Ngày 14/8 tại TPHCM, Vụ Công nghệ cao, Bộ KH&CN, đã tổ chức hội thảo "Thúc đẩy hoạt động nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ cao khu vực phía Nam".
Hội thảo nhằm giới thiệu, phổ biến và hướng dẫn các doanh nghiệp, trường đại học và viện nghiên cứu khu vực phía Nam đề xuất tham gia Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030 (từ dưới đây gọi là Chương trình Công nghệ cao) và một số Chương trình KH&CN cấp quốc gia.
Ông Nghiêm Quốc Đạt, Vụ Công nghệ cao, cho biết, Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 27/01/2021. Chương trình đặt mục tiêu đến năm 2030, phát triển và làm chủ được 20 công nghệ cao đạt trình độ tiên tiến trong khu vực; và giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao đạt khoảng 60% tổng giá trị xuất khẩu trong công nghệ chế biến chế tạo. Ngoài ra, phát triển được 500 doanh nghiệp có sản phẩm, cung ứng dịch vụ công nghệ cao. Khoảng 200 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có sự hợp tác, liên kết theo chuỗi sản xuất.
Thời gian qua, Chương trình Công nghệ caođã cho ra nhiều dự án hiệu quả như Nghiên cứu phát triển và làm chủ quy trình công nghệ sản xuất bóng nong mạch và stent phủ thuốc bằng công nghệ nano; Hoàn thiện công nghệ chế tạo Robot phục vụ đào tạo; Hoàn thiện thiết kế, chế tạo dây chuyền sản xuất linh hoạt kết cấu nhà thép nhẹ tiền chế; Nghiên cứu phát triển và sản xuất thiết bị truy nhập Wifi dùng cho mạng VNPT Wifi dựa trên nền điện toán đám mây;…
PGS.TS Lê Hoài Quốc, Chủ tịch Hội Tự động hóa TPHCM, cho biết, xu hướng nghiên cứu làm chủ công nghệ và phát triển sản phẩm, dịch vụ của một số tổ chức, doanh nghiệp tự động hóa tại khu vực phía Nam hiện nay tập trung vào ứng dụng trí tuệ nhân tạo (phân toại tôm theo kích cỡ, robot tự hành, Drone, máy CNC,…); chuyển đổi số, nhà máy thông minh; chuyển đổi xanh trên máy CNC thế hệ mới; ESG (môi trường, xã hội, quản trị) trên các hệ thống sản xuất;…
Ông Quốc cũng đề xuất một số hướng nghiên cứu mới, bao gồm ứng dụng AI tạo sinh trong tự động hóa; chuyển đổi số từ sản xuất linh kiện, cảm biến thế hệ mới đến tích hợp hệ thống; chuyển đổi xanh ứng dụng trong sản xuất máy móc và thiết bị tự động công nghiệp. Ngoài ra, ứng dụng tự động hóa trong nuôi, trồng, thu hoạch, chế biến nông, thủy, hải sản; thu thập và phân tích dữ liệu cảnh báo những tác động xấu đến môi trường;…
Theo ông Quốc, doanh nghiệp có nguồn lực tài chính để đầu tư các thiết bị máy móc hiện đại, nhưng thiếu đội ngũ nghiên cứu, làm chủ công nghệ, phát triển thêm các sản phẩm đang có. Vì vậy, các dự án muốn thành công, có sản phẩm nghiên cứu ra được thị trường thì cần có sự hợp tác và hài hòa lợi ích giữa các doanh nghiệp với nhà khoa học cũng như các tổ chức nghiên cứu.
“Tham gia các chương trình khoa học như Chương trình Công nghệ cao với sự hỗ trợ từ Nhà nước, có thể đảm bảo việc hài hòa lợi ích giữa các nhà khoa học và doanh nghiệp”, ông Quốc nói.
Tuy nhiên, PGS.TS Mai Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa TP HCM, Ban Chủ nhiệm Chương trình Công nghệ cao, nhận định việc hợp tác giữa doanh nghiệp và đơn vị nghiên cứu hiện nay chưa thực sự mạnh.
Theo ông Nghiêm Quốc Đạt, Vụ Công nghệ cao, Chương trình Công nghệ cao sẽ hỗ trợ kinh phí cho các dự án nghiên cứu công nghệ cao tạo ra các sản phẩm chủ lực của các ngành kinh tế; hoạt động chuyển giao quyền sở hữu, sử dụng kết quả nghiên cứu, phát triển công nghệ, có sử dụng ngân sách nhà nước, đầu tư máy móc thiết bị, thuê chuyên gia tư vấn, sáng chế,... đối với các dự án hợp tác nghiên cứu công nghệ cao giữa các doanh nghiệp và tổ chức KH&CN. Ngoài ra, Chương trình còn hỗ trợ kinh phí sản xuất thử nghiệm sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển; triển khai các hoạt động ứng dụng kết quả các dự án nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm và ứng dụng công nghệ cao;…
Ông nhấn mạnh, TPHCM và các địa phương phía Nam là khu vực năng động, vì vậy Bộ KH&CN mong muốn nhận được nhiều đề xuất của nhà khoa học, tổ chức nghiên cứu, doanh nghiệp khu vực phía Nam, tham gia Chương trình.