Vừa qua, trong đợt ra các phán quyết cuối cùng của năm 2023, Pháp viện Tối cao Hoa Kỳ đã cấm xét các yếu tố chủng tộc và sắc tộc trong tuyển sinh đại học tại quốc gia này. Phán quyết mới có khả năng ảnh hưởng tới nhiều nhóm sinh viên, trong đó có du học sinh Việt Nam.

Những người ủng hộ “chính sách nâng đỡ” (Affirmative Action) trong giáo dục đại học tập trung trước Pháp viện Tối cao Hoa Kỳ, trong khi các thẩm phán nghe trình bày về các vụ sinh viên kiện Đại học Harvard và Đại học North Carolina, tháng 11/2022.
Những người ủng hộ “chính sách nâng đỡ” (Affirmative Action) trong giáo dục đại học tập trung trước Pháp viện Tối cao Hoa Kỳ, trong khi các thẩm phán nghe trình bày về các vụ sinh viên kiện Đại học Harvard và Đại học North Carolina, tháng 11/2022.

Phán quyết do Pháp viện Tối cao Hoa Kỳ đưa ra vào ngày 29/6 vừa qua đã chấm dứt chính sách nâng đỡ (Affirmative Action) trong lĩnh vực tuyển sinh đại học, được áp dụng tại Mỹ từ những năm 1960.

Trước đây, chính sách này cho phép các yếu tố như màu da, chủng tộc, giới tính, tôn giáo hoặc nguồn gốc quốc gia của một cá nhân được xem xét để tăng cơ hội cho các nhóm thiểu số trong xã hội. Tuy nhiên, theo Chánh án John Roberts, chính sách này tạo ra sự phân biệt đối xử đối với các nhóm đối tượng sinh viên khác.

Phán quyết mới là kết quả của các vụ sinh viên kiện trường đại học, cho rằng sinh viên da trắng bị phân biệt đối xử trong tuyển sinh bởi chính sách nâng đỡ. Trên thực tế, Pháp viện Tối cao đã ba lần nghe trình bày các vụ kiện có nội dung về cơ bản giống nhau, lần đầu vào năm 1978 và gần đây nhất là vào tháng 11/2022, liên quan đến vụ việc sinh viên kiện hai đại học hàng đầu ở Mỹ - Đại học Harvard và Đại học North Carolina.

Việc cân nhắc sắc tộc trong tuyển sinh cũng làm nảy sinh những tình huống khôi hài. Vijay Jojo Chokal-Ingam, một sinh viên gốc Ấn đã đóng giả sinh viên da đen bằng cách cạo đầu, tỉa lông mi, tham gia một tổ chức sinh viên da đen để nộp đơn ứng tuyển đại học. Kết quả, cậu được nhận vào Trường Y, Đại học St. Louis, với GPA 3.1, thấp hơn nhiều so với GPA trung bình của các sinh viên trúng tuyển là 3.7 (CBS, 2017).

Chánh án Roberts cũng cho rằng các trường đại học vẫn có quyền cân nhắc hoàn cảnh của người học để ưu tiên khi xét hồ sơ tuyển sinh. Tuy nhiên, dựa vào các yếu tố màu da hay sắc tộc được xem là phân biệt chủng tộc và vi phạm Hiến pháp Mỹ. Kết quả, với đa số thẩm phán theo thiên hướng bảo thủ, Pháp viện Tối cao đã thông qua phán quyết.

Mức độ đa dạng sinh viên giảm

Phán quyết cấm xét yếu tố chủng tộc trong tuyển sinh đại học tại Mỹ đã khiến sự đa dạng trong giáo dục đại học suy giảm đáng kể. Chẳng hạn, bang California, một trong những bang nổi tiếng ủng hộ đa dạng và bình đẳng, đã ban lệnh cấm chính sách nâng đỡ từ năm 1998. Kết quả là, các trường đại học hàng đầu như Đại học California Los Angeles - UCLA và Đại học California - UC Berkeley đều ghi nhận mức độ đa dạng sinh viên giảm đáng kể sau đó.

