Một chiến lược tiêu chuẩn hóa hợp lý sẽ là nền tảng để triển khai các hoạt động tiêu chuẩn một cách đồng bộ và thống nhất, góp phần dẫn dắt sự phát triển của các lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Tháng tám năm ngoái, thông tin Ireland thu hồi mỳ Hảo Hảo - một trong những sản phẩm ăn liền phổ biến nhất tại Việt Nam - vì vượt ngưỡng Ethylene oxide (EO) đã khiến người dân trong nước được một phen xôn xao. Song, thực ra đây không phải là lần đầu tiên sản phẩm của Việt Nam gặp tình trạng như vậy khi xuất khẩu. Năm 2019, 18.000 chai tương ớt của Masan cũng bị cơ quan kiểm tra của Nhật Bản dừng lưu hành do vượt quá nồng độ chất bảo quản cho phép của quốc gia này.
Đây là một vấn đề mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt khi tham gia vào thị trường toàn cầu, nhất là trong bối cảnh các rào cản phi thuế quan ngày càng nghiêm ngặt. Bởi vậy, “điều mà doanh nghiệp quan tâm là một sản phẩm khi xuất khẩu sang nước ngoài, chẳng hạn như Mỹ, Úc, châu Âu phải đáp ứng những tiêu chuẩn nào. Đây cũng là một trong những điều mà chiến lược tiêu chuẩn hóa của chúng ta sẽ giải quyết”, TS. Hà Minh Hiệp - Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TCĐLCL (Bộ KH&CN) cho biết tại hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế về Chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia và hạ tầng chất lượng quốc gia và kiến nghị cho Việt Nam” vào tháng trước.
Đảm bảo tính đồng bộ và dài hạn
Theo Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KH&CN), hiện nay hệ thống tiêu chuẩn quốc gia đang có hơn 13.500 tiêu chuẩn quốc gia (TCVN), bao trùm hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế và có tỷ lệ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực đạt hơn 60%. Dù số lượng tiêu chuẩn quốc gia của Việt Nam đang đứng top đầu ASEAN, tuy nhiên nếu nhìn vào Chỉ số Hạ tầng Chất lượng Toàn cầu (GQII), có thể thấy số điểm của Việt Nam là 54, ở dưới nhiều quốc gia như Trung Quốc (2), Nhật Bản (5), Hàn Quốc (6), Ấn Độ (10), Indonesia (26), Singapore (31), Malaysia (40),... Trong đó, điểm số của mục về tiêu chuẩn là 64, “đang yếu nhất so với [mục] đo lường và công nhận”, TS. Hà Minh Hiệp cho hay.
Thực tế này có thể được thấy khi nhìn vào hoạt động xây dựng tiêu chuẩn quốc gia của Việt Nam trong thời gian qua. Hiện nay, các TCVN do 13 bộ quản lý chuyên ngành chịu trách nhiệm xây dựng, tuy nhiên, các bộ, ngành hiện xây dựng tiêu chuẩn không theo “định hướng dài hạn mà theo kiểu thiếu đâu bù đó, hoặc nếu có yêu cầu của Chính phủ thì đưa vào kế hoạch xây dựng TCVN”, theo một bài viết phân tích của Vụ Tiêu chuẩn (Tổng cục TCĐLCL). Điều này dẫn đến tình trạng có một số bộ có kế hoạch xây dựng TCVN bổ sung còn nhiều hơn kế hoạch TCVN hằng năm và đôi khi vẫn còn chồng chéo, trùng lặp đối tượng tiêu chuẩn. Cũng bởi vậy, hoạt động tiêu chuẩn hiện nay của Việt Nam chưa phát huy được tính dẫn dắt, chủ đạo trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội mà phần lớn việc xây dựng tiêu chuẩn vẫn chỉ đi theo nhu cầu thực tại, thậm chí một số tiêu chuẩn còn không bắt kịp với thực tiễn.
Chẳng hạn, theo phản ánh của VietQ, ông Nguyễn Thanh Nghị - Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết quan điểm, phương thức, cách thức xây dựng hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá trong xây dựng của nước ta từ trước đến nay về cơ bản là dựa trên quan điểm, cách tính toán của Liên Xô và Đông Âu, do đó dẫn đến không cập nhật được công nghệ, kỹ thuật mới hiện đại. Trong khi đó, nếu áp dụng một tiêu chuẩn, quy chuẩn sẵn có của các nước tiên tiến vào nước ta thì lại mất nhiều thời gian và thủ tục, gây ảnh hưởng tới hội nhập kinh tế quốc tế. Vấn đề này cũng đã từng được một chuyên gia tham gia xây dựng TCVN về kỹ thuật khai thác mỏ lộ thiên chỉ ra: “Các TCVN do nhiều bộ, ngành khác nhau tự soạn, thế nên nếu các tiêu chuẩn này lạc hậu và không đồng bộ thì sẽ rất khó để đào tạo được các kỹ sư. Và vì tiêu chuẩn kỹ thuật là ‘ngôn ngữ’ của kỹ sư nên nếu không thạo các ngôn ngữ này thì việc khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo hay hội nhập thời 4.0 sẽ khó khả thi".
Thêm vào đó, hiện nay Việt Nam cũng chưa có cơ sở dữ liệu đầy đủ về tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài, tiêu chuẩn cơ sở, khiến cho việc tra cứu, áp dụng tiêu chuẩn của doanh nghiệp và người dân còn gặp khó khăn. “Đội ngũ công tác trong lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tại các địa phương trong một số lĩnh vực cũng còn yếu và chưa được đào tạo chuyên sâu; các trang thiết bị, cơ sở vật chất chưa đáp ứng đầy đủ để thực hiện các hoạt động về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật”, theo đánh giá trong dự thảo tờ trình. Việc chưa có các chính sách kịp thời cũng làm vấn đề trở nên khó giải quyết. “Việt Nam còn thiếu các chính sách trong việc tập trung đầu tư phát triển nhân lực tiêu chuẩn hóa đạt trình độ quốc tế cũng như thiếu những chính sách ưu đãi đặc biệt để đào tạo, thu hút hiệu quả nhân lực về tiêu chuẩn trong nước và ngoài nước”. Đáng chú ý, chính sách đào tạo về tiêu chuẩn ngay trong trường đại học như kinh nghiệm của các quốc gia phát triển và các nước trong khu vực cũng còn thiếu.
Sản xuất muối giảm mặn Nanosalt.
Ý thức được những điểm hạn chế này, dự thảo chiến lược tiêu chuẩn hóa đến 2030 mới đây của Bộ KH&CN đã đặt mục tiêu thúc đẩy hình thành mô hình quản lý hoạt động tiêu chuẩn một cách toàn diện và thiết lập chương trình hành động tổng thể. Trong đó, chiến lược đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp chính là: tập trung hoàn thiện hệ thống, chính sách pháp luật về hoạt động tiêu chuẩn hóa (như sửa đổi Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; xây dựng cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia xây dựng tiêu chuẩn); thúc đẩy nghiên cứu và phát triển tiêu chuẩn quốc gia gắn với hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo (do trong năm năm trở lại đây, các tiêu chuẩn được xây dựng dựa trên các kết quả đề tài, nghiên cứu khoa học mới chỉ chiếm 1%); xây dựng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội; xây dựng và hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn đối với sản phẩm quốc gia, sản phẩm chủ lực,...
Cần xác định đối tượng ưu tiên
Việc xây dựng và ban hành chiến lược tiêu chuẩn hóa như vậy cũng là giải pháp mà các tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế như ISO, Ủy ban Kỹ thuật Điện Quốc tế (IEC) và nhiều quốc gia như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Zambia thực hiện để phát triển hệ thống tiêu chuẩn một cách tổng thể. Dù có thể có chung một phương pháp luận để xây dựng chiến lược tiêu chuẩn hóa, song điều đặc biệt cần lưu ý là “chiến lược này phải dựa trên chiến lược phát triển kinh tế xã hội cụ thể của mỗi quốc gia”, ông Glenn Bosmans - chuyên gia quốc tế về chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia của Dự án USAID TFP - nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc xác định được các ngành, lĩnh vực và chủ đề ưu tiên để xây dựng tiêu chuẩn.
Song, việc xác định các chủ đề ưu tiên như vậy không phải là điều đơn giản “bởi nó liên quan đến các chiến lược của nhiều bộ, ngành. Ngoài ra, để xây dựng được tiêu chuẩn, quy chuẩn thì chúng ta phải có căn cứ khoa học, như vậy thì lại liên quan đến chiến lược phát triển khoa học công nghệ của quốc gia”, một đại biểu chia sẻ tại hội thảo. Từ kinh nghiệm đánh giá và tư vấn chiến lược ở nhiều quốc gia, ông Glenn cho rằng, muốn xác định được các lĩnh vực cần tập trung, ban xây dựng chiến lược sẽ cần phải tiến hành nghiên cứu kỹ lưỡng các dữ liệu và tổng hợp được các mục tiêu và yêu cầu mà mỗi ngành đề ra. “Sau đó, cần phải có một hệ thống để xếp hạng tầm quan trọng của ngành, tiếp đó là thứ tự ưu tiên trong từng chủ để nhỏ của lĩnh vực đó”, ông Gleen nói. Dù rất phức tạp, “đây là một bài toán tính toán không thể tách rời trong quá trình xây dựng chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia”.
Một ví dụ mà Việt Nam có thể tham khảo là Indonesia. Sau khi phân tích các ưu tiên ngành, quốc gia này đã xác định được các lĩnh vực trọng tâm là năng lượng (như khí đốt, điện, khí đốt tự nhiên, quang điện); dệt may (như sợi dệt siêu nhỏ, bột giấy hòa tan rayon, tái chế PET); ô tô (như động cơ điện, thiết bị truyền tải, linh kiện máy bay),... Do đó, định hướng chính sách của Indonesia giai đoạn 2020- 2030 đã đặt mục tiêu cung cấp đủ tiêu chuẩn phù hợp với các ưu tiên phát triển này, trong đó các tiêu chuẩn được xây dựng theo thứ tự ưu tiên của lĩnh vực là: năng lượng, thực phẩm và đồ uống, dệt may, ô tô, điện tử,...
Nhưng trong bối cảnh đặc thù của Việt Nam - nơi đa phần các doanh nghiệp đều có quy mô vừa và nhỏ, “chúng ta không chỉ cần phải xác định đâu là những tiêu chuẩn hay là những ngành ưu tiên, mà cũng cần phải xác định xem những đối tượng mà chúng ta cần hỗ trợ để tạo thuận lợi thương mại ở đây là ai, đặc biệt là những doanh nghiệp không có nguồn lực hoặc không thể tham gia vào việc xây dựng chiến lược tiêu chuẩn”, ông Glenn nhấn mạnh. “Chiến lược sẽ phải có những nội dung như nâng cao kiến thức về tiêu chuẩn chất lượng cho doanh nghiệp, đồng thời phải tạo ra một cơ chế để họ có thể có tiếng nói của mình và tham gia được vào quy trình xây dựng các tiêu chuẩn”.
Một số mục tiêu trong Dự thảo Chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc giađến năm 2030: - Tỷ lệ hài hòa của hệ thống tiêu chuẩn quốc gia hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, khu vực và nước ngoài đạt tối thiểu 70% - 75%. - Hoàn thành cơ bản hệ thống tiêu chuẩn quốc gia đối với sản phẩm quốc gia, sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm theo yêu cầu quản lý của các Bộ ngành, địa phương. - Tất cả các bộ, ngành hoàn thiện việc lập kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn quốc gia theo Khung kế hoạch. - Tối thiểu 10% các tiêu chuẩn quốc gia mới được xây dựng dựa trên kết quả triển khai của các nhiệm vụ khoa học công nghệ các cấp. - Tối thiểu 80% tiêu chuẩn quốc gia mới được phổ biến áp dụng sau khi được Bộ Khoa học và Công nghệ công bố. - Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn, đào tạo về tiêu chuẩn hóa cho tối thiểu 35 trường đại học, trường cao đẳng, trường nghề. |