Cuối tháng trước, một tiểu hành tinh có kích thước bằng một chiếc xe buýt đã bị lực hấp dẫn của Trái đất thu hút và sẽ quay quanh hành tinh của chúng ta như một "Mặt trăng nhỏ" cho đến ngày 25/11. Liệu quả địa cầu của chúng ta sẽ xuất hiện Mặt trăng nữa giống như các ngôi sao khác trong Hệ Mặt trời hay không?

Mặt trăng mini trong hai tháng

Tiểu hành tinh này được đặt tên là 2024 PT5, nó vô cùng nhỏ bé tới nỗi ta không thể quan sát thấy bằng mắt thường mà cần kính thiên văn dùng trong nghiên cứu. Nó cách xa Trái đất ít nhất năm lần so với khoảng cách Mặt trăng thực sự cận kề Trái đất nhất.

Để trở thành Mặt trăng thứ hai, tiểu hành tinh này sẽ phải chịu ràng buộc bằng lực hấp dẫn với hệ thống Trái đất-Mặt trăng hiện tại của chúng ta, và phải quay nhiều vòng quanh nó. Những điều kiện ấy hiện không áp dụng cho tiểu hành tinh này.

Trong Hệ Mặt trời có hàng trăm Mặt trăng, hầu hết chúng đều bị hút tới những hành tinh lớn hơn bên ngoài. Sao Thổ có tới 146 Mặt trăng, sao Mộc có 95 Mặt trăng bao quanh, còn sao Hỏa lân cận chúng ta thì có hai vệ tinh. Ngay cả sao Diêm Vương bị giáng cấp thành hành tinh lùn cũng có năm Mặt trăng chính thức.

Hằng năm, các nhà khoa học theo dõi khoảng một nghìn vật thể đã xuất hiện trong phạm vi gấp 10 lần khoảng cách giữa Mặt trăng-Trái đất, mặc dù đa phần chúng không ở lại lâu và có kích thước rất nhỏ. Tuy hành tinh 2024 PT5 có kích thước lớn hơn một chút và ở lại trên quỹ đạo của chúng ta lâu hơn các vật thể khác, nhưng quãng thời gian ấy cũng chỉ là một thoáng ngắn ngủi trong vòng đời của hệ hành tinh.

Nhưng sự hiện diện của nó khiến chúng ta đặt ra câu hỏi: liệu Trái đất có thể xuất hiện thêm một Mặt trăng nữa hay không? Và nếu có thì nó sẽ ảnh hưởng thế nào tới sự sống trên Hành tinh xanh?

Tiểu hành tinh 2024 PT5 sẽ nằm trong quỹ đạo của Trái đất trong khoảng thời gian từ ngày 29/9 đến 25/11, sau đó quay trở lại vành đai tiểu hành tinh quanh Mặt trời. Nguồn: cnbctv18
Tiểu hành tinh 2024 PT5 sẽ nằm trong quỹ đạo của Trái đất trong khoảng thời gian từ ngày 29/9 đến 25/11, sau đó quay trở lại vành đai tiểu hành tinh quanh Mặt trời. Nguồn: cnbctv18

Thế nào là Mặt trăng?

Các tiểu hành tinh luôn lặng lẽ lướt qua Trái đất. Hầu hết những vật thể nhỏ này đến rồi rời khỏi vùng không gian quanh chúng ta mà không thu hút sự chú ý; những vật thể lớn phải qua vài triệu năm mới gây chú ý một lần.

Giống như hầu hết thiên thể khác trong Hệ Mặt trời, các tiểu hành tinh bị lực hấp dẫn của Mặt trời đẩy qua không gian. Các nhà khoa học đang vô cùng nỗ lực để phát hiện và theo dõi đường đi dự kiến của chúng, vừa để đánh giá các mối nguy tiềm tàng do va chạm, vừa để nghiên cứu những đặc tính của chúng.

Tuy tiểu hành tinh 2024 PT5 có kích thước rất nhỏ, nhưng đây không phải là lý do nó không được coi là Mặt trăng. Khối lượng, thành phần hoặc hình dạng của tiểu hành tinh không phải yếu tố quan trọng, điều mấu chốt để ta có thể tuyên bố đây là một Mặt trăng cuối cùng phụ thuộc vào việc nó có bắt đầu quay quanh một thiên thể khác hay không.

Chẳng hạn, Mặt trăng của chúng ta quay quanh Trái đất theo quỹ đạo hình elip và mất khoảng một tháng để hoàn thành. Trong chu kỳ này, lực hấp dẫn của Mặt trăng kéo Trái đất, làm thay đổi khối lượng của hành tinh và biến đổi hình dạng của nó thành thứ trông hơi giống quả bóng bầu dục. Quá trình này ảnh hưởng tới sự hình thành thủy triều, và gây hậu quả đáng kể đối với việc hỗ trợ sự sống trên mặt đất, như hệ sinh thái biển và hoạt động sinh sản của nhiều loài động vật biển. Con người cũng cần có khả năng dự đoán thủy triều lên xuống để đi lại và buôn bán trên biển.

“Hầu như mọi sinh vật sống đều chịu ảnh hưởng tùy mức độ nặng nhẹ từ chu kỳ Mặt trăng”, Thomas Statler cho biết, ông là nhà khoa học hàng đầu về các vật thể nhỏ trong Hệ Mặt trời tại Trụ sở của NASA. “Vì thế chúng ta thực sự bị ràng buộc với sự tồn tại của Mặt trăng trên diện rộng”.

Ngược lại, tiểu hành tinh 2024 PT5 sẽ không ở trên quỹ đạo đủ lâu để chúng ta nghiên cứu được nhiều tới vậy.

“Đã từng có nhiều Mặt trăng mini nhỏ hơn nhiều so với tiểu hành tinh này, và trong tương lai sẽ có nhiều tiểu hành tinh như vậy xuất hiện”, ông nói. May mắn thay, các nhà khoa học đang ngày càng giỏi hơn trong việc phát hiện những vật thể nhỏ bé này: Vào năm 2016, các nhà khoa học đã khám phá ra rằng một Mặt trăng tạm thời, được gọi là Kamo‘oalewa, dự kiến sẽ quay quanh Trái đất trong khoảng 300 năm tới.

Kamo‘oalewa có nghĩa là “mảnh dao động” trong tiếng Hawaii, có kích thước gần bằng một vòng đu quay. Mặc dù nó đi theo quỹ đạo hình elip, dường như chuyển động đồng bộ với Trái đất, nhưng trên thực tế lực nó nằm bên ngoài ảnh hưởng lực hấp dẫn của Địa cầu, khiến vị khách này không đủ điều kiện trở thành Mặt trăng nhỏ thực sự.

Vào tháng sáu vừa qua, NASA cũng đã theo dõi quá trình tiếp cận của tiểu hành tinh 2011 UL21, họ phát hiện một hệ sao đôi - một tiểu hành tinh nhỏ hơn gọi là tiểu vệ tinh (moonlet) quay quanh nó từ khoảng cách xấp xỉ hai dặm. Cuộc săn tìm Mặt trăng chính xác này là một bước tiến lớn kể từ khi 1991 VG - Mặt trăng nhỏ đầu tiên được phát hiện, nó trở nên nổi tiếng khi mọi các nhà khoa học tranh cãi xem liệu nó có phải là vật thể tự nhiên hay do người ngoài hành tinh chế tạo.

Tầm quan trọng của mặt trăng mini 2024 PT5 và nghiên cứu tiểu hành tinh

Mặc dù hệ thống Trái đất-Mặt trăng thường xuất hiện những vị khách không gian tạm thời (và tương đối yên lặng), các chuyên gia có thể khẳng định chắc chắn rằng Trái đất sẽ không sớm có thêm một vệ tinh nữa có kích thước lớn hoặc quan trọng như Mặt trăng của chúng ta. Statler cho biết có khá nhiều vật thể nhỏ đã quay trong vùng phụ cận của Trái đất trong hàng tỷ năm qua và chúng ta chưa từng thực sự chú ý tới chúng, bởi vì chúng không gây ra tác động tiêu cực nào. “Đó là một dấu hiệu tốt cho thấy đây không phải vấn đề gì sẽ lớn sẽ ảnh hưởng tới sự sống trên Trái đất”, ông cho biết.

Nếu trong vị trí ổn định, việc có hai Mặt trăng với kích thước tương đương sẽ hoàn toàn thay đổi thủy triều của đại dương cũng như có thể thay đổi hiểu biết của các nhà khoa học về lịch sử thiên văn học, trong đó bao gồm cách những mặt trăng đó hình thành. Thế nhưng, sẽ còn rất lâu để điều đó xảy ra, xét tới hàng tỷ năm qua chưa có Mặt trăng thứ hai nào xuất hiện.

Vậy, vì sao tiểu hành tinh 2024 PT5 lại thu hút nhiều sự chú ý tới vậy? Andrew Rivkin, nhà thiên văn học hành tinh tại Phòng thí nghiệm Vật lý ứng dụng thuộc Đại học Johns Hopkins, cho biết sự kiện này được quan tâm tới vậy vì sự xuất hiện của tiểu hành tinh này đánh dấu một trong những lần đầu tiên các nhà khoa học có thể dự đoán trước sự hiện diện của Mặt trăng mini.

Tính đến hôm nay, một trong những vật thể gần Trái đất lớn nhất tiếp theo sẽ lao nhanh về phía chúng ta là Apophis - một tiểu hành tinh rộng 305m. Dự kiến ​​nó sẽ bay qua Trái đất một cách an toàn vào tháng 4/2029. Có rất ít khả năng tiểu hành tinh này sẽ bị giữ lại trong quỹ đạo của chúng ta vì nó sẽ bay qua Trái đất quá nhanh. Nhưng Apophis sẽ bay vô cùng sát Trái đất, thậm chí gần chúng ta hơn Mặt trăng 10 lần. Do vậy, chúng ta có thể dễ dàng quan sát thấy nó bằng mắt thường.

Chuyến viếng thăm của Apophis chắc chắn sẽ là một cuộc chạm trán hấp dẫn đối với thế hệ nhà khoa học săn tìm tiểu hành tinh hoàn toàn mới.

Nguồn:

nationalgeographic.com

Đăng số 1313 (số 41/2024) KH&PT