Dẫu còn rất nhiều hạn chế nhưng công cụ này vẫn đem lại nhiều hy vọng.

Tác phẩm Thăng đường Nhập thất do nhóm phục dựng được chiếu trên giảng đường Ngụy Như Kon Tum, ĐHQG Hà Nội. Ảnh: Trà My
Tác phẩm Thăng đường Nhập thất do nhóm phục dựng được chiếu trên giảng đường Ngụy Như Kon Tum, ĐHQG Hà Nội. Ảnh: Trà My

Thăng đường Nhập thất là tên gọi không chính thức của bức tranh sơn dầu của họa sĩ Victor Tardieu - Hiệu trưởng đầu tiên sáng lập trường Mỹ thuật Đông Dương. Bức họa bằng sơn dầu trên toan, được trải trên một diện tích tường gần 80m2 trong giảng đường chính Đại học Đông Dương tái hiện khung cảnh xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX với hơn 200 nhân vật, trong đó có nhiều nhân vật lịch sử có thật. Do những biến cố lịch sử, đến năm 1954, dấu vết của bức họa chỉ là một mảng tường phủ sơn vôi trắng.

Năm 2006, họa sĩ Hoàng Hưng và các đồng nghiệp đã vẽ lại tác phẩm từ bức ảnh đen trắng chụp nguyên mẫu. Bức phục chế này là tác phẩm hiện ta vẫn thấy ở giảng đường Ngụy Như Kon Tum của Đại học Quốc gia Hà Nội.

Trong đại triển lãm “Cảm thức Đông Dương” trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024 diễn ra từ 09 - 17/11 vừa qua, công chúng được chiêm ngưỡng một phiên bản phục chế khác của bức họa này do nghệ sĩ thị giác Triệu Minh Hải, kỹ sư Viên Hồng Quang cùng họa sĩ, nhà nghiên cứu TS. Trần Hậu Yên Thế và TS. Phạm Long thực hiện dưới sự trợ giúp của AI.

Bản phục chế này được thể hiện dưới dạng số và trình chiếu chồng lên chính bản phục chế cũ của họa sĩ Hoàng Hưng. Nó không chỉ có sự khác biệt về màu sắc mà còn khiến công chúng thích thú với những chuyển động mây trời, tiếng mưa rơi, sấm sét…

Gian nan người học cùng máy

Việc dùng AI để phục dựng lại các tác phẩm hội họa đã mất không phải câu chuyện mới. Gần đây, AI đã được dùng để tái hiện lại nhiều bức tranh đã mất của những danh họa nổi tiếng như Klimt, Picasso và Rembrandt.

Năm 2021, Google đã hợp tác với Bảo tàng Leopold ở Vienna, Áo để tô màu lại bộ ba kiệt tác Medicine, Jurisprudence và Philosophy của Gustav Klimt bằng AI. Chuyên gia của Google Emil Wallner đã dành sáu tháng để phát triển một thuật toán có thể mô phỏng cách suy nghĩ của Klimt.

Dữ liệu của AI này bao gồm 100.000 hình ảnh tác phẩm nghệ thuật khác nhau vào thuật toán để nó có thể hiểu được khái niệm về tác phẩm nghệ thuật, hội họa và văn hóa thị giác và 80 bức tranh của Klimt. Wallner còn kết hợp dữ liệu phi thị giác liên quan đến các bức tranh được phục dựng như mô tả từ báo chí, ghi chú và trích đoạn thư của Klimt, cùng bằng chứng từ những người đã trực tiếp nhìn thấy các tác phẩm.

Bài toán đặt ra cho nhóm nghệ sĩ khôi phục tác phẩm Thăng đường Nhập thất khó hơn rất nhiều. Điểm xuất phát của nhóm nghệ sĩ có lẽ cũng tương tự như của họa sĩ Hoàng Hưng, chỉ có trong tay một bức ảnh chụp tác phẩm khi gần hoàn thiện năm 1924, một vài bức ảnh chụp từng phần bức họa sau khi đã hoàn thiện trong kho lưu trữ của Pháp và những bức họa màu ông vẽ để nghiên cứu các nhân vật trước khi đưa vào tranh, từ năm 1923 – 1927 hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Singapore hoặc có ảnh chụp trên internet.

Thậm chí, họa sĩ Hoàng Hưng còn có lợi thế hơn khi ông được tiếp cận nhiều tư liệu cá nhân của Alix Turolla-Tardieu, cháu gái Victor Tardieu cũng như phỏng vấn những người đã từng chiêm ngưỡng bức tranh như GS. Văn Như Cương và GS. Phan Huy Lê.

Quá trình phục dựng của nhóm sẽ bao gồm việc “chuyển” bức ảnh đen trắng của bức tranh chưa hoàn thiện thành tác phẩm mang hiệu ứng sơn dầu, sau đó “điền” vào những “nét vẽ còn thiếu” và cuối cùng là tô lại màu cho bức tranh. Trong đó, theo Kỹ sư Viên Hồng Quang, việc bổ sung các chi tiết bắt buộc phải do họa sĩ đảm nhận, và đây là nhiệm vụ khó khăn ngay cả với con người, vì không ai dám đảm bảo độ chính xác 100% chứ chưa kể đến AI. Còn AI chỉ đảm nhận bước số một và bước số ba.

Khác với các chuyên gia của Google vốn có trong tay hàng trăm nghìn bức của họa sĩ họ phục dựng, nhóm chỉ có thu được trên dưới một chục tác phẩm liên quan đến bức họa, tất cả cũng đều là ảnh chụp với độ phân giải ở mức khá, trong đó các bức lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia Singapore là do giám tuyển Nguyễn Thế Sơn đích thân chụp lại, cùng với số lượng tác phẩm rất khiêm tốn còn giữ được đến ngày nay của Victor Tardieu để đào tạo AI.

Một bức phác thảo màu của họa sĩ Victor Tardieu được lưu trữ tại Singapore. Nguồn: ArtNet
Một bức phác thảo màu của họa sĩ Victor Tardieu được lưu trữ tại Singapore. Nguồn: ArtNet

“Mô hình sẽ xử lý khá tốt về vấn đề màu da”, anh Viên Hồng Quang cho biết có sự tương đồng rất lớn giữa các bản phác thảo của Victor Tardieu và bản phục chế của nhóm tại Tọa đàm “Ký ức nhân văn và trí tuệ nhân tạo - Vai trò công nghệ với bảo tồn di sản” trong khuôn khổ của triển lãm. Nhưng với các chi tiết khác thì AI “không thông minh như mình tưởng”, bởi nó chưa phân biệt được màu sắc trên bức tranh sơn dầu thật với ảnh chụp, theo chia sẻ của nghệ sĩ Triệu Minh Hải.

Hơn nữa, cũng theo anh Minh Hải, “AI chỉ tô được màu, không tô được bút pháp. Bút pháp vẫn là một vấn đề rất vướng trong tiến trình suy luận của trí tuệ nhân tạo”. Bởi vậy, anh Viên Hồng Quang còn phải dùng cả những bức họa khác, cùng thời, cùng phong cách hội họa hậu ấn tượng với họa sĩ Tardieu để huấn luyện AI tạo ra “tông màu sơn dầu”, để công chúng có thể có được cảm nhận gần nhất khi ngắm trực tiếp bức tranh thật.

Nhóm nghệ sĩ tự nhận AI chỉ có thể đảm nhận được 10-15% công việc được giao, còn các nghệ sĩ vẫn phải sử dụng Photoshop để tô màu hoàn thiện. Có những chi tiết mà đơn giản là “không một mô hình nào có đủ dữ liệu hình ảnh để tái hiện được”, như màu áo tím của Tổng đốc Hà Đông Hoàng Trọng Phu hay sắc đỏ trên mái ngói lưu ly của chiếc cổng tam quan. Lúc này, chính các thành viên trong nhóm phải dày công nghiên cứu rất nhiều tài liệu để nắm được từng gam màu, sắc độ của các chi tiết hay trang phục thời kỳ đó.

Hai nhà nghiên cứu là TS. Phạm Long và TS. Trần Hậu Yên Thế đã đưa ra nhiều tư vấn về kiến thức lịch sử, văn hóa để kỹ sư Viên Hồng Quang có thể điều chỉnh lại màu sắc ở những chi tiết AI phục dựng chưa tốt, đảm bảo chuyển tải đúng nhất không khí của thời đại.

Bước thử nghiệm đầu tiên

Dù nhìn nhận rằng AI chỉ là “một công cụ chứ không phải một thánh khí có thể quyết định cuộc chơi” nhưng anh Viên Hồng Quang vẫn đặt nhiều hy vọng vào công cụ này trong tương lai. Là một người trẻ yêu thích lịch sử và đã có nhiều tác phẩm phục dựng lại ảnh và tô màu các thước phim lịch sử, anh cũng coi việc lần đầu tiên khôi phục một tác phẩm hội họa này như một cơ hội tự thách thức bản thân và là thử nghiệm để đánh giá năng lực AI cho những bài toán tiếp theo.

Kể cả với bức tranh Thăng đường Nhập thất, vẫn còn nhiều không gian mà nhóm có thể làm tốt hơn nữa. Anh Viên Hồng Quang chia sẻ rằng, những bức ảnh chụp một vài phần bức tranh tường sau khi Victor Tardieu hoàn thiện, mới được ra mắt để đấu giá gần đây, cho phép nhóm có một cái nhìn cận cảnh về bút pháp và các hiệu ứng khác trong tác phẩm của ông để nghiên cứu và có thể tạo ra một bản phục chế chi tiết và sống động hơn nữa.

Anh cũng cho biết, mô hình AI hiện nay kết hợp cùng “bàn tay” chỉnh sửa của con người vẫn “cơ bản dựa trên cảm quan của cá nhân nhiều hơn”, kể cả khi có sự cố vấn của TS. Phạm Long và Trần Hậu Yên Thế nên kết quả vẫn chưa khiến nhóm hài lòng.

“Chắc chắn trong tương lai, nếu muốn chính xác thì sẽ phải kết hợp với những chuyên gia nghiên cứu sâu về những bức tranh của họa sĩ Victor Tardieu, thì dần dần mới có thể tối ưu được những mô hình này”, anh Quang nói.

Hơn nữa, AI cũng có thể tạo ra những hiệu ứng chuyển động gây kinh ngạc và hấp dẫn với công chúng hơn nữa. Không chỉ mây trôi nước chảy mà hình dung của nhóm còn để AI tạo ra những chuyển động của nhân vật trong tranh, mô phỏng chân thực những sinh hoạt thời kì Pháp thuộc, kết hợp những âm thanh sống động.

Dù đóng góp của AI trong dự án này có thể chưa quá lớn, nhưng “mình tin về lâu dài, những mô hình học máy khi có nhiều dữ liệu hơn thì sẽ đóng góp được rất nhiều, và nó thay được nhiều công sức hơn cho người trong những sản phẩm phục dựng sau này”, anh Viên Hồng Quang chia sẻ.

Bài đăng KH&PT số 1319 (số 47/2024)