Trung Quốc đã có nhiều năm thúc đẩy giới nghiên cứu công bố quốc tế - trong đó, công bố trên các tạp chí thuộc danh mục SCI là một trong những chỉ số nghiên cứu quan trọng nhất ở nước này trong khoảng hai thập kỷ. Kết quả, Trung Quốc nhanh chóng vươn lên trở thành quốc gia thứ hai trên thế giới về số lượng công bố quốc tế, chỉ sau Mỹ.
Tuy nhiên, mấy năm gần đây, chính phủ Trung Quốc bắt đầu kêu gọi đảo ngược tâm lý ‘chỉ công bố quốc tế’ của giới nghiên cứu.
Cụ thể, năm 2020, Bộ Giáo dục và Bộ KH&CN Trung Quốc đã cùng ban hành các hướng dẫn, yêu cầu không sử dụng các bài báo được công bố trên các tạp chí thuộc danh mục SCI làm tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá nghiên cứu học thuật. Động thái này đã được Bộ Tài chính, cơ quan chịu trách nhiệm tài trợ nghiên cứu cấp quốc gia, ủng hộ.
Việc chuyển hướng khỏi công bố quốc tế được Chủ tịch Tập Cận Bình đề cập lần đầu tại một hội nghị giáo dục toàn quốc vào năm 2018, khi ông nói rằng không thể để các quan niệm và tiêu chuẩn học thuật phương Tây dẫn dắt tiêu chuẩn học thuật ở các cơ sở giáo dục đại học Trung Quốc. Đồng thời, ông nhấn mạnh, Trung Quốc nên có các tiêu chuẩn, chuẩn mực học thuật của riêng mình, không bị ràng buộc bởi thông lệ quốc tế.
Theo hướng dẫn mới, giới nghiên cứu vẫn được khuyến khích công bố trên các tạp chí quốc tế hàng đầu, nhưng nghiên cứu xuất hiện trên các tạp chí ít ảnh hưởng hơn trong danh mục SCI sẽ không còn khả năng thu hút tài trợ của chính phủ nữa.
Hướng dẫn mới cũng nêu cụ thể về việc không sử dụng các chỉ số liên quan đến SCI trong xếp hạng trường đại học hoặc ngành học, trong việc phong học hàm, tuyển dụng giảng viên, đánh giá hiệu suất của giảng viên hoặc phân bổ nguồn lực. Các chỉ số này cũng không được dùng như điều kiện để nghiên cứu sinh lấy bằng tiến sĩ. (Riêng việc này, Đại học Thanh Hoa đã làm từ năm 2019.)
Bên cạnh đó, các bài báo từ nghiên cứu do nhà nước tài trợ được khuyến khích xuất bản trên các tạp chí KH&CN trong nước chất lượng cao.
Trong các lĩnh vực lý thuyết chưa có ứng dụng ngay, các nhà khoa học chỉ cần tạo ra tối đa năm công trình tiêu biểu để chứng minh giá trị của mình và ít nhất 1/3 số bài báo của họ phải được đăng trên các tạp chí trong nước, nếu muốn xin tài trợ hoặc đề cử giải thưởng cấp quốc gia.
Động cơ công bố quốc tếBất chấp những dự đoán vào thời điểm đó rằng chủ trương mới sẽ dẫn đến sự sụt giảm số lượng công bố quốc tế của Trung Quốc, các học giả trẻ vẫn tiếp tục được các trường đại học công khai khuyến khích công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín, theo một nghiên cứu mới trên tạp chí
Nature.
Nghiên cứu do Đại học Tây Nam Trung Quốc (Trùng Khánh), Đại học Khoa học và Công nghệ Nam Phương (Thâm Quyến), và Đại học Bách khoa Thâm Quyến tiến hành nhằm xem xét động lực của các học giả trẻ trong việc viết và công bố bằng tiếng Anh. Đối tượng phỏng vấn của nghiên cứu gồm một nhóm 20 học giả trẻ thuộc lĩnh vực KHXH&NV, lấy bằng tiến sĩ ở nước ngoài, đã về nước giảng dạy và nghiên cứu ở trường đại học dưới năm năm.
Nhóm học giả trẻ này đã chỉ ra mâu thuẫn giữa chủ trương chuyển hướng khỏi công bố quốc tế và mục tiêu xây dựng các trường đại học đẳng cấp thế giới của Trung Quốc bởi theo họ, làm sao có thể được thừa nhận thuộc đẳng cấp thế giới nếu không có công bố quốc tế.
Bài báo lưu ý rằng các tạp chí được bình duyệt và lập chỉ mục quốc tế đại diện cho các tiêu chuẩn học thuật khắt khe, và việc xuất bản trên các tạp chí này không chỉ có lợi cho sự phát triển cá nhân của các học giả trẻ mà còn nâng cao tiêu chuẩn đối với chất lượng nghiên cứu nói chung.
Nhóm tác giả bài báo cũng nhận thấy sự khác biệt giữa văn hóa nghiên cứu của phương Tây và Trung Quốc ảnh hưởng đáng kể đến việc các học giả trẻ từ nước ngoài trở về ưu tiên viết và công bố bằng tiếng Anh.
Theo đó, các học giả trẻ phê phán phong cách nghiên cứu của Trung Quốc là ưa thích các chủ đề lớn, nhấn mạnh vào tính ứng dụng hoặc giải pháp thực tế, và không trọng bằng chứng.
Các học giả trẻ chuộng văn hóa nghiên cứu phương Tây - vốn chủ yếu dựa trên bằng chứng, đề cao hiểu biết và đóng góp kiến thức - và coi đó là một động lực để xuất bản bằng tiếng Anh, thay vì tiếng Trung.
Một học giả nhận xét: Nếu làm nghiên cứu theo phong cách phương Tây, bài báo của anh có thể không xuất bản được ở Trung Quốc vì không thể chỉ cứ phân tích và phê bình mà còn phải đưa ra được một số gợi ý về mặt chính sách.
Có học giả so sánh: Ở Trung Quốc, thuộc tính quan trọng của nghiên cứu khoa học xã hội bao hàm tính khả thi hoặc hữu dụng. Nhưng ở Đan Mạch, có thể ở cả phương Tây, nghiên cứu nhắm tới những cách hiểu mới và những phân tích chuyên sâu thú vị, chưa từng xuất hiện trước đây. “Chúng ta [người Trung Quốc] nhấn mạnh quá mức tính khả thi và tìm ra giải pháp nhưng lại không nhận thấy giá trị của việc phân tích sâu vấn đề. Làm sao anh có thể đưa ra giải pháp mà không cần phân tích vấn đề?” Điều này, theo học giả giấu tên, có thể làm sai lệch cách hiểu của giới học thuật về nghiên cứu.
Trong những thập kỷ gần đây, các kết quả nghiên cứu khoa học quan trọng của Trung Quốc chủ yếu được công bố trước tiên trên các tạp chí nước ngoài.
Mặc dù hệ số tác động (dựa trên số lượt trích dẫn) của các tạp chí trong nước ngày càng tăng, nhiều tạp chí vẫn bị giới học thuật đánh giá tiêu cực, bao gồm quy trình bình duyệt chậm và bài báo bị hạn chế độ dài. Bên cạnh đó, việc người bình duyệt thường xuyên không phải là chuyên gia đúng ngành cũng khiến các học giả không muốn gửi bài cho các ấn phẩm trong nước. Kết quả là, việc công bố các nghiên cứu khoa học xuất sắc trên các tạp chí nước ngoài tiếp diễn và vẫn được coi là con đường dẫn đến sự công nhận toàn cầu.
Năm 2022, trong một phân tích siêu dữ liệu về tất cả các bài báo đã được công bố và do Quỹ Khoa học Tự nhiên Quốc gia (NNSF) tài trợ kinh phí, Viện KH&CN vì sự phát triển Trung Quốc phát hiện ra rằng chất lượng nghiên cứu của một dự án càng cao thì tỷ lệ kết quả nghiên cứu được công bố bằng tiếng Trung càng thấp.
Viện đã đưa ra các khuyến nghị để cải thiện tình trạng này, bao gồm các biện pháp khuyến khích giới học giả xuất bản bằng tiếng Trung, và phát triển các tạp chí khoa học bằng tiếng Anh của riêng Trung Quốc nhằm nâng cao “sức mạnh diễn ngôn” của đất nước trong nghiên cứu cơ bản.
Trung Quốc hiện có khoảng 4.800 tạp chí nghiên cứu, một số được xuất bản bằng tiếng Anh.
Linh hoạt tùy chỉnhNghiên cứu về nhóm học giả trẻ trên
Nature lưu ý rằng sau khi ban hành hướng dẫn năm 2020, chính phủ đã kỳ vọng các cơ sở giáo dục đại học sẽ nhanh chóng áp dụng các quy định mới.
Tuy nhiên, các trường đại học được tùy ý quyết định ở một mức độ nhất định do thiếu nền tảng chung của quốc gia để thống nhất và điều phối các quy trình triển khai, nghiên cứu cho biết.
Do đó, các trường đại học Trung Quốc đã sáng tạo ra các hệ thống khen thưởng và đánh giá thay thế phù hợp với bối cảnh của mình, chỉ cần bảo đảm rằng: (1) không vi phạm các chính sách mới ban hành; và (2) các học giả có động lực viết và công bố bằng tiếng Anh.
Cụ thể, một số trường đại học Trung Quốc đưa ra biện pháp “thành tựu tiêu biểu”, ám chỉ những nghiên cứu được coi là quan trọng và có giá trị nhất của một học giả trong một lĩnh vực nhất định.
Các công bố tiêu biểu sẽ được đánh giá về tính mới, chất lượng, ảnh hưởng học thuật và đóng góp thực tế; và các nhà nghiên cứu phải cạnh tranh với nhau theo các tiêu chí này.
Một số trường lại xây dựng hệ thống đánh giá công việc dựa trên điểm. “Nếu công bố trên các tạp chí tiếng Anh thông thường, anh chỉ nhận được 40 điểm. Nhưng nếu bài báo của anh được đăng trên tạp chí hàng đầu, anh sẽ được thưởng 120 điểm. Khoảng cách này rất lớn. Vì vậy, tôi tự đặt ra cho mình nhiệm vụ tiếp tục công bố bằng tiếng Anh, và điều quan trọng nhất là phải công bố trên các tạp chí hàng đầu,” nghiên cứu trên
Nature dẫn lời một học giả.
Đáng chú ý, chính sách mới không đòi hỏi các nghiên cứu tiêu biểu phải được công bố bằng tiếng Trung hay tiếng Anh. “Cả Bộ Giáo dục lẫn trường đại học của chúng tôi đều không yêu cầu những nghiên cứu tiêu biểu phải được viết bằng tiếng Trung,” theo một học giả khác.
Mới đây, tàu vũ trụ Chang’e-6 (Hằng Nga-6) đã mang thành công mẫu địa chất đầu tiên từ vùng khuất của Mặt trăng về Trái đất. Giới nghiên cứu Trung Quốc hiện đang thắc thỏm liệu phát hiện lịch sử này sẽ được công bố ở đâu và bằng ngôn ngữ nào trước tiên.
“Tất nhiên chúng tôi hy vọng một số thành tựu KH&CN đột phá của đất nước mình sẽ xuất hiện trên các tạp chí hàng đầu của Trung Quốc, để chúng tôi có thể mở rộng ảnh hưởng”, một biên tập viên của Science China Press, nhà xuất bản của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, nói.
Khi tàu vũ trụ Chang’e-5 mang về các mẫu vật từ vùng thấy được của Mặt trăng vào năm 2020, nghiên cứu đầu tiên về các mẫu vật này được thực hiện bởi một nhóm nhà khoa học Trung Quốc và phương Tây. Kết quả nghiên cứu sau đó được công bố trong một bài báo trên tạp chí
Science và ba bài báo trên tạp chí
Nature, cùng trong tháng 10/2021.
Những phần thưởng hào phóngCó vẻ như theo hệ thống đánh giá hiện tại của Trung Quốc, các học giả tiếp tục được thưởng rất hậu hĩnh cho các công bố trên các tạp chí tiếng Anh uy tín.
Đầu tháng Sáu, truyền thông Trung Quốc đưa tin rộng rãi rằng hai trường đại học – Đại học Y học cổ truyền Nam Kinh (NJUCM) và Đại học Y học cổ truyền Quý Châu – đều thưởng cho nhóm nghiên cứu của mình đến 1 triệu tệ (138.000 USD) do có công bố trên tạp chí
Nature.
Với Đại học Y học cổ truyền Nam Kinh, đây là bài báo đầu tiên trên
Nature trong lịch sử 70 năm của họ. Tuy nhiên, trao đổi với báo chí, GS Zhu Jiapeng, thành viên của nhóm nghiên cứu nhận thưởng, bày tỏ mong muốn xã hội dành nhiều chú ý hơn đến bản thân nghiên cứu, thay vì chỉ tò mò việc nó được công bố trên một tạp chí quốc tế danh tiếng.
PGS Peng Li, người đứng đầu nhóm nghiên cứu nhận thưởng ở Đại học Y học cổ truyền Quý Châu, cho biết, đây là bài báo đầu tiên của tỉnh Quý Châu được công bố trên
Nature. Sau sự kiện này, Peng được phong giáo sư và bổ nhiệm phó giám đốc phòng thí nghiệm tại bệnh viện liên kết với trường của ông như những phần thưởng khác.
China Daily dẫn lời Chu Zhaohui, nhà nghiên cứu tại Học viện Khoa học Giáo dục Trung Quốc, nói rằng việc công bố trên các tạp chí quốc tế hàng đầu có thể giúp trường đại học nâng cao danh tiếng, tăng khả năng thu hút sinh viên giỏi và kêu gọi được nhiều nguồn tài trợ hơn, đó là lý do vì sao hai trường đại học nêu trên lại thưởng khoản tiền mặt lớn như vậy cho các nhóm nghiên cứu.