Ngày mới vào nghề, tôi mơ mộng sẽ khiến học sinh yêu môn Văn bằng cách giúp các em đào sâu vào thế giới ngôn từ, khai thác tình ý thâm thúy, từ đó trầm trồ yêu mến văn chương.
Càng sâu càng xa, tôi còn mở rộng đến vỉa tầng thứ hai thứ ba, khai thác câu chữ ý tứ trong mối tương quan với các tác phẩm khác, các tác giả khác, chỉ cho học sinh thấy cả một sự nghiệp văn tài, một nền văn học, lý thuyết văn học đồ sộ đằng trước, đằng sau, đông tây kim cổ.
Thế là, mỗi buổi dạy, chúng tôi đánh vật với văn, cô mướt mải bơi theo câu chữ, trò lửng dửng ghi chép gật gù. Với những em chọn Văn là môn chuyên hoặc môn thi đại học, vì yêu cầu thi cử các cấp mà dặn lòng nán lại với văn chương; nhóm còn lại - chiếm đa phần - nhoai ra giữa những giờ văn, loay hoay giữa thế giới của những người xa lạ.
Quan sát, đọc và suy ngẫm dần khiến tôi hiểu rằng, học sinh phổ thông, dù học với mục tiêu mở rộng kiến thức hay phát triển năng lực và phẩm chất, cũng cần một không gian khoáng đạt, sinh động và gần gũi hơn trong các bài học Ngữ văn. “Trường học chính là bản thân cuộc sống” (John Dewey), do đó mỗi bài học Ngữ văn cũng cần là một trải nghiệm sống sinh động, giúp học sinh không chỉ biết về văn, mà còn hiểu về đời; không chỉ gặp người, mà còn thấy mình qua mỗi trang văn.
Học sinh lớp 10 Pháp, Trường THPT Bắc Giang, trong một giờ học môn Giáo dục địa phương - phần Ngữ văn. Nguồn: TGCC
Không biết bao nhiêu là đủ, nhưng chạm được vào đời sống, chạm được vào những tâm tư đôi khi mông lung hay định hướng thiếu người chia sẻ của học trò, với tôi sau này, là chạm tới tầng sâu của dạy học Ngữ văn.
Đưa xa về gần
Tác phẩm văn học đưa vào chương trình phổ thông thường là những tác phẩm kinh điển, đã qua độ lắng thời gian để thẩm định những giá trị bền vững. Tuy nhiên, thời gian cũng tạo khoảng cách giữa tác phẩm văn học và học trò, bên cạnh sự khác nhau về không gian văn hóa, hoàn cảnh, môi trường sống, khiến các em không dễ hiểu, đồng cảm với các sáng tác của các nhà văn. Dạy văn cần xóa đi những khoảng cách đó bằng cách giúp học trò soi chiếu quá khứ từ những vấn đề thời sự, kết nối quá khứ với thực tiễn hôm nay.
Sống giữa thời bình, các em khó có thể hiểu được tâm thế bơ vơ của người thanh niên Việt Nam vong quốc như Huy Cận khi viết “Tràng giang”, nên việc gợi đến những câu chuyện thời sự dễ gặp trên phương tiện báo đài hằng ngày, như nỗi hoang mang cơ hội sống của người dân thường Syria, Ukraina… trong chiến sự, hay nỗi tuyệt vọng khi nhìn tới tương lai của những nữ sinh Afghanistan dưới chế độ Taliban… có thể giúp các em dễ dàng hơn bắt vào mạch cảm xúc của bài thơ xa các em cả 100 năm.
Tương tự, những bản tin, phóng sự về cuộc sống bấp bênh của những người tỵ nạn Syria tại châu Âu cũng có thể trở thành một câu chuyện đương đại giúp học sinh hiểu hơn nỗi buồn tha hương của Đỗ Phủ trong “Thu hứng”.
