Sau bảy năm triển khai Chương trình 562, thứ hạng của các lĩnh vực hóa học, khoa học sự sống, khoa học Trái đất và khoa học biển của Việt Nam đã tăng từ top 55-65 thế giới lên top 30-45 thế giới.

Kết quả này được báo cáo tại Hội nghị sơ kết Chương trình Phát triển khoa học cơ bản trong các lĩnh vực hóa học, khoa học sự sống, khoa học trái đất và khoa học biển giai đoạn 2017-2025 (Chương trình 562) diễn ra vào ngày 25/7.

Ra đời vào năm 2017, Chương trình 562 tập trung vào bốn lĩnh vực trên với các mục tiêu: (1) Xây dựng đội ngũ các nhà khoa học có trình độ cao, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực theo chuẩn quốc tế; (2) Nâng cao vị thế của khoa học Việt Nam trong khu vực và trên thế giới; (3) Phát triển một số hướng nghiên cứu cơ bản trọng điểm có định hướng ứng dụng có tính liên ngành, đa ngành để tiếp thu, làm chủ các công nghệ tiên tiến để phục vụ sản xuất và đời sống.

Trong đó, Bộ KH&CN là cơ quan chủ trì thực hiện Chương trình, phối hợp với Bộ GD&ĐT, Bộ TN&MT, Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TPHCM và Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam triển khai thực hiện.

Thứ trưởng Trần Hồng Thái phát biểu tại hội nghị. Nguồn: MOST
Thứ trưởng Trần Hồng Thái phát biểu tại hội nghị. Nguồn: MOST

Sau bảy năm triển khai, cả bốn lĩnh vực hóa học, khoa học sự sống, khoa học trái đất và khoa học biển của Việt Nam đều có sự cải thiện rõ rệt. Cụ thể, theo báo cáo sơ kết trong hội nghị, trước khi triển khai Chương trình 562, bốn lĩnh vực này của Việt Nam nằm trong top 55-65 thế giới (năm 2016) - theo dữ liệu của SCImago. Nhưng đến năm 2020, các lĩnh vực đã vươn lên top 30-45 thế giới (năm 2020) và giữ nguyên thứ hạng đến thời điểm hiện nay.

Việc triển khai hiệu quả các nhiệm vụ trong khuôn khổ Chương trình đã đóng góp vào kết quả này. Cụ thể, theo báo cáo, tính đến nay, Chương trình đã triển khai khoảng hơn 800 đề tài nghiên cứu, bao gồm hơn 90 đề tài cấp quốc gia; 334 đề tài cấp Bộ; 448 đề tài nghiên cứu cơ bản được Bộ KH&CN tài trợ thông qua Quỹ NAFOSTED (chiếm 44% tổng số đề tài của Quỹ). Trong đó, đơn vị thực hiện nhiều đề tài cấp quốc gia nhất là Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam (31 đề tài), còn đơn vị có nhiều đề tài cấp Bộ nhất là Đại học Quốc gia Hà Nội (118 đề tài).

“Thông qua việc triển khai các nhiệm vụ KH&CN các cấp, số lượng các sản phẩm nghiên cứu khoa học [trong bốn lĩnh vực] đã gia tăng [so với trước khi có Chương trình], đặc biệt là số lượng công bố quốc tế, có nhiều bài được công bố trên các tạp chí thuộc Science và Nature Index. Tổng số lượng bài báo trong giai đoạn 2018-2022 là 76.438 bài. Điều này đã góp phần cải thiện thứ hạng của khoa học Việt Nam nói chung từ vị trí thứ 57 (số lượng bài báo là 6709) năm 2017 và vươn lên vị trí 46 (số lượng bài báo là 18.446) năm 2022”, theo báo cáo.

Bên cạnh gia tăng số lượng bài báo, Chương trình cũng mang lại nhiều sản phẩm mang định hướng ứng dụng. Tiêu biểu là các kết quả trong lĩnh vực hóa học như tách chiết các polysacharide và hợp chất có hoạt tính sinh học từ rong nâu Việt Nam định hướng phát triển dược liệu; mực in sinh học trên nền carboxymethyl chitosan cho ứng dụng tạo khung xương 3D; công nghệ xử lý một số hợp chất hữu cơ độc hại khó phân hủy (POPs) trên cơ sở sử dụng xúc tác dị thể dạng màng… Hoặc trong lĩnh vực khoa học sự sống, các nhà nghiên cứu đã xây dựng cơ sở dữ liệu về phân loại học, phân bố của những loài thực vật, động vật có xương sống trên cạn, côn trùng đặc hữu, quý hiếm ở Việt Nam để phục vụ bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững.

Thông qua việc triển khai các đề tài, nhiều nhóm nghiên cứu mạnh cũng dần hình thành, gắn với các phòng thí nghiệm khoa học cơ bản trọng điểm được đầu tư tăng cường năng lực trong khuôn khổ Chương trình. Theo báo cáo, đến nay đã hình thành được 26 nhóm nghiên cứu mạnh. Kết quả khảo sát của Bộ KH&CN vào năm ngoái cho thấy, dự kiến đến năm 2025 sẽ hình thành được khoảng 90 nhóm nghiên cứu mạnh ởcác bộ, ngành.

Dù đạt được nhiều kết quả khả quan song việc đạt được toàn bộ mục tiêu đặt ra trong Chương trình 562 vẫn là một thách thức không nhỏ. “Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên thời gian triển khai một số nhiệm vụ và giải pháp của Chương trình bị chậm so với dự kiến: việc triển khai các đề tài nghiên cứu các cấp, đặc biệt là đề tài cấp quốc gia bị ảnh hưởng do trong thời gian dịch bệnh chưa triển khai được các nội dung nghiên cứu, sau dịch bệnh thì các đề tài lại gặp khó khăn trong công tác đấu thầu, mua sắm nguyên vật liệu, thiết bị”, bà Nguyễn Thị Thanh Hà - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Xã hội, Nhân văn và Tự nhiên (Bộ KH&CN) - báo cáo tại Hội nghị. Ngoài ra còn một số nguyên nhân khác như hạn chế về kinh phí, khó khăn trong công tác tuyển sinh, ảnh hưởng từ xung đột Nga - Ukraine…

Để tháo gỡ các vướng mắc, các đại biểu đưa ra nhiều đề xuất như đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà nghiên cứu trong quá trình thực hiện đề tài; xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; nâng cao chất lượng các tạp chí trong nước…

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Hồng Thái đánh giá cao ý kiến đóng góp của các đại biểu, đồng thời cho biết Bộ KH&CN sẽ tổng hợp ý kiến của các bộ, ngành, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề xuất phương án triển khai Chương trình trong thời gian tới nhằm phù hợp với Chiến lược phát triển KH&CN đến năm 2030 và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tái cơ cấu các chương trình KH&CN cấp quốc gia.