tobin Smith, phó chủ tịch phụ trách chính sách Hiệp hội các trường đại học Mỹ ở Washington DC, các trường đại học cần thận trọng nhiều hơn trước sự can thiệp của nước ngoài trong nghiên cứu, Smith nói nhưng cũng cần giữ cân bằng với sự cần thiết của mở trong hợp tác hàn lâm và hợp tác quốc tế. “Cái gì là đúng và sai là điều khó phân biệt”, Smith nói. “Nó khiến các nhà quản lý nghiên cứu luôn luôn phải cân nhắc mọi lúc, mọi chỗ”.