Có người xem “Con người và Kỹ thuật: Một đóng góp cho triết học đời sống” của Oswald Spengler chỉ như một phụ lục sơ sài cho cuốn “Phương Tây thời mạt vận” nổi tiếng, được Spengler xuất bản trước đó; lại có người coi nó tương tự như lời tố cáo của các nhà bảo vệ môi trường về sự nguy hiểm của nền kỹ trị liều lĩnh của con người.

Được xuất bản vào năm 1931, cuốn sách là một văn bản quan trọng của Oswald Spengler nhưng đã bị lãng quên. Sự quan tâm của giới học thuật đối với Spengler có xu hướng tập trung vào lý thuyết lịch sử văn hóa trước đó của ông và những chẩn đoán bi quan về “số phận’’ của nền văn minh phương Tây được trình bày trong cuốn Phương Tây thời mạt vận (1918). Các triết gia lại càng tỏ ra ít quan tâm hơn đến Spengler, họ coi ông chỉ là một nhà sử học nghiệp dư hoặc đơn giản là một nhân vật chưa có đủ có tầm vóc triết học.

Oswald Arnold Gottfried Spengler (1880 – 1936). Nguồn: INT
Oswald Arnold Gottfried Spengler (1880 – 1936). Nguồn: INT

Có thể phân chia sự nghiệp nghiên cứu của Spengler thành hai giai đoạn. Ở giai đoạn đầu, âm điệu chủ đạo trong các tác phẩm của Spengler là những suy đoán và tiên tri nghiệt ngã về cái kết thúc lịch sử của văn minh phương Tây. Quan điểm này của ông - thuyết quyết định luận lịch sử và chủ nghĩa bi quan về văn hóa(1) - đã hứng chịu rất nhiều những chỉ trích và phê phán gay gắt. Giai đoạn sau, bản thân Spengler cố gắng tìm ra một con đường, một lối thoát cho nền văn minh phương Tây tránh khỏi cái kết cục thê thảm như ông đã dự đoán bằng cách viện dẫn tới kỹ thuật. “Kỹ thuật’’, theo ông, được hình thành như một lực lượng văn hóa và siêu hình đặc biệt, tiêu biểu nhất cho năng lực nhận thức và sáng tạo của con người, và được tạo ra theo cách để “bản thể của kỹ thuật’’ có thể liên kết được với “linh hồn của con người’’.

Việc không đánh giá đúng tầm quan trọng của kỹ thuật là một bức xúc chung của một số người cùng thời với Spengler. Năm 1930, Walter Benjamin đã cảnh báo chống lại những người ca ngợi “công nghệ và vật chất” là “sự mặc khải cao nhất của sự tồn tại”. Ông nhấn mạnh rằng “chân trời của họ rực lửa nhưng rất hạn hẹp” vì nó thiếu chiều sâu đạo đức hoặc tâm linh; kết quả là, “công nghệ của họ đã định hình nên bộ mặt khải huyền của tự nhiên” dẫn đến việc “hàng triệu cơ thể con người... bị sắt và khí gas nhai nát.’’(2)

Stefan Zweig, gần hơn với Spengler, vào năm 1925 đã mô tả “sự đơn điệu hóa của thế giới’’. Sự biến đổi không ngừng của xã hội dưới tác động của công nghệ khiến mọi thứ bị san phẳng thành một lược đồ văn hóa giản đơn: “hương thơm tinh tế của cái đặc thù trong các nền văn hóa đang bốc hơi, những tán lá đầy màu sắc bị tước bỏ với tốc độ ngày càng nhanh, chỉ còn những pít-tông màu xám thép của các chuyển động cơ học của cỗ máy thế giới hiện đại.”(3)

Những mối nguy hiểm do công nghệ gây ra vì thế là muôn hình vạn trạng, từ khả năng hủy diệt đến sự đồng nhất văn hóa của các xã hội dưới sự áp chế hay cưỡng bức của tính duy lý mà Max Weber coi đó là “số phận” của thời đại chúng ta. Tuy nhiên, dù nguy hiểm đến đâu thì nguyên nhân cũng giống nhau: không đánh giá đúng “bản chất” của kỹ thuật. “Công nghệ’’ không chỉ là một tập hợp các thiết bị điện và cơ khí, mà còn là một lực lượng văn hóa mạnh mẽ; chừng nào còn chưa bị kiểm soát, nó sẽ còn đe dọa tiêu diệt con người và nền văn hóa trong cơn bùng nổ điên cuồng của các thiết bị, máy móc và các quy trình kỹ thuật.

