Đỗ Tuấn Anh - CEO của Appota chia sẻ: “Nếu làm nhỏ mà không tốt thì không bao giờ làm lớn được. Phải tạo ra sản phẩm đã, có người dùng, có doanh thu, hoạt động được đi đã rồi mới tính đến chuyện mở rộng hay vươn ra toàn cầu”


 Ông Đỗ Tuấn Anh - CEO của Appota. Ảnh: NVCC
Ông Đỗ Tuấn Anh - CEO của Appota. Ảnh: Cao Nhật

Làm và thất bại thật nhanh

Ông có thể chia sẻ một số khó khăn và thuận lợi trong quá trình đưa Appota vươn ra các nước trong khu vực?

Appota có nhà đầu tư ở Singapore nên quyết định mở văn phòng ở đây đầu tiên, coi đó là “cửa ngõ” vươn ra khu vực và thế giới. Chúng tôi vào Indonesia vì ở đây có nhiều điểm khá tương đồng với Việt Nam.

Thị trường Indonesia rất tiềm năng, sau 2 năm chúng tôi hiện có khoảng 4 triệu người dùng nhưng thực sự thì cũng chưa kiếm được tiền. Nhân sự người Việt và người Indonesia làm việc với nhau cũng có những rào cản nhất định. Chúng tôi chỉ mới đầu tư ở mức vừa phải và chờ cơ hội.

Ông có rút ra được bài học nào sau quá trình “go global” (vươn ra toàn cầu) này không?

Thứ nhất là bài học về văn hóa và thị trường. Mình là người Việt mà nhiều khi còn không nắm bắt nổi thị trường Việt Nam, huống chi là ở nước ngoài - nơi biến động quá nhanh và phức tạp. Vài năm ở nước bạn chưa là gì cả, chưa kể quy mô đầu tư của mình chỉ mới ở kiểu thăm dò, du kích. Mình làm chưa tới, cơm chưa chín mà cố thêm tí nữa có khi lại hết gas.

Bài học nữa là nên làm thật nhanh và thất bại thật nhanh. Nếu thất bại thì rút luôn. Nếu thuận lợi, thời gian tới chúng tôi sẽ đầu tư thêm ở các nước khác trong khu vực và có thể mở rộng ra châu Phi, Mỹ Latinh. Thị trường ở đây vẫn còn nhiều cơ hội.

Sau 5 năm hoạt động, những kế hoạch tiếp theo của Appota là gì?

Appota muốn theo mô hình doanh nghiệp mở, không chỉ là startups mà còn là nhà đầu tư. Hiện các bộ phận trong Appota tự hình thành các tổ khởi nghiệp nhỏ, chúng tôi đầu tư, đào tạo họ. Appota đang nhân rộng mô hình này. Hy vọng, Appota sẽ thành một co-working space (không gian làm việc chung) gồm nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp.

Chúng tôi luôn ở trong tư thế phải thay đổi bất cứ lúc nào. Mọi kế hoạch lập ra thường chỉ trong 6 tháng, thậm chí 1 hoặc 2 tháng vì mọi thứ thay đổi rất nhanh. Sang năm thứ năm, tầm nhìn của chúng tôi là sẽ trở thành mạng lưới phân phối chứ không chỉ là nền tảng phân phối đơn thuần. Chúng tôi sẽ vẫn phục vụ người Việt trước và tìm cơ hội vươn ra nước ngoài.

Mơ lớn, nhưng phải làm từ việc nhỏ

Theo ông thì đâu là điểm mấu chốt để một startup quyết định “go global”?

Tôi nghĩ phải làm tốt thị trường Việt Nam rồi mới tính chuyện “go global”. Có những trường hợp đặc biệt như Flappy Bird thành công ở nước ngoài trước, nhưng theo tôi đó là ngoại lệ.

Có thể mơ lớn, nhưng khi làm phải bắt đầu từ việc nhỏ. Làm nhỏ không tốt, chẳng bao giờ làm lớn được. Cần thực tiễn, làm đi rồi hãy nói. Phải tạo ra sản phẩm, có người dùng, có doanh thu, hoạt động được rồi mới tính chuyện mở rộng hay “go global”.

Nhiều người mơ lớn và dám làm. Lời khuyên của tôi cho họ là phải có hành động nhỏ trước, phải thấy được kết quả cụ thể rồi hãy tiếp tục.

Là người khá sôi nổi trong cộng đồng khởi nghiệp, ông nhận định gì về điểm mạnh và yếu của các startups Việt?

Người Việt trẻ khởi nghiệp đầy nhiệt huyết, khát vọng nhưng thiếu kỹ năng, cần học thêm rất nhiều. Đó cũng là điều tôi thấy ở chính mình. Tôi chứng kiến nhiều người nước ngoài dù rất trẻ nhưng có kỹ năng quản trị rất bài bản; rồi các kỹ năng như thuyết trình, bán hàng, marketing, lãnh đạo… đều có nền tảng rất tốt.

Điều rất quan trọng nữa là ngoại ngữ, không ngại va chạm, giao tiếp. Tiếp đến là kinh nghiệm, cần có thời gian làm thuê trước khi khởi nghiệp, tích lũy những góc nhìn và trải nghiệm. Cần thực tế hơn, phải làm thật, phải có kết quả thật thay vì chỉ nói nhiều.

Xin cảm ơn ông. Chúc ông và Appota một năm mới thành công!