Những thảo luận xung quanh vấn đề khí hậu đang hướng về Trung Đông, trong bối cảnh Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) chuẩn bị tổ chức hai hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu tiếp theo.

Khu nghỉ dưỡng Sharm El-Sheikh của Ai Cập sẽ là địa điểm diễn ra Hội nghị các bên về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP27), bắt đầu vào ngày 6/11. Tập đoàn dầu mỏ khổng lồ Abu Dhabi của UAE sẽ tổ chức COP28 vào năm 2023.

Thay đổi thái độ về biến đổi khí hậu

Theo một báo cáo do Liên Hợp Quốc mới công bố về Biến đổi Khí hậu, Ai Cập và UAE nằm trong số 26 quốc gia đã cập nhật các mục tiêu khí hậu cho phù hợp với những lời hứa được đưa ra vào năm ngoái tại COP26 ở Glasgow, Vương quốc Anh. Ai Cập hứa hẹn sẽ cắt giảm hơn nữa lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ ngành điện, giao thông và dầu khí - tuy nhiên cam kết này còn phụ thuộc vào hỗ trợ tài chính quốc tế. UAE đang cam kết cắt giảm 31% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030, so với kịch bản không cắt giảm. Trước đây cam kết của họ là 23,5%.

Carlos Duarte, nhà sinh thái học biển tại Đại học Khoa học và Công nghệ King Abdullah, gần Jeddah, Ả-rập Xê-út, cho biết hai hội nghị thượng đỉnh COP tiếp theo sẽ đánh dấu “thời điểm quan trọng” đối với Trung Đông. Các hành động khí hậu của khu vực này đang thay đổi đáng kể so với trước đây. Trong những năm 1990, Ả-rập Xê-út đã liên tục ngăn chặn các hành động về biến đổi khí hậu.

Thành phố Masdar phát thải thấp do Abu Dhabi phát triển bao gồm một cụm công nghệ và các khu dân cư.

Thập kỷ qua đã chứng kiến ​​khu vực này đón nhận các công nghệ năng lượng tái tạo và tập trung vào môi trường. Đối với các quốc gia phụ thuộc vào nguồn thu từ dầu mỏ, động thái này nhằm mục đích cố gắng đa dạng hóa nền kinh tế của họ, trong bối cảnh nhu cầu dầu mỏ sẽ giảm trong tương lai. Họ cũng muốn sử dụng năng lượng tái tạo và tiết kiệm nhiên liệu hóa thạch để xuất khẩu, theo Mia Moisio, nhà nghiên cứu về chính sách khí hậu tại Viện nghiên cứu khí hậu mới, Berlin. Tính dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu là một động lực nữa cho Trung Đông, "khu vực đang chứng kiến ​​những đợt nắng nóng khắc nghiệt và đó cũng là một hồi chuông cảnh tỉnh", Moisio nói thêm.

Các nỗ lực cũng đang quyết liệt hơn ở các quốc gia Trung Đông khác. Ả-rập Xê-út, nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, và nước láng giềng Bahrain đặt mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2060. Trong khi đó, Qatar giàu khí đốt công bố kế hoạch cắt giảm 25% lượng khí thải vào năm 2030 và đã thành lập Bộ Biến đổi khí hậu. Israel và Thổ Nhĩ Kỳ đều công bố mục tiêu đạt phát thải ròng bằng không vào giữa những năm 2050.

Sáng kiến ​​Xanh Trung Đông, do Ả-rập Xê-út đứng đầu, đã công bố mục tiêu giảm 60% lượng khí thải carbon từ ngành dầu khí của khu vực, dù chưa đưa ra thời hạn cụ thể. Ngành công nghiệp này là một trong những nguồn khí mêtan lớn nhất thế giới.

Razan Al Mubarak thuộc Cơ quan Môi trường của Abu Dhabi được bầu làm chủ tịch của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế vào tháng 9 năm 2020.

Theo Bloomberg New Energy Finance, công ty tư vấn năng lượng có trụ sở ở TP New York, tổng đầu tư vào năng lượng tái tạo ở Trung Đông đã tăng gấp bảy lần trong một thập kỷ, từ 960 triệu USD năm 2011 lên 6,9 tỷ USD vào năm 2021. Trong đó, năm ngoái, Ả-rập Xê-út đầu tư khoảng 1,5 tỷ USD vào năng lượng mặt trời. Còn UAE đã đầu tư gần 9 tỷ USD vào công nghệ này kể từ năm 2017.

Tuy nhiên, theo dữ liệu của Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IRENA) từ năm 2020, khu vực này hiện sản xuất dưới 4% điện năng từ các nguồn tái tạo. Trung bình trên toàn thế giới con số này là 28%.

Mercedes Maroto-Valer, kỹ sư hóa chất và nhà nghiên cứu các hệ thống năng lượng tại Đại học Heriot-Watt có trụ sở ở Edinburgh và cơ sở ở Dubai, cho biết trong ngắn hạn, các quốc gia Trung Đông chủ yếu trông đợi vào năng lượng mặt trời, gió và thủy điện để đáp ứng các mục tiêu về khí hậu. Mức độ bức xạ mặt trời cao mang lại lợi thế tự nhiên cho các quốc gia vùng Vịnh. Chi phí điện năng từ năng lượng tái tạo ở Trung Đông đã giảm xuống mức thấp nhất là 1 US cent/ kWh. Để so sánh, chi phí trung bình của thế giới vào năm 2021 là khoảng 5 US cent đối với năng lượng mặt trời và 3 US cent cho điện gió trên bờ. Francesco La Camera, tổng giám đốc IRENA, cho biết đây là một “mức giá cực kỳ cạnh tranh”.

Ả-rập Xê-út và UAE đang dựa vào chi phí thấp đó để thúc đẩy một ngành công nghiệp khác - hydro xanh, một loại nhiên liệu được sản xuất bằng cách sử dụng điện tái tạo để tách nước thành hydro và oxy. Ả-rập Xê-út đặt mục tiêu táo bạo là trở thành nhà sản xuất và xuất khẩu hydro hàng đầu thế giới vào những năm 2030 và đang xây dựng một nhà máy hydro xanh ở phía tây bắc của đất nước.

Minh họa nhà máy hydro của Ả Rập Xê-út

Về lâu dài, các quốc gia Trung Đông đang chú ý đến các giải pháp thu hồi carbon - cho dù trực tiếp từ các nhà máy hydrocarbon hay từ khí quyển. Ví dụ, Sáng kiến ​​Xanh Trung Đông bao gồm mục tiêu trồng 50 tỷ cây xanh, được cho là dự án trồng rừng lớn nhất thế giới, sẽ khôi phục diện tích tương đương 200 triệu ha đất bạc màu và chống sa mạc hóa. Duarte nói rằng trong quá khứ, khoảng 38% phát thải carbon toàn cầu là do tình trạng mất môi trường tự nhiên, do đó khoảng một phần ba các giải pháp khí hậu nên hướng đến mục đích đảo ngược tình trạng này.

Cả Ả-rập Xê-út và UAE đều muốn chặn phát thải ngay tại nguồn bằng các công nghệ thu giữ carbon. Carbon này sau đó sẽ được sử dụng để sản xuất các vật liệu như nhựa và mỹ phẩm. Nhưng không phải ai cũng cho rằng đây là cách làm hợp lý. Ví dụ, chiến lược năng lượng năm 2050 của UAE xác định 12% nhu cầu năng lượng sẽ được đáp ứng bằng "than sạch", tức thu giữ carbon ngay khi đốt than. Moisio lưu ý rằng công nghệ thu giữ carbon trực tiếp rất đắt tiền và chưa được chứng minh có hiệu quả kinh tế, và chỉ nên dành cho các ngành công nghiệp đặc biệt khó khử carbon, chẳng hạn như xi măng và thép.

Vấn đề tế nhị

Vấn đề "tế nhị" gây lo ngại là các quốc gia Trung Đông vẫn đang tiếp tục đầu tư vào khai thác dầu khí. Hầu hết các quốc gia không coi lượng khí thải từ dầu khí xuất khẩu là một phần của mục tiêu phát thải ròng bằng không. Các nền kinh tế Trung Đông ít phụ thuộc vào dầu mỏ hơn so với một thập kỷ trước. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, thu nhập từ dầu mỏ chiếm 22,1% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ở Trung Đông và Bắc Phi vào năm 2010. Đến năm 2020, thu nhập này giảm xuống còn 11,7% GDP, tuy nhiên vẫn cao hơn đáng kể so với mức trung bình của thế giới, chưa đến 1%.

Nhưng mới đây, cuộc xung đột Nga - Ukraine và các lệnh trừng phạt mà các nước phương Tây áp đặt lên Nga đã khiến giá năng lượng tăng cao. Công ty dầu khí nhà nước Aramco của Ả-rập Xê-út công bố doanh thu kỷ lục 48,4 tỷ USD trong quý II năm 2022 - tăng 90% so với cùng kỳ năm trước. Các quốc gia phương Tây đã thúc giục các thành viên của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cung cấp thêm dầu, để thay thế sản lượng của Nga. Các nhà sản xuất OPEC ban đầu thuận theo, tăng nhẹ xuất khẩu, nhưng sau đó dừng lại vào đầu tháng 10.

“Họ đã thay đổi thái độ rõ ràng, và không muốn bị coi là kẻ tụt hậu trong các vấn đề biến đổi khí hậu”, Moisio nói.

Một tín hiệu quan trọng là việc các nước này ngừng thăm dò nhiên liệu hóa thạch, "nhưng chúng tôi chưa thấy điều đó," Moisio cho biết thêm.

Duarte cho rằng chiến lược môi trường của Ả-rập Xê-út trước đây không phù hợp. "Vẫn còn khoảng cách lớn với các quốc gia khác, nhưng tốc độ tiến bộ của Ả-rập Xê-út rất ổn định và chiến lược của họ rất mạnh mẽ", Duarte nói. Các dự án nhằm giải quyết các mối quan tâm về môi trường khác trong khu vực, chẳng hạn như bảo tồn các rạn san hô, hiện được đầu tư hàng tỷ USD. "Tôi hy vọng phần còn lại của thế giới cuối cùng có thể nhìn thấy những gì tôi thấy và có được sự lạc quan giống như tôi", Duarte nói.

Nguồn: