Nếu không tự nâng cao tiêu chuẩn chất lượng thì trong tương lai, ngay cả con đường xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc của nông sản Việt Nam cũng sẽ bị tắc nghẽn.

Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính

Trước khi hàng loạt container nông sản Việt Nam phải quay về “bán giải cứu” do mắc kẹt ở cửa khẩu trong những ngày gần đây, không ít nông sản Việt Nam đã phải “quay đầu” kể từ khi Trung Quốc siết chặt các quy định về xuất nhập khẩu nông sản. Một trong những thay đổi đáng chú ý nhất là Trung Quốc yêu cầu nông sản xuất khẩu chính ngạch sang nước này phải có vùng trồng và cơ sở đóng gói được Việt Nam cấp mã số và Tổng cục hải quan Trung Quốc phê duyệt. “Thực ra đây không phải là vấn đề mới, trước đây Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc,... đã có quy định về mã số vùng trồng, từ năm 2018 Trung Quốc bắt đầu áp dụng thì người sản xuất ở Việt Nam mới quan tâm đến nhiều hơn”, ông Nguyễn Quang Hiếu ở Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) giải thích trong hội thảo về truy xuất nguồn gốc do Bộ KH&CN tổ chức vào đầu tháng 11/2021. Ngoài mục đích kiểm soát dịch hại trên nông sản nhập khẩu, "mã số vùng trồng cũng là một phần rất quan trọng trong truy xuất nguồn gốc, bởi vì nó là một phần dữ liệu trong giai đoạn đầu tạo ra sản phẩm, còn truy xuất nguồn gốc sẽ có thêm dữ liệu của giai đoạn đóng gói, phân phối, lưu thông,... ".

Xoài Cao Lãnh (Đồng Tháp) từng bị Trung Quốc tạm ngừng nhập khẩu do vi phạm quy định về kiểm dịch thực vật.

Chúng ta có thể thấy rõ điều này khi nhìn vào các tiêu chuẩn cấp mã số vùng trồng: Vùng trồng chỉ trồng duy nhất một loại cây ăn quả; phải có sổ sách ghi chép đầy đủ mọi tác động lên cây trong một vụ canh tác (bón phân, tưới nước, đốn tỉa,...); hoạt động canh tác phải tuân theo quy trình VietGAP hoặc tương tự (GlobalGAP,...); diện tích vùng trồng từ 6-10 ha để thuận tiện quản lý; phải có các biện pháp kiểm soát sâu bệnh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật,... phù hợp với quy định của nước nhập khẩu (Trung Quốc).

Những tiêu chuẩn có phần khắt khe đến từ một thị trường mà hầu hết mọi người thường nghĩ là “dễ tính”, dễ thâm nhập như Trung Quốc đã khiến nhiều người bất ngờ và trở tay không kịp. Thậm chí, nhiều người dù “chưa bao giờ nghĩ thị trường Trung Quốc dễ tính” như bà Ngô Tường Vy ở Công ty Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, “chúng tôi áp dụng các biện pháp sản xuất theo các tiêu chuẩn của Mỹ và châu Âu, nhưng thực tế khi bên Trung Quốc kiểm tra vẫn có một số nội dung cần thay đổi để phù hợp hơn”, bà cho biết. Hiện nay, số lượng mã số vùng trồng của Việt Nam được cấp cũng thấp hơn rất nhiều so với khối lượng sản xuất thực tế: từ năm 2019 đến nay, Việt Nam đã được cấp khoảng gần hai nghìn mã số vùng trồng cho chín loại trái cây tươi (xoài, thanh long, chuối, nhãn, vải, dưa hấu, chôm chôm, mít, măng cụt) và thạch đen. Trong khi đó, các quốc gia láng giềng như Thái Lan có số lượng nông sản được Trung Quốc chấp thuận nhiều gấp đôi so với Việt Nam (22 loại).

Việc cấp mã số vùng trồng đã khó, làm thế nào để quản lý các mã số này còn phức tạp hơn. “Hiện nay vẫn còn tình trạng mạo danh mã số vùng trồng, ảnh hưởng rất lớn đến xuất khẩu và hoạt động đàm phán, mở cửa thị trường cho các sản phẩm khác của Việt Nam”, ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) nhận xét trong Diễn đàn trực tuyến chia sẻ thông tin, thích ứng với quy định mới trong xuất khẩu nông sản, thực phẩm vào Trung Quốc (lệnh 248 và 249) do Bộ NN&PTNT tổ chức vào tháng 11/2021. Chẳng hạn như trường hợp xoài Cao Lãnh ở Đồng Tháp, vào năm 2020, Trung Quốc đã yêu cầu tạm ngừng nhập khẩu xoài từ một số vùng trồng ở Cao Lãnh do vi phạm các quy định về kiểm dịch thực vật. Điều trớ trêu là tại thời điểm đó, những khu vực này đã hết vụ xoài. Sau khi điều tra, cơ quan chức năng đã phát hiện ra nguyên nhân bắt nguồn từ việc mạo danh mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói.

Điều này dẫn đến việc “hoa quả Việt Nam nhập vào Trung Quốc đều bị hải quan kiểm tra 100%, trong khi đó hoa quả Thái Lan chỉ bị kiểm tra 30% thôi, còn lại không phải kiểm tra xét nghiệm gì cả, chỉ cần làm xong thủ tục hải quan lập tức được chuyển hàng sang Trung Quốc, đơn giản và thuận tiện hơn rất nhiều”, ông Thanh Thành Vĩ, Chủ tịch hội hoa quả quốc tế Bằng Tường, Quảng Tây, Trung Quốc cho biết thêm.

