Nếu dịch chuyển cấu trúc không gian vốn đã được mặc định cho mẹ và mẹ không chỉ là “cô giáo” lúc “ở nhà”..., chúng ta có thể xích lại mối liên kết bộ ba gia đình – nhà trường – xã hội, quan trọng hơn, cải thiện chất lượng giáo dục hướng đến thực tiễn.

Giáo dục, mà hiện thân là trường học, có vai trò to lớn trong quá trình phát triển tri thức nhân loại. Tuy nhiên, do cơ chế vận hành đặc thù với một số tính chất độc lập tương đối, trường học tiềm ẩn nguy cơ (nhiều nơi đã trở thành hiện thực) xa rời thực tiễn. Nội dung chương trình sách giáo khoa dễ bị tụt hậu; trường học khi đóng cửa với các yếu tố tiềm ẩn tác động tiêu cực tới học sinh (ví dụ: điện thoại thông minh hay mạng xã hội), có thể hạn chế cả những ảnh hưởng tích cực. Giáo viên, dẫu ở trạng thái lý tưởng của việc không ngừng học hỏi, vẫn không thể là chuyên gia trong mọi lĩnh vực, đa phần không phải là người nghiên cứu khoa học cơ bản, cũng thường không phải là người xây dựng kiến thức khoa học chuyên ngành.

Trong khi đó, trường học có một nguồn tiềm lực hứa hẹn góp phần giải quyết những vấn đề trên, nhưng chưa được huy động đúng mức: phụ huynh học sinh. Phụ huynh không chỉ là “nguồn tài chính”, mà còn là nguồn tài nguyên tri thức và kinh nghiệm, có thể khai thác để phát triển chất lượng học tập của học sinh.

Từ góc độ xã hội, phụ huynh là người lao động ở các ngành nghề khác nhau, đảm đương nhiều vị trí, có chuyên môn nhất định ở cả lý thuyết và thực tế. Như thế, phụ huynh có thể là chuyên gia - khái niệm “chuyên gia” được dùng trong mối tương quan với môi trường học đường, giáo viên và học sinh. Theo cách tổ chức và huy động của giáo viên, phụ huynh có thể trở thành những “chuyên gia” đặc biệt, kể những câu chuyện thực tiễn sống động, chia sẻ kĩ năng công việc với học sinh.

Tại Mỹ và Nhật Bản, hoạt động phối hợp với phụ huynh phát triển bài học theo hướng thực tiễn như vậy từ lâu đã trở nên quen thuộc.

Chính tổng thống Barak Obama, khi còn là một đứa trẻ, đã chuyển từ trạng thái mơ hồ và mặc cảm sang niềm tự hào về cha và tự tin hơn về bản thân, sau một lần cha ông được giáo viên mời tới nói chuyện về đất nước Kenya quê hương của ông, mở ra một xứ sở mà cả Obama và các bạn cùng lớp đều chưa bao giờ biết tới. Sự phối hợp tình cờ giữa giáo viên và phụ huynh của cậu bé Barak Obama đã đem lại một kết quả giáo dục tuyệt vời.
Xác định tham gia đổi mới nhà trường là một quyền của phụ huynh, một số trường học tại Nhật Bản mỗi học kì đã tổ chức khoảng 70-80% phụ huynh “tham gia vào việc học” ở tất cả các lớp. Ảnh minh họa: INT
Xác định tham gia đổi mới nhà trường là một quyền của phụ huynh, một số trường học tại Nhật Bản mỗi học kì đã tổ chức khoảng 70-80% phụ huynh “tham gia vào việc học” ở tất cả các lớp. Ảnh minh họa: INT

Khi Nhật Bản đổi mới toàn diện nhà trường theo mô hình “Cộng đồng học tập” (Manabu Sato), vai trò của phụ huynh cũng được nhấn mạnh. Xác định tham gia đổi mới nhà trường là một quyền của phụ huynh, một số trường học tại Nhật Bản mỗi học kì đã tổ chức khoảng 70-80% phụ huynh “tham gia vào việc học” ở tất cả các lớp (Sato & Sato, 2015, tr 57). Đến Việt Nam, mô hình “Cộng đồng học tập” hiện được Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ yếu tập trung áp dụng để đổi mới sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học cho giáo viên, song hoạt động phối hợp với phụ huynh vẫn còn bỏ ngỏ. Thiết nghĩ, nếu hoạt động phối hợp này được tổ chức có hệ thống, hướng đến chiều sâu chuyên môn, chúng ta có thể có thêm hi vọng về một cộng đồng giáo dục với những kết nối chặt chẽ hơn, vì người học.

Những thử nghiệm ban đầu


Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 với tính chất mở của sách giáo khoa và nội dung kiến thức tạo điều kiện, song cũng là thách thức cho giáo viên trong việc linh hoạt, tự chủ thiết kế những bài học gắn với thực tiễn. Việc mời phụ huynh tham gia vào nội dung bài học với tư cách chuyên gia có thể giúp giáo viên xây dựng hoạt động học tập đa dạng, hướng đến tính ứng dụng, giúp học sinh tiếp thu kiến thức từ nguồn tin đa chiều, đồng thời hình thành động lực học cụ thể, tích cực hơn.

Ảnh 1: Phụ huynh chia sẻ chủ đề "Tuyển dụng nhân sự" với học sinh 10 Pháp, Trường THPT Chuyên Bắc Giang, tháng 11/2022. Ảnh: TGCC
Phụ huynh chia sẻ chủ đề "Tuyển dụng nhân sự" với học sinh 10 Pháp, Trường THPT Chuyên Bắc Giang, tháng 11/2022. Ảnh: TGCC

Năm học 2022, tại Trường THPT Chuyên Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang, giáo viên đã tiến hành thử nghiệm, trong một quy mô nhỏ, hoạt động mời phụ huynh phối hợp tham gia vào bài học của học sinh. Ở chương trình Ngữ Văn 10, cuối bài học “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia” (Thân Nhân Trung), để giúp học sinh hiểu thêm về nhu cầu xã hội đối với người hiền tài và khuyến khích, định hướng các em học tập trở thành người có ích cho xã hội, giáo viên đã mời một phụ huynh làm trong ngành tuyển dụng nhân sự đến nói chuyện với học sinh về chủ đề “Tuyển dụng nhân sự” tại công ty phụ huynh đó đang làm việc. Những vấn đề cùng giáo viên thảo luận trước đó được phụ huynh cụ thể hóa bằng việc chia sẻ những câu chuyện thực tế ở công ty của mình: tầm quan trọng của việc tuyển chọn nhân sự với sự phát triển của công ty; tiêu chí tuyển chọn; một số câu hỏi tuyển dụng căn bản và cách trả lời; học sinh cần học gì và chuẩn bị hành trang gì để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của công ty; môn Ngữ văn có thể giúp các em như thế nào trong việc đáp ứng nhu cầu tuyển dụng… Tiếng nói của phụ huynh là tiếng nói của một nhân chứng đương đại, khiến kiến thức của một văn bản vốn cách xa học sinh hàng mấy thế kỉ trở nên gần gũi, thiết thực, liên quan trực tiếp đến cuộc sống xã hội, đánh thực nhu cầu phát triển cá nhân của các em.

Ảnh 2: Phụ huynh chia sẻ chủ đề "Thuyết phục người nghe trong diễn thuyết, hùng biện" với học sinh 10 Pháp, 10 Tin, 10 Sinh, Trường THPT Chuyên Bắc Giang, tháng 12/2022. Ảnh: TGCC
Phụ huynh chia sẻ chủ đề "Thuyết phục người nghe trong diễn thuyết, hùng biện" với học sinh 10 Pháp, 10 Tin, 10 Sinh, Trường THPT Chuyên Bắc Giang, tháng 12/2022. Ảnh: TGCC

Hay như trong nhóm bài học tạo lập văn bản “Nghệ thuật thuyết phục trong văn nghị luận” (Chương trình Ngữ Văn 10), giáo viên cũng mời một phụ huynh vốn là một diễn giả đến làm đồng giám khảo cho vòng chung kết cuộc thi tranh biện cấp lớp, đồng thời chia sẻ với các em về chủ đề “Thuyết phục người nghe trong diễn thuyết, hùng biện”. Tại buổi nói chuyện, vị phụ huynh, bằng kinh nghiệm của mình, đã giúp học sinh hiểu hơn về tầm quan trọng của năng lực diễn thuyết, hùng biện đối với một nhân sự chuyên nghiệp, củng cố cách thức triển khai chủ đề trong một bài hùng biện, đồng thời trả lời những băn khoăn của nhiều học sinh như: làm sao không bị run khi đứng trước đám đông, nghệ thuật thu phục bằng sự tôn trọng khán giả, khiêm tốn, cầu thị; phát triển tư duy tích cực trong thảo luận và trả lời câu hỏi…

Ngoài các bài học trong chương trình, khi dạy đến phần Ngữ Văn trong môn Giáo dục địa phương, để bổ trợ cho học sinh kĩ năng tạo lập video giới thiệu văn hóa, lịch sử, địa lý vùng miền, giáo viên cũng mời một phụ huynh làm phóng viên ở đài truyền hình địa phương đến nói chuyện, hướng dẫn học sinh cách thiết kế video: cách lựa chọn và tìm kiếm đề tài, thiết kế nội dung, hình thức video, kinh nghiệm làm việc trong nhóm làm phim, vai trò của môn Ngữ văn trong việc hoàn thành công việc… Cuối mỗi buổi nói chuyện, học sinh có cơ hội hỏi đáp trực tiếp với phụ huynh về những nội dung liên quan.

Sau những hoạt động trên, khảo sát ý kiến của phụ huynh và học sinh tham gia, chúng tôi nhận được những phản hồi tích cực. Với phụ huynh, khi được hỏi về động lực tham gia, tất cả đều nhấn mạnh mối quan tâm và ý thức đồng hành cùng con trong học tập, sự sẵn lòng hợp tác với giáo viên và những trải nghiệm mới mẻ của chính phụ huynh khi thuyết trình trước lớp học của con mình về công việc bản thân. Đa số nhận thấy những ảnh hưởng tích cực của hoạt động này trong việc phát triển hoặc cải thiện mối quan hệ với con và bạn bè của con, trong việc học tập và đời sống của con (một số nói rằng cần thêm thời gian để đưa ra nhận xét về những thay đổi), đồng thời khẳng định tính hữu ích và khả thi của hoạt động trong việc phát triển chất lượng giáo dục.

Với học sinh, khoảng hơn 90% được khảo sát trả lời rằng các em học được nhiều điều từ những chia sẻ của phụ huynh như: mở rộng kiến thức thực tiễn, học những kĩ năng mềm cần thiết, có thêm động lực học tập và gợi ý định hướng nghề nghiệp, thêm hiểu và trân trọng, tự hào về công việc của bố mẹ; khoảng 9% học sinh cảm thấy ngại ngùng nếu bố mẹ em đến chia sẻ kinh nghiệm với lớp, một phần vì các em cho rằng công việc của bố mẹ mình không phù hợp để chia sẻ, phần khác vì các em ngại với chính phụ huynh khi “con người em ở nhà và ở trường rất khác nhau”.

Một số kiến nghị

Dựa trên quá trình ứng dụng mô hình “Cộng đồng học tập” của Nhật Bản đổi mới toàn diện trường học, giáo dục Việt Nam có thể từng bước mở rộng cộng đồng học tập cho học sinh theo hướng phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường - gia đình - xã hội. Việc mời phụ huynh tham gia hỗ trợ việc dạy học của nhà trường là một hoạt động cần được nghiên cứu, định hướng bởi các cấp trong ngành giáo dục, cũng như tổ chức thảo luận, triển khai cụ thể bởi Ban giám hiệu và giáo viên. Giáo viên phải xem xét thận trọng nội dung bài giảng, mức độ của học sinh để lựa chọn hình thức và mức độ tham gia của phụ huynh trong bài học, từ đó đảm bảo tính sư phạm, khoa học, khách quan, phù hợp với đối tượng học sinh và hoàn cảnh thực tiễn, trên tinh thần cộng tác tích cực và tự nguyện giữa phụ huynh và giáo viên.

Hình thức phối hợp của phụ huynh và giáo viên trong quá trình triển khai bài học có thể bao gồm: phụ huynh cùng giáo viên thảo luận xây dựng nội dung bài học; dự giờ, quan sát việc học của học sinh trong một giờ học. Hơn thế, phụ huynh có thể tham gia thuyết trình, giới thiệu sâu, rộng, thực tiễn hơn về một vấn đề đặt ra trong bài học với tư cách những nhân chứng sống với trải nghiệm thực tiễn; phối hợp tổ chức những hoạt động thực nghiệm vừa tầm, gợi ý học sinh vận dụng tích hợp những kiến thức trong trường học giải quyết một vấn đề đặt ra từ yêu cầu thực tiễn của công việc mình làm; tổ chức cho học sinh tham quan trực tiếp môi trường làm việc của mình.

Để sự phối hợp với phụ huynh đạt hiệu quả tốt, giáo viên nên xây dựng những bài học liên môn, tích hợp, để sau mỗi cơ hội học hỏi cùng phụ huynh, học sinh có thể học và giải quyết các vấn dề thực tiễn với tư duy tổng hợp, liên ngành.

Việc giáo viên tổ chức phụ huynh tham gia vào bài học không thể được làm ngẫu hứng, mà cần có kế hoạch và lộ trình nhất định trong năm học. Trước tiên, trong buổi họp phụ huynh đầu năm, giáo viên giới thiệu và triển khai hình thức hoạt động phối hợp giáo dục tới phụ huynh, đồng thời bước đầu tìm hiểu về khả năng chuyên môn, kinh nghiệm, sở trường… của phụ huynh để làm cơ sở cho việc huy động tri thức. Tiếp đó, giáo viên cùng phụ huynh thảo luận xây dựng kế hoạch dạy học và triển khai bài học, cũng như trao đổi trực tiếp để điều tiết về thời gian, nội dung, hình thức, đối tượng phụ huynh tham gia phối hợp… Sự kết hợp các bài học theo hướng liên môn tích hợp thành các chuyên đề học tập cần sự trao đổi giữa Ban giám hiệu, các giáo viên thuộc các bộ môn khác nhau, trước khi nội dung chương trình đó đến tay phụ huynh. Cuối mỗi bài học hoặc mỗi lộ trình, giáo viên tiến hành khảo sát kết quả học tập của học sinh qua trắc nghiệm, tự luận, sản phẩm của những dự án học tập. Ngoài ra, giáo viên cần lấy ý kiến của phụ huynh, chủ động xem xét hiệu quả của bài học để điều chỉnh phù hợp về phương pháp của bản thân cũng như sự phối hợp với phụ huynh trong những bài học tiếp theo. Hoạt động này chưa từng có tiền lệ, do đó cần những tiêu chí đánh giá mới, tập trung vào sự hiểu biết khoa học gắn với thực tiễn.

***

Bấy lâu nay chúng ta vẫn hát “Lúc ở nhà mẹ cũng là cô giáo/Khi đến trường cô giáo như mẹ hiền” (Phạm Tuyên) trong niềm tin cậy về sự đồng tâm giao hòa giữa gia đình và nhà trường. Song, nếu dịch chuyển cấu trúc không gian vốn đã được mặc định cho mẹ và mẹ không chỉ là “cô giáo” lúc “ở nhà”…, chúng ta có thể xích lại mối liên kết bộ ba gia đình – nhà trường – xã hội, quan trọng hơn, cải thiện chất lượng giáo dục hướng đến thực tiễn. Sự giao lưu giữa các không gian, các nhân tố tiềm lực tham gia hoạt động giáo dục sẽ là một giải pháp hiệu quả góp phần đưa hoạt động xã hội hóa giáo dục được thực hiện ở chiều sâu và thực chất hơn, xây dựng một “cộng đồng học tập” hướng nhiều nhất đến việc học của các em học sinh. Hơn thế, khi cổng trường mở ra đón nhận sự hỗ trợ đến từ phụ huynh và các thành viên xã hội, trường học sẽ phá vỡ thế cô lập trong quá trình đào tạo nhân lực, bắt kịp những bước đi và hòa nhập với yêu cầu của đời sống hôm nay.




Tài liệu tham khảo

Manabu Sato & Masaaki Sato. (2015) Cộng đồng học tập: Mô hình đổi mới toàn diện nhà trường. Khổng Thị Diễm Hằng dịch. NXB Đại học Sư phạm, Hà Nội