Sau 25 năm thực hiện chương trình phối hợp và phát huy tối đa tiềm lực trí tuệ của đội ngũ KH&CN thuộc mọi thành phần kinh tế, Bộ KH&CN và Liên hiệp các hội KH&KT Việt Nam sẽ bước vào một giai đoạn hợp tác mới nhằm đưa nhiều chính sách cơ chế mới vào cuộc sống.
Với mối quan tâm chung trong việc thúc đẩy KH&CN, đưa nhiều giải pháp công nghệ vào các hoạt động kinh tế xã hội và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức trong nước và quốc tế trong phản biện, xây dựng đất nước, Bộ KH&CN và Liên hiệp các hội KH&KT Việt Nam (Liên hiệp hội) đã tiến hành nhiều chương trình hợp tác, đặc biệt là “Chương trình phối hợp, tập hợp và phát huy tối đa tiềm lực trí tuệ của đội ngũ KH&CN thuộc mọi thành phần kinh tế” được khởi đầu từ năm 1995, đạt nhiều kết quả thiết thực. Trong cuộc họp đánh giá chương trình hợp tác khung 2016-2020 và ký kết chương trình hợp tác giai đoạn 2021-2030, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt nhìn nhận hiệu quả của những hoạt động này: “Các hoạt động hợp tác giữa hai cơ quan hết sức thiết thực, góp phần phát huy sức mạnh tổng hợp của hai bên nhằm tạo ra cơ chế phối hợp chặt chẽ, động viên tối đa tiềm năng sáng tạo của lực lượng KH&CN trong mọi hoạt động kinh tế xã hội… Tiêu biểu trong số đó là công tác vận động trí thức, tôn vinh trí thức, phát huy vai trò của trí thức tham gia vào hệ thống chính trị, tổ chức các giải thưởng, hội thi nhằm tôn vinh các hoạt động sáng tạo của trí thức, của các tầng lớp nhân dân, phát hiện và bồi dưỡng nhân tài cho đất nước, hoạt động tư vấn, phản biện và giáo dục xã hội”.
Lễ ký kết chương trình hợp tác giai đoạn 2021-2030 giữa Bộ KH&CN và Liên hiệp các hội KH&KT Việt Nam. Ảnh: Mỹ Hạnh
Tạo cơ hội phản biện, góp ý chính sách
Với đặc thù của một tổ chức quy tụ đội ngũ các nhà khoa học, trí thức tham gia tư vấn, phản biện và đóng góp ý kiến cho hoạch định chính sách KH&CN, Liên hiệp hội đã có cơ hội thể hiện vai trò của mình trong các chương trình hợp tác với Bộ KH&CN khi triển khai thí điểm các diễn đàn khoa học. “Với 33 diễn đàn đã tổ chức, với rất nhiều chủ đề đa dạng phong phú liên quan đến cơ chế chính sách, các vấn đề được dư luận xã hội quan tâm hoặc có nhiều ý kiến khác nhau, chẳng hạn như an toàn vệ sinh thực phẩm, tự chủ giáo dục, đạo đức nghề nghiệp, cải cách hành chính, chính sách đối với tri thức,…”, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh.
Đây sẽ là một trong những nội dung quan trọng của chương trình hợp tác khung 10 năm tới mà hai bên thống nhất “tổ chức có hiệu quả diễn đàn khoa học của trí thức khi tham gia hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội các chủ trương chính sách, dự án phát triển kinh tế - xã hội”. Có lẽ, đội ngũ trí thức sẽ có thêm nhiều cơ hội, thông qua các diễn đàn ở nhiều lĩnh vực của khoa học và cuộc sống sẽ được tổ chức rộng khắp ở nhiều vùng miền và quy mô khác nhau, cất lên tiếng nói trách nhiệm của mình. Là những người hoạt động ở nhiều ngành nghề, cập nhật nhiều thông tin và tri thức mới, hơn ai hết họ hiểu mình cần góp phần làm cho mọi người hiểu được vai trò của khoa học trong cuộc sống, quan tâm nhiều hơn đến khoa học, đồng thời thu hút sự quan tâm của các nhà quản lý vào những vấn đề còn bất cập trong môi trường khoa học, làm ảnh hưởng đóng góp của nó đối với sự phát triển của đất nước.
