Tính đến tháng 6/2024, đã có 26 chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia được Bộ KH&CN phê duyệt để thực hiện đến năm 2030.

Hệ thống các chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia được xây dựng để tài trợ cho các chương trình Khoa học công nghệ (KC) hoặc Khoa học xã hội và nhân văn (KX) có ảnh hưởng sâu rộng đến năng lực công nghệ và sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Hệ thống các chương trình đã trải qua nhiều giai đoạn, bắt đầu từ những năm 2000.

Theo báo cáo của Bộ KH&CN, trong giai đoạn gần nhất (2016-2020), đã có sáu chương trình KC và một chương trình KX được triển khai, bao gồm 257 nhiệm vụ được phê duyệt và thực hiện.

Trong đó, tổng kinh phí cho các chương trình KC vào khoảng gần 2.000 tỷ đồng (ngân sách nhà nước đóng góp 70%, còn lại là đối ứng của tổ chức), phân bổ cho 205 nhiệm vụ (với 16 dự án sản xuất thử nghiệm) của các chương trình.

Kinh phí bình quân cho một nhiệm vụ trong chương trình KC vào khoảng 9,7 tỷ đồng, tăng 45% so với giai đoạn 2011-2015.

Các nhiệm vụ của các chương trình KC đề cao tính ứng dụng các kết quả nghiên cứu trong phục vụ sản xuất và đời sống, hầu hết các kết quả nghiên cứu đều được yêu cầu đánh giá, triển khai thử nghiệm tại thực tiễn.

Các chương trình KC đã tạo ra 469 loại sản phẩm; 384 giải pháp, quy trình công nghệ; 90 cơ sở dữ liệu/ bộ số liệu; 60 phần mềm các loại.

Một số kết quả nổi bật đã được chuyển giao bao gồm: Hệ thống nghiệp vụ dự báo khí hậu hạn mùa cho Việt Nam (KC.08); Hệ hóa phẩm axit chuyên dụng cho loại trừ nhiễm bẩn vô cơ và Hệ hóa phẩm chuyên dụng cho loại trừ nhiễm bẩn hữu cơ và các cụm nước (KC.02); phụ gia đa năng FNT6VN cho động cơ (KC.05); Ứng dụng kỹ thuật laser quang đông điều trị thai phụ mắc hội chứng truyền máu song thai và giải sơ buồng ối (KC.10) v.v

Các nhiệm vụ KC trong giai đoạn này góp phần đào tạo 310 tiến sỹ và 554 thạc sỹ.

Trong khi đó, tổng kinh phí cho các chương trình KX giai đoạn 2016-2020 vào khoảng 154 tỷ đồng (ngân sách nhà nước đóng góp 70%, còn lại là đối ứng của tổ chức), phân bổ cho 52 nhiệm vụ.

Kinh phí bình quân cho một nhiệm vụ trong chương trình KX vào khoảng 2,9 tỷ đồng, tăng 47% so với giai đoạn 2011-2015.

Các nhiệm vụ KX đóng góp trực tiếp hoặc cung cấp các luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chính sách, xây dựng cơ chế của các tổ chức. Có 40% đề tài đã được kiến nghị cho cấp Đảng và Nhà nước, và 80% đề tài cho cấp Bộ, ngành, địa phương.

Gần 400 bài báo trong nước và quốc tế từ kết quả nghiên cứu của các đề tài đã được công bố trên các tạp chí trong nước và quốc tế, trong đó tỷ lệ bài báo công bố quốc tế đạt trên 10%.

Các nhiệm vụ KX trong giai đoạn này góp phần đào tạo 95 tiến sỹ và 144 thạc sỹ.

Những năm phía trước

Mỗi giai đoạn của chương trình KH&CN cấp quốc gia thường kéo dài 5 năm, tuy nhiên giai đoạn hiện tại đã tăng thời gian gấp đôi lên đến 10 năm (2021-2030).

Theo Bộ KH&CN, cùng với xu thế phát triển của Việt Nam và thế giới, yêu cầu về hiệu quả của hoạt động KH&CN trong giai đoạn tiếp theo sẽ ngày càng cao, cũng như nội hàm về "đổi mới sáng tạo" sẽ ngày càng sâu sắc.

Tính đến tháng 6/2024, đã có 26 chương trình KC và KX cấp quốc gia được Bộ KH&CN phê duyệt để thực hiện (với tổng số nhiệm vụ hiện có là 298 nhiệm vụ) như đồ họa dưới đây:

Hệ thống các chương trình KH&CN cấp quốc gia (Giai đoạn 2021-2030). Infographic: KHPT