Kinh tế tuần hoàn đang nhận được sự chú ý trên thế giới và được xem như một trong những “cứu cánh” cho việc dung hòa giữa lợi ích kinh doanh và trách nhiệm môi trường. Tuy nhiên, việc thực hành kinh tế tuần hoàn có những thách thức nhất định.
Từ hàng trăm năm nay, nền kinh tế thường vận hành theo đường thẳng: Khai thác – Sử dụng – Thải bỏ. Tuy nhiên trong một vài năm trở lại đây, với áp lực dân số tăng, đô thị hóa và nhu cầu tiêu thụ trên đầu người ngày càng lớn, khiến nhiều tài nguyên trở nên khan hiếm, chi phí môi trường tạo tài nguyên mới hoặc khắc phục các hậu quả môi trường đã có trở thành gánh nặng đè lên hành tinh.
Đây là lý do tại sao Kinh tế tuần hoàn (Circular Economy) nổi lên như một khái niệm hấp dẫn. Về nguyên tắc, sản phẩm hoặc nguyên liệu trong kinh tế tuần hoàn sẽ liên tục được bảo trì, tái sử dụng, tái chế nhằm hướng tới việc không còn khai thác tài nguyên hay tạo chất thải. Trong bối cảnh hiệp định Paris toàn cầu, mô hình này đã trở thành một trong những thành phần chính của kế hoạch giảm phát thải carbon tại không ít quốc gia.
Lợi ích của kinh tế tuần hoàn
Nước là ví dụ quan trọng của kinh tế tuần hoàn. Người ta cho rằng việc lãng phí năng lượng, sức lực, tiền bạc để sử dụng nước vòi sạch cho việc xây dựng, tưới tiêu cảnh quan hay xả nhà vệ sinh là một điều khó bao biện, trong khi có thể sử dụng nước xám tái chế (từ vòi sen, bồn rửa) hoặc nước đen tái chế (từ nhà vệ sinh) để giảm nhu cầu nước “sạch” và đảm bảo các nguồn nước không bị đổ trộn chất thải rắn với nhau.
Việc này cũng đồng thời làm giảm tình trạng khan hiếm nguồn nước ngọt vốn được coi là “cuộc chiến tranh” giữa nhiều quốc gia như khu vực thượng nguồn Himalaya, Tây Tạng, Trung Quốc, Ấn Độ và các nước hạ lưu sông Mekong. Phân bón giàu chất dinh dưỡng thu được trong quá trình xử lý nước thải có thể sử dụng cho nông nghiệp. Ước tính sơ bộ cho thấy Ấn Độ tiết kiệm được hơn 1,4 tỷ USD ngoại hối và trợ cấp mỗi năm chỉ từ phân bón nếu tái chế nước.
Nền kinh tế tuần hoàn có tác động rất lớn. Báo cáo năm 2016 do Tổ chức Ellen MacArthur Foundation và Hội nghị Phát triển & Thương mại Liên Hợp Quốc (UNCTAD) cho thấy
Ấn Độ sẽ tạo ra 218 tỷ USD giá trị kinh tế gia tăng đến năm 2030 và đạt 624 tỷ USD (gấp 3 lần) đến năm 2050 nếu họ chỉ cần áp dụng các nguyên tắc tuần hoàn trong 3 lĩnh vực: thành phố và xây dựng, thực phẩm và nông nghiệp, sản xuất xe và di chuyển.
Báo cáo tương tự với
Trung Quốc cũng chỉ ra áp dụng các nguyên tắc kinh tế tuần hoàn ở quy mô đô thị có thể khiến hàng hóa, dịch vụ trở nên rẻ hơn, giảm 50% phát thải bụi mịn, 23% phát thải khí nhà kính và 47% tắc nghẽn giao thông vào năm 2040.
