Từ góc độ người tham gia xây dựng một số chương trình đào tạo có sự gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp, anh Dương Trọng Tấn, sáng lập CodeGym - hệ thống đào tạo lập trình hiện đại - chia sẻ quan điểm vì sao quan hệ giữa trường đại học và doanh nghiệp chưa thể trở nên “thắm thiết” .

Không còn nghi ngờ gì về sự cần thiết của mối hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp. Thậm chí, việc này đã được quy trình hóa đối với những đại học xây dựng chương trình đào tạo theo tiếp cận CDIO. Theo đó, trường đại học sẽ phối hợp với doanh nghiệp để xây dựng chuẩn đầu ra cho chương trình đào tạo, cùng tạo lập các không gian và cơ chế để sinh viên trải nghiệm các kĩ năng thực tế ngay trong quá trình học.

Lợi ích của cơ sở đào tạo tương đối rõ ràng khi “chơi thân” với doanh nghiệp. Nhà trường sẽ có đầu vào tốt cho việc xây dựng và đổi mới chương trình đào tạo gắn với thực tiễn, có được sự đảm bảo ở các mức độ khác nhau về việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp. Nhà trường có thể có thêm những hỗ trợ vềnguồn lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hành cho các sáng kiến nâng cao chất lượng đào tạo cũng như nghiên cứu và phát triển. Thậm chí, nhà trường có thể thu hút một lực lượng chuyên gia có tay nghề cao tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào việc giảng dạy và huấn luyện cho sinh viên.

Trong khi đó, lợi ích của doanh nghiệp cũng không ít. Việc “bắt tay” với cơ sở đào tạo giúp cho doanh nghiệp chủ động hơn trong việc tuyển dụng để phục vụ cho phát triển. Không chỉ có vậy, việc tương tác sâu hơn với cơ sở đào tạo giúp doanh nghiệp giảm đáng kể thời gian phải đào tạo lại, tối ưu hóa chi phí cho quản trị nhân sự. Đó là chưa kể doanh nghiệp có thể có được các sự hợp tác xa hơn thông qua các sáng kiến cùng nghiên cứu và phát triển, các chương trình tư vấn chất lượng cao cùng với các chuyên gia giàu tri thức từ trường đại học.

Sinh viên Đại học Công nghệ TP.HCM dành nhiều thời gian tại các xưởng thực hành của nhà trường. Ảnh: kenh14.vn

Câu hỏi đặt ra là, vì sao ngay cả khi lợi ích (chí ít là về mặt lí thuyết) rất rõ ràng, các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp lại ít đến được với nhau?

Tạm bỏ qua những đại học hoặc doanh nghiệp không màng những lợi ích kể trên vì lí do này hay khác, có những đại học rất tích cực kết nối doanh nghiệp, có những trưởng khoa rất chịu khó tìm kiếm mối hợp tác, nhưng kết quả hợp tác vẫn nghèo nàn, chủ yếu dừng ở tiếp xúc ban đầu, một vài biên bản ghi nhớ hợp tác, hoặc cùng lắm là một hai hội chợ việc làm.

Ở chiều ngược lại, nhiều doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, rất khó bắt tay với trường đại học trong một cơ chế lâu dài do nguồn lực hạn chế, chưa thể tham gia các chương trình lớn mang tính “tài trợ” cho cơ sở giáo dục.

Như vậy, chỉ nhận thức thôi có lẽ chưa đủ. Nguyên nhân mối quan hệ giữa trường đại học và doanh nghiệp chưa được khơi thông dường như nằm ở điểm mấu chốt khác quan trọng hơn: hành động chưa đủ. Do hành động chưa đủ nên chưa tạo được lòng tin sâu sắc giữa hai bên; không có các sáng kiến tạo ra động lực mới; và sự hợp tác nếu có cũng hời hợt, không tạo ra kết quả, do đó không thể tiếp tục đẩy mối quan hệ đi xa hơn.

Một cách đơn giản hóa, chúng ta có thể nhìn ra ba bước cơ bản để tiến tới hợp tác giữa trường và doanh nghiệp.

Bước một là nhận thức chung: cả hai bên đều thấy cần phải có sự hợp tác, tiếp xúc với nhau ở nhiều cấp để nắm được nhu cầu và lợi ích của nhau, từ đó tạo dựng lòng tin ban đầu.

Bước tiếp theo là phải có chương trình hành động cụ thể (một dự án kết hợp nghiên cứu, một chương trình hợp tác đào tạo, hoặc phối hợp cùng cải tiến chương trình đào tạo...). Chương trình này nên được định rõ mục tiêu, nhân sự, nguồn lực, cam kết về tài chính và các mốc thời gian cơ bản. Việc phân bổ nguồn lực và cắt cử nhân sự phù hợp cho các sáng kiến hoặc dự án hợp tác giữa hai bên, cùng với việc giám sát và động viên từ lãnh đạo sẽ giúp hai bên dần tháo gỡ những khó khăn từ thực tiễn, và đạt được các kết quả bước đầu. Khi tự tin vào thành công từ sự hợp tác, hai bên sẽ gia tăng mức độ tin tưởng.

Ở bước cuối cùng, doanh nghiệp và cơ sở giáo dục có thể hợp tác toàn diện, ở nhiều mức độ sâu rộng hơn để cùng đồng hành thúc đẩy sự phát triển của cả hai bên.