Với những ứng dụng như dịch thuật thời gian thực, trợ lý số am hiểu văn hóa hay khả năng cá nhân hóa trải nghiệm du lịch, công nghệ AI có thể giúp Việt Nam trở nên dễ tiếp cận, hấp dẫn và đáng nhớ hơn đối với khách quốc tế.

Lượng khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam đang phục hồi sau đại dịch COVID-19. Ảnh: Dân Trí
Lượng khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam đang phục hồi sau đại dịch COVID-19. Ảnh: Dân Trí

Du lịch Việt Nam đang phục hồi sau đại dịch COVID-19. Theo Tổng cục Thống kê, lượng khách quốc tế tới Việt Nam trong hai năm qua đã phục hồi lại gần bằng mức trước đại dịch, vào khoảng 1,2-1,5 triệu du khách mỗi tháng.

Tuy nhiên, một thách thức lớn vẫn hiện hữu: tỉ lệ khách quốc tế quay lại Việt Nam vẫn ở mức thấp, dao động từ 8-10%, theo trích dẫn số liệu của TS. Nuno F. Ribeiro, giảng viên cấp cao ngành Quản trị du lịch và Khách sạn tại Đại học RMIT, kiêm Chủ tịch Tiểu ban du lịch và nhà hàng khách sạn của EuroCham Việt Nam và Phó Chủ tịch tiểu ban tương tự của AmCham Vietnam.

Điều này trái ngược với các quốc gia như Malaysia và Thái Lan, nơi 28% du khách đã đến Thái Lan vào năm 2023 cho biết họ có ý định quay lại trong 12 tháng tới. Đối với khách du lịch văn hóa (phân khúc thị trường mà Việt Nam muốn thu hút), ý định quay lại thậm chí còn lớn hơn, ở mức gần 60%.

Theo TS. Ribeiro, nguyên nhân đằng sau sự chênh lệch này khá phức tạp. Chúng có thể bao gồm những yếu tố như chính sách visa, sức hấp dẫn của các điểm đến, tính thuận tiện của hệ thống giao thông, tình hình đào tạo nguồn nhân lực, rào cản về văn hóa và ngôn ngữ, chất lượng nơi lưu trú và tính khả dụng của cơ sở hạ tầng du lịch.

Vậy làm thế nào để du khách nước ngoài, những người vốn chi tiêu cao gấp nhiều lần so với khách nội địa, muốn quay lại Việt Nam? Câu trả lời nằm ở việc tạo ra những trải nghiệm du lịch thuận tiện, độc đáo và khó quên.

Với sự phát triển AI mạnh mẽ như hiện nay, TS. Ribeiro tin rằng ngành du lịch Việt Nam có thể tận dụng công nghệ tiên tiên này để làm phong phú thêm trải nghiệm của khách hàng theo một số cách như sau.

Vượt qua rào cản ngôn ngữ bằng công cụ AI dịch thuật

Tiếng Việt là một thách thức đối với hầu hết du khách quốc tế, bởi hệ thống thanh điệu phức tạp, chữ viết độc đáo và ngữ pháp riêng biệt. Rào cản ngôn ngữ khiến du khách lạc lõng và gặp nhiều bất tiện khi khám phá những vùng đất mới, đặc biệt là khi họ không thể giao tiếp với người bản địa. Họ buộc phải có những hướng dẫn viên du lịch đi kèm.

Điều gì sẽ xảy ra nếu những du khách muốn tự mình khám phá? Thật may mắn, ở thời đại bây giờ, họ có thể dễ dàng truy cập vào những phần mềm dịch thuật AI tiên tiến như Google Translate hoặc ChatGPT. Chỉ cần đưa điện thoại lên, bất kỳ ngôn ngữ nào cũng có thể được dịch tức thì, giúp du khách và người bản địa có thể có một cuộc nói chuyện qua lại với nhau bằng chính ngôn ngữ mẹ đẻ của mình mà người kia vẫn hiểu được.

Khách du lịch tham quan chợ nổi Cái Răng ở Cần Thơ. Ảnh: Lao Động
Khách du lịch tham quan chợ nổi Cái Răng ở Cần Thơ. Ảnh: Lao Động

Hơn nữa, có rất nhiều công cụ AI có thể kết hợp đầu vào hình ảnh và âm thanh. Chúng có thể dịch không chỉ ngôn ngữ nói mà còn cả văn bản trên biển báo, thực đơn và tài liệu. Điều này giúp khách du lịch điều hướng và hiểu môi trường xung quanh hiệu quả hơn.

Một số mô hình AI tiên tiến có thể được đào tạo để nhận dạng và giải thích các sắc thái văn hóa trong ngôn ngữ, giúp khách du lịch hiểu được ý nghĩa tinh tế, thành ngữ và cách diễn đạt phụ thuộc vào ngữ cảnh, vốn rất quan trọng để có sự gắn kết văn hóa sâu sắc hơn.

Bên cạnh các công cụ phiên dịch AI phổ biến toàn cầu, Việt Nam đã phát triển một số công cụ AI nội địa có tiềm năng ứng dụng trong ngành du lịch. Chẳng hạn, năm ngoái, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã phát triển một hệ thống AI có khả năng dịch hai chiều giữa các ngôn ngữ ít phổ biến (và cũng là những ngôn ngữ có ít tài nguyên huấn luyện, thường bị các hệ thống AI lớn bỏ qua), chẳng hạn như từ tiếng Việt sang tiếng Lào, tiếng Khmer, tiếng Thái, tiếng Malaysia, tiếng Indonesia, và dĩ nhiên, cả tiếng Anh. Bên cạnh đó, Trung tâm Nghiên cứu và phát triển Samsung Việt Nam đã đào tạo thành công mô hình AI để nhận dạng ngay cả những khác biệt tinh tế nhất trong tiếng Việt.

Làm quen với văn hóa bản địa bằng trợ lý AI cá nhân hóa

Một nghiên cứu mới của Đại học Kinh tế TP.HCM tại Bình Thuận đã chỉ ra rằng, tiếp xúc văn hóa tác động trực tiếp đến cả sự hài lòng và ý định quay lại của khách quốc tế.

Tuy văn hóa Việt Nam là một bức tranh nhiều màu sắc, nơi những giá trị truyền thống đan xen với những ảnh hưởng hiện đại, nhưng sự khác biệt về phong tục tập quán, nghi thức ứng xử giữa các vùng miền và các tầng lớp xã hội đặt ra không ít thách thức cho những ai muốn khám phá và tương tác sâu hơn.

Hiện nay, những AI “trợ lý ảo du lịch” hoặc “hướng dẫn viên văn hóa” chưa được phát triển nhiều ở Việt Nam, nhưng có một số hướng mà các nhà phát triển có thể cân nhắc. Đó là tận dụng năng lực học tập thích ứng của AI để học hỏi từ các tương tác và sở thích của người dùng, từ đó đưa ra các gợi ý cá nhân hóa cao, phù hợp với mối quan tâm văn hóa và phong cách tiếp nhận kiến thức của từng cá nhân.

Bên cạnh việc cá nhân hóa, việc hiểu rõ ngữ cảnh cũng là yếu tố quan trọng để AI có thể cung cấp những thông tin hữu ích. Bằng cách tích hợp AI với dữ liệu GPS và cập nhật sự kiện theo thời gian thực, AI có thể cung cấp những hiểu biết văn hóa kịp thời, phù hợp với từng địa điểm cụ thể, giúp du khách hiểu và trân trọng hơn những vùng đất mới.

Ngoài ra, ở một mức độ cao hơn, người ta có thể tận dụng khả năng xử lý và tạo sinh ngôn ngữ tự nhiên của các AI thế hệ mới để tạo thành một chatbot thông minh có thể “trò chuyện tự nhiên” với người dùng về văn hóa, lịch sử và phong tục của Việt Nam.

Hiện nay, một số thành phố nổi bật về du lịch đã bắt đầu xây dựng những ứng dụng du lịch cho riêng mình. Phần lớn chúng mới chỉ thiên về cung cấp thông tin, kết nối các bên cung cấp dịch vụ và không nhất thiết phải sử dụng AI. Nhưng nhiều trong số đó đang hoạt động rất thành công, ví dụ cổng thông tin và ứng dụng Cần Thơ Tourism đang hỗ trợ thông tin du lịch cho khoảng 3000-4500 người mỗi ngày. Du khách có thể truy cập vào những bản đồ du lịch hoặc đặt tour tới các địa điểm độc đáo quanh Cần Thơ một cách liền mạch mà không cần phải thoát ra khỏi ứng dụng. Thậm chí, ở mỗi điểm đến, người ta có thể dễ dàng quét mã QR để nghe các audio tự động thuyết minh giới thiệu.

Nói chung, các ứng dụng du lịch tích hợp như Cần Thơ Tourism đang sở hữu các lớp dữ liệu về du khách và điểm đến ngày càng dồi dào, để một lúc nào đó có thể sẵn sàng cho việc xây dựng các tính năng AI phù hợp trên đó.

Trải nghiệm tương tác mới bằng AI kết hợp AR


Các nhà nghiên cứu của Đại học RMIT tại Việt Nam và Australia gần đây đã nhận được tài trợ để tạo ra một tour đi bộ có các trải nghiệm thức tế tăng cường (AR) dọc theo bờ kênh Tẻ của Quận 4 và Quận 7, TP.HCM. Dự án này giải quyết hai vấn đề có liên quan: Thứ nhất là ghi nhận và bảo tồn số hóa các không gian sống bình thường của Sài Gòn, những nơi thường bị bỏ qua khi tìm hiểu đâu là di sản trong thành phố. Thứ hai là hồi sinh ngành du lịch địa phương bằng cách tạo ra một trải nghiệm du lịch mới mẻ và hấp dẫn, có khả năng thu hút mọi người tới xem và trân trọng những giá trị hữu hình-vô hình của văn hóa đô thị.

Tương tự, một số công ty khởi nghiệp đã dấn thân sâu vào việc tạo ra các trải nghiệm AR đa dạng cho du lịch. Chẳng hạn, Tripin, một startup trẻ ở Đà Nẵng hồi tháng 8/2024 đã quảng cáo khả năng sử dụng AI để cung cấp thuyết minh bằng 32 ngôn ngữ theo thời gian thực và công nghệ AR để tạo ra trải nghiệm trực quan khi du khách đi ngang qua các con phố hoặc những di tích và danh lam thắng cảnh nổi bật tại địa phương.

Một con đường ven kênh Tẻ ở Quận 4, TPHCM, nằm trong dự án tour đi bộ có hướng dẫn AR. Ảnh: Đại học RMIT
Một con đường ven kênh Tẻ ở Quận 4, TPHCM, nằm trong dự án tour đi bộ có hướng dẫn AR. Ảnh:RMIT

Nó tương đương với việc có một người bạn đồng hành bỏ túi để “khám phá văn hóa bản địa bằng tiếng mẹ đẻ” khi đi trên mỗi cung đường. Để tăng độ thu hút, TripIn còn tổ chức các hoạt động săn lùng kho báu bằng cách quét các điểm đánh dấu AR rải rác quanh các địa danh nổi tiếng. Sản phẩm này đã được Sở Du lịch Đà Nẵng đánh giá cao và có kế hoạch truyền thông rộng rãi nhằm tăng độ tiếp cận với mọi người.

Trong cả hai trường hợp, nhờ kết hợp công nghệ AR, các yếu tố ảo như hình ảnh, video, âm thanh, thông tin, lời nhắc, v.v có thể hiển thị trực tiếp lên các hiện vật khi nhìn qua ống kính điện thoại, khiến du khách dễ dàng quan sát, chạm vào và khám phá chúng. Để dễ hình dung, nó tương tự như trò Pokemon Go.

Và nếu chúng ta tưởng tượng xa hơn một chút, đến một lúc nào đó, công nghệ AR có thể thú vị tới mức một du khách đến thành cổ Quảng Trị có thể chứng kiến một trận chiến hào hùng tái hiện sống động trước mắt với những ụ pháo đùng đùng và hình ảnh các chiến sĩ anh dũng, hoặc đến vườn quốc gia Cúc Phương để khám phá các hệ động thực vật đa dạng đã sinh tồn hàng trăm năm trong cánh rừng. Đây là cách mà chúng ta có thể dùng công nghệ để kết nối quá khứ với hiện tại, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa một cách sáng tạo, đồng thời tạo ra sức hấp dẫn mới cho du lịch.

(còn tiếp)

Bài đăng số 1314 (số 42/2024) KH&PT