Không chỉ riêng California, các bang khác cũng đã chứng kiến sự sụt giảm số lượng sinh viên da đen, gốc Latin và Mỹ bản địa sau khi áp đặt lệnh cấm ghi danh dựa trên yếu tố chủng tộc. Chẳng hạn, tại Đại học Florida, trường đại học hàng đầu của bang, số lượng sinh viên da đen đã giảm xuống 6% trong 20 năm kể từ khi có lệnh cấm, thấp hơn 15% so với tỷ lệ dân số da đen trong độ tuổi đại học của bang vào năm 2020 (University of Florida, 2022).

Các con số này cho thấy rõ rằng phán quyết cấm xét yếu tố chủng tộc trong tuyển đe dọa gây ra mất cân bằng và thiếu sự đại diện đúng mức cho các cộng đồng và nhóm dân tộc trong xã hội.

Do việc nâng cao mức độ đa dạng hóa là một trong những mục tiêu cốt lõi, các trường đại học sẽ đưa ra những biện pháp mới. Phản hồi quyết định của Pháp viện Tối cao, trong tuyên bố của mình, Đại học Harvard nói có những biện pháp để bảo tồn và phát huy “các giá trị thiết yếu” của trường.

Về phía hành pháp, chính quyền Tổng thống Biden cho biết Nhà Trắng sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan có thẩm quyền để tuân thủ phán quyết nhưng vẫn duy trì những chính sách tăng cường tính đa dạng trong giáo dục đại học.

Sinh viên Việt Nam: Lợi thế đi kèm thách thức

Về lý thuyết, việc loại bỏ yếu tố sắc tộc trong quá trình tuyển sinh có thể đóng góp vào việc cải thiện chất lượng giáo dục đại học. Trong một hệ thống tuyển sinh dựa trên thành tích cá nhân, sinh viên châu Á, bao gồm sinh viên Việt Nam, có thể có lợi thế do đạt thành tích cao trong lĩnh vực học thuật và lãnh đạo.

Một ví dụ điển hình là tỷ lệ sinh viên gốc Á, trong đó có nhiều sinh viên Việt Nam, ở trường Đại học UC Berkeley đã tăng lên. Năm 2022, UC Berkeley ghi nhận 52,1% sinh viên gốc Á đóng góp vào việc duy trì vị trí của trường trong danh sách các trường đại học chất lượng hàng đầu không chỉ trong nước Mỹ mà trên toàn thế giới (UC Berkeley, 2023).

Còn trên thực tế, để tăng cơ hội trúng tuyển vào các trường đại học ở Mỹ, khi yếu tố chủng tộc không còn được xét đến nữa, du học sinh Việt Nam cần chuẩn bị một bộ hồ sơ toàn diện hơn, không đơn thuần là điểm số trên lớp và chú trọng thể hiện sự đặc biệt của bản thân. Điều này có thể bao gồm việc tham gia vào các hoạt động ngoại khóa, tổ chức xã hội, công việc tình nguyện, hay thậm chí việc xây dựng một dự án cá nhân độc đáo. Bằng cách thể hiện khả năng lãnh đạo, sự sáng tạo, và ảnh hưởng tích cực trong cộng đồng, du học sinh Việt Nam có thể nổi bật trong đám đông và thu hút sự chú ý của các nhà tuyển sinh.
------
Tài liệu tham khảo
CBS. (2017). Man Pretends To Be Black To Get Into Med School, Says Affirmative Action Is Racist. CBS News Baltimore. https://www.cbsnews.com/baltimore/news/affirmative-action-pretend/
Chen, J. K., & Wolfe, D. (2023). State affirmative action bans helped White, Asian students, hurt others. Washngtonpost. https://www.washingtonpost.com/education/2023/06/29/affirmative-action-banned-what-happens/
UC Berkeley. (2023). UC Berkeley Fall Enrollment Data for New Undergraduates. https://opa.berkeley.edu/uc-berkeley-fall-enrollment-data-new-undergraduates
University of Florida. (2022). Florida Equity Report 2021-2022. https://data-apps.ir.aa.ufl.edu/public/diversity/UF%20Equity%20Report%202022.pdf