Trong khi Trung Quốc kiểm soát gắt gao lĩnh vực fintech do các lo ngại về gian lận tài chính và bảo mật dữ liệu, hay Thái Lan chỉ ưu tiên các doanh nghiệp nhà nước phát triển fintech, thì thị trường Việt Nam “vẫn đang cởi mở”.

Ngày 26/11, hội thảo Việt Nam Fintech summit đã diễn ra trong khuôn khổ Techfest 2024 tại TP Hải Phòng.

Tại đây, ông Trương Gia Bảo, thành viên ban lãnh đạo cộng đồng fintech Việt Nam, cho biết, từ sau đại dịch Covid-19, thị trường fintech Việt Nam đã phát triển nhanh chóng. Trong năm 2020 và 2021, số vốn thị trường fintech gọi được đạt 1,5 tỷ USD. Giai đoạn này, nhiều dự án ra mắt thành công, bao gồm cả các dự án thuộc lĩnh vực fintech truyền thống (ngân hàng số, thanh toán qua di động, dịch vụ mua bảo hiểm trực tuyến…) và cả thị trường fintech liên quan đến crypto (giao dịch tiền điện tử, ví điện tử, các nền tảng tài chính giúp người dùng vay hoặc cho vay)…

Tới năm 2022 và 2023, các công ty fintech bắt đầu đầu tư mạnh tay vào lĩnh vực thương mại điện tử, hỗ trợ khách hàng thanh toán và mua hàng qua thương mại điện tử. Đến nay, các giao dịch trên các sàn thương mại điện tử đã chiếm 25-30% giao dịch fintech nói chung.

Ông Trương Gia Bảo thuyết trình tại hội thảo. Ảnh: Diễm Quỳnh

Bước sang năm 2024, các doanh nghiệp fintech có xu hướng ứng dụng công nghệ và AI trong kinh doanh, và nhờ vậy, các mô hình khởi nghiệp phát triển rất nhanh. “Trước đây, một startup kỳ lân chúng ta mất đến 20-30 năm để hình thành, nhưng với sự phát triển như gần đây, thời gian đó có thể được rút ngắn", ông Trương Gia Bảo nhận định. Việt Nam đã có ít nhất hai startup kỳ lân trong lĩnh vực fintech là VN Pay và Momo, đều được thành lập vào năm 2007.

Các startup cũng được đánh giá dựa trên những phương pháp mới. Thay vì chỉ dựa trên các con số kế toán, tài chính, một startup còn có thể được đánh giá dựa trên cộng đồng mà nó thu hút. Nghĩa là, nếu doanh nghiệp thu hút được người sử dụng (user) sẵn sàng chào đón sản phẩm của mình ngày cả khi sản phẩm chưa ra mắt thị trường, thì doanh nghiệp đó đã có thể được đánh giá là có giá trị.

Theo ông Trương Gia Bảo, thị trường fintech Việt Nam hiện đang tăng trưởng 150% mỗi năm và là thị trường lớn thứ hai ASEAN. Trong khi nhiều nước, chẳng hạn như Trung Quốc đã ban hành những quy định kiểm soát gắt gao lĩnh vực fintech do các lo ngại về gian lận tài chính và bảo mật dữ liệu, hay Thái Lan chỉ ưu tiên các doanh nghiệp nhà nước phát triển fintech, thì thị trường Việt Nam “vẫn đang cởi mở”. Vì vậy, thị trường fintech Việt Nam không chỉ tiềm năng với các doanh nghiệp trong nước mà còn hấp dẫn cả các nhà đầu tư nước ngoài.


Tin đăng KH&PT số 1321 (số 49/2024)