Không chỉ siết chặt vấn đề mã số vùng trồng, “trong thời gian gần đây, Trung Quốc cũng gia tăng các biện pháp kiểm soát an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật”, ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam (Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật - Bộ NN&PTPTNT) nói. “Trong những thông báo mới gần đây, họ tăng 42% số lượng giới dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và công bố hơn 500 loài sinh vật gây hại - danh sách này luôn luôn thay đổi, hầu hết là những sinh vật gây hại thông thường ở Việt Nam. Do vậy, chúng ta phải cực kì chú ý đến vấn đề kiểm soát nông sản trước khi xuất khẩu, không để nhiễm các loại sinh vật gây hại này”.

Cơ hội nâng cao chất lượng nông sản

Trong bối cảnh cánh cửa vào thị trường Trung Quốc đang ngày càng hẹp lại, nhiều doanh nghiệp đã tìm cách chuyển hướng sang những thị trường mới. Tuy nhiên, “chúng ta vẫn phải coi Trung Quốc là thị trường mục tiêu quan trọng”, bà Nguyễn Thị Lan Hương, Chủ tịch công ty CP Nông nghiệp quốc tế Hoa Việt nhận xét. “Bởi lẽ, thị trường Trung Quốc rất gần với chúng ta, có lợi thế cạnh tranh về giá cả vận chuyển. Hiện nay các doanh nghiệp xuất hàng đi châu Âu, Mỹ với chi phí vận tải rất cao, chúng tôi hiện đang phải giành giật để đặt container rất khó. Ngoài ra, tỉ lệ người tiêu dùng có thu nhập trung bình và thu nhập cao ở Trung Quốc đang tăng trưởng rất nhanh. Đây là thị trường cả thế giới thèm muốn”.

Bên cạnh đó, nhiều người cũng thấy rằng những diễn biến mới không hề chỉ có mặt tiêu cực. Bản thân việc thị trường Trung Quốc nâng cao các tiêu chuẩn cũng ẩn chứa nét tích cực của nó. “Việc Trung Quốc thay đổi quy định khiến chúng ta lo lắng, nhưng đây cũng là nền tảng để cơ quản lý nhà nước, doanh nghiệp cũng như người sản xuất thay đổi tư duy và cách thức sản xuất, góp phần nâng cao tiêu chuẩn chất lượng nông sản Việt Nam”, bà Ngô Tường Vy nói. Đó là điều đã xảy ra với quả vải thiều ở Bắc Giang. “Trước đây chúng ta sản xuất hoàn toàn phục vụ các thị trường dễ tính, nhưng khi mở cửa thị trường Nhật Bản, chúng ta đã phải áp dụng các biện pháp kiểm soát rất chặt chẽ, ở những diện tích trồng vải xuất khẩu Nhật Bản phải thay đổi phương thức canh tác như thế nào để đáp ứng thị trường đó, khi thành công sẽ trở thành lực kéo rất tốt để dần dần nâng cao tiêu chuẩn sản xuất”, ông Nguyễn Quang Hiếu nhận xét.

Những tín hiệu mới cho thấy, đây chính là thời điểm để Việt Nam quan tâm hơn nữa vào việc nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu một cách bài bản. Dẫu vậy, đây không phải là chuyện dễ bởi việc thay đổi thói quen sản xuất là một con đường dài, đòi hỏi nỗ lực của nhiều bên. “Tôi nghĩ các cơ quan quản lý cần phải thắt chặt các biện pháp kiểm soát, chẳng hạn như trường hợp xoài Cao Lãnh bị tạm ngừng nhập khẩu, không phải là lỗi của người dân hay doanh nghiệp, mà chính là lỗi của nhà quản lý. Mỗi mã vùng trồng có diện tích và sản lượng nhất định, nếu chúng ta kiểm soát chặt chẽ, khi thấy hết rồi thì đóng lại, sẽ không xảy ra tình trạng mã vùng trồng này có 10 ha, sản lượng 100 tấn nhưng số lượng xuất khẩu lên tới 200 tấn”, bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch Công ty Bagico Bắc Giang nhận xét.

Câu chuyện nâng cao chất lượng nông sản thực chất là câu chuyện của chính người trồng hái. “Người sản xuất cũng phải thay đổi ý thức, tôi thấy rất nhiều trường hợp ghi chép lưu trữ hồ sơ trồng trọt giả mạo, đến kì đánh giá tiêu chuẩn VietGAP hay mã vùng trồng làm theo kiểu chống đối, không minh bạch”, bà Nguyễn Thị Thành Thực nhấn mạnh đến vai trò chủ chốt của người tận tay làm ra sản phẩm. Nhưng liệu việc thay đổi một thói quen canh tác, một cách làm đã tồn tại nhiều năm, thậm chí nhiều thế hệ có phải là chuyện dễ không? “Chúng ta nghĩ rằng đó là cái gì xa xôi nhưng thực chất, các biện pháp này không chỉ giúp đáp ứng tiêu chuẩn sản xuất mà còn phục vụ cho chính quá trình canh tác, chẳng hạn các ghi chép này có thể là dữ liệu để giúp người sản xuất có thể đúc rút kinh nghiệm cho mùa vụ sau. Nếu họ có thể làm được điều này, bản thân các doanh nghiệp như chúng tôi sẵn sàng bỏ tiền ra giúp họ làm hoàn toàn các tiêu chuẩn như VietGAP”, bà gợi ý cách làm mà doanh nghiệp của mình đã áp dụng thành công.