Sau khi tham gia sản xuất theo mô hình do Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp Miền Nam xây dựng, các nhà vườn trồng nhãn đã giảm được 20% chi phí sản xuất, trong khi hiệu quả kinh tế tăng hơn 35%.
Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, hiện tỉnh có khoảng 13.723ha cây ăn trái. Trong đó, diện tích trồng nhãn chiếm nhiều nhất, với hơn 1.754ha. Nhiều năm qua, cây nhãn không chỉ là cây đặc sản, mà còn là cây “xóa đói giảm nghèo” bền vững cho nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Hầu hết các giống nhãn trồng tại Bà Rịa-Vũng Tàu như xuồng cơm vàng, nhãn bao công, nhãn bắp cải, nhãn tiêu,... thường được trồng trên đất cát ven biển của tỉnh, với hương vị ngon ngọt, cùi dày, có màu vàng đặc trưng ít nơi nào có được.
Tuy nhiên, hiện nay bà con trồng nhãn ở Bà Rịa – Vũng Tàu chủ yếu theo kinh nghiệm truyền thống, sử dụng phân vô cơ. Sản phẩm nhãn được chứng nhận theo các tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành còn rất hạn chế, chưa tạo ra niềm tin vững chắc từ người tiêu dùng. Sản phẩm nhãn thiếu thông tin về nguồn gốc, xuất xứ, nên tính minh bạch và uy tín cũng chưa cao. Vì vậy, việc mở rộng diện tích sản xuất nhãn có chứng nhận, nhằm gia tăng giá trị và hiệu quả kinh tế, cải thiện chất lượng, bảo vệ môi trường sinh thái, là những yêu cầu cấp thiết trong sản xuất nhãn, được tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu quan tâm.
Trong bối cảnh đó, Sở KH&CN Bà Rịa – Vũng Tàu đã giao Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam chủ trì thực hiện dự án “Xây dựng mô hình sản xuất nhãn VietGAP theo hướng hữu cơ tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu”.
Sau hơn 30 tháng triển khai, Dự án đã xây dựng được 30ha mô hình nhãn VietGAP theo hướng hữu cơ trên địa bàn hai huyện Đất Đỏ và Xuyên Mộc; đồng thời đã ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng hai bộ mã QR code, tích hợp tem truy xuất nguồn gốc cho Hợp tác xã Nông nghiệp Long Mỹ (huyện Đất Đỏ) và Tổ hợp tác sản xuất nhãn Edor ấp Phú Quý (huyện Xuyên Mộc).
Bên cạnh đó, Dự án đã tập huấn cho người dân kỹ thuật trồng trọt, chăm sóc cây nhãn; áp dụng phân hữu cơ vi sinh bón gốc; sử dụng chế phẩm sinh học như Trichoderma, BioLacto EM trong quản lý bệnh hại trên cây nhãn; áp dụng đúng cách và hiệu quả bẫy ruồi vàng và chỉ sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học khi thật cần thiết.
Viện cũng tư vấn kỹ thuật và hỗ trợ giống các cây họ đậu như cây lạc dại, cây muồng ba lá để trồng trong và xung quanh vườn, giúp che phủ, cải tạo đất, làm nguồn phân xanh, sử dụng xác hữu cơ ủ gốc… Đây là giải pháp phục hồi và duy trì ổn định "sức khỏe" đất, trên cơ sở trả lại chất hữu cơ và dinh dưỡng hữu cơ tự nhiên cho đất.
Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật, cộng với kinh nghiệm của người dân qua nhiều năm thâm canh, hiện nay nhiều nhà vườn trồng nhãn trong các tổ hợp tác xã còn chủ động lựa chọn thời điểm ra hoa, đậu quả thích hợp, giúp tăng năng suất (10%) và kéo dài thời gian thu hoạch, hiệu quả kinh tế cao.
Theo ông Chu Trung Kiên, Chủ nhiệm Dự án, sau khi tham gia sản xuất theo hướng hữu cơ, các nhà vườn trồng nhãn đã giảm được 20% chi phí sản xuất so với dùng phân vô cơ trước đó, hiệu quả kinh tế tăng hơn 35%. Đặc biệt, nhờ áp dụng các sản phẩm sinh học, tỉ lệ thiệt hại do thối trái và ruồi vàng giảm đáng kể (chỉ còn khoảng 10% so với 20 – 30% trước kia).
Nhóm thực hiện Dự án đã xây dựng được quy trình kỹ thuật canh tác nhãn VietGAP theo hướng hữu cơ, áp dụng cho các vùng trồng nhãn của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Đồng thời, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp mã vùng trồng cho 15ha nhãn xuồng cơm vàng ở xã Long Mỹ, huyện Đất Đỏ.
Dự án đã được Sở KH&CN Bà Rịa – Vũng Tàu nghiệm thu, kết quả đạt. Sau thành công của Dự án, tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ các địa phương nhân rộng mô hình này.