Để hướng dẫn thi hành Luật Sở hữu trí tuệ mới có hiệu lực từ năm nay, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 65/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ.

Nội dung của Nghị định bao trùm toàn bộ quá trình xác lập, đăng ký bảo hộ, khai thác và thực thi quyền sở hữu trí tuệ, cụ thể là quyền sở hữu công nghiệp (sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, tên thương mại, bí mật kinh doanh, quyền chống cạnh tranh không lành mạnh) và quyền đối với giống cây trồng.

Theo đó, Nghị định 65/2023/NĐ-CP đã nêu rõ các chủ thể, nội dung, giới hạn quyền, chuyển giao quyền, các biện pháp thúc đẩy và bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng. Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực thi quyền, Nghị định cũng đưa ra các căn cứ xác định hành vi, tính chất và mức độ xâm phạm, xác định thiệt hại, yêu cầu và giải quyết yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm. Ngoài ra, còn có các biện pháp kiểm soát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng.

Một trong những nội dung đáng chú ý của Nghị định là trao quyền đăng ký các kết quả thuộc nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước. Cụ thể, đối với các sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước, tổ chức chủ trì có quyền đăng ký bảo hộ mà không cần thông qua thủ tục giao quyền đăng ký của đại diện chủ sở hữu nhà nước. Nhiều người kỳ vọng quy định này sẽ góp phần thúc đẩy việc xác lập và khai thác tài sản trí tuệ.

Nghị định mới đã đưa ra những thủ tục chi tiết về đăng ký bảo hộ sáng chế ở nước ngoài đối với những sáng chế thuộc lĩnh vực kỹ thuật có tác động đến an ninh, quốc phòng. Nguồn: baoquankhu7.vn
Nghị định mới đã quy định thủ tục đăng ký bảo hộ sáng chế ở nước ngoài đối với những sáng chế thuộc lĩnh vực kỹ thuật có tác động đến an ninh, quốc phòng. Ảnh: Kỹ sư ở Viện Hàng không Vũ trụ Viettel - một trong những đơn vị có nhiều sáng chế được bảo hộ tại nước ngoài. Nguồn: baoquankhu7.vn

Để tạo thuận lợi cho việc bảo hộ sáng chế tại các thị trường quốc tế, Nghị định cũng dành riêng một phần nội dung về kiểm soát an ninh sáng chế. Trong đó, những sáng chế thuộc lĩnh vực kỹ thuật có tác động đến an ninh, quốc phòng, được tạo ra tại Việt Nam và thuộc quyền đăng ký của cá nhân là công dân Việt Nam và thường trú tại Việt Nam, hoặc của tổ chức được thành lập theo pháp luật Việt Nam sẽ phải thực hiện các thủ tục kiểm soát an ninh nếu muốn nộp đơn đăng ký sáng chế ra nước ngoài.

Cụ thể, các sáng chế liên quan đến vũ khí bao gồm đạn dược, vũ khí hóa học, sinh học, hạt nhân và các loại vũ khí khác dùng trong quân sự; vật liệu nổ; trang thiết bị quân sự; thiết bị, công nghệ được sử dụng cho các hoạt động tình báo, phản gián, điều tra tội phạm; công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ sử dụng trong các hoạt động liên quan đến an ninh, trật tự. Việc thực hiện thủ tục kiểm soát an ninh với các sáng chế này phải tiến hành trước khi cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp công bố đơn đăng ký sáng chế đó.

Nếu người nộp đơn không đăng ký sáng chế theo thủ tục về bảo vệ bí mật nhà nước trong thời hạn ấn định, đơn coi như bị rút bỏ và bị cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp tiêu hủy, trừ trường hợp người nộp đơn có căn cứ chứng minh sáng chế không phải là bí mật nhà nước.

Để tạo thuận lợi cho việc áp dụng Nghị định, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) đã ban hành thông báo về một số điểm mới nổi bật liên quan đến thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp. Chi tiết xem tại đây.

Đối tượng áp dụng của Nghị định là các tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc nước ngoài đáp ứng các điều kiện hưởng sự bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp tại Việt Nam (theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên). Bên cạnh đó, còn có các tổ chức, cá nhân có quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng được bảo hộ hoặc có hành vi xâm phạm quyền.

Nghị định được ban hành theo thủ tục rút gọn nên có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký (23/8/2023). Nghị định này thay thế Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp và Nghị định số 105/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ.