Cồn là thành phần thường được sử dụng trong nhiều loại mỹ phẩm, sản phẩm chăm sóc cá nhân. Tuy nhiên, nếu sử dụng nồng độ cao sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng. Vì vậy cần kiểm soát hàm lượng cồn trong các sản phẩm để đạt ngưỡng an toàn.
Cồn là thành phần thường thấy trong một số loại mỹ phẩm như kem chống nắng, tẩy trang, sữa rửa mặt, toner và các sản phẩm chăm sóc cá nhân như khăn giấy cồn, khăn tẩy trang, gel rửa tay, nước rửa tay, nước súc miệng…
Tuy nhiên, một số người tiêu dùng có xu hướng hạn chế sử dụng các sản phẩm có chứa cồn vì cho rằng cồn gây hại cho da, làm da trở nên khô, bong tróc và kích ứng. Vậy có nên sử dụng mỹ phẩm có chứa cồn hay không? Cồn có tác động như thế nào lên da và liệu cồn trong mỹ phẩm có gây hại cho da không? Cách nào để giúp người tiêu dùng sử dụng mỹ phẩm có hàm lượng cồn an toàn, hiệu quả?
Công dụng và tác hại của cồn trong mỹ phẩm?
Cồn trong mỹ phẩm là dạng cồn có chuỗi phân tử ngắn, mang đặc tính giống với cồn trong rượu bia, thường xuất hiện dưới các tên như ethanol, methanol, n-propyl alcohol, alcohol denat, benzyl alcohol, isopropyl alcohol và những loại SD alcohol …
Cồn có đặc tính khử trùng hiệu quả trong y khoa, là nguyên liệu chính trong các sản phẩm diệt khuẩn như gel rửa tay, nước rửa tay, được sử dụng một cách hiệu quả trong việc bảo vệ sức khỏe và ngăn ngừa vi khuẩn trên tay hằng ngày. Trong mỹ phẩm, cồn còn được sử dụng như một chất bảo quản, làm cho sản phẩm được khô nhanh hơn, giúp da không bị bóng dầu mà lại giúp tăng sự thẩm thấu lên da hơn.
Cồn còn là một thành phần tốt, bởi vì nó giúp cho các thành phần khác như Retinol và Vitamin C hấp thụ vào da tốt hơn. Trong một số loại toner, nước tẩy trang, cồn được sử dụng để giúp loại bỏ dầu nhờn, bụi bẩn, làm sạch lỗ chân lông. Đối với làn da tiết nhiều dầu, những sản phẩm nền cồn giúp da khô thoáng, giảm tắc nghẽn nang lông.
Cồn giúp tiêu diệt vi sinh vật, kháng khuẩn hiệu quả, mang đến cho sản phẩm làm đẹp kết cấu nhẹ và ít vón hơn; tăng cường khả năng hấp thụ các dưỡng chất từ mỹ phẩm vào da, tăng cường khả năng chống viêm và khử mùi rất tốt.
Tuy nhiên, cồn khi sử dụng nồng độ cao sẽ tác động không tốt lên da như khiến da khô căng, khó chịu, có thể làm cho các tế bào da chết, tạo ra các tín hiệu viêm, biến tính protein và làm chậm hoạt động của enzyme, dễ gây kích ứng trên da, nổi mẩn, đỏ, ngứa. Bên cạnh đó, cồn chứa trong các sản phẩm kem chống nắng, sẽ làm làn da bị mất đi lớp dầu tự nhiên, da sẽ nhanh chóng bị kích ứng và sạm đen khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
Đặc biệt là methanol có độc tính rất cao, khi vô tình nuốt phải hay hấp thu lượng lớn vào cơ thể, có thể gây ra các triệu chứng ngộ độc như nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, trong trường hợp nghiêm trọng, có thể dẫn đến mù lòa hoặc tử vong. Sau khi được đưa vào cơ thể, methanol sẽ bị oxy hóa tạo thành formaldehyde. Chất này sau đó tiếp tục bị oxy hóa tạo thành acid formic. Quá trình oxy hóa xảy ra nhanh chóng, khiến acid formic tích tụ trong huyết thanh và gây độc. Dù nồng độ methanol trong các sản phẩm dung dịch rửa tay không quá lớn, nhưng nếu sử dụng về lâu dài cũng sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Theo Hiệp định hệ thống hòa hợp ASEAN trong quản lý mỹ phẩm (Phụ lục III – Các chất, nhóm chất được phép dùng trong mỹ phẩm nhưng giới hạn mức hàm lượng sử dụng) quy định hàm lượng ethanol, 2-propanol và 1 propanol không vược quá 5,0 %
Nồng độ cồn trong dung dịch sát khuẩn tay, gel rửa tay được pha chế theo công thức của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chỉ dẫn là không quá 80%. Đây là tỷ lệ chuẩn, đủ để sát khuẩn, dựa trên chứng cứ nghiên cứu theo tiêu chuẩn EN1500.
Kiểm nghiệm cồn trong mỹ phẩm tại tổ chức uy tín
Theo FDA, có nhiều loại cồn nhưng chỉ cồn etylic và cồn isopropyl (còn được gọi là 2-propanol), là những loại cồn được chấp nhận trong nước rửa tay diệt khuẩn và mỹ phẩm. Các loại cồn khác, bao gồm methanol và 1-propanol, không được chấp thuận vì chúng có thể gây độc hại cho người. Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm (FDA) Mỹ đã từng nhiều lần đưa ra cảnh báo với người tiêu dùng, về tác hại của các sản phẩm nước sát khuẩn tay không đảm bảo chất lượng, trong đó có chứa methanol.
