Các quy tắc về thị thực, tài trợ cho khoa học và các mục tiêu net-zero của cả hai đảng đang khiến các nhà khoa học lo ngại.

Bộ trưởng Bộ KH Michelle Donelan và Thủ tướng Anh Rishi Sunak trong cuộc vận động tranh cử. Nguồn: Jacob King/PA
Bộ trưởng Bộ KH Michelle Donelan và Thủ tướng Anh Rishi Sunak trong cuộc vận động tranh cử. Nguồn: Jacob King/PA

Các công dân Anh sẽ bỏ phiếu trong một cuộc bầu cử mà dự đoán cho là sẽ tạo ra kết quả nghiêng về phía Đảng Lao động do Keir Starmer dẫn đầu và giành thắng lợi với số phiếu ủng hộ cao hơn Đảng Bảo thủ của Thủ tướng đương nhiệm Rishi Sunak.

Kể từ khi Đảng Bảo thủ nắm quyền vào năm 2010, các nhà nghiên cứu Anh đã phải liên tục vật lộn với những khó khăn như: hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính 2008, Brexit, một sự tái sắp xếp hệ thống tài trợ và sự nắm quyền của nhiều bộ trưởng bộ KH khác nhau. Họ cũng phải đối mặt với tình trạng cắt giảm lớn ngân sách tài trợ cho các trường đại học.

Một thay đổi lớn trong khoa học Anh là việc lập ra Cơ quan Nghiên cứu và Đổi mới Anh (UKRI) vào năm 2018 trên cơ sở sáp nhập nhiều hội đồng nghiên cứu vào một tổ chức lớn. “Chúng tôi đã được hưởng lợi chính sách ở thời kỳ này”, James Wilsdon, một nhà nghiên cứu về chính sách khoa học tại Đại học College London, nói. Ngược lại, nhiều khía cạnh trong tuyên ngôn của Đảng Lao động có thể tạo ra ảnh hưởng đến các nhà khoa học còn mơ hồ, theo Kieron Flanagan, một nhà nghiên cứu về chính sách khoa học tại ĐH Manchester, Anh.

Trước khi kết quả được công bố chính thức, Nature thử đánh giá sự thay đổi vị trí lãnh đạo có thể ảnh hưởng đến các nhà nghiên cứu Anh như thế nào.

Thị thực và di cư


Một trong những vấn đề được bàn thảo nhiều nhất trong cuộc vận động tranh cử là vấn đề thị thực và di cư của Đảng Bảo thủ.

Tháng 1/2024, chính phủ đã cấm phần lớn sinh viên quốc tế mang gia đình họ vào Anh và gia tăng ngưỡng lương cấp thị thực dành cho lao động có kỹ năng cao lên 48%, nghĩa là mức lương 38.700 bảng Anh (tương đương 49.000 USD). Các nhà khoa học đã lo ngại những biện pháp này khiến cho quốc gia này trở nên thiếu hấp dẫn với các nhà khoa học quốc tế, khiến số lượng hồ sơ quốc tế nộp vào các trường đại học Anh từ tháng một đến tháng 3 rơi xuống 44% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này làm tăng thêm các vấn đề tài trợ của các tổ chức này, khi họ còn bị ràng buộc bởi giới hạn mức học phí mà họ có thể thu từ sinh viên Anh từ năm 2017. “Các trường đại học buộc phải tự đứng trên đôi chân mình”, Flanagan nói.

Trong tuyên ngôn của mình, Đảng Bảo thủ đang ủng hộ các chính sách thị thực cứng rắn hơn và nói sẽ còn đi xa hơn, nếu trúng cử. “Chúng tôi sẽ gia tăng mức lương quy định để được cấp thị thực và loại bỏ khoản giảm cho sinh viên đối với Phụ phí sức khỏe di cư”, tuyên ngôn nêu rõ, hàm ý đến mức phí hằng năm 1.000 bảng của người di cư đến Anh phải trả để tiếp cận các dịch vụ sức khỏe công. Còn tuyên ngôn của Đảng Lao động không nêu rõ chi tiết của kế hoạch đối với người di cư và thị thực, dẫu họ cho biết có thể “cải cách hệ thống di cư trên cơ sở những điểm này để nó trở nên công bằng hơn và việc quản lý cũng đúng đắn hơn”.

Tài trợ cho khoa học

Một vấn đề quan trọng với khoa học là tài trợ. Phần chi tiêu công vào R&D ở Anh tăng từ 13 tỉ bảng vào năm 2011 tới 16 tỉ bảng vào năm 2022. Đảng Bảo thủ đã cho biết họ muốn gia tăng con số này lên 22 tỉ bảng vào năm 2026. Năm 2021, quốc gia này dành khoảng 2,9% GDP cho R&D, cao hơn mức 1,6% năm 2010, song vẫn còn thấp hơn so với nhiều quốc gia khác. “Chúng tôi muốn thấy Anh dẫn đầu về mức chi tiêu theo GDP dành cho khoa học”, Beth Thompson, người phụ trách chiến lược tài trợ cho y sinh ở tổ chức từ thiện Wellcome London. Hiện tại thì “Mỹ đang dẫn dầu thế giới với mức 3,5% GDP”.

Tuyên ngôn của Đảng Lao động không nêu rõ một khoản cam kết tài trợ cụ thể nào cho khoa học nhưng cũng nói là mình muốn “loại chu trình tài trợ ngắn hạn cho các tổ chức R&D chính để dành cho ngân sách 10 năm”. Có thể là một thay đổi đáng chào đón, Stern nói. “Chúng tôi đã tranh luận về sự ổn định”. Nhưng không rõ ràng về “những gì Đảng Lao động hàm ý khi trao đổi với chu trình cấp kinh phí 10 năm. Không có chi tiết trong đó”, bà nói.

Tiến triển hậu Brexit

Tuy nhiên không đảng nào đề cập đến hợp tác khoa học tiềm năng với EU. Sau cuộc bỏ phiếu rời EU vào năm 2016, Anh đã mất khả năng tiếp cận kinh phí tài trợ cho nghiên cứu 100 tỉ bảng Anh(107 tỉ USD) qua chương trình Horizon Europe. Sau nhiều năm đàm phán, quốc gia này cuối cùng tái hợp tác với Horizon vào cuối năm ngoái.

"Daniel Rathbone, phó giám đốc điều hành của Cuộc vận động cho Khoa học và Kỹ thuật London cho rằng, việc tái thiết lập mối hợp tác là “hết sức tích cực dù còn mất rất nhiều thời gian để đạt được những kết quả tốt đẹp”.

Tuyên ngôn của Đảng Lao động đề cập đến một kế hoạch để thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế đáng kể để “tái xây dựng nước Anh” và nỗ lực đó có thể giúp KH&CN đem lại lợi ích, Stern nói. “Nếu anh có một chính phủ có một sứ mệnh bao trùm là tăng trưởng, chúng ta sẽ có một cơ hội lớn để đóng góp. Thách thức với chúng ta là phải đảm bảo làm sao cho chính phủ nhận thấy sự đóng góp của R&D trong đó”.

Theo đuổi net zero

Năm ngoái, Thủ tướng Rishi Sunak đã thay đổi một số mục tiêu xanh của chính phủ, dời mốc cấm bán xe chạy xăng và dầu từ năm 2030 đến năm 2035 và trì hoãn việc ngừng sử dụng khí thiên nhiên sang mốc thời gian tương tự.

Anh vẫn gắn kết mục tiêu giảm phát thải về không vào năm 2050 theo quy định của một bộ luật được thông qua vào năm 2019. Đảng Lao động nói sẽ tạo ra Great British Energy, một cơ quan công mới để điều hướng đầu tư vào sản xuất năng lượng sạch trong nước”. Họ muốn tăng gấp đôi điện gió trên bờ, gấp ba năng lượng mặt trời và gấp bốn lần điện gió ngoài khơi vào năm 2030”.

Cả hai đảng đều nói sẽ đầu tư vào các công nghệ thu giữ carbon và tăng quy mô điện hạt nhân.

Nghiên cứu về AI

Hai đảng đều cam kết thúc đẩy đầu tư vào AI, trong đó Đảng Bảo thủ cho biết có thể “tiếp tục đầu tư 1,5 tỉ bảng vào các cụm tính toán quy mô lớn để hỗ trợ nghiên cứu an toàn và phát triển tiềm năng của AI”.

Đảng Lao động nói có thể “đảm bảo chiến lược công nghiệp hỗ trợ sự phát triển lĩnh vực AI với những trung tâm dữ liệu mới”. Họ cũng nói sẽ giải quyết vấn đề đạo đức và đảm bảo “phát triển an toàn và sử dụng các mô hình AI bằng việc đưa những quy định ràng buộc lên một số công ty phát triển các mô hình AI mạnh nhất”.

Nguồn: www.nature.com

Đăng số 1299 (số 27/2024) KH&PT