Ngày nay, sự chỉ trích đối với các bảng xếp hạng đại học thế giới vẫn tiếp tục tăng lên; nhưng mặt khác, phạm vi xếp hạng theo khu vực và 'theo chủ đề' cũng tăng lên trong nỗ lực tìm kiếm công cụ mới để giám sát việc thực hiện đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục đại học, chứ không phải chỉ vì tiếng tăm.

Đã đến lúc chấm dứt hệ thống xếp hạng đại học?

Mới đây, trên The Lancet, tổng biên tập Richard Horton có bài bình luận chỉ trích các bảng xếp hạng đại học quốc tế. Ông viết, trong thể thao, chúng ta thích theo dõi ai lên, ai xuống là điều dễ hiểu vì các môn thể thao có tính cạnh tranh khốc liệt. Nhưng vì sao các trường đại học và các vị hiệu trưởng cũng bị ám ảnh bởi thứ hạng của họ, đặc biệt là trên ba bảng xếp hạng thống trị - Xếp hạng Đại học Thế giới của Times Higher Education (THE), Xếp hạng Đại học Thế giới của QS và Xếp hạng Học thuật của các trường Đại học trên thế giới (ARWU) hay còn gọi là Xếp hạng Thượng Hải.

Ông dẫn ra phân tích của Tiffany Nassiri-Ansari và David McCoy từ Viện Quốc tế về Sức khỏe Toàn cầu thuộc Đại học Liên Hợp Quốc (UNU), Kuala Lumpur, Malaysia, về bảng xếp hạng ARWU và THE mà dựa vào đó, hai tác giả gợi ý rằng có thể loại bỏ hoàn toàn các bảng xếp hạng đại học, hoặc phải cải cách chúng để có thể sử dụng như một phương tiện mạnh mẽ, buộc các trường đại học chịu trách nhiệm về sứ mệnh xã hội rộng hơn của họ.

Các trường đại học Tây Âu và Bắc Mỹ thống trị nhiều bảng xếp hạng toàn cầu. Ảnh minh họa: INT
Các trường đại học Tây Âu và Bắc Mỹ thống trị nhiều bảng xếp hạng toàn cầu. Ảnh minh họa: INT

Phân tích của Nassiri-Ansari và McCoy chỉ ra sự thống trị của các trường ở Mỹ và Anh: lần lượt hai nước này chiếm 41% và 44% trong số 200 trường đại học hàng đầu trên cả hai bảng xếp hạng ARWU và THE. Trong ARWU, số trường đại học được xếp hạng nằm ở châu Phi, châu Á, châu Mỹ Latinh và Ca-ri-bê chỉ chiếm 20%. Con số này thậm chí còn thấp hơn ở bảng xếp hạng THE - 12,5%.

Nassiri-Ansari và McCoy lý giải sự thiên lệch này là kết quả của nhiều “hạn chế và sơ hở” trong cách tiến hành xếp hạng. Chất lượng dữ liệu không được xác nhận độc lập bởi bản thân tổ chức xếp hạng. Việc sử dụng các cuộc khảo sát để đo lường danh tiếng có thể dẫn đến sự thiên vị nghiêm trọng. Việc nhấn mạnh vào các tạp chí nói tiếng Anh tạo ra bất công cho các học giả không nói tiếng Anh. Không có nỗ lực nào để đo lường tác động xã hội của trường đại học. Khoa học tự nhiên được thiên vị so với khoa học nhân văn. Và ý tưởng rằng một tổ chức phức tạp như trường đại học có thể được tóm tắt chính xác bằng một số liệu duy nhất hiển nhiên là vô lý. Xếp hạng ở dạng hiện tại khuyến khích “trò chơi kẻ thắng người thua” và cạnh tranh không lành mạnh hơn là sự hợp tác giữa các trường đại học.

Đồng tình với hai nhà nghiên cứu ở UNU, Horton kết luận, chắc chắn đã đến lúc chấm dứt hệ thống xếp hạng đại học hiện tại và thay thế bằng thứ gì đó tốt hơn, đo lường những gì chúng ta thực sự tin rằng các trường đại học cần hướng tới - đó không phải dòng vô tận các bài báo trên các tạp chí được trích dẫn nhiều, không phải bộ sưu tập các giải thưởng phản ánh vận may của một số ít nhà nghiên cứu, và không phải các tiêu chí đề cao các thước đo thô sơ về “năng suất” và thu nhập tài chính. “Nếu chúng ta thực sự tin tưởng vào sự công bằng, chúng ta cần chống lại và bác bỏ hệ thống xếp hạng đại học mang tính phân biệt và loại trừ hiện nay. Đó là một hệ thống làm vấy bẩn danh tiếng của học thuật,” ông viết.

Mở rộng tầm nhìn

Bình luận về bài viết của Richard Horton, Richard Holmes - nhà tư vấn độc lập, đồng thời là nhà sản xuất blog University Ranking Watch - cho rằng, loại bỏ xếp hạng, thoạt nghe có vẻ là một ý tưởng hay, nhưng nó không thực sự khả thi. Bởi giới lãnh đạo và giảng viên trong các trường đại học có thương hiệu lớn không nghĩ rằng mọi trường đại học đều có chất lượng như nhau, rằng thu nhập hoặc học phí nên được giảm xuống mức trung bình của ngành, rằng các khoản tài trợ nghiên cứu nên được phân bổ ngẫu nhiên hoặc sinh viên của họ không có khả năng tuyển dụng cao hơn sinh viên những nơi khác.

“Cho đến khi họ làm như vậy, những lời kêu gọi bãi bỏ hoặc tái cơ cấu triệt để các bảng xếp hạng nên được xem xét với sự nghi ngờ,” Richard Holmes viết.

Ông lưu ý, bài bình luận trên The Lancet tập trung vào cái gọi là 'ba ông lớn' xếp hạng toàn cầu - nhưng đó chỉ là quan điểm của các phương tiện truyền thông chính thống mà đối với họ, đây thường là những bảng xếp hạng duy nhất quan trọng, dù đôi khi họ có bổ sung thêm Bảng xếp hạng các trường đại học tốt nhất toàn cầu của US News.

Trong khi đó, trên thực tế, còn có nhiều bảng xếp hạng khác. Ví dụ, CWUR (Trung tâm Xếp hạng Đại học Thế giới), có trụ sở ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, công bố bảng xếp hạng thế giới bao gồm thước đo khả năng được tuyển dụng sau khi tốt nghiệp. Webometrics (xếp hạng Web của các trường đại học) của Tây Ban Nha, đo lường độ nổi bật của thương hiệu đại học cho hơn 30.000 tổ chức.

Xếp hạng Leiden do Trung tâm Nghiên cứu KH&CN (CWTS) thuộc ĐH Leiden, Đức, thực hiện bao gồm các tiêu chí về phân bố giới tính trong nghiên cứu và xuất bản truy cập mở. Bảng xếp hạng các tổ chức nghiên cứu trên toàn cầu của Scimago có các chỉ số về tác động xã hội và đổi mới sáng tạo.

Ngoài ra, Nga có bảng xếp hạng MosIUR xem xét nhiều vấn đề xã hội và Xếp hạng Đại học Round, giờ đã chuyển đến Georgia, bao gồm nhiều loại dữ liệu về tài chính và quốc tế hóa.

Bảng xếp hạng U-Multirank, được phát triển bởi liên minh các trường đại học châu Âu, cung cấp rất nhiều chỉ số về học thuật, môi trường và xã hội trong khi tránh công bố một điểm số hoặc tổng sắp duy nhất.

