Các quốc gia sẽ phải cùng nhau tìm giải pháp cho vấn đề chi trả cho những thiệt hại do nóng lên toàn cầu, và làm thế nào để tăng cường các cam kết cắt giảm khí thải.

Đã một năm kể từ khi các nhà lãnh đạo toàn cầu gia đưa ra các cam kết mới nhất về khí hậu, tại Hội nghị Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), ở Glasgow, Vương quốc Anh. Tuần tới, các bên sẽ lại gặp nhau ở Sharm El-Sheikh, Ai Cập, để tiếp tục đàm phán các kế hoạch hạn chế nóng lên toàn cầu. Nhưng thế giới bây giờ đã khác, các nhà lãnh đạo phải đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng do tình hình Nga - Ukraine và những thiệt hại ngày càng tăng do các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt.

Triển vọng ngắn hạn khá ảm đạm. Giá năng lượng đang tăng vọt ở châu Âu và trên thế giới nói chung, thúc đẩy một loạt chính sách trợ giá mới của chính phủ nhằm giảm giá thành của nhiên liệu hóa thạch. Theo Nature, các khoản trợ giá như vậy đã tăng gần gấp đôi vào năm 2021 và sẽ tăng tiếp trong năm nay, càng làm trầm trọng thêm sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng bẩn nhất.

Nhưng cũng có những dấu hiệu tốt. Công suất năng lượng tái tạo tiếp tục tăng trên toàn cầu. Và khoảng 26 quốc gia đã đưa ra các cam kết mới về khí hậu trong năm nay, chẳng hạn Úc cam kết vào năm 2030 phát thải khí nhà kính còn 43% so với 2005. Một phân tích của Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho rằng các chính sách mới được công bố bởi Mỹ, Châu Âu và các nước khác sẽ giúp thúc đẩy các khoản đầu tư vào năng lượng sạch, và phát thải toàn cầu có khả năng sẽ bình ổn và giảm dần bắt đầu từ năm 2025.

Nhưng trong lúc đó, tác động của biến đổi khí hậu đang ngày càng gia tăng. Vào tháng 9, các nhà khoa học thông báo rằng nóng lên toàn cầu đã góp phần thúc đẩy các trận mưa gió mùa lớn bất thường và lũ lụt nghiêm trọng ở Pakistan trong năm nay, giết chết hơn 1.700 người và gây thiệt hại nhà cửa và cơ sở hạ tầng lên đến hàng chục tỷ USD. Tranh luận về việc ai sẽ phải chi trả cho các khoản thiệt hại như vậy sẽ là trọng tâm tại COP 27. Cùng với đó là các tranh luận về việc liệu các nước giàu có đang hỗ trợ đúng mức cho các nước nghèo trong công cuộc thích ứng với nóng lên toàn cầu hay không.

“Giảm thiểu và thích ứng là hai vấn đề tại COP27", Joyeeta Gupta, nhà khoa học chính trị tại Đại học Amsterdam cho biết.

Người biểu tình kêu gọi hành động chống biến đổi khí hậu tại COP26.

Mất mát và thiệt hại

Các nước công nghiệp phát triển chịu một phần lớn trách nhiệm trong việc gây ra nóng lên toàn cầu. Và nóng lên toàn cầu thì kéo theo hạn hán, lũ lụt và hỏa hoạn trên khắp thế giới, gây thiệt hại khổng lồ cho các quốc gia thu nhập thấp trong hơn một thập kỷ qua. Vì vậy, các nước thu nhập thấp muốn có một cơ chế tính toán tổn thất và thiệt hại do nóng lên toàn cầu, và muốn các nước công nghiệp phát triển phải chi trả.

Tại Glasgow, các nước đã đồng ý thiết lập một cuộc đối thoại về chủ đề này. Và các khối đàm phán đại diện cho các nước thu nhập thấp đang tiếp tục kêu gọi hành động ở Sharm El-Sheikh. “Đây là vấn đề từng bị bỏ qua hoàn toàn trong các cuộc đàm phán. Giờ đây nó nằm trong chương trình nghị sự", Tasneem Essop, giám đốc điều hành của Climate Action Network International - liên minh các nhóm vận động, cho biết.

Ít người kỳ vọng sẽ có giải pháp cho vấn đề này. Mỹ và các quốc gia có thu nhập cao khác kiên quyết phản đối vì lo ngại sẽ phải chi trả quá nhiều để bù đắp các thiệt hại khí hậu sẽ xảy ra trong tương lai. Nhưng có khả năng COP 27 sẽ đưa ra một cơ chế mới để các nước nghèo được hỗ trợ tài chính ở một mức độ nhất định khi các thảm họa cụ thể liên quan đến khí hậu xảy ra, Danielle Falzon, nhà xã hội học tại Đại học Rutgers ở New Jersey, cho biết.

“Việc thiết lập một cơ chế tài trợ [cho các nước thu nhập thấp] thực sự quan trọng, bởi vì người dân đang phải gánh chịu chi phí mất mát và thiệt hại ngay bây giờ", Falzon nói. Nếu điều này chưa xảy ra ở COP năm nay, thì chỉ là vấn đề thời gian, vì các quốc gia có thu nhập thấp coi đây là ưu tiên hàng đầu, theo Falzon.

Chi trả thiệt hại chỉ là một phần của vấn đề lớn hơn - nguồn tài trợ nói chung cho thích ứng với khí hậu ở các nước thu nhập thấp. Ở Glasgow, các quốc gia giàu có đã đồng ý tăng cường khoản tài trợ này nhưng đến nay các khoản tài trợ được cam kết vẫn chưa thành hiện thực. Một trong những vấn đề thảo luận tại Sharm El-Sheikh là tạo ra các cơ chế theo dõi đầu tư, để đảm bảo rằng các khoản tiền được chi tiêu hợp lý, Falzon nói.

Hạn chế phát thải

Hơn 150 quốc gia đã đệ trình các cam kết mới về khí hậu vào năm ngoái, và Hiệp ước Khí hậu Glasgow ra đời từ COP26 cũng yêu cầu các quốc gia đệ trình các cam kết mới trong năm nay. Quy trình đánh giá tiến độ thực hiện cam kết, thực hiện 5 năm một lần theo thỏa thuận Paris 2015, hiện đang được tiến hành và sẽ nằm trong chương trình nghị sự Sharm El-Sheikh.

Ngoài 24 quốc gia đã đưa ra các cam kết mới trong năm nay, một số quốc gia dự kiến ​​sẽ đưa ra cam kết tại COP27. Theo Viện Tài nguyên Thế giới (WRI), tổ chức môi trường có trụ sở tại Washington DC, nếu các quốc gia đều hoàn thành các cam kết đã đưa ra, lượng khí thải carbon có thể giảm 5,5 tỷ tấn mỗi năm.

Lượng này tương đương với việc Mỹ, quốc gia phát thải lớn thứ hai trên thế giới, ngừng phát thải trong một năm. Nhưng ngay cả như vậy vẫn là chưa đủ để đạt được mục tiêu đề ra trong thỏa thuận Paris - hạn chế nóng lên toàn cầu trong phạm vi 1,5–2°C so với mức tiền công nghiệp.

Theo Climate Action Tracker, hiệp hội các tổ chức khoa học về khí hậu, nếu các quốc gia thực hiện đúng cam kết, nóng lên toàn cầu sẽ ở trong phạm vi 2,1°C vào cuối thế kỷ này. “Chúng ta đã đạt được một số tiến bộ, nhưng vẫn chưa đủ nhanh", David Waskow, người đứng đầu Sáng kiến ​​Khí hậu Quốc tế của WRI, cho biết.

Tại Sharm El-Sheikh, các quốc gia cũng dự kiến ​​sẽ bắt đầu xây dựng một "chương trình nghị sự giảm phát thải" mới, có khả năng sẽ tập trung vào các mục tiêu cho các lĩnh vực cụ thể ở mỗi quốc gia, chẳng hạn như điện, giao thông và nông nghiệp.

Waskow nói để bất kỳ nỗ lực nào trong số này trở nên hữu ích, cần tập trung sâu hơn vào trách nhiệm giải trình. “Chúng ta không thể cứ đưa ra các cam kết mới mà không nắm chắc liệu các cam kết có đang được thực hiện hay không”, Waskow nói.

Nguồn: