Tới đây, các công ty ở EU sẽ không thể tự do tuyên bố sản phẩm của mình “thân thiện với môi trường”, “sản phẩm tự nhiên”, “có thể phân hủy sinh học” hoặc “sinh thái” mà không đưa ra được bằng chứng đi kèm.

Ngày 19/9, Nghị viện và Hội đồng châu Âu vừa đạt được thỏa thuận tạm thời về các quy định mới cấm quảng cáo gây hiểu lầm và cung cấp cho người tiêu dùng thông tin về sản phẩm tốt hơn giá trị vốn có của nó.

Theo đó, các công ty kinh doanh ở EU sẽ bị cấm đưa ra những tuyên bố chung chung về môi trường trừ khi họ cung cấp được bằng chứng chính xác. Nghĩa là các công ty không thể tự do tuyên bố sản phẩm của mình “thân thiện với môi trường”, “sản phẩm tự nhiên”, “có thể phân hủy sinh học” hoặc “sinh thái” mà không đưa ra được bằng chứng đi kèm.

Ngoài ra, các tuyên bố môi trường chỉ dựa trên đền bù phát thải carbon (carbon offsets) được coi là mơ hồ và gây hiểu lầm cho người tiêu dùng vì chúng không liên quan đến các nỗ lực cụ thể để chống lại khủng hoảng khí hậu, do vậy cũng bị cấm.

Đền bù phát thải carbon là bỏ tiền cho các dự án như tái trồng rừng, đầu tư vào năng lượng tái tạo hoặc mua tín chỉ carbon (thường là ở một nước đang phát triển khác). Đây là một trong hai cách chính để đạt được trung hòa carbon, bên cạnh giảm thiểu lượng khí thải thông qua các biện pháp như sử dụng năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng hiệu quả.

Các nhà hoạch định chính sách châu Âu lập luận rằng khí thải không biến mất một cách thần kỳ chỉ bằng cách bù đắp, và họ có lập trường mạnh mẽ chống lại những hành vi tuyên bố ‘lừa mị’ như vậy.

Châu Âu cũng sẽ cấm các nhãn dán “bền vững” nhưng không dựa trên những chương trình chứng nhận do cơ quan công quyền thiết lập hoặc phê duyệt; các thông điệp nhắc nhở người tiêu dùng thay thế vật tư tiêu hao, chẳng hạn như thay hộp mực máy in, sớm hơn mức thực sự cần thiết; giới thiệu các bản cập nhật phần mềm (updates) là cần thiết ngay cả khi chúng chỉ nâng cấp các tính năng; giới thiệu rằng hàng hóa “có thể sửa chữa được” trong khi thực tế không phải vậy. v.v

Ngoài ra, Nghị viện châu Âu khẳng định việc cung cấp thông tin bảo hành cần rõ ràng hơn, vì nhiều người không biết rằng tất cả hàng hóa đều được bảo hành ít nhất 2 năm ở EU. Người bán ở EU cũng sẽ cần công bố tuổi thọ dự kiến của sản phẩm.

Một cuộc tuần hành của các nhóm hoạt động chống "tẩy xanh" trong thời gian diễn ra Hội nghị Biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc COP26. Ảnh: Getty
Một cuộc tuần hành của các nhóm hoạt động chống "tẩy xanh" trong thời gian diễn ra Hội nghị Biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP26). Ảnh: Getty

Một số ngành đang phải lập tức thay đổi. Chẳng hạn như 17 hãng hàng không của EU sẽ phải sửa đổi giao diện đặt vé của mình để loại bỏ các tấm vé máy bay có tuyên bố carbon offsets khiến người tiêu dùng nghĩ rằng họ đang bay trên những chuyến bay "bền vững", “trung hòa khí hậu”.

"EU đang gửi một tín hiệu mạnh mẽ đến thị trường carbon tự nguyện rằng kỷ nguyên bù đắp carbon đã kết thúc", Gilles Dufrasne, trưởng ban chính sách tại cơ quan nghiên cứu và giám sát độc lập Carbon Market Watch, nói.

Còn đối với người tiêu dùng, những quy định mới sẽ giúp cho họ “đỡ bị lạc trong một ma trận các tuyên bố xanh mà không biết tuyên bố nào đáng tin cậy”, theo nhận định của Hiệp hội người tiêu dùng châu Âu BEUC.

“Các công ty sẽ phải giải thích lý do tại sao một sản phẩm thân thiện với môi trường. Điều này rất quan trọng nếu chúng ta muốn hướng dẫn người tiêu dùng đưa ra lựa chọn tiêu dùng bền vững hơn”, Phó tổng giám đốc BEUC nói.

Để trở thành luật, thỏa thuận tạm thời này sẽ phải nhận được sự đồng ý cuối cùng từ cả Nghị viện và Hội đồng châu Âu. Cuộc bỏ phiếu của các thành viên Nghị viện dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 11 tới. Khi chỉ thị có hiệu lực, các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu sẽ có 24 tháng để đưa các quy định mới vào luật của nước mình, tức khoảng đầu năm 2026.

Các doanh nghiệp Việt Nam bị ảnh hưởng như thế nào

Quy định mới sẽ buộc các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa vào EU phải đánh giá lại và chứng minh các tuyên bố về môi trường của họ.

Điều này có nghĩa các doanh nghiệp Việt Nam phải dùng những phương pháp kiểm toán carbon đáng tin cậy và đưa ra những bằng chứng mạnh mẽ về tác động khí hậu của mình nếu muốn sử dụng các tuyên bố xanh.

Chia sẻ với MekongAsean, ông Nguyễn Đình Quyền, chuyên gia tư vấn về lộ trình trung hoà, cảnh báo rằng những doanh nghiệp Việt Nam đang tuyên bố bù đắp phát thải khí nhà kính bằng giải pháp trồng cây nên thận trọng.

Việc sử dụng các phép tính đơn giản để tìm ra lượng carbon được hấp thụ bởi một cây riêng lẻ trong vòng đời của nó rồi tuyên bố rằng đó là sự bù đắp cho lượng khí thải đã tạo ra, là không đủ để được gọi là “trung hoà”, ông nhận xét.

Phát thải carbon và tuyên bố rằng cây xanh sẽ hấp thụ lại lượng carbon tương đương trong tương lai có thể bị coi là hành động “tẩy xanh”, trừ khi dự án trồng cây đã được cấp tín chỉ carbon theo những tiêu chuẩn carbon có uy tín (những tiêu chuẩn này có thể mất từ 5-10 năm mới đạt được).

Trên thực tế, EU đang đòi hỏi tính minh bạch cao hơn và chống lại các hành vi sai trái trong vấn đề khí hậu. Tháng 4 vừa rồi, EU cũng thông qua một loại thuế carbon mới đối với hàng hóa nhập khẩu, gọi là CBAM. Theo đó, các doanh nghiệp bán hàng hóa tại EU cần cung cấp thông tin chi tiết về lượng khí thải carbon của sản phẩm trong suốt vòng đời của nó.

Các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sản phẩm sang thị trường châu Âu cần phải nhanh chóng thích ứng với CBAM bởi chúng có hiệu lực ngay trong tháng 10 này.