Gần đây, Bắc Giang là một trong những địa phương có nhiều điểm sáng trong đầu tư cho KH&CN, khi nhìn thấy rõ vai trò của KH&CN trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xã hội của địa phương, đặc biệt đưa nông sản ra thị trường quốc tế. Từ “xuất phát điểm thấp, không có sản phẩm chủ lực, không có hàng hóa nông sản vượt ra tầm biên giới quốc gia”, Bắc Giang đã chú trọng “đầu tư cho KH&CN, sử dụng hiệu quả nguồn lực của địa phương và KH&CN có mặt trong mọi khâu để giúp tổ chức các nguồn lực đó một cách hợp lý”, như chia sẻ của ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang.
Nhưng không phải địa phương nào cũng dễ nhận thấy vai trò của KH&CN như vậy, và ngay cả đối với Bắc Giang cũng không dễ để đánh giá, đo lường được từng trụ cột về KH&CN và đổi mới sáng tạo (ĐMST). “Ngành KH&CN cả nước nói chung, nhất là hoạt động KH&CN ở địa phương nói riêng, vẫn còn nhiều việc phải làm và làm quyết liệt hơn nữa, thực chất hơn nữa để KH&CN thực sự có những đóng góp trực tiếp phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương”, điều Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh trong Hội nghị Giám đốc Sở KH&CN toàn quốc năm 2023 cũng như là thông điệp được nhắc lại nhiều lần trong các kỳ Hội nghị này hằng năm, thực ra không dễ đo đếm ở cấp độ địa phương.
Đo lường, đánh giá là yếu tố quan trọng cho quá trình thiết kế, thực thi chính sách và nhìn nhận lại điểm mạnh, điểm yếu của từng địa phương và ở quy mô quốc gia. Ở quy mô quốc gia, Hệ thống đổi mới sáng tạo đã có những chỉ tiêu đánh giá, đo lường để thấy được đóng góp, tiến bộ của KH&CN và ĐMST theo từng năm nhờ vào Bộ Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) và các đối tác xây dựng, công bố hằng năm. Nhờ bộ công cụ đánh giá năng lực ĐMST quốc gia có uy tín trên thế giới, phản ánh mô hình phát triển kinh tế-xã hội dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nên ở quy mô quốc gia các nhà quản lý dễ dàng đo lường, thấy được bức tranh tổng thể cũng như các điểm mạnh, điểm yếu. Không chỉ Việt Nam, mà hiện nay chính phủ nhiều quốc gia sử dụng bộ chỉ số ĐMST như một công cụ tham chiếu quan trọng cho quản lý nhà nước về Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, cũng như để xây dựng các chính sách khoa học, công nghệ và ĐMST (Ấn Độ, Trung Quốc, Philippines, Columbia, Brazil, v.v…). Từ năm 2017, chính phủ đã đưa chỉ số GII vào Nghị quyết hằng năm của chính phủ như một công cụ đo lường, đánh giá hiệu quả hoạt động ĐMST của Việt Nam theo chuẩn mực quốc tế, qua đó xác định các điểm mạnh, điểm yếu của hệ thống ĐMST quốc gia, từ đó có các giải pháp cải thiện phù hợp, cũng như để hoạch định và xây dựng các chính sách liên quan. Chính phủ cũng đã phân công các bộ, ngành, địa phương theo dõi và có giải pháp cải thiện các chỉ số cụ thể, và giao Bộ KH&CN làm đầu mối điều phối theo dõi chung.
Bộ chỉ số PII năm 2023 có 52 chỉ số, chia làm 7 trụ cột (theo sát cấu trúc của bộ chỉ số GII), gồm: 5 trụ cột đầu vào phản ánh những yếu tố tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển KT-XH dựa trên KH,CN & ĐMST, bao gồm: (1) Thể chế, (2) Vốn con người và Nghiên cứu và Phát triển, (3) Cơ sở hạ tầng, (4) Trình độ phát triển của thị trường và (5) Trình độ phát triển của doanh nghiệp; và 2 trụ cột đầu ra phản ánh kết quả tác động của KH,CN&ĐMST vào phát triển KT-XH, bao gồm: (6) Sản phẩm tri thức, sáng tạo và công nghệ, (7) Tác động.