Holmes cho rằng, ba bảng xếp hạng lớn đúng là có thiên vị các nước Tây Âu và Bắc Mỹ và tình trạng này cũng xuất hiện ở nhiều bảng xếp hạng khác. Tuy nhiên, nếu xem xét các bảng xếp hạng ít nổi tiếng hơn, đặc biệt là những bảng xếp hạng có phương pháp ổn định và bóc tách các số liệu khác nhau, có thể thấy một số thay đổi đáng kể trong vài năm qua. Một thế cân bằng toàn cầu mới về sức mạnh khoa học và học thuật đang nổi lên, dịch chuyển đều đặn về phía đông và rời xa những thành trì xuất sắc đã được thừa nhận lâu nay.

Nhiều trường đại học Việt Nam đã tham gia các xếp hạng khu vực và toàn cầu. Trong ảnh: Sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng - đại học công lập có cơ sở vật chất và điều kiện giảng dạy được xếp hạng quốc tế 5 sao theo chuẩn QS Stars và có tên trong top 200 trường đại học phát triển bền vững nhất thế giới theo UI Greenmetric World University Ranking. Nguồn: fas.tdtu.edu.vn
Nhiều trường đại học Việt Nam đã tham gia các xếp hạng khu vực và toàn cầu. Trong ảnh: Sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng - đại học công lập có cơ sở vật chất và điều kiện giảng dạy được xếp hạng quốc tế 5 sao theo chuẩn QS Stars và có tên trong top 200 trường đại học phát triển bền vững nhất thế giới theo UI Greenmetric World University Ranking. Nguồn: fas.tdtu.edu.vn

“Ai cũng biết rằng năng lực nghiên cứu của các trường đại học Trung Quốc đã phát triển nhanh chóng trong hai thập kỷ qua. Tìm hiểu sâu hơn một chút, chúng tôi thấy rằng kỹ thuật, vật lý và khoa học máy tính đang trở thành những lãnh địa của Trung Quốc,” Holmes viết.

Trên Xếp hạng Leiden, trong số 30 trường đại học hàng đầu, 27 trường là của Trung Quốc, 2 của Nhật Bản và 1 của Singapore. Ngay cả khi nâng tiêu chuẩn chất lượng lên các ấn phẩm nằm trong 10% tạp chí hàng đầu, Trung Quốc vẫn chiếm ưu thế, mặc dù có phần kém ấn tượng hơn. Đối với lĩnh vực toán học và khoa học máy tính, tình hình cũng tương tự: trong top 30, có 28 trường đại học Trung Quốc, 1 Hàn Quốc và 1 Singapore.

Ngoài Trung Quốc, các trường đại học và các tổ chức khác từ Hàn Quốc, Brazil, Singapore, Iran, Đài Loan và Ả Rập Saudi đang bắt đầu thể hiện sự hiện diện của họ.

“Bạn có thể nói rằng đây chỉ là sự phản ánh về số lượng và nếu nhìn vào đỉnh cao của thế giới khoa học - nào là giải thưởng Nobel, các bài báo trên Science, Nature, Cell và có lẽ cả trên The Lancet hay nghệ thuật và các ngành nhân văn, thì Mỹ và một số nước nói tiếng Anh vẫn thống trị. Nhưng có vẻ như xu hướng chung là cuối cùng số lượng sẽ được chuyển hóa thành chất lượng,” Holmes nhận định.

Ông lưu ý, cùng với sự nổi lên của những cái tên mới trên các bảng xếp hạng đại học quốc tế, “Không nghi ngờ gì nữa, có rất nhiều trường hợp đạo văn, ngụy tạo dữ liệu và mánh khóe xếp hạng, nhưng các trường ưu tú của phương Tây chưa bao giờ hoàn toàn vô can hay liêm chính trong những vấn đề đó.”

