Vừa qua, tại UBND phường Hương Vân, HTX Sản xuất Nông nghiệp Hương Vân đã tổ chức “Lễ công bố chứng chỉ VietGAP và mã QR code” cho diện tích 10 ha Thanh trà của 65 hộ dân phường Hương Vân, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Tham dự Lễ công bố về phía UBND thị xã Hương Trà có bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch UBND thị xã Hương Trà; ông Hồ Thắng, Phó Giám đốc Sở KH&CN; đại diện các sở, ban, ngành của tỉnh Thừa Thiên Huế và lãnh đạo địa phương tham gia.


Thanh trà Huế là một loại trái cây đặc sản gắn liền với vùng địa danh Phú Xuân từ xa xưa, với hương vị thanh mát, căng mọng rất riêng, đã được lựa chọn làm sản phẩm tiến vua. Thanh trà được trồng nhiều ở vùng đồng bằng ven sông Hương, sông Bồ, sông Ô Lâu. Tuy nhiên, từ xưa tới nay, đại đa số bà con nông dân còn chưa nhận thức được tầm quan trọng của quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, ứng dụng các phương pháp canh tác thích ứng với biến đổi khí hậu trong quá trình trồng và thu hoạch Thanh trà. Vì vậy, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc từ hóa chất còn khá phổ biến có nguy cơ gây ảnh hưởng tới khả năng chống chịu và sinh trưởng của cây trồng, gây ô nhiễm tài nguyên đất và nguồn nước bởi Thanh trà thường được trồng ở các bãi bồi ven sông. Đặc biệt, phương pháp này còn có tác động trực tiếp tới sức khỏe người dân trồng Thanh trà và người tiêu dùng.

Mô hình sản xuất Thanh trà theo tiêu chuẩn VietGAP nhận được hưởng ứng từ người dân. Nhận thức được tầm quan trọng của việt bảo tồn giống cây đặc sản của tỉnh Thừa Thiên Huế, cùng với việc nâng cao chất lượng để bắt kịp các nhu cầu của thị trường. HTX Hương Vân triển khai mô hình sản xuất Thanh trà theo tiêu chuẩn thực hành sản xuất nông nghiệp tốt tại Việt Nam (VietGAP). Hương Vân là đơn vị thứ hai tại Thừa Thiên Huế áp dụng tiêu chuẩn VietGAP trong sản xuất Thanh trà và đạt chứng nhận VietGAP do Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm Thủy sản cấp. Việc phát triển mô hình sản xuất Thanh trà theo Quy trình VietGAP ở HTX sản xuất Nông nghiệp Hương Vân có vai trò tiếp nối những thành công từ phương thức canh tác giảm phát thải giúp tăng năng suất, chất lượng và hạn chế tối đa các tác động đến môi trường tự nhiên, đồng thời góp phần tăng cường chất lượng nguồn giống của cây Thanh trà. Bên cạnh đó, hoạt động này còn góp phần tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho người nông dân thông qua việc kiện toàn các mắt xích trong chuỗi giá trị, tăng giá trị của sản phẩm. Hơn thế nữa, việc áp dụng quy trình VietGAP còn giúp cải tạo đất ở các vùng đất nghèo kiệt do tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Ngay khi giới thiệu mô hình sản xuất Thanh trà theo tiêu chuẩn VietGAP, HTX Hương Vân đã nhận được đơn đăng ký tham gia của 65 hộ dân. Các hộ tham gia dự án được tài trợ trang bị các kỹ thuật, kỹ năng mới về trồng, chăm sóc và thu hoạch Thanh trà theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ áp dụng các giải pháp kỹ thuật mới, chất lượng sản phẩm Thanh trà được nâng cao, đồng thời năng xuất, hiệu quả sản xuất tăng, giảm thiểu được các tác động tiêu cực đến môi trường.

Ứng dụng công nghệ QR Code - Nâng cao uy tín Thanh trà Hương Vân. Một điểm đáng lưu ý, Thanh trà Hương Vân là sản phẩm thanh trà đầu tiên trên thị trường xây dựng hệ thống thông tin truy xuất nguồn gốc (thông qua QR Code) nhằm; phục vụ chuỗi cung ứng thông qua minh bạch về chất lượng; phục vụ người tiêu dùng về nguồn gốc và chất lượng sản phẩm; phục vụ cho cơ quan ban ngành liên quan về quản lý nguồn gốc, quy trình chất lượng. Mã phản hồi nhanh (QR code) được in trên tem gắn lên mỗi quả Thanh trà đạt tiêu chuẩn, do thành viên HTX Hương Vân sản xuất. Khi khách hàng dùng điện thoại thông minh để quét mã QR trên tem sản phẩm thì sẽ dễ dàng truy xuất được thông tin về nguồn gốc cũng như các tiêu chuẩn về chất lượng của sản phẩm. Việc ứng dụng công nghệ cao là một bước tiến mới góp phần khẳng định uy tín và thương hiệu Thanh trà Hương Vân, đồng thời là bước chuẩn bị để đưa đặc sản này của địa phương vươn ra thị trường. HTX Hương Vân đang góp phần vào việc ứng dụng sản xuất Thanh trà theo hướng VietGAP trên quy mô lớn với đầy đủ chỉ dẫn địa lý, hướng tới cải thiện chất lượng, thương hiệu của Thanh trà Huế, tạo thêm giá trị gia tăng và nâng cao thu nhập của người sản xuất. Từ mô hình 10 ha tại phường Hương Vân, các hộ tham gia mô hình sẽ chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm trong cộng đồng họ để từng bước nhân rộng mô hình sản xuất Thanh trà theo tiêu chuẩn VietGAP ra các vùng trồng Thanh trà khác thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế. Qua đó, hoạt động sẽ tạo ra tác động tích cực đến môi trường và sức khỏe của người trồng trọt, người tiêu dùng.