Kết quả nghiên cứu này hứa hẹn tiềm năng ứng dụng trong chẩn đoán sớm võng mạc do tiểu đường.
Một đề tài thuộc Chương trình KH&CN cấp quốc gia, Nghị định thư Việt Nam – Trung Quốc thực hiện đã chế tạo được bộ thiết bị/vật liệu nano và quy trình chế tạo thiết bị/vật liệu giúp định lượng một số chỉ thị sinh học (biomaker)ở bệnh nhân bị bệnh võng mạc mắt do tiểu đường cũng như quy trình ứng dụng thiết bị/vật liệu nano và kỹ thuật khối phổ để định lượng một số chỉ thị sinh học trên bệnh nhân.
Đề tài do nhóm các nhà nghiên cứu tại Đại học Y Dược, ĐHQGHN thực hiện có nhiều đóng góp mới ở cả ba nhánh kênh vi lưu (tạm hiểu là nghiên cứu cách thức hoạt động của chất lỏng trong các kênh vi dẫn), nhánh vật liệu và nhánh y – sinh học: làm chủ được công nghệ thiết kế và khắc kênh vi lưu trên các loại đế với vật liệu khác nhau, sử dụng nhiều phương pháp khắc kênh với kích thước và thiết kế kênh khác nhau trong đó có công nghệ khắc laser; làm chủ được công nghệ vật liệu micro, nano với kích thước mong muốn; làm chủ được công nghệ tích hợp kênh vi lưu với vật liệu ở các kích thước micro, nano và cho kết quả khả quan trong ứng dụng phân tích các chỉ thị sinh học trong y học; cung cấp được dữ liệu quan trọng trong phân tích protein của các nhóm mẫu ở cả người khỏe mạnh và bệnh nhân tiểu đường. Đây là cơ sở để tiếp tục đi sâu phân tích về cơ chế bệnh học phân tử và khám phá các chỉ thị sinh học mới phục vụ chẩn đoán sớm võng mạc tiểu đường.
Ngoài sản phẩm chính trên và công bố quốc tế, công bố trong nước, dù không đăng ký sở hữu trí tuệ từ lúc thực hiện đề tài nhưng đề tài cũng đã được bảo hộ một giải pháp hữu ích.
Kết quả nghiên cứu này hứa hẹn tiềm năng ứng dụng trong chẩn đoán sớm võng mạc do tiểu đường. Càng chẩn đoán và điều trị sớm thì càng có cơ hội điều trị khả quan đối với chứng bệnh phổ biến ở các bệnh nhân mắc tiểu đường lâu. Bệnh ảnh hưởng đến trên 80% người bị tiểu đường 20 năm trở lên.
Bảo Như