Để có thể trở thành nhà lãnh đạo dẫn dắt cuộc đua toàn cầu về công nghệ sinh học, Hiệp hội công nghiệp sinh học châu Âu (EuropaBio) cần thúc đẩy một sáng kiến về công nghệ và sản xuất sinh học.

Phòng thí nghiệm công nghệ sinh học trường Đại học Công nghệ Delft. Ảnh: TU Delft Sáng kiến công nghệ sinh học của EU
Phòng thí nghiệm công nghệ sinh học trường Đại học Công nghệ Delft. Ảnh: TU Delft Sáng kiến công nghệ sinh học của EU

Hiện có một số quốc gia trên thế giới đang tăng tốc đầu tư cho ngành công nghệ sinh học, trong đó có Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ. Tháng 9/2022, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký một sắc lệnh về Sáng kiến Công nghệ sinh học và sản xuất sinh học, bao gồm đầu tư 1,2 tỉ USD trong cơ sở hạ tầng sản xuất ở Bộ Quốc phòng. Tháng 3/2024, bà Margrethe Vestager, Phó Chủ tịch điều hành Ủy ban châu Âu, đã công khai một sáng kiến về công nghệ sinh học với tham vọng “khiến cho châu Âu trở thành một nhà lãnh đạo toàn cầu về công nghệ sinh học”.

Ủy ban châu Âu đã xác định, công nghệ sinh học là một trong bốn công nghệ tối quan trọng, bên cạnh bán dẫn tiên tiến, trí tuệ nhân tạo và lượng tử. Sáng kiến này sẽ nhằm tập trung giải quyết sự phức tạp trong điều phối, khả năng thiếu nguồn vốn và khó khăn trong việc chuyển giao kết quả nghiên cứu ra thị trường. Nó cũng đi kèm một cam kết sẽ xem xét một chiến lược kinh tế sinh học của châu Âu vào cuối năm 2025.

Ngay tại lễ ra mắt sáng kiến, Hiệp hội công nghệ sinh học lớn nhất châu Âu đã kêu gọi EU điều chỉnh khung phân loại tài chính bền vững công nghệ sinh học, để phân biệt nó với các quá trình đầu tư thông thường khác, đồng thời khuyến khích thêm nhiều đầu tư hơn nữa. Họ mong muốn khai thác những đối tác công ty hiện có của EU, ví dụ như hợp tác Circular Bio và Sáng kiến Sức khỏe đổi mới sáng tạo, nhằm thúc đẩy hơn nữa nghiên cứu gần tới thị trường. “Một mình đầu tư công thì không bao giờ đủ nguồn tài chính cho sự phát triển, nâng quy mô và khai thác công nghệ sinh học”, Adrien Samson, nhà quản lý về chính sách sức khỏe của EuropaBio, nói. “Châu Âu xuất sắc trong nghiên cứu hàