Thành công của Chương trình KC10/16-20 không chỉ là những sản phẩm nhìn thấy “trực tiếp” trong áp dụng điều trị thành công ngay tại các đơn vị nghiên cứu, mà còn có tiềm năng ứng dụng, mở rộng sản xuất và mang lại lợi ích kinh tế lâu dài.

“Chương trình nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ tiên tiến phục vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng (Chương trình KC10/16-20 - từ đây gọi tắt là KC10-PV) đã hiện thực hóa mong ước của các nhà khoa học, các bác sĩ trong việc áp dụng các kỹ thuật tiên tiến trên thế giới vào việc chẩn đoán, điều trị, cứu sống sinh mạng của bệnh nhân”, GS.TS Lê Bách Quang, ủy viên Ban chủ nhiệm Chương trình KC10 đã nhấn mạnh khi mở đầu cuộc họp tổng kết Chương trình. Vì đa số các kỹ thuật mới, phương pháp chẩn đoán, điều trị mới nhất của ngành y đều xuất phát từ các nghiên cứu thuộc Chương trình KC10 như kỹ thuật ghép tạng, sản xuất vaccine, kỹ thuật chẩn đoán và điều trị nhiều bệnh hiểm nghèo.

Ca ghép phổi đầu tiên thành công cho bệnh nhi Ly Chương Bình, 7 tuổi, tỉnh Hà Giang. Người cho phổi là bố và bác ruột của cháu Ly Chương Bình. Đến nay sức khỏe của cháu đã ổn định, có thể sinh hoạt, học tập bình thường.
Ảnh: Chương trình KC10.

Mở đường cho các kỹ thuật mới

Nhiều kỹ thuật y học trước đây chúng ta mong mỏi nhưng chưa làm được hoặc đã làm được nhưng kết quả còn hạn chế, thì đến nay đã thực hiện ở trong nước khá phổ biến. Điều này đã đưa trình độ KHCN về Y-Dược Việt Nam khỏi tình trạng tụt hậu và theo kịp với các nước trong khu vực và trên thế giới, trong đó có một số lĩnh vực ngang hàng với các nước tiên tiến. “Nếu so với các nước cùng trình độ kinh tế hoặc là vượt hơn chúng ta một chút, thì y tế của ta là vượt trội, có nhiều lĩnh vực còn bằng các nước phát triển. Đặc biệt là chương trình đã góp phần giúp chúng ta đạt được sự công bằng trong khám chữa bệnh, vì nhờ đó giá dịch vụ rẻ chỉ bằng 50-60% so với các nước như Singapore”, PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, Bệnh viện Việt Đức cho biết. Những người trong ngành y như ông từng “xót xa” vì 5 – 10 năm trước bệnh nhân phải đi nước ngoài chữa trị (các báo đã thống kê tổng chi phí hằng năm lên tới 3-4 tỉ USD) thì nay quan sát thấy tỷ lệ bệnh nhân đi nước ngoài đã giảm chỉ còn khoảng 1/3. “Bản thân chúng tôi ở cơ sở chữa bệnh cho những người đi nước ngoài về, họ đều so sánh rằng kỹ thuật của Việt Nam không thua kém gì thế giới mà chi phí lại quá rẻ”, PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết nói.

Điển hình, những kỹ thuật tiên tiến như sinh học phân tử và kỹ thuật laser quang đông ở thai phụ mắc hội chứng truyền máu song thai và dải xơ buồng ối mới được nghiên cứu và đưa vào điều trị ở trên thế giới cũng đã được ứng dụng thành công ở Việt Nam. Trước đây, với truyền máu song thai khá phổ biến nhưng chỉ có khoảng 30% trẻ sống sót và cũng sẽ có di chứng nặng nề khó hòa nhập với cộng đồng, và để điều trị thì cũng phải đưa dụng cụ nội soi vào trong buồng ối để tháo gỡ dải xơ. Đến năm 2021, đề tài thành công mở ra cơ hội điều trị sớm từ bào thai cho hàng chục nghìn trẻ em bị dị tật, giúp bào thai không bị di chứng sau khi sinh.

Đối với ghép tạng, “hai thành trì” của ghép tạng Việt Nam là ghép phổi và quy trình ghép tạng đã tiến thêm một bước rất xa, theo đánh giá của GS. Phạm Gia Khánh, chủ nhiệm Chương trình KC10. Trước đây chúng ta đã đi cả chặng đường dài gần 25 năm, với hàng nghìn ca ghép gan, thận, tụy, nhưng đến thời điểm 2017 mới thực hiện được ghép phổi, đạt trình độ thế giới. Ban đầu, đề tài ghép phổi từ người cho sống thực hiện trên một bệnh nhi 7 tuổi, lấy một phần phổi từ người bố và một phần của người bác đã được ghép thành công, sau bốn năm bé vẫn khỏe mạnh và đang đi học. Chỉ một năm sau, Bệnh viện 108, Bệnh viện Việt Đức đã thực hiện thành công ca ghép phổi từ người cho chết não và đến bây giờ, kỹ thuật ghép tạng khó nhất này đã thành công nhiều lần. Kết quả này được ứng dụng đã đem lại niềm hy vọng, giúp cứu sống rất nhiều bệnh nhân bị bệnh phổi giai đoạn cuối và đã thúc đẩy chuyên ngành ghép, hô hấp của Việt Nam phát triển lên một chặng mới.

“Thành trì” thứ hai của ghép tạng là quy trình điều phối ghép tạng đã giúp tăng hiệu quả ghép tạng của người cho chết não. Bởi về lý thuyết, người cho tạng chết não có thể cứu được 8 người, nhưng trong thực tế chỉ có thể cứu được từ 2 đến 3 người. Ví dụ ở Mỹ, tỉ lệ ghép là 2.8 (có 10.721 trường hợp chết não thì chỉ ghép được cho 29000 người), ở Thái Lan là 1 người ghép cho 2.3 người còn ở Việt Nam vào năm 2018 cũng chỉ đạt mức 1 người cho 2.5 người. Nhưng khi hoàn thiện quy trình điều phối ghép tạng thì lần đầu tiên chúng ta điều phối được để 1 người chết não cho 5 người, trong đó 4 người ngay tại Hà Nội và 1 người ở TP. HCM. Ban điều phối quốc gia đã xây dựng một kế hoạch phức tạp nhiều khâu, từ quá trình chuyển tạng ở một trung tâm đi các nơi khác, chuyển bằng trực thăng hoặc máy bay chuyên dụng đúng thời gian, điều phối thời điểm ghép, thời điểm mổ ăn khớp đến từng giờ phút.

Chương trình cũng ứng dụng thành công những kỹ thuật mới trong sinh học phân tử vào phát hiện các đột biến gene, từ đó hiểu được cơ chế dịch bệnh ở mức độ phân tử và chẩn đoán, sàng lọc sớm các bệnh hiểm nghèo. Đơn cử, trước đây, trong chẩn đoán và điều trị ung thư dạ dày, ngay cả ở các bệnh viện tuyến đầu như Bạch Mai cũng phải cắt 3/4, 4/5 dạ dày. Đến nay, Chương trình đã xây dựng được quy trình chẩn đoán ung thư dạ dày với tỷ lệ cao, chỉ trong chưa đầy hai năm, bệnh viện Bạch Mai đã chẩn đoán được 30 ca ung thư dạ dày sớm, tỷ lệ sống tăng cao trên 95%.

Nhờ các nghiên cứu ứng dụng này, Việt Nam cũng chủ động nghiên cứu sản xuất được các bộ sinh phẩm chẩn đoán những bệnh ác tính thường gặp, những bệnh tái nổi. Tất cả những sản phẩm của chương trình đều có độ nhạy, độ đặc hiệu cao. Một số ví dụ điển hình như các bộ kit LAMP chẩn đoán bệnh sán lá gan lớn, sán lá gan nhỏ, giun lươn đường ruột, là những bệnh tái nổi hay bộ kit phát hiện mất đoạn AZF của tinh trùng để phát hiện nguyên nhân gây vô sinh ở nam giới, các bộ kit phát hiện não mô cầu... đều có độ nhạy và độ đặc hiệu lên tới 96-97%, có khả năng thay thế các sản phẩm nhập ngoại.

Những ảnh hưởng sâu rộng

Một trong những đặc điểm riêng có của Chương trình KC10 là các nhiệm vụ ứng dụng các giải pháp, công nghệ, kỹ thuật mới đều được ứng dụng ngay trong thực tiễn, tại các đơn vị chủ trì thực hiện nghiên cứu và các cơ sở y tế có thể tiếp nhận chuyển giao công nghệ ngay khi có kết quả. Do đó, giá trị kinh tế của các đề tài có thể được nhìn thấy “trực tiếp” bằng giá thành khi người bệnh được chữa trị tại các cơ sở y tế trong nước thấp hơn nhiều so với đi điều trị ở nước ngoài. Đơn cử, với các ca bệnh có hội chứng truyền máu song thai, giá điều trị trong nước chỉ 2.000 USD, so với giá 30.000 USD chưa kể các chi phí đi lại, người nhà đi theo...

Không chỉ dừng lại ở đó, giá trị kinh tế của chương trình sẽ còn lớn hơn nữa khi áp dụng các kỹ thuật mới này ở diện rộng. Chỉ riêng kỹ thuật laser quang đông điều trị thai phụ mắc hội chứng truyền máu song thai và giải sơ buồng ối có thể giúp tiết kiệm khoảng 8 triệu USD mỗi năm nếu điều trị cho khoảng 300 ca bệnh trong nước. Bộ kit xác định mức độ gẫy ADN của tinh trùng dùng để chẩn đoán vô sinh nam chỉ có giá 30.000 đ/1 kit, so với giá nhập ngoại 1.200.000 đ/1 kit, sẽ mang lại hiệu quả kinh tế nhiều chục tỉ đồng vì mỗi năm cả nước dùng khoảng 20.000 kít. Hay kim luồn tĩnh mạch chỉ có giá 5-6.000 đ/1 kim (giá nhập khẩu là 8-9.000đ/1 kim), cũng có thể giúp tiết kiệm khoảng 30 tỉ đồng trong bối cảnh một năm cả nước tiêu thụ khoảng 40 triệu kim.

Thành công của Chương trình không chỉ ở những kết quả nhìn thấy được trong quy trình khám chữa bệnh, cứu người, mà còn giúp nâng cao năng lực của các đơn vị được thụ hưởng. Đó là lí do mà trong một bài phát biểu ngắn tại buổi tổng kết, GS.TS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y, đơn vị có truyền thống tham gia thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu về y dược đã nhấn mạnh là đơn vị “biết ơn người đầu tiên đề xuất ra chương trình KC, đặc biệt là KC10” vì nêu cao yêu cầu tính chặt chẽ và khoa học trong quy trình thiết kế, đề xuất cũng như nghiêm túc trong xét duyệt đề tài. Nhờ đó, mỗi đơn vị, dù chỉ thực hiện một đề tài, cũng được nâng cao năng lực lên nhiều. Một đề tài nghiên cứu sẽ có “ảnh hưởng sang ứng dụng điều trị, phòng chữa bệnh, và cả đào tạo đội ngũ cán bộ nghiên cứu”. “Chúng ta muốn xây dựng đỉnh núi thì phải có từ chân núi, muốn ghép tạng được thì phải có từ lâm sàng tốt lên, hồi sức cũng phải tốt lên, chống nhiễm khuẩn tốt, các xét nghiệm cận lâm sàng, chăm sóc sau đó tốt lên…”, GS.TS Đỗ Quyết nói.

Trong bối cảnh COVID-19 và các dịch bệnh mới nổi khác đang ngày càng có diễn biến phức tạp, các nhà khoa học đều đồng tình cho rằng cần tiếp tục triển khai Chương trình. Nhưng đây cũng là lúc cùng có những bước “đổi mới thật sâu”, PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết nhấn mạnh. Điều ông muốn nói tới là nhìn nhận lại cơ chế chính sách, giảm bớt những gánh nặng hành chính thủ tục và đầu tư trọng điểm với một cơ chế niềm tin. “Chẳng hạn giao toàn quyền cho các nhà khoa học giỏi để họ tự vận hành, họ tự lựa chọn những người có năng lực làm nghiên cứu, các cơ quan quản lý chỉ quản lý bằng công việc và đầu ra sản phẩm, bằng chất lượng của đề tài”, GS.TS Nguyễn Tiến Quyết nói. Làm cách nào để có thể lựa chọn những đề tài chất lượng như vậy, giảm rủi ro cho quá trình quản lý đề tài? Ông gợi ý, “[Chương trình] lựa chọn các lĩnh vực nghiên cứu dựa vào tư vấn của các nhà khoa học chuyên ngành, theo từng nghiệm vụ, sau đó giao cho các cơ sở có đủ năng lực, có cán bộ khoa học, và phân bổ kinh phí thỏa thỏa đáng, không dàn trải”.

Lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học và chia sẻ rất ấn tượng về các kết quả đạt được của Chương trình KC10, nhìn nhận sự thành công của ngành y tế gắn liền với thành công của Chương trình KC10 nhưng Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cũng bày tỏ sự kỳ vọng vào các pha nối dài thành công của KC10. “Mặc dù kết quả thành công rất đáng khích lệ rồi nhưng nếu thực hiện được một việc nữa thì sẽ hoàn thiện hơn, tức là kết nối các kết quả của Chương trình KC.10 với các khu vực của doanh nghiệp. Có sự đầu tư, hỗ trợ, đồng hành của doanh nghiệp để đưa sản phẩm từ nghiên cứu, phương pháp quy trình điều trị cho đến dược liệu ra ngoài xã hội thì sẽ giúp KC10 rất toàn vẹn và có ý nghĩa kinh tế xã hội”, Thứ trưởng Trần Văn Tùng nói. Bộ KH&CN cũng có các chương trình phát triển thị trường, có thể sẽ giúp kết nối các chương trình với khối doanh nghiệp, để doanh nghiệp tham gia đi cùng nhà khoa học.

Ông cũng nhấn mạnh Bộ KH&CN đang tiến hành tái cơ cấu các chương trình KH&CN, trong đó có Chương trình KC10 và tới đây sẽ tập trung điều chỉnh các thông tư hướng dẫn quản lý các chương trình, thông tư quản lý tài chính trên tinh thần “giảm thiểu tối đa thủ tục hành chính” để tạo điều kiện cho các nhà khoa học nghiên cứu, không gặp khó khăn trong quá trình thực hiện. Thứ trưởng Trần Văn Tùng đề nghị, các nhà khoa học sẽ tiếp tục nghiên cứu đề xuất ra những hướng lâu dài cho ngành y, đặc biệt là các nghiên cứu dự báo trong tình hình mới.

Chương trình KC10 yêu cầu tính chặt chẽ và khoa học trong quy trình thiết kế, đề xuất cũng như nghiêm túc trong xét duyệt. Nhờ đó, mỗi đơn vị, dù chỉ thực hiện một đề tài nhưng năng lực của đơn vị cũng được nâng cao lên nhiều.

GS.TS Đỗ Quyết