|
Nhưng với các địa phương, từ nơi ứng dụng KH&CN nhiều trong nông nghiệp như Bắc Giang, hay các trung tâm sản xuất công nghiệp như Bắc Ninh, Bình Dương... muốn đo lường được và nhìn thấy kết quả phát triển dựa trên KH&CN và ĐMST của các địa phương, từ đó lựa chọn mô hình phát triển KT-XH dựa trên KHCN & ĐMST khác nhau, phù hợp với bối cảnh, điều kiện, đặc điểm riêng có của địa phương mình, cần có những thang đo rõ ràng, chỉ số cụ thể. Đó chính là lý do cần tới một bộ chỉ số phân tích được “bức tranh thực tế, tổng thể về hiện trạng mô hình phát triển kinh tế - xã hội dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của từng địa phương”, theo ông Trần Văn Nghĩa, Phó Giám đốc Học viện Khoa học Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, đơn vị xây dựng Bộ chỉ số ĐMST cấp địa phương (Provincial Innovation Index-PII).
Ông Trần Văn Nghĩa cho biết, PII năm 2023 được xây dựng bám sát cấu trúc của bộ chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu GII (WIPO) công bố hằng năm và được chính phủ sử dụng trong quản lý, điều hành. Bộ chỉ số GII được áp dụng cách tiếp cận hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, cho phép đối chuẩn (benchmark) giữa các quốc gia; còn chỉ số PII hiện được triển khai theo cách tiếp cận hệ thống đổi mới sáng tạo vùng, áp dụng với các địa phương ở Việt Nam.
Dẫu được học hỏi từ bộ chỉ số GII và những nền tảng nguyên tắc của nó nhưng bộ chỉ số PII mà Học viện KHCN & ĐMST đã có những sáng tạo riêng và những sửa đổi cho phù hợp với bối cảnh Việt Nam nhằm giúp phản ánh thực chất bức tranh tổng thể của các địa phương ở Việt Nam, nơi có nhiều khác biệt về bối cảnh, nguồn lực đầu tư... như nhiều quốc gia trên thế giới. Bộ chỉ số PII gồm 52 chỉ số thành phần, được chia vào bảy trụ cột quan trọng, trải rộng trên các phạm vi từ các cơ chế chính sách, cơ sở hạ tầng, nguồn vốn con người, trình độ KH&CN, trình độ phát triển của thị trường, trình độ phát triển của doanh nghiệp... cho đến sản phẩm tri thức, sáng tạo và công nghệ. Đó là lý do PII được những người thiết kế kỳ vọng sẽ giúp họ nhìn thấy điểm mạnh, điểm yếu, các yếu tố tiềm năng và điều kiện cần thiết để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội dựa trên KH&CN và đổi mới sáng tạo của từng địa phương.
Bộ chỉ số GII được áp dụng cách tiếp cận hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, cho phép đối chuẩn (benchmark) giữa các quốc gia; còn chỉ số PII hiện được triển khai theo cách tiếp cận hệ thống đổi mới sáng tạo vùng, áp dụng với các địa phương ở Việt Nam.
|
Việc nhìn thấy chân tướng những điểm mạnh, điểm yếu ấy sẽ trao cho các nhà quản lý địa phương một cơ hội “ngàn năm có một”, đó là một nền tảng thực tiễn được đánh giá một cách khoa học và tin cậy để hoạch định chính sách phát triển. Có lẽ, trước đây người ta vẫn đặt nhiều câu hỏi về quá trình thiết kế những mô hình phát triển ở địa phương, do địa phương tạo lập có thể chưa phản ánh thực chất tiềm năng và cơ hội. Giờ đây, họ sẽ có thêm một cơ sở vững chắc để chỉnh sửa và bổ sung trong quá trình xây dựng các cơ chế, chính sách, qua đó có thể tạo được môi trường thuận lợi và phù hợp với bản chất hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo ở địa phương; thúc đẩy việc thực hiện các sáng kiến phát triển kinh tế xã hội ở địa phương dựa trên KH&CN và đổi mới sáng tạo, tận dụng các thế mạnh và vượt qua các thách thức. Đồng thời, Bộ chỉ số PII cũng cung cấp công cụ và kỹ thuật cho phép đánh giá, so sánh tiềm lực, kết quả hoạt động giữa các địa phương cũng như công tác điều hành, quản lý nhà nước về KH&CN và đổi mới sáng tạo.