Tác giả bài viết (trái) và một phụ huynh được mời đến chia sẻ kinh nghiệm trong một giờ Ngữ văn ở Trường THPT Bắc Giang. Nguồn: TGCC
Một trường hợp khác, sử thi cổ đại, không chỉ xa học sinh thế kỉ XXI về thời gian, mà khác biệt cả về niềm tin, văn hóa…, do đó đa phần học sinh bắt đầu bài học “Đăm Săn đi bắt nữ thần Mặt Trời” (sử thi Đăm Săn của người Ê Đê) với ấn tượng Đăm Săn một kẻ bốc đồng, cứng đầu, ngu ngốc. Việc gợi ý liên hệ với những người nổi tiếng hiện đại “Hãy khao khát, hãy dại khờ” như Steve Jobs…, hay những người mở đường vĩ đại, dù chưa thành công nhưng đã tạo đà cho những người kế cận trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh… sẽ khiến các em dần nhìn lại, một cách tự nhiên, vị trí, phẩm chất của người anh hùng Đăm Săn với khát vọng vươn tới đỉnh cao trong sử thi xa xưa…
Không chỉ là phương tiện khiến vấn đề văn học trở nên dễ hiểu, thực tiễn còn là một phương hướng để tạo nhiệm vụ “bước nhảy” (Manabu Sato), đẩy yêu cầu bài học tới nấc sâu hơn: vận dụng kiến thức hoặc kĩ năng văn học để hiểu, giải quyết vấn đề đời sống. Cảm xúc trái chiều của công dân Nga trước lệnh động viên quân cho chiến dịch quân sự giai đoạn mới tại Ukraina có thể là một hướng mở rộng những vấn đề nhân sinh về chiến tranh, mối quan hệ cá nhân – cộng đồng được đề cập trong trích đoạn “Hec-to từ biệt Ăng-đro-mac” (Trích sử thi “Iliat”). “Juliet sẽ nói gì trong cuộc họp Đại hội đồng Liên hiệp quốc về vấn đề chiến sự Nga – Ukraina?” là một nhiệm vụ nâng cao vận dụng cách hóa giải hận thù bằng tình yêu cực kì đơn giản, căn bản, nhân văn của Juliet trong trích đoạn “Tình yêu và thù hận” (Romeo và Juliet – Shakespeare) để giải quyết một vấn đề khiến nhân loại đang mắc kẹt.
Mời phụ huynh làm trong ngành tuyển dụng nhân sự đến lớp học, trực tiếp giới thiệu nhu cầu, tiêu chí, cách thức tuyển dụng nhân sự ở công ty nơi họ đang làm việc sau khi học bài “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia” (Thân Nhân Trung) là cơ hội cho học sinh hiểu biết thêm về vấn đề nhân tài trong thực tiễn, từ đó khơi dậy trong các em động lực học tập tích cực để trở thành “người được chọn” trong tương lai.
Lấy nay để hiểu xưa, cũng là để những câu chuyện, nỗi niềm xưa trở nên không lạc lõng giữa đời sống đương đại. Hơn thế, cho các em cơ hội quan sát, suy ngẫm, bàn luận, soi chiếu để hiểu sâu hơn về những vấn đề thời sự qua mỗi giờ học cũng là cách đưa các em trở thành những người trẻ nhập cuộc, người trẻ có trách nhiệm, theo đó có những lựa chọn chủ động, nhân văn hơn cho bản thân, xã hội hôm nay.
Lấy ta hiểu người, lấy người hiểu ta
Mỗi tác phẩm văn học là một câu chuyện về con người mà quá trình đọc hiểu có thể giúp học sinh mở rộng hiểu biết về thế giới nhân sinh. Tuy nhiên, bản thân người học cũng là một thế giới với những trải nghiệm vui buồn; những cảm xúc đôi khi mông lung, mơ hồ; những băn khoăn về phong cách, bản ngã… mà không phải em nào cũng may mắn có thể chia sẻ, giãi bày hay được lắng nghe. Vì thế, mỗi giờ học văn không phải chỉ để học sinh biết về câu chuyện của người khác, mà còn là dịp cho các em soi chiếu tương tác với thực tiễn cuộc sống, tâm hồn cá nhân, từ đó thêm phần hiểu mình, hiểu người.
Học “Chí Phèo”, học sinh có thể được gợi ý suy ngẫm về những định kiến nhiều khi khiến chúng ta “đóng cửa” với những “kẻ bên lề” – những người nghiện rượu, ma túy, người tù trở về,… từ đó đối sánh để trân quý hơn tấm lòng rộng mở, niềm tin vào phần người bên trong mỗi phận người bé mọn qua sáng tác của Nam Cao.
Học “Chữ người tử tù” (Nguyễn Tuân), giáo viên có thể yêu cầu học sinh chia sẻ về thú vui uống trà sữa phổ biến (và dễ dãi!) của người Việt trẻ trong sự so sánh với văn hóa thưởng trà tinh tế qua sáng tác của nhà văn đất kinh kỳ, định hướng các em về nếp sống sang cả trong sự giản dị vật chất, làm phong phú cho đời sống tâm hồn.
Gợi ý các em cách yêu, bày tỏ tình cảm chân thành nồng nhiệt nhưng vẫn ý tứ duyên dáng khi được yêu hay không được yêu qua những bài ca dao truyền thống, “Sóng” của Xuân Quỳnh hay “Tôi yêu em” của Pushkin cũng là một cách trả lời cho các em những băn khoăn nhiều khi không dám hỏi, cùng các em thảo luận cách ứng xử lịch thiệp trong những tình huống tế nhị có thể những cô cậu học trò tuổi ô mai đã, đang hoặc sẽ trải qua…
Học “Vội vàng” (Xuân Diệu) để biết trân quý và quản lý thời gian, học “Tây tiến” (Quang Dũng) để sẵn sàng cho một tuổi trẻ dấn thân nhiều trải nghiệm,…, đó chính là cách những bài đọc Ngữ văn phổ thông thẩm thấu vào cuộc đời, suy nghĩ của mỗi học sinh, khiến các em tìm thấy ý nghĩa sinh động của việc học.
Một cậu học trò cũ, có lần nói với tôi: trong các bài đọc văn ở chương trình phổ thông, em ấn tượng nhất bài “Tràng giang”. Trong giờ học hôm đó, em đã được nói về nỗi buồn của mình và cách em thường làm khi buồn, được biết về những nỗi buồn đo tầm vóc con người, về những cách em có thể đối diện và ứng xử với nỗi buồn. Có lẽ buổi học đã giúp em có cảm giác được hiểu, được diễn đạt những cảm xúc hỗn độn trong mình, được nhìn nỗi buồn của Huy Cận và của chính mình theo một góc nhìn rộng mở, để điều hướng phù hợp hơn cho cuộc sống cá nhân. Chia sẻ của em cho tôi biết rằng: những giờ học văn đã dần trở nên có ích.
Những năm đầu đi dạy, khi mơ mộng không thành, tôi đã nhiều lần hoài nghi nghề mình chọn, hoài nghi chính mình. Tới khi biết rằng, dạy văn là trả văn học về với cuộc sống, cho học sinh được sống chính cuộc đời của các em trong mỗi giờ Văn, tôi mới bắt đầu tin nghề. Giờ đây, ở bước ngoặt quan trọng của cuộc đời, khi được hỏi về kế hoạch tương lai, tôi thường trả lời: lý tưởng nhất là vẫn được làm trong ngành giáo dục. Vì tôi hi vọng rằng, đó sẽ là một nền giáo dục thiết thực, nhân văn, chạm sâu được vào đời sống và trái tim người học.
Mỗi giờ học văn không phải chỉ để học sinh biết về câu chuyện của người khác, mà còn là dịp cho các em soi chiếu tương tác với thực tiễn cuộc sống, tâm hồn cá nhân, từ đó thêm phần hiểu mình, hiểu người. |