Thực ra, các nguyên tắc tuần hoàn đều đã xuất hiện ở các quốc gia nghèo hoặc đang phát triển, nhưng chúng thường bị đánh đổi cho sự thuận tiện khi kinh tế tăng trưởng và thu nhập trung bình gia tăng. Sửa chữa là một cấu phần quan trọng của kinh tế tuần hoàn và đã ăn sâu vào thói quen của người dân các nước đang phát triển. Ấn Độ, Trung Quốc đều có tỷ lệ sửa chữa xe cộ, thu hồi, tái chế vật liệu sau sử dụng cao. Tuy nhiên, chúng thường được xử lý bởi khu vực kinh tế phi chính thức. Các hoạt động này là cung cấp nguồn sinh kế duy nhất cho một bộ phận không nhỏ người dân nghèo.
Áp dụng kinh tế tuần hoàn ở cấp độ doanh nghiệp
Nhiều doanh nghiệp đã nhìn thấy lợi ích lâu dài của kinh tế tuần hoàn và bắt đầu chuyển đổi mô hình của mình theo hướng "khép vòng" lại.
Ông Gerben Hieminga, Nhà kinh tế cấp cao tại Tập đoàn dịch vụ tài chính ngân hàng đa quốc gia ING (Hà Lan) và là tác giả của báo cáo “Xét lại tài chính trong nền kinh tế tuần hoàn”, 2015, nhận xét rằng“Kinh tế tuần hoàn là câu trả lời cuối cùng trong việc giải quyết vấn đề cạn kiệt và khan hiếm tài nguyên, nhưng đây không phải là động lực chính để một doanh nghiệp hướng việc kinh doanh của mình theo mô hình khép kín. [Trọng tâm là] nền kinh tế tuần hoàn tạo ra các cơ hội kinh doanh mới và tăng quan hệ thân thiết với khách hàng. Những lợi ích về môi trường thường chỉ là phụ thêm.”
Việc "khép vòng" cũng diễn ra đa dạng hình thức trên nhiều ngành nghề.
Một số công ty tập trung vào việc tái chế chất thải của chính họ hoặc của công ty khác - nhà sản xuất thảm sàn Interface sử dụng lưới đánh cá cũ để làm sản phẩm, thương hiệu đồ ăn nhanh McDonald thu gom dầu ăn thải từ các nhà hàng rồi biến chúng thành nhiên liệu cho xe tải giao hàng, Liên minh tái chế bao PRO Vietnam cam kết thu gom và tái chế toàn bộ bao bì của các công ty thành viên đến năm 2030.
Các tập đoàn lớn cũng đang bắt đầu tính đến những gì sẽ xảy ra ở cuối vòng đời sản phẩm ngay từ khi bắt đầu thiết kế - công ty BMA Ergonomics tạo ra ghế tựa có thể tháo rời dễ dàng khi vứt bỏ để mang đi tái chế thuận lợi hơn, hay phần lớn nhà sản xuất xe hơi tại châu Âu bắt buộc phải tái chế hoặc thu hồi 95% nguyên liệu từ xe được chế tạo theo Chỉ thị Cuối vòng đời Phương tiện của EU.
Một số công ty khác tập trung vào việc kéo dài tuổi thọ của sản phẩm hoặc đem lại đời sống thứ hai - thiết bị y tế là một ví dụ điển hình, nơi công ty như Siemens thu hồi máy quét MRI hết hạn sử dụng, tân trang lại và bán vào thị trường đồ second-hand cho những khách không đủ khả năng chi trả cho thiết bị mới nhất.
Một nhánh khác của kinh tế tuần hoàn xem xét đến việc phát triển nhận thức “sản phẩm trở thành dịch vụ” – khách hàng sẽ không còn sở hữu sản phẩm mà được cho thuê. Công ty Phillips sở hữu các thiết bị chiếu sáng và thanh toán hóa đơn tiền điện, còn khách hàng trả tiền cho dịch vụ thuê “ánh sáng” từ họ. Như vậy, doanh nghiệp được kì vọng sẽ cải thiện tuổi thọ và khả năng tái chế sản phẩm họ sở hữu.
Những mô hình chia sẻ như AirBnB, Lyft cũng có tiềm năng giúp sử dụng hiệu quả hơn những nguồn lực mà kinh tế truyền thống đang lãng phí.
Thách thức khi thực hành kinh tế tuần hoàn
Mặc dù không còn nghi ngờ gì việc mô hình công nghiệp tuyến tính không bền vững, câu hỏi đặt ra là kinh tế tuần hoàn thực sự tạo khác biệt đến mức nào? Có một số tranh luận về các thách thức cơ bản trong việc thực hành kinh tế tuần hoàn.
Tính khả thi và mong muốn thực hiện. Liệu có được kinh tế tuần hoàn 100% không phát thải? Trong một số lĩnh vực nhất định như hàng hóa công nghiệp chế tạo, điều này có thể thực hiện được trên chuỗi giá trị toàn cầu; nhưng trong một số lĩnh vực khác, các giới hạn hiện tại về bản chất của vật liệu, trình độ công nghệ.., sẽ gây khó khăn cho việc đóng vòng lặp vô hạn.
Chẳng hạn giấy chỉ có thể tái chế một số lần nhất định; chất thải nguy hại như thủy ngân, amiăng không thể tái chế mà phải loại bỏ ra khỏi chu trình. Nhiều sản phẩm ngày nay trở nên rất khó phân hủy và quá phức tạp để tái chế, ví dụ vi mạch, pin, chất thải y tế, túi nhựa, vỏ hộp sữa, dầu, lốp xe, hộp sơn…Trong mỗi bước tái chế lại đòi hỏi tiêu tốn tài nguyên và năng lượng.
Những hạn chế này đã được các nhà lập pháp nhận thấy rõ. Ủy ban Châu Âu, trong nỗ lực đưa ra chỉ thị Kinh tế tuần hoàn năm 2018 chỉ đặt mục tiêu trung bình dài hạn để tái chế chất thải bao bì là 70% và tái chế rác thải sinh hoạt là 65%. Mục tiêu cụ thể trong từng chất còn thấp hơn.
Nếu thực sự công nghệ có thể khả thi để tái chế 100% thì kinh tế tuần hoàn vẫn phản tác dụng nếu chi phí thu hồi cao hơn giá trị vật liệu thu được (đặc biệt trong trường hợp ít phân loại đầu nguồn). Bên cạnh đó, việc thiếu các ưu đãi (thuế, đầu tư) trong khuôn khổ pháp luật hiện tại khiến ít doanh nghiệp có động lực theo đuổi mục tiêu tuần hoàn.
Thiếu hướng dẫn chiến lược và tiêu chuẩn hóa. Không phải quốc gia nào cũng có khung kinh tế tuần hoàn đầy đủ hay hướng dẫn cho việc thực hành khái niệm trên. Việc triển khai thay đổi đáng kể đối với từng loại sản phẩm và thị trường khác nhau, do đó rất khó đưa ra một hướng dẫn chung.
Việt Nam có xây dựng bộ tiêu chí dựa trên khung của 17 mục tiêu phát triển bền vững Liên hợp Quốc, trong đó đề cập đến kinh tế tuần hoàn nhưng theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI vẫn cần cụ thể hóa hơn, định lượng các chỉ tiêu này. Các quy định liên quan đến tính tuần hoàn đang nằm rải rác ở nhiều bộ luật, nghị định khác nhau; một số vấn đề đang bỏ trống như điều kiện cấp vốn dẫn đến khó khăn cho các doanh nghiệp thực hiện.
Còn thiếu yếu tố xã hội bền vững. Trong ba yếu tố phát triển bền vững là kinh tế, môi trường và xã hội, mô hình kinh tế tuần hoàn mới chỉ chú trọng được hai thành tố đầu mà chưa cân nhắc nhiều đến các vấn đề con người. Thực sự, kinh tế tuần hoàn có thể tạo ra các cơ hội việc làm mới. Những quy trình như tân trang hoặc tái chế sẽ đòi hỏi lao động con người ở những khâu không thể chuẩn hóa cho máy móc, nhưng công việc tạo ra không chắc ở địa phương hay nơi khác.
Dưới cấp độ toàn cầu, nếu có sự lạm quyền, thông tin bất đối xứng hay khác biệt về điều kiện sống và lao động của các quốc gia thì các hoạt động của kinh tế tuần hoàn của quốc gia này vẫn có thể gây hậu quả xấu tới những quốc gia kém tuần hoàn hơn. Điều này thể hiện rất rõ trong vấn nạn rác thải nhựa vài năm qua, khi những quốc gia phát triển phương Tây gửi hàng nghìn container rác nhựa đến các nước đang phát triển Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Philippines, Indonesia, Việt Nam dưới danh nghĩa “tái chế”.
Nguy cơ tác dụng ngược từ tăng trưởng
Lợi ích của kinh tế tuần hoàn có thể bị mất nếu nó tạo ra tăng trưởng lớn hơn một mức "bền vững" nào đó.
Nghiên cứu từ đại học Yale đăng trên Tạp chí Sinh thái Công nghiệp năm 2017 đã xem xét các thành tố kinh tế và hiệu ứng giá. Các tác giả đi đến kết luận rằng hoạt động kinh tế tuần hoàn thực sự có khả năng làm tăng tổng sản lượng, dẫn đến “loại trừ một phần hoặc toàn bộ lợi ích nó tạo ra”. Họ gọi cơ chế này là phản ứng ngược (Circular economy rebound).
Điều này tương tự như trường hợp nếu một nhà máy điện than áp dụng chính sách sử dụng năng lượng hiệu quả, dẫn đến giá thành sản xuất giảm, khiến cho nhu cầu sử dụng điện của người dân tăng lên, do đó lại làm tăng tổng lượng than tiêu thụ để đáp ứng nhu cầu nảy sinh mới. Như vậy, mặc dù kỹ thuật, công nghệ có thể thành công trong việc giảm tác động xấu trên mỗi đơn vị sản xuất, nhìn chung phần lớn lợi ích môi trường sẽ bị giảm trừ bởi tăng trưởng kinh tế.
Từ chính phủ cho đến doanh nghiệp đều thích "tăng trưởng". Người ta kì vọng kinh tế tuần hoàn sẽ gắn kết sự bền vững với tăng trưởng kinh tế, nói cách khác tạo ra nhiều hàng hóa, của cải hơn. Tuy vậy, tầm nhìn này bỏ qua thực tế rằng trên một hành tinh hữu hạn, tăng trưởng kinh tế vô hạn không phải là điều có thể. Sự gia tăng nhanh chóng về dân số, về nhu cầu kinh tế, xã hội trong hơn 50 năm qua đã tạo sức ép ngày càng nặng nề cho hành tinh.
Để giảm tác động môi trường cần phải giảm cả nhu cầu. Trong 3 chữ R về môi trường, hãy nhớ thứ tự ưu tiên là
Giảm thiểu (Reduce),
Tái sử dụng (Reuse), rồi mới đến
Tái chế (Recycle). Nhưng việc giảm thiểu lại trái với tư duy tiêu dùng phổ biến của người dân. Những ngành như thời trang, ăn uống, hàng tiêu dùng là biểu hiện rõ nhất của sự lãng phí nguồn lực. Theo
báo cáo của Ellen McArthur Foundation năm 2017, khoảng 87% sản phẩm của ngành thời trang sản xuất ra không bao giờ được bán hoặc chỉ được giữ trong cửa hàng để rồi sau đó bị chôn lấp hoặc đốt bỏ, bởi các hãng quần áo chạy theo mô hình “thời trang nhanh” tạo ra những xu hướng 12 mùa mỗi năm, thay vì tạo ra những bộ đồ “vĩnh cửu” có thể sử dụng lâu dài như trước kia.
Bên cạnh đó, một doanh nghiệp áp dụng nguyên tắc tuần hoàn bằng cách "chia sẻ" đồ cũ như cho thuê/bán lại quần áo, giày dép, dụng cụ... có thể giúp tiết kiệm vật liệu và tiền bạc; nhưng đôi khi “chia sẻ” trong lĩnh vực dịch vụ, ví dụ thị trường gọi xe công nghệ (chở khách, giao hàng) có khả năng đẩy nhu cầu tiêu dùng mới của khách hàng lên chóng mặt.
Như vậy, bản thân tăng cường tính tuần hoàn của nền kinh tế là không đủ để giải quyết toàn bộ vấn đề, mà cần phải kết hợp với nhiều yếu tố khác như thay đổi tư duy tăng trưởng, giảm nhu cầu, cải thiện công nghệ,… để có thể đem lại sự phát triển bền vững hơn.