Trong bối cảnh thuế thu nhập tối thiểu toàn cầu sắp áp dụng, Việt Nam có thể trở nên hấp dẫn hơn với các dòng vốn FDI mới khi thay đổi các ưu đãi phi thuế quan.

Việt Nam sẽ có chính sách ưu tiên đối với các doanh nghiệp FDI sản xuất chip điện tử, bán dẫn.
Việt Nam sẽ có chính sách ưu tiên đối với các doanh nghiệp FDI sản xuất chip điện tử, bán dẫn. Ảnh minh họa

Trong vài năm gần đây, dòng vốn đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao vào Việt Nam ngày càng gia tăng. Theo thống kê, có hơn 100 tập đoàn đa quốc gia trong danh sách Fortune 500 đã có mặt tại Việt Nam và nhiều trong số đó đã đầu tư vào các dự án công nghệ cao.

Dòng vốn mới mẻ này đến vào thời điểm các quốc gia và tập đoàn muốn cắt giảm sự tiếp xúc với Trung Quốc và quyết định chọn Việt Nam như một công xưởng tiếp theo của thế giới. Nó cũng trùng với chiến lược thu hút FDI mới của Việt Nam bắt đầu từ cách đây năm năm.

“Thực tế, Việt Nam muốn ưu tiên thu hút các dự án công nghệ cao và những dự án có sức lan tỏa, gắn kết với khu vực doanh nghiệp trong nước. Đó phải là những dự án giảm sự phụ thuộc vào nguồn lao động giá rẻ, giảm tiêu hao năng lượng và nguyên liệu đầu vào”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông, cho biết.

Chuyển giao công nghệ còn hạn chế

Không thể phủ nhận những tác động tích cực của các dòng vốn trực tiếp nước ngoài (FDI) trong gần 35 năm qua làm thay da đổi thịt nền kinh tế. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của những nhà quản lý về công nghệ, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định đánh giá, mục tiêu chuyển giao công nghệ và tạo tác động lan tỏa của FDI đến các doanh nghiệp nội địa vẫn chưa đạt được như mong đợi.

Bằng chứng rất rõ ràng từ các con số thống kê của Bộ KH&CN: trong gần 700 hợp đồng chuyển giao công nghệ được ghi nhận từ năm 2007 đến nay, đa phần là các hợp đồng chuyển giao giữa công ty mẹ tại nước ngoài cho công ty con được thành lập để thực hiện dự án đầu tư tại Việt Nam. Có rất ít hợp đồng chuyển giao cho doanh nghiệp Việt.

Gần đây, các dự án nổi bật về công nghệ cao - chẳng hạn như sản xuất pin xe điện hoặc pin bo mạch cho hệ thống pin năng lượng mặt trời - với số vốn đầu tư từ 100 triệu USD trở lên vẫn chỉ có sự chuyển giao công nghệ dọc. Thậm chí, một số dự án ưa thích nhập khẩu toàn bộ linh kiện và nguyên liệu đầu vào và hoàn toàn không muốn sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước, bởi các hiệp định thương mại tự do đang cắt giảm nhanh thuế quan khiến giá nhập khẩu đầu vào cạnh tranh hơn so với sản xuất trong nước.

Không như Trung Quốc, Việt Nam không ràng buộc các công ty FDI phải chuyển giao công nghệ sau một thời gian nhất định. Nhiều dự án đăng ký trong các ngành công nghệ cao nhưng trên thực tế, 60% vốn FDI vẫn tập trung vào các công đoạn gia công, lắp ráp với giá trị gia tăng thấp và không đòi hỏi trình độ cao. Với một nền kinh tế dựa vào khu vực FDI chủ yếu sản xuất gia công, Việt Nam đã bước một chân vào “bẫy giá trị thấp”.

Các nhà hoạch định chính sách không muốn để trạng thái này tồn tại và đang tìm cách thu hút nhiều vốn FDI hơn cho các hoạt động thượng nguồn như R&D. Thực tế, FDI đổ vào hoạt động R&D chiếm rất ít, một số nhà quan sát ước tính có lẽ chưa đầy 5% tổng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam. Ngay trong các khu công nghệ cao, nơi được coi có hàm lượng chất xám cao nhất, thì số lượng dự án FDI về nghiên cứu và phát triển cũng chiếm số lượng cực kỳ khiêm tốn so với hàng chục dự án FDI khác về sản xuất và ứng dụng công nghệ.

Tuy nhiên đang có những tín hiệu chuyển biến tích cực trong lĩnh vực này. Cuối năm ngoái, Samsung đã khánh thành Trung tâm R&D tại khu đô thị Tây Hồ Tây (Hà Nội) với tổng vốn đầu tư 220 triệu USD và là nơi làm việc của gần 2.100 nghiên cứu viên, kỹ sư - trở thành doanh nghiệp FDI đầu tiên xây dựng trung tâm riêng, có quy mô lớn, chuyên về hoạt động R&D. Bốn tháng sau, LG cũng khai trương một Trung tâm R&D tương tự ở Hà Nội, cho phép khoảng 750 nghiên cứu viên làm việc cùng lúc.

Đó là sự thay đổi vượt bậc so với thời kỳ trước, khi các doanh nghiệp FDI hầu như không đặt bộ phần R&D ở Việt Nam hoặc chỉ đặt các bộ phận R&D nội bộ trong lòng doanh nghiệp của mình.

Việc xuất hiện những Trung tâm R&D công nghệ lớn, có pháp nhân riêng, vượt ra ngoài khuôn khổ “khép kín” sẽ cho phép hàng ngàn nghiên cứu viên, kỹ sư Việt Nam làm việc với nhau, với các dự án nước ngoài và với các doanh nghiệp, viện, trường trong và ngoài nước để từ đó góp phần thúc đẩy quá trình học hỏi và chuyển giao công nghệ tốt hơn trong tương lai.

Tác động lan tỏa không rõ ràng

Theo TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Quốc tế của Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), việc thu hút FDI không phải là câu chuyện tăng thêm vốn, cũng không phải là câu chuyện tăng thêm việc làm mà cần nhất là sự lan tỏa của FDI đến năng lực công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam, được đo lường bằng một chỉ số đáng tin cậy là năng suất lao động của doanh nghiệp.

Có bốn cách FDI có thể tác động đến năng suất lao động của các doanh nghiệp nội địa. Thứ nhất, các doanh nghiệp nội địa có thể nhìn và học hỏi được - thậm chí là copy - các công nghệ của doanh nghiệp FDI, từ đấy làm tăng năng suất cho doanh nghiệp.

Thứ hai, thông qua chuyển dịch lao động, những người từng làm việc cho các doanh nghiệp FDI khi chuyển sang làm cho các doanh nghiệp Việt hoặc mở công ty riêng có thể mang theo kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm học được trong quá trình làm việc với đối tác nước ngoài để cải thiện hoạt động của các doanh nghiệp trong nước.

Thứ ba là sức ép cạnh tranh, tức sự cạnh tranh về thị trường với các doanh nghiệp FDI có mục tiêu thâm nhập thị trường nội địa, hoặc cạnh tranh về nguồn lực đầu vào với các doanh nghiệp FDI có định hướng xuất khẩu sẽ khiến doanh nghiệp trong nước phải gồng mình thay đổi trình độ khoa học, công nghệ để có được năng suất cao hơn.

Và cuối cùng là liên kết, thông qua việc trở thành đối tác trong chuỗi cung ứng của doanh nghiệp FDI mà các doanh nghiệp Việt Nam có thể học hỏi và cải tiến năng lực của mình.

Trung tâm R&D của Samsung tại Hà Nội chính thức hoạt động từ tháng 12/2022. Ảnh: T.L
Trung tâm R&D của Samsung tại Hà Nội chính thức hoạt động từ tháng 12/2022. Ảnh: T.L

Tuy nhiên, các bằng chứng thực tế cho thấy những tác động lan tỏa này rất hỗn hợp. “Những nghiên cứu định lượng của chúng tôi chỉ ra rằng đối với doanh nghiệp cùng ngành thì những tác động lan tỏa công nghệ của FDI có khi tiêu cực có khi tích cực. Đối với doanh nghiệp thượng nguồn thì nhìn chung sẽ có xu hướng tác động dương, nhưng với các doanh nghiệp hạ nguồn thì tác động lại thường trở về trạng thái không rõ ràng, thậm chí là tiêu cực”, TS. Trần Toàn Thắng chia sẻ.

Ông lý giải điều này ở chỗ, đôi khi thực tế không ủng hộ các kỳ vọng của chúng ta với FDI. Chẳng hạn như sự cạnh tranh quá mạnh của FDI có thể làm triệt tiêu các cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp Việt, hoặc sức hút lớn từ mức lương và các ưu đãi hấp dẫn của khu vực FDI đã khiến khu vực tư nhân của Việt Nam bị chảy máu chất xám và từ đó dẫn đến giảm năng suất của doanh nghiệp.

Ngoài ra, bản thân doanh nghiệp Việt Nam cũng đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định liệu công nghệ của khu vực FDI có lan tỏa được hay không. Trên thực tế, các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu ở quy mô vừa và nhỏ (98%), do vậy họ bị hạn chế về khả năng đầu tư, tiếp nhận công nghệ, ứng dụng, phát triển và đổi mới công nghệ, nhất là với những công nghệ 4.0 hiện nay.

Khi không còn ưu đãi thuế

Hiểu được những đặc tính của việc chuyển giao và lan tỏa công nghệ giữa các doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp Việt Nam có thể khiến các nhà quản lý xem xét lại cách mình điều chỉnh những cơ chế thu hút FDI để đạt được mục tiêu.

Trong một thời gian dài, thuế được sử dụng như một công cụ chính của Việt Nam để thu hút dòng vốn FDI. Nhưng trước viễn cảnh chính sách thuế tối thiểu toàn cầu 15% có hiệu lực từ năm 2024* thì ưu đãi thuế sẽ không còn là công cụ mạnh để hấp dẫn hoặc giữ chân các tập đoàn lớn. Những công ty công nghệ cao đang hưởng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp từ 5-10% sẽ bị ảnh hưởng đáng kể nếu Quốc hội Việt Nam thông qua quy định vào tháng 10 năm nay.

Theo đại diện Eurocham, các nhà đầu tư nước ngoài của châu Âu chủ yếu là quy mô vừa và nhỏ, không bị ảnh hưởng nhiều bởi quy định thuế tối thiểu toàn cầu. Họ tiếp tục quan tâm, tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam và đưa ra các quyết định đầu tư mới.

Tuy nhiên, các tập đoàn lớn từ Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc, Đài Loan, Singapore đang cẩn trọng xem xét việc tiếp tục đầu tư lớn vào Việt Nam hay không trong bối cảnh tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu có thể ảnh hưởng đến họ.

Vậy chúng ta có cách nào để thu hút và giữ chân các ông lớn công nghệ?

Trong nhiều năm, Chính phủ đã thực hiện một loạt các biện pháp để thúc đẩy đầu tư nước ngoài, bao gồm cải thiện môi trường kinh doanh, củng cố cơ sở hạ tầng (điện, nước, khu công nghiệp, hạ tầng xã hội) và thiết lập một loạt quan hệ thương mại tự do để giúp cho dòng sản xuất và dòng tiền dễ dàng luân chuyển.

Việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cũng được thúc đẩy với tốc độ nhanh. Việt Nam cũng đang ra sức thực hiện những chương trình hỗ trợ cho nhiều doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa có chỗ đứng trong chuỗi sản xuất và kết nối với thị trường. Những nỗ lực dài hạn này có thể giúp đất nước thu hút thêm đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, có những thay đổi mang tính cơ học và dễ dàng hơn cũng cần được triển khai càng sớm càng tốt. Trong buổi thảo luận “Thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ cao và thúc đẩy chuyển giao công nghệ” do Bộ KH&ĐT và Bộ KH&CN tổ chức vào ngày 7/9, các nhà quản lý, doanh nghiệp và viện trường đã đưa ra một số đề xuất mới.

Do đang cùng xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia nên Bộ KH&ĐT và Bộ KH&CN hiểu rất rõ việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo góp phần làm cho việc chuyển giao công nghệ có thể lan tỏa một cách dễ dàng. Các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) được ươm tạo và phát triển trong hệ sinh thái này có năng lực hấp thụ công nghệ lớn, kết nối được với nhiều bên và đưa ra những giải pháp tiên tiến. Họ là một thế hệ doanh nghiệp công nghệ hoàn toàn mới và sẽ có nhiều tiếng nói chung để hợp tác với các doanh nghiệp toàn cầu.

Cả hai cơ quan hoạch định chính sách hàng đầu về đổi mới sáng tạo này đều có kế hoạch lôi kéo khu vực FDI vào trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thông qua các quan hệ đối tác, trung tâm đổi mới sáng tạo và nhiều chương trình hỗ trợ khác. Các doanh nghiệp FDI, theo đó, sẽ càng ngày càng có nhiều hoạt động gắn kết với các startup của Việt Nam.

Trong năm năm qua, hai Bộ đã làm được điều này khá tốt nhưng một điều vẫn chưa hoàn toàn thỏa mãn là dẫn vốn. Tại buổi thảo luận ngày 7/9, đại diện Bộ KH&CN thừa nhận rằng vẫn còn nhiều quy định đang cản trở việc đầu tư mạo hiểm cho phát triển công nghệ cao nói chung và đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nói riêng. Do vậy, Bộ KH&CN dự kiến sẽ cùng Bộ KH&ĐT và các bộ, ngành khác sửa đổi hàng loạt cơ chế, chính sách liên quan đến thu hút FDI, bao gồm Luật Công nghệ cao, Luật Chuyển giao công nghệ, cùng nhiều tiêu chí công nghệ và luật chuyên ngành khác.

Thủ tục hành chính và thủ tục visa là những rào cản lớn nhất để doanh nghiệp nước ngoài quyết định đầu tư vào Việt Nam. Ảnh minh họa
Theo Tổng cục Thuế, thủ tục hành chính và thủ tục visa là những rào cản lớn nhất để doanh nghiệp nước ngoài quyết định đầu tư vào Việt Nam. Ảnh minh họa

Trong khi đó, các nhà quản lý của những khu công nghệ cao đề cập đến việc tạo thuận lợi cho các tài năng công nghệ từ nước ngoài đến Việt Nam.

“Chúng ta cần có một chính sách visa và cấp phép lao động tốt hơn cho các chuyên gia và nhà đầu tư nước ngoài. Hơn thế nữa, muốn phát triển công nghệ cao, phải có cả ưu đãi thuế cho cá nhân. Như vậy mới có thể lôi kéo những tài năng này tới Việt Nam sinh sống, làm việc và góp phần nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo của đất nước”, ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban quản lý Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh, gợi ý.

Một số chuyên gia nói rằng Chính phủ có thể xoay chuyển những ưu đãi thuế sẽ bị cắt bỏ thành những khoản trợ cấp hào phóng tương đương nhằm giúp nhà đầu tư có nhiều lựa chọn.

“Nó có thể biểu hiện bằng các khoản hoàn lại bằng tiền mặt khi nhà đầu tư tham gia một chương trình nào đó, hay chiết khấu khi mua sắm thiết bị, máy móc để đáp ứng nhu cầu các hoạt động R&D có tính lan tỏa hoặc phát triển con người”, ông Đặng Đình Tùng, Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám sát công nghệ (Bộ KH&CN) giải thích.

Điều này cũng nằm trong kế hoạch mà Bộ KH&ĐT dự kiến đưa lên Quốc hội trong tháng tới./.


* Thuế tối thiểu toàn cầu do Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) khởi xướng và đã được hơn 140 quốc gia đồng thuận, trong đó có Việt Nam. Theo đó, mức thuế tối thiểu 15% sẽ được áp dụng đối với các công ty đa quốc gia có tổng doanh thu từ 750 triệu EUR (hay 800 triệu USD) trở lên trong 2 năm của 4 năm liền kề gần nhất.

Nếu Việt Nam không áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu thì khoản chênh thuế cho các doanh nghiệp FDI hiện tại sẽ được chuyển về cho các quốc gia sở hữu công ty mẹ. Nếu áp dụng, Việt Nam sẽ có quyền đánh thuế bổ sung với hơn 120 doanh nghiệp FDI đang được hưởng thuế suất thực tế tại Việt Nam thấp hơn mức tối thiểu 15%, từ đó tăng thu ngân sách. Tuy nhiên, điều này có thể khiến Việt Nam trở nên kém hấp dẫn hơn trong việc thu hút hoặc giữ chân các nhà đầu tư nước ngoài.