Cuộc đình công của các nhà biên kịch và diễn viên ở Mỹ đã làm nổi bật nỗi lo sợ về việc sử dụng công nghệ AI thay thế con người.

Xuống đường biểu tình ở Hollywood. Ảnh: Istock
Xuống đường biểu tình ở Hollywood. Ảnh: Istock

Trong vài tháng vừa qua, trí tuệ nhân tạo đã trở thành nhân vật phản diện trung tâm trong cuộc đình công của các nhà văn và diễn viên ở Hollywood. Hiệp hội biên kịch Mỹ (WGA) đại diện cho 11.500 nhà biên kịch, và Hiệp hội các diễn viên Mỹ (SAG-AFTRA) đại diện cho gần 160.000 diễn viên, đã kêu gọi đình công sau khi không đạt được thỏa thuận với Liên minh các nhà sản xuất điện ảnh và truyền hình (AMPTP).

Cả hai hiệp hội đều đang đưa ra đòi hỏi về tăng lương cơ bản, đồng thời yêu cầu đảm bảo các tác phẩm của họ sẽ không bị trí tuệ nhân tạo (AI) thay thế trong tương lai. Thế nhưng, buổi đàm phán cuối cùng đã thất bại và có vẻ như việc hòa giải là không thể đạt được trong thời điểm hiện tại.

Theo tiết lộ nội dung của những người tham gia đàm phán, AMPTP được cho là muốn trả cho các diễn viên đóng vai “phụ” một mức lương thấp tương đương một ngày công để quét gương mặt của họ và các công ty có thể sử dụng “bản sao” gương mặt đó “vô thời hạn” trong bất kỳ dự án nào. Diễn viên này sẽ không được nhận thêm thanh toán khi các tác phẩm họ từng tham gia được chiếu lại trên các nền tảng trực tuyến.

Các thành viên SAG-AFTRA lo ngại rằng động thái này sẽ mở ra một con đường khiến tất cả các diễn viên đều có thể “bị thay thế bằng các bản sao kỹ thuật số trong hầu hết công việc của họ”. Các diễn viên da đen nói riêng đã lên tiếng về việc AI có thể được các hãng phim sử dụng để tạo ra nội dung “đa dạng” mà không thực sự phải làm việc với nhiều nghệ sĩ.

Trước đó hai tháng, các nhà biên kịch của WGA cũng dấy lên lo ngại về việc các nhà sản xuất có thể tìm cách sử dụng AI để viết kịch bản hoặc sử dụng công nghệ này để hoàn thành các kịch bản phim còn dang dở. Họ e AI có thể tạo ra một bản nháp thô từ một vài gợi ý đơn giản và các nhà biên kịch sau đó được thuê để hoàn thiện các bản nháp đó, nhưng với mức lương thấp hơn bình thường.

Michael Greene, thành viên của ủy ban đàm phán của SAG-AFTRA, tin rằng: "Điều đang xảy ra hiện nay là giới thương mại không thực sự hiểu cách nghệ sĩ suy nghĩ. Họ nghĩ rằng họ có thể làm điều này mà không cần nghệ sĩ hoặc có thể làm mọi điều với AI. Họ chỉ nghĩ đến con số lợi nhuận".

Thay vì làm dịu đi cuộc đình công, mới đây Netflix đã có nước đi khiến cuộc đình công ở Hollywood “bùng cháy” hơn bao giờ hết, đó là đăng tin tuyển dụng vị trí quản lý sản phẩm AI với mức lương lên tới 900.000 USD/năm. Điều này gây tranh cãi vì mức lương quá cao trong khi 87% diễn viên của SAG-AFTRA thậm chí còn không kiếm nổi 26.000 USD mỗi năm.

Không chỉ Netflix, Disney cũng đăng tin tuyển dụng vị trí liên quan tới AI, mặc dù không đưa ra mức lương chính xác. Giám đốc điều hành Bob Iger cho rằng những yêu cầu về mức thù lao cao hơn của các diễn viên và biên kịch tại thời điểm này là “không thực tế”. Do đó, Disney tiếp tục sử dụng AI để phục vụ mục đích của mình, vừa cắt giảm chi phí vừa có thể mang tới các sản phẩm tốt cho khán giả.

Kể từ khi cuộc đình công SAG-AFTRA bắt đầu, Disney đã đưa ra nhiều danh sách công việc liên quan đến AI, bao gồm các công việc truyền thông và Imagineering - những lĩnh vực thường được thúc đẩy bởi sự sáng tạo của con người. Disney đã cắt giảm tổng cộng hơn 7.000 việc làm và các hãng phim cạnh tranh như Warner Bros. Discovery và Paramount cũng có động thái tương tự.

Fran Drescher, chủ tịch công đoàn SAG-AFTRA tuyên bố: “Mô hình kinh doanh của các hãng phim đã thay đổi nhờ phát trực tuyến, nội dung kỹ thuật số và trí tuệ nhân tạo. Đây là một thời khắc lịch sử. Nếu chúng ta không đứng vững ngay bây giờ, tất cả chúng ta sẽ gặp rắc rối, chúng ta sẽ có nguy cơ bị thay thế bởi máy móc và bởi các công ty quan tâm đến Phố Wall hơn bạn và gia đình bạn”.

Nhưng không phải ai cũng có thái độ giống nhau đối với những thay đổi công nghệ. Hồi tháng năm, các công ty công nghệ chuyên về AI đã tham gia hội nghị “AI on the Lot” ở Hollywood, thu hút khoảng 400 người tham gia trong các phiên hội thảo nói về cách trí tuệ nhân tạo phá vỡ mọi khía cạnh của sản xuất phim. Trong khi bên ngoài, một máy bay giăng biểu ngữ bay qua với thông điệp “Hãy trả lương cho các biên kịch, những kẻ khốn AI”, thì bên trong một số diễn giả lập luận rằng nỗi sợ trí tuệ nhân tạo là dành cho những người yếu đuối, những người “cảm thấy không an tâm về tài năng của chính họ”, Robert Legato, một chuyên gia hiệu ứng hình ảnh từng đoạt giải Oscar, người đã làm việc trong các bộ phim như Titanic, Jungle Book và Lion King, tuyên bố.

Ngược lại, nhiều nhà phê bình Hollywood cho rằng sự phụ thuộc quá nhiều vào AI trong việc làm phim là mối đe dọa đối với chính tính nhân văn của nghệ thuật.Nếu các hãng phim xoay trục sang sản xuất những câu chuyện do AI tạo ra để tiết kiệm tiền, họ có thể sẽ khiến khán giả xa lánh và tự phá sản.

Giành chỗ đứng cho tương lai

Thật khó để biết chính xác các cuộc chiến về AI ở Hollywood sẽ diễn ra như thế nào, với khói mù của tiếp thị, nỗi sợ hại bị thay thế và sự nhầm lẫn đơn giản về công nghệ hiện đang lơ lửng trong ngành.

Khi cuộc đình công nổ ra, nhiều người chợt nhận ra rằng mình đã không có sự bảo vệ trước những nguy cơ như thế. Nữ diễn viên Holly Brennan nói rằng trên phim trường vào năm 2019, khi các thành viên sản xuất yêu cầu tình nguyện viên vào lều để chụp thêm ảnh và cho cô khoản tiền trả thêm 30USD, cô thấy đó là quá trình rất hợp lý và chỉ mất vài phút thực hiện.

“Tôi không nhớ lúc đó mình đã vừa đọc báo hay vừa ký tên. Tôi chỉ nghĩ, ‘Ồ, công nghệ mới, thật tuyệt!’ Tôi chưa bao giờ nghĩ đến những tác động của nó... Vào thời điểm đó, bạn không thực sự biết AI là gì. Họ chỉ nói rằng đó là hình ảnh kỹ thuật số và thử nghiệm công nghệ mới này”, cô giải thích.

Ngay bây giờ, hình ảnh quét AI mới chỉ phù hợp nhất cho các vai hoạt ảnh nửa thân trên. Tuy nhiên, giống như bất cứ điều gì trong thời đại công nghệ, mọi thứ có thể phát triển nhanh chóng. Matthew Kershaw, giám đốc chiến lược của một công ty sử dụng AI làm phim mang tên D-ID nói rằng, điều quan trọng là đảm bảo các công ty AI, studio và thậm chí là công ty đại diện phải hành động có đạo đức, giải thích rõ ràng các thông tin và quy trình liên quan để đảm bảo rằng mọi người nhận thức được rõ những gì họ đồng ý tham gia vào và có cơ hội đòi hỏi quyền lợi phù hợp từ đó.

Trên thực tế, các nhà văn của WGA lo lắng về các hình thức tự động hóa lấy đi công việc của họ, nhưng cũng không phải là những người cứng rắn chống lại công nghệ. “Nếu các công cụ AI có thể được sử dụng để giúp các nhà văn - ví dụ, đặt tên mới cho một số hành tinh khoa học viễn tưởng - chúng có thể phục vụ một mục đích mà không đe dọa sinh kế của bất kỳ ai. Nếu các nhà văn có thể được đào tạo để sử dụng các mô hình ngôn ngữ lớn làm công cụ, đó là một chuyện. Nhưng nếu chúng được sử dụng thay cho các nhà văn, hoặc được sử dụng để viết các kịch bản mà con người cần sửa chữa với mức phí thấp hơn, đó là một vấn đề,” WGA lập luận. Chung quy lại, họ muốn có tiếng nói về cách AI được sử dụng trong làm phim.

Cả SAG-AFTRA và WGA đều nhận thức được rằng nếu không đưa ra được các quy tắc thỏa thuận mạnh mẽ ngay bây giờ thì họ sẽ khó khăn hơn trong 2-3 năm tới bởi tại thời điểm đó các hãng phim có thể không cần đến họ.

Sẽ rất ngây thơ nếu bỏ qua những giằng co trong làn sóng AI này. Công nghệ AI đã được triển khai trong một số ngành công nghiệp và lĩnh vực. Hollywood chỉ là một trong những đấu trường lớn đầu tiên, nơi người lao động đang chuẩn bị cho một cuộc chiến để đảm bảo họ có các biện pháp bảo vệ tại chỗ chống lại việc triển khai nó.

“Mọi người đang xếp hàng cho một tương lai mà ai cũng đều nhìn thấy,” Kershaw nói, “Đó chỉ là cách chúng ta sẽ đàm phán thế nào để đến được tương lai, về việc ai nhận được cái gì, ai được quyền kiểm soát, và ai nắm giữ quyền lực”.


Nguồn: rollingstone.com, theguardian.com, wired.com