Tạo dựng sự gắn bó ngày một mật thiết hơn của các nhà trí thức KH&CN với đời sống xã hội qua các diễn đàn theo cách như vậy cũng là mối quan tâm lớn của Bộ KH&CN, đặc biệt khi Bộ KH&CN được giao chủ trì nhiệm vụ xây dựng Chiến lược quốc gia phát triển đội ngũ trí thức giai đoạn 2021-2030, theo Quyết định 142/QĐ-TTg ban hành kế hoạch thực hiện kết luận số 52-KL/TW của Ban bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết TW 7 khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Bộ KH&CN còn là hoàn thiện và đẩy mạnh chính sách trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh trí thức trong lĩnh vực KH&CN, nhất là các nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học trẻ tài năng, các nhà KH&CN có trình độ cao…; thực hiện chính sách thu hút, tập hợp trí thức Việt Nam ở nước ngoài tích cực tham gia hiến kế, hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; hoàn thiện cơ chế, chính sách để đổi mới cơ chế đánh giá, xét duyệt các chức danh khoa học và danh hiệu tôn vinh trí thức trong lĩnh vực KH&CN…
Do đó, ngay tại cuộc họp, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đã đề xuất “đặt hàng” cụ thể với Liên hiệp hội một nhiệm vụ rất có ý nghĩa với KH&CN nói riêng cũng như trong triển khai thực hiện Nghị quyết XIII của Đảng, đó là “đề nghị tư vấn, phản biện chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn mới 2021-2030”. Ông cho biết về tiến trình công việc: “Hiện nay, Bộ KH&CN đang được giao trách nhiệm xây dựng chiến lược và tháng 11 tới Bộ sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Từ nay đến đó sẽ cần tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo để lấy thêm ý kiến của các bộ ngành, các tổ chức chính trị xã hội, các trường, viện… với mục tiêu là để Chiến lược thể hiện được tinh thần chỉ đạo của Đảng và để KH&CN và đổi mới sáng tạo phải là động lực và là thành phần trực tiếp nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của ngành kinh tế”.
Liên hiệp hội đề nghị Bộ KH&CN chủ trì phối hợp xây dựng thí điểm chương trình/kế hoạch khung Phổ biến kiến thức về KH&CN giai đoạn 2021-2030 và trên cơ sở đó, các liên hiệp hội thành viên cùng các UBND các tỉnh xây dựng các tủ sách như tủ sách công trình KH&CN Việt Nam, tủ sách tri thức phổ thông… nhằm phổ biến kiến thức KH&CN cho cộng đồng và góp phần thúc đẩy xây dựng văn hóa đọc, phối hợp triển khai thực hiện Đề án Tri thức Việt số hóa. |
Lan tỏa vai trò KH&CN trong cuộc sống
Trong câu chuyện hợp tác của một cơ quan quản lý KHC&N và một tổ chức chính trị - xã hội còn có rất nhiều điểm chưa thật sự trùng khớp. Đó là lý do vì sao trong phiên họp, TS. Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp hội cho rằng cần tăng cường cơ chế trao đổi thông tin giữa hai cơ quan, đẩy mạnh hợp tác hơn nữa trong những hoạt động ở mọi quy mô và tính chất. Bên cạnh đó, định kỳ hằng năm, hai bên sẽ cùng nhau xem xét, đánh giá kết quả thực hiện để trên cơ sở đó, đề xuất, bổ sung nội dung chương trình cho phù hợp với tình hình thực tế và chuẩn bị cho những năm tiếp theo.
Có lẽ, việc cùng nhau thực hiện tỉ mỉ các công việc hợp tác sao cho hiệu quả và đem lại sức mạnh lan tỏa của KH&CN trong mọi tầng lớp xã hội sẽ là dịp để hai bên có được những cách làm sáng tạo với những nội dung truyền thống: các giải thưởng sáng tạo KH&CN, hội thi sáng tạo kỹ thuật, cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng hằng năm, tôn vinh trí thức, các nhà sáng chế không chuyên… Thông qua mạng lưới rộng khắp các tỉnh thành của Liên hiệp hội với 3,7 triệu hội viên (trong đó có 2,2 triệu trí thức), thông tin về KH&CN theo cách sống động, thiết thực và gần gũi sẽ đến được với tất cả mọi người.
Nhưng có lẽ, con đường đưa chính sách vào cuộc sống sẽ không chỉ là những nỗ lực ngày một ngày hai, đặc biệt với lĩnh vực KH&CN – nơi mà rất nhiều kết quả nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ cần phải có thời gian mới có thể tạo ra ảnh hưởng. Đó là lý do vì sao mà cả Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt và TS. Phan Xuân Dũng đều thống nhất với nhau rằng, Liên hiệp hội sẽ chủ động đề xuất các nhiệm vụ hợp tác cụ thể, nhất là các hoạt động tư vấn phản biện và giám định xã hội đối với chủ trương, chính sách về KH&CN, đổi mới sáng tạo, xây dựng các chương trình truyền thông và phổ biến biến kiến thức khoa học; đề xuất phối hợp với Bộ KH&CN tổ chức điều tra, đánh giá và khảo sát, đánh giá ứng dụng, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số… trong phạm vi phù hợp; đề xuất các hình thức diễn đàn KH&CN, các cuộc thi sáng kiến cải tiến KH&KT…