Sumer là mảnh đất màu mỡ nằm giữa sông Tigris và Euphrates. Trên khắp khu vực hiện nay là miền Bắc Iraq, những thành-bang hùng cường xuất hiện, tháp đền ziggurat mọc lên, sử thi được truyền tụng. Đây là nơi ra đời của chữ viết, luật lệ, thành phố và khoa học, cùng nhiều sáng tạo khác.

Tháp đền Zigguratthành Ur, được xây vào khoảng năm 2100 TCN. Nguồn: Michael Runkel
Tháp đền Zigguratthành Ur, được xây vào khoảng năm 2100 TCN. Nguồn: Michael Runkel

Thành phố và các vì vua

Những người mở đất đến đồng bằng Lưỡng Hà vào khoảng thiên niên kỷ VI TCN. Nhờ tạo ra hệ thống tưới tiêu kênh rạch để khai thác nước từ sông Tigris và Euphrates, họ có một nền nông nghiệp mạnh mẽ. Thành công này tạo nên những trung tâm giao thương giàu có. Từ đây khu định cư biến thành làng, rồi những ngôi làng lớn lên thành thành thị với hàng ngàn cư dân.

Vào năm 3500 TCN, Sumer bao gồm một loạt thành-bang liên kết với nhau bằng ngôn ngữ và truyền thống tôn giáo. Nổi bật nhất là thành Eridu, Uruk, Ur, Larsa, Isin, Adab, Lagash, Nippur, và Kish. Qua thời gian, một số thành-bang trở nên hùng mạnh hơn và cai trị những nơi khác cho tới khi nó ngã khỏi vũ đài quyền lực.

Những thành phố này nằm dưới sự cai trị của các vị vua, danh xưng của họ hẳn đã bị quên lãng nếu không xuất hiện Danh sách Nhà vua Sumer. Bản sao danh sách được tìm thấy trên 16 tấm bảng và hình trụ đất sét rải rác khắp Lưỡng Hà. Những hiện vật toàn vẹn nhất cho biết tên thành phố nổi bật, người cai trị và thời gian cai trị. Các học giả nhanh chóng chỉ ra Danh sách pha trộn giữa truyền thuyết và lịch sử, những vị vua sớm nhất có thời gian nắm quyền cực kỳ dài và những vị vua có niên đại gần hơn ngự trên ngai vàng trong khoảng thời gian phù hợp với tuổi thọ người.

Sự trỗi dậy của Uruk

Thành-bang đầu tiên nắm quyền là Uruk. Theo Danh sách, Vua Enmerkar đã dựng xây nơi đây vào khoảng năm 4500 TCN. Tới thời đỉnh cao, Uruk có khoảng 40.000 cư dân - một quần thể khổng lồ thúc đẩy kinh tế phát triển mạnh.

Sự sung túc của thành phố phản ánh ở kiến trúc hoành tráng. Tháp đền ziggurat của Uruk thờ thần bầu trời Anu, hoàn thành vào cuối thiên niên kỷ IV TCN. Bạch đền nằm trên đỉnh nơi đây hẳn đã mọc lên từ nhiều thế kỷ trước Đại Kim tự tháp của Ai Cập. Các cuộc khai quật vào thế kỷ 20 do các nhà khảo cổ Đức thực hiện còn tìm thấy nhiều tác phẩm bằng đồng, bạc và vàng có kích cỡ lớn.

Những thành phố khác được khai quật đem lại mảnh ghép cho các học giả hoàn thiện bức tranh về lịch sử vùng đất. Tại Lagash, họ tìm thấy hệ thống tưới tiêu và cống phức tạp. Nổi tiếng nhất là phát hiện của Leonard Woolley thuộc Bảo tàng Anh và Đại học Pennsylvania. Họ khám phá ra Ur, thành phố ở đỉnh cao vào cuối thiên niên kỷ III TCN. Trong các lần đào bới vào những năm 1920 và 1930, Woolley tìm thấy tháp đền cao hơn 24m thờ thần Mặt trăng Nanna.

Ông cũng tìm thấy nghĩa trang hoàng gia từ giữa thiên niên kỷ III TCN. Trong lăng mộ có vương miện, vòng cổ và chiếc hộp tinh xảo được gọi là Chuẩn mực Ur, khảm đá quý mô tả cảnh tượng chiến chinh và chiến lợi phẩm. Nơi đây cũng chứa hài cốt của người hầu hoàng gia bị hiến tế để tiếp tục “phục vụ” người cai trị ở thế giới bên kia.

Chữ viết ra đời

Từ “Sumer” bắt nguồn từ shumerum, theo cách mà người Akkad, hàng xóm của người Sumer ở phía Bắc, gọi cư dân ở khu vực này. Người Sumer cổ đại tự gọi họ là salmat qaqqadi, nghĩa là “đầu đen”.

Những thành công về nông nghiệp khiến người Sumer cần một hệ thống ghi thông tin tỉ mỉ. Đâu đó vào khoảng năm 3500 TCN, các nhà buôn bắt đầu dùng bảng đất sét mềm khắc biểu tượng để theo dõi hàng hóa. Những biểu tượng hình ảnh này phát triển vào năm 3200 TCN trở thành một loạt ký hiệu phức tạp gồm khoảng 600 ký tự, được gọi là ký tự Sumer. Chữ viết ra đời.

Trông giống các hình nêm và đường thẳng nhỏ, chữ viết Sumer được tạo ra bằng cách dùng cây sậy nguệch ngoạc trên tấm bảng đất sét ướt. Kỹ thuật này mang lại cho hệ thống cái tên hiện đại là chữ hình nêm. Ký tự Sumer đã tạo ra cuộc cách mạng. Những nhóm ngôn ngữ khác được tìm thấy trên khắp vùng Lưỡng Hà đã sử dụng nó. Bảng chữ hình nêm xuất hiện ở vô số di tích khảo cổ.

Chữ hình nêm lan truyền nhờ giao thương và cả xâm lăng. Các thành phố Sumer xâm lược lẫn nhau xúc tiến trao đổi văn hóa. Tuy nhiên, mỉa mai là sự trường tồn của văn hóa văn chương của người Sumer và việc sử dụng hệ thống chữ nêm (sau này lan truyền khắp vùng Cận Đông và vẫn được sử dụng cho tới cuối năm 75 SCN) lại không phải vì Sumer đi xâm lược các vùng đất, mà chính nó bị xâm lăng.

Ngôn ngữ và văn chương

Vào năm 2330 SCN, vua Sargon thành Akkad lật đổ vua Lugalzagesi thành Uruk, người cai trị Sumer vào thời điểm đó. Hợp nhất Akkad và Sumer là một phần trong cuộc chinh phục vùng Lưỡng Hà của ông, Sargon đã tạo ra đế chế đa quốc gia đầu tiên trong lịch sử.

Dưới sự cai trị này, tiếng của người Akkad là ngôn ngữ phổ dụng, song nó lại được viết bằng chữ hình nêm của người Sumer. Lựa chọn này giúp bảo tồn văn bản văn học Sumer. Nhiều tác phẩm trong số đó được bảo tồn dưới dạng bản sao từ thời kỳ Babylon cổ đại (năm 2003-1595 TCN).

Các bài thơ ban đầu bằng tiếng Sumer kể về vua Gilgamesh thành Uruk mà sau này được cài cắm vào truyện sử thi, một phiên bản của nó được tìm thấy tại Nineveh vào thế kỷ 19. Đây là một trong những sử thi anh hùng sớm nhất trên thế giới.

Các ghi chép còn lưu giữ bằng chứng về tiến bộ y tế, bao gồm những đơn thuốc đầu tiên trong lịch sử, mô tả căn bệnh và cách điều trị. Trong những văn bản sót lại còn nhắc đến thuốc đắp, thuốc nước và thuốc xịt. Tuy chúng ta khó xác định đó là những bệnh nào, song ghi chép cho thấy dược lý học của người Sumer rất tiến bộ.

Luật lệ

Sau khi Đế quốc Akkad sụp đổ vào khoảng năm 2150 TCN, Sumer đổi người thống trị là người Guti từ cao nguyên phía Đông. Các vị vua Sumer đoạt lại quyền lực vào khoảng thế kỷ 21 TCN, trong giai đoạn gọi là Vương triều Ur đệ tam. Người thành lập, Ur-Nammu, là một tướng tài, nhà cải cách và đổi mới vĩ đại. Ông được cho là hạ lệnh xây dựng tháp đền Ziggurat vĩ đại ở thành Ur, song công tích lớn nhất của ông là tạo ra bộ luật đầu tiên trên thế giới.

Văn bản được phục dựng bắt đầu với câu chuyện Ur-Nammu làm thế nào để thiết lập công lý, cải cách hệ thống đo lường, đảm bảo trẻ mồ côi và góa phụ không phải con mồi cho người có chức quyền. Bộ luật sau này ảnh hưởng các hệ thống luật vùng Lưỡng Hà, đáng chú ý nhất là Bộ luật của Hammurabi - vua Babylon cai trị ba thế kỷ sau đó.

Song sự hồi sinh quyền lực của người Sumer không tồn tại lâu. Người Elamite đã xâm chiếm thành Ur, bắt được vị vua cuối cùng vào khoảng năm 2004 TCN. Sự tàn phá thành phố được tưởng nhớ trong tác phẩm “Khóc thương cho thành Ur”.

Thành Ur bị phá hủy đã chấm dứt quyền lực của người Sumer, ngôn ngữ Sumer nhanh chóng tuyệt tích. Những thành phố hùng cường và chữ viết của nó nằm ẩn sâu dưới lòng đất cho tới gần 4.000 năm sau mới lần nữa hiện ra dưới ánh mặt trời.

Nguồn: nationalgeographic.com