Mặt khác, Bảng xếp hạng các tổ chức nghiên cứu trên thế giới của Scimago, bao gồm cả các bệnh viện, cơ quan chính phủ, tổ chức phi lợi nhuận và công ty, cho thấy nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, đặc biệt là trong lĩnh vực kỹ thuật và các lĩnh vực liên quan, đang chuyển dịch từ các trường đại học sang khu vực tư nhân và chính phủ. Vì vậy, đứng đầu về kỹ thuật hiện nay trên bảng xếp hạng này có Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp CNRS, Google, Tập đoàn Lưới điện Trung Quốc SGCC, Facebook, Microsoft và Viện Y tế Howard Hughes HHMI cùng một số trường đại học Trung Quốc. Theo Holmes, các bảng xếp hạng dường như tiết lộ rằng các trường đại học phương Tây đang mất dần vị thế không chỉ trước các trường đại học ở Đông Á mà còn trước các tập đoàn đa quốc gia trên danh nghĩa là của Mỹ và châu Âu.

Cuối cùng, Holmes nhấn mạnh, bài bình luận trên The Lancet và phân tích từ UNU gợi ý rằng các trường đại học nên được đánh giá theo những đóng góp của họ cho sự đa dạng, công bằng, hòa nhập và bền vững. Điều đó nghe có vẻ tốt, nhưng cũng cần thận trọng. “Các trường đại học đang gặp vấn đề với các nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu và đổi mới thông thường của họ. Để dấn thân vào những lĩnh vực mà họ có ít kinh nghiệm hoặc kiến thức và bị ảnh hưởng sâu sắc bởi các thành kiến về chính trị, văn hóa và giai cấp, họ phải đáp ứng rất nhiều yêu cầu.”

Giải pháp mới

Cùng quan điểm giáo dục đại học trên toàn thế giới phải đối mặt với nhiều vấn đề khó khăn, Waldemar Siwinski, chủ tịch của IREG Observatory - một hiệp hội quốc tế gồm các tổ chức xếp hạng, trường đại học và các cơ quan khác quan tâm đến xếp hạng trường đại học và sự xuất sắc trong học thuật, có trụ sở ở Warsaw, Ba Lan - nhận xét các bảng xếp hạng không phải là nguyên nhân gây ra những vấn đề đó. “Các bảng xếp hạng giống như nhiệt kế cho thấy dấu hiệu của các căn bệnh học thuật khác nhau. Nhưng căn bệnh hay cơn sốt không biến mất khi chúng ta đập vỡ nhiệt kế.”

Ông cũng cho rằng các quốc gia bên ngoài châu Âu và Bắc Mỹ vẫn đang hết sức cần các bảng xếp hạng như một công cụ để giám sát việc thực hiện đổi mới giáo dục đại học, nâng cao chất lượng giáo dục, chứ không phải chỉ vì tiếng tăm.

Vấn đề là hiện nay chúng ta chỉ có một bức tranh xếp hạng rời rạc. Dữ liệu do các tổ chức xếp hạng như QS, THE và các tổ chức khác thu thập qua các khảo sát do họ gửi đến các trường đại học và được điều chỉnh theo yêu cầu của họ có nhiều điểm bất cập. Nếu các tổ chức quốc tế tiềm năng và uy tín (Liên Hợp Quốc, UNESCO và OECD) thu thập dữ liệu toàn cầu và cập nhật thông tin đáng tin cậy hằng năm về giáo dục đại học, thì có lẽ các bảng xếp hạng quốc tế không thể làm mưa làm gió như ngày nay, ông chỉ ra.

Đáng mừng là, ở nhiều quốc gia, các hệ thống cơ sở dữ liệu vững chắc về giáo dục đại học và khoa học đã được hình thành. “Rõ ràng là 'đại dương dữ liệu' toàn cầu về khoa học và giáo dục đại học có thể tạo ra các khả năng phân tích mới và do đó, các giải pháp mới trong lĩnh vực xếp hạng,” ông viết.

Và bởi vậy, ông tin rằng, một nền tảng dựa trên cơ sở dữ liệu giáo dục đại học khổng lồ và các thuật toán AI sẽ sớm xuất hiện trong lĩnh vực xếp hạng đại học.


Nguồn: