Báo cáo Hành tinh Sống năm 2024 của Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) cho thấy quần thể động vật hoang dã trên toàn cầu đã giảm trung bình 73% trong khoảng thời gian từ năm 1970 đến năm 2020.
Đây là một cảnh báo rõ ràng và khẩn cấp về tình trạng suy giảm đa dạng sinh học trên Trái đất.
Báo cáo này, được phát hành hai năm một lần, sử dụng Chỉ số Hành tinh Sống (Living Planet Index) để theo dõi gần 35.000 quần thể động vật thuộc 5.495 loài động vật có xương sống.
Trong số các nhóm động vật, quần thể nước ngọt đã bị suy giảm nặng nề nhất với tỷ lệ 85%, tiếp theo là động vật trên cạn (69%) và động vật biển (56%). Các nguyên nhân chính gây suy giảm bao gồm suy thoái môi trường sống, khai thác quá mức, loài xâm lấn, bệnh tật và biến đổi khí hậu.
Mức độ suy giảm quần thể động vật hoang dã khác nhau ở các khu vực trên thế giới. Một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Mỹ Latinh và Caribbean, nơi quần thể động vật đã giảm 95% so với năm 1970, chủ yếu là do nạn phá rừng.
Nấm chytrid, một loại bệnh nhiễm trùng gây hại cho các loài lưỡng cư, cũng góp phần vào sự suy giảm này, nhất là khi biến đổi khí hậu làm suy yếu hệ miễn dịch của các loài động vật.
Châu Phi cũng ghi nhận mức giảm trung bình khoảng 76%.Trong khi đó, Bắc Mỹ và châu Âu có sự suy giảm ít nghiêm trọng hơn.
Dù vậy, báo cáo cũng nêu bật một số quần thể động vật có dấu hiệu hồi phục, chẳng hạn như quần thể khỉ núi ở vùng Virunga, Đông Phi. Chúng đã tăng trưởng 3% mỗi năm, từ năm 2010 đến năm 2016.
Nguồn: iflscience.com
Đăng số 1314 (số 42/2024) KH&PT
Quốc Hùng