Nhưng có lẽ quan trọng hơn, Bộ chỉ số PII sẽ giúp các lãnh đạo địa phương thấm thía hơn chân giá trị của KHCN và ĐMST, khi nhìn vào trụ cột thứ hai bao gồm vốn con người, nghiên cứu và phát triển. Lâu nay những đóng góp của KH&CN, ĐMST cũng như nguồn lực con người thường dễ bị chìm khuất đi giữa các nguồn lực khác như cơ sở hạ tầng, tài nguyên, sự sẵn sàng của thị trường, trình độ của doanh nghiệp địa phương... Tuy nhiên, bối cảnh xã hội hiện tại cũng như những gì diễn ra trên thế giới cho thấy, hoạt động R&D và nguồn lực con người chính là yếu tố vô cùng quan trọng để đem đến những phát triển đột phá và bền vững. Mặt khác, trụ cột thứ hai này sẽ liên quan trực tiếp đến trụ cột thứ sáu là sản phẩm tri thức và công nghệ cũng như trụ cột thứ bảy là tác động xã hội.
Nhìn từ nhiều góc độ, PII sẽ là một sản phẩm tạo ra rất nhiều giá trị mới. Không chỉ có ý nghĩa với các nhà quản lý địa phương, bộ chỉ số PII sẽ là thông tin tham khảo hữu ích về môi trường đầu tư, điều kiện nguồn lực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh ở địa phương cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp. Đối với giới nghiên cứu, theo thời gian, bộ chỉ số PII cung cấp cơ sở dữ liệu toàn diện, đầy đủ, đáng tin cậy, có khả năng so sánh, tạo tiền đề thực hiện các nghiên cứu thực chứng có chất lượng. Bộ chỉ số PII cũng có ý nghĩa đối với cộng đồng các tổ chức quốc tế và nhà tài trợ để xem xét, cân nhắc các tài trợ và hoạt động có liên quan tại các địa phương ở Việt Nam.
Trước khi xây dựng và đưa vào đánh giá PII 2023 trên 63 tỉnh thành, năm ngoái, Bộ KH&CN đã lựa chọn 20 tỉnh/thành phố ở cả 6 vùng kinh tế, có mức thu nhập khác nhau, có cơ cấu kinh tế khác nhau tham gia thử nghiệm. Theo kết quả phân tích, đánh giá, các địa phương tham gia thử nghiệm được chia thành bốn nhóm, nhóm dẫn đầu gồm 2 địa phương; nhóm thứ hai gồm 4 địa phương; nhóm thứ ba gồm 8 địa phương, và 4 địa phương thuộc nhóm cuối cùng (có 2/20 địa phương không có đủ dữ liệu nên không đưa vào danh sách đánh giá thử nghiệm). Kết quả đánh giá cho thấy có phù hợp, tương đồng cao với đặc thù mô hình phát triển KT-XH của các địa phương. Các địa phương thuộc nhóm dẫn đầu là các địa phương phát triển KT-XH và có hoạt động KHCN & ĐMST mạnh mẽ. Các địa phương thuộc nhóm cuối là các địa phương còn hạn chế trong phát triển KT-XH và trong hoạt động KHCN & ĐMST.
Tuy nhiên, mục đích chính của PII không phải là phân thứ hạng cho các địa phương trên bảng tổng sắp của 63 tỉnh thành – điều mà “lẽ thường các địa phương sẽ quan tâm đến vị trí trong bảng xếp hạng trong tương quan với các địa phương khác”, ông Nghĩa lưu ý. Mục đích chính của bộ chỉ số PII chính là “chi tiết số liệu mà PII cung cấp, lấy dữ liệu PII làm tiền đề (cùng với dữ liệu khác) để cùng nhận định đúng những điểm mạnh, điểm yếu, về các yếu tố tiềm năng và các điều kiện cần thiết. Từ đó, đề ra những quyết sách về mô hình tăng trưởng, những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để thực hiện”.
Trong báo cáo PII 2023, mỗi địa phương đều có một bảng thông tin tổng hợp trình bày chi tiết kết quả đánh giá, điểm số và xếp hạng theo từng chỉ số, nhóm chỉ số và trụ cột (7 trụ cột), cùng 5 điểm mạnh và 5 điểm yếu. Trên cơ sở này, các cấp lãnh đạo ở địa phương sẽ có căn cứ khoa học và thực tiễn để xác định, lựa chọn các định hướng, giải pháp cho phát triển kinh tế xã hội dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của địa phương mình.