Tại Việt Nam, theo điểm b, Khoản 1 Điều 45 của Thông tư số 06/2011/TT-BYT ngày 25/01/2011 của Bộ Y Tế quy định cũng khuyến nghị hạn chế sử dụng methanol trong sản phẩm mỹ phẩm theo quy định của Hội đồng mỹ phẩm ASEAN. Đồng thời, tiêu chuẩn TCVN 6971:2001 dành cho các sản phẩm tẩy rửa tổng hợp dùng cho nhà bếp và vệ sinh rau củ quả, cũng quy định hàm lượng methanol không được vượt quá 1000 mg/kg.
Do đó, để kiểm soát hàm lượng cồn trong mỹ phẩm và các sản phẩm chăm sóc cá nhân đạt ngưỡng an toàn theo quy định của Nhà nước, các nhà sản xuất mỹ phẩm cần đưa sản phẩm của mình đến những tổ chức/ đơn vị kiểm nghiệm uy tín, để thực hiện kiểm định chất lượng, nhằm tránh việc bị thu hồi, xử lý và xử phạt vi phạm theo quy định hiện hành, khi các sản phẩm lưu hành trên thị trường.
Phòng Thử nghiệm Hóa của QUATEST 3, là một trong những phòng thí nghiệm có bề dày lịch sử, uy tín và chất lượng, đáp ứng đầy đủ các năng lực theo yêu cầu của các Bộ, ngành, chuyên thử nghiệm các hóa chất có trong mỹ phẩm, thực phẩm… Phòng thử nghiệm Hóa của QUATEST 3 đã được công nhận phù hợp theo ISO/IEC 17025:2017 bởi Văn phòng Công nhận Chất lượng (BoA) với số hiệu VILAS 004.
Nhằm phục vụ ngày càng tốt hơn nữa các yêu cầu từ khách hàng, các chuyên gia Phòng thí nghiệm Hóa của QUATEST 3, với trang thiết bị và nhân lực chuyên môn cao đã tiến hành khảo sát, nghiên cứu, tối ưu hoá quy trình phân tích đồng thời hàm lượng bốn cấu tử cồn: methanol, ethanol, 1-propanol và 2-propanol bằng phương pháp sắc ký khí ghép đầu dò ion hóa ngọn lửa (GC-FID).
Phương pháp này có độ chọn lọc cao, độ phân giải tốt; phù hợp cho việc xác định đồng thời hàm lượng các cấu tử cồn có trong các sản phẩm chăm sóc cá nhân như khăn chứa cồn, khăn tẩy trang và các loại mỹ phầm như dung dịch vệ sinh răng miệng, dung dịch vệ sinh phụ nữ, serum, lotion, gel rửa tay, nước rửa tay. Giới hạn phát hiện của phương pháp là 30 mg/kg.
Quý khách hàng có nhu cầu phân tích nhanh hàm lượng nhóm cồn: methanol, ethanol, 1-propanol và 2-propanol trong các mẫu mỹ phẩm, hoặc cần trao đổi thêm về kỹ thuật, có thể liên hệ đến Phòng Thí nghiệm Hóa của QUATEST 3: ĐT - 0251 3 836 212 (EXT:3250); Email: ho@quatest3.com.vn. Đơn vị có thể thực hiện việc thử nghiệm và trả kết quả nhanh trong vòng 2 ngày.
Ngoài năng lực nổi bật ở trên, Phòng thí nghiệm Hóa còn thử nghiệm các chỉ tiêu chất bảo quản trong mỹ phẩm theo quy định của Hội đồng hòa hợp mỹ phẩm ASEAN (ACM) như nhóm paraben, methylisothiazolinone, chloromethylisothiazolinone, phenoxyethanol, formaldehyde tự do, hydroquinone, các steroids (corticoids), triclosan, triclocarban, các kim loại nặng trong mỹ phẩm như Pb, As, Cd, Hg, các chỉ tiêu hóa lý trong các mẫu mỹ phẩm chất tẩy rửa theo các TCVN hiện hành (TCVN 6972:2001 – Dầu gội, sữa tắm, TCVN 1557:1991 – Xà phòng; TCVN 5816:2009 – kem đánh răng), và các chỉ tiêu vi sinh như tổng số vi sinh vật hiếu khí ưa nhiệt trung bình; tổng số nấm men, nấm mốc; staphylococcus aureus, Pseudomonas aeruginosa, Candila abicans, khả năng kháng khuẩn của các sản phẩm vệ sinh cá nhân. Phòng thử nghiệm được công nhận bởi Văn phòng Công nhận Chất lượng (BoA), số phòng thí nghiệm VILAS 004, đáp ứng quy định trong văn bản hợp nhất số 07 – Bộ Y tế ban hành tháng 3/2021.
Để thực hiện các yêu cầu dịch vụ kiểm nghiệm đối với mỹ phẩm, Quý khách hàng liên hệ:
Phòng Dịch vụ khách hàng Thí nghiệm:
Địa chỉ: số 7, đường số 1, KCN Biên Hòa 1, P. An Bình, Biên Hòa, Đồng Nai
ĐT: 0251 3 836 212 – 3100; email: dh-bh@quatest3.com.vn