Oswald Spengler. Con người và Kỹ thuật: Một đóng góp cho triết học đời sống (nguyên tác Đức ngữ: Der Mensch und Technik. Bản dịch Pháp ngữ: L’homme et la Technique). NXB Khoa học Xã hội, 2022. Nguồn: Netabooks
Oswald Spengler. Con người và Kỹ thuật: Một đóng góp cho triết học đời sống (nguyên tác Đức ngữ: Der Mensch und Technik. Bản dịch Pháp ngữ: L’homme et la Technique). NXB Khoa học Xã hội, 2022. Nguồn: Netabooks

Phơi bày “bản chất của kỹ thuật” và giải thích tầm quan trọng của nó đối với bản chất con người - nói rộng ra là đối với văn hóa - đó là mục đích chính của tiểu luận Con người và Kỹ thuật của Spengler. Sự bành trướng không ngừng của kỹ thuật vào trong đời sống văn hóa và chính trị của nước Đức Quốc Xã những năm 1930, sự tôn sùng của Goebbels và những người khác dành cho chế độ Quốc Xã, một “thời đại vừa lãng mạn, vừa rắn như thép” (tuyên bố của Goebbels) đã làm tăng thêm cảm giác bi quan và củng cố niềm tin vào thuyết tất định luận lịch sử của Spengler.

Giống như Heidegger, người tiếp bước sau ông, Spengler coi việc phân tích kỹ thuật không chỉ đơn thuần là một nghiên cứu lịch sử hay triết học, mà còn là một dự án văn hóa và chính trị mang tính phê phán; do đó tác phẩm Con người và Kỹ thuật bắt đầu bằng việc nêu rõ “vấn đề của kỹ thuật và mối quan hệ của nó với Văn hóa và Lịch sử”. Vấn đề này sẽ phải được giải quyết từ những góc nhìn đủ rộng lớn. Dẫu rằng kiến thức có được hầu hết là do tự học và không sở hữu bằng cấp hay địa vị học thuật cao, Spengler vẫn là một nhà tư tưởng vĩ đại và táo bạo: ông coi sự nghiệp của mình là tìm ra ‘’lịch sử của Con người từ nguồn gốc của nó” để có thể cung cấp ‘’một cái nhìn toàn diện về bí mật vĩ đại của số phận loài người’’.

Theo Spengler, kỹ thuật không chỉ đơn giản là việc đa dạng hóa của các thiết bị cơ khí và điện tử đã được phát minh ra từ đầu thế kỷ XIX. Thật vậy, Spengler luôn chỉ trích “quan niệm sai lầm cho rằng kiểu dáng của máy móc và công cụ là mục tiêu của kỹ thuật”. Nhận thức thực dụng, vụ lợi về công nghệ như một tập hợp các thiết bị nhằm tiết kiệm sức lao động là đặc trưng của “những người theo chủ nghĩa duy vật’’, những người coi lý tưởng cao nhất là “sự tiện ích’’.

Không chỉ bằng lòng với việc thiết lập kỹ thuật như một hiện tượng có ý nghĩa văn hóa, Spengler còn đi xa hơn nữa, xác định nó như một lực lượng siêu hình mạnh mẽ gắn bó mật thiết với “linh hồn của con người”. Theo Spengler, kỹ thuật đã xuất hiện “từ thuở khai thiên lập địa” và “là một cái gì đó phổ quát, vượt ra ngoài phạm vi nhân loại”, là nền tảng của mọi sự sống và mọi lịch sử - nhìn chung, với Spengler, kỹ thuật là một lực lượng siêu hình có khả năng làm sống động mọi sinh vật và thúc đẩy chúng cạnh tranh và thống trị lẫn nhau. Kỹ thuật và tâm hồn dường như là những người bạn đồng hành kỳ quặc. Thông thường, những thảo luận về “linh hồn” dường như thuộc về triết học và thần học, nhưng ở đây trong một câu chuyện liên quan đến công nghệ đương đại, Spengler đã táo bạo khẳng định rằng “linh hồn của con người” là phần bổ sung cho “bản chất của kỹ thuật”. Theo một nghĩa nào đó, cả “linh hồn của con người’’ và “bản chất của kỹ thuật’’ là giống nhau: chúng đều là xung lực chủ động và năng động “tích cực và sẵn sàng chiến đấu” với mục đích duy nhất là sáng tạo và biến đổi.

Cũng theo Spengler, sự hồi sinh của nền văn hóa Đức nói riêng và của thế giới phương Tây nói chung chỉ có thể đạt được thông qua sự hiệp thông chặt chẽ với kỹ thuật. Nhưng Spengler ngay lập tức đưa ra một cảnh báo. Trong quá trình đấu tranh với Tự nhiên, nhân loại đã “giành lấy đặc quyền sáng tạo’’ nhưng lại không hiểu được ‘’bản chất của kỹ thuật’’. Kết quả là, “nhà cách mạng nhỏ bé này đã nổi dậy chống lại Tự nhiên để rồi lại trở thành nô lệ chính mình. Con thú săn mồi, kẻ biến người khác thành vật nuôi của mình để bóc lột họ, cuối cùng đã tự bắt mình làm nô lệ”.

Ngày nay, gần trăm năm sau khi cuốn sách Con người và Kỹ thuật được xuất bản, chúng ta không thể bỏ qua tính cấp thiết trong những lời cảnh báo của Spengler. Dự đoán của Spengler rằng “vào đầu thế kỷ 21, các thành phố được bố trí cho 10 đến 20 triệu cư dân, trải rộng trên các khu vực rộng lớn của vùng nông thôn, với các tòa nhà sẽ lấn át những tòa nhà lớn nhất hiện nay và giao thông và giao tiếp sẽ trở nên tuyệt vời đến mức điên rồ’’ giờ đây đã trở thành sự thật. Cùng với quá trình “công nghệ hóa’’ thực phẩm, chăm sóc sức khỏe, giải trí…, lời cảnh báo của Spengler rằng chúng ta sẽ bị kỹ thuật bắt làm con tin - thứ kỹ thuật mà chúng ta vẫn hiểu một cách thiển cận là các thiết bị nhằm tiết kiệm sức lao động chứ không phải là các xung lực văn hóa mạnh mẽ như Spengler kêu gọi – ngày càng hiển hiện. Vì thế, tác phẩm này khiến chúng ta muốn lật lại những đánh giá trước đây về Spengler và nghĩ về một vị trí xứng đáng với tầm vóc của ông trong lịch sử triết học châu Âu hiện đại.

Chú thích:

(1) Trong "Phương Tây thời mạt vận" (Der Untergang des Abendlandes), O. Spengler đề xuất một lý thuyết mới về văn minh nhân loại, theo đó các nền văn minh cũng giống như những cơ thể sống, có tuổi đời là hữu hạn và nhất định sẽ bị tiêu vong, và được coi là một nhà triết học tiêu biểu cho chủ nghĩa bi quan về lịch sử văn minh

(2) Walter Benjamin, “Ý thức hệ của chủ nghĩa phát xít Đức” (Theories of German Fascism) (1930), đăng lại trong “Sách nguồn về Cộng hoà Weimar” (The Weimar Republic Sourcebook), Nhà xuất bản Đại học California, 1995. Tr 159-164

(3) Stefan Zweig, Sự đơn điệu hoá của thế giới” (The Monotonisation of the World)(1925), đăng lại trong “Sách nguồn về Cộng hoà Weimar” (The Weimar Republic Sourcebook), Nhà xuất bản Đại học California, 1995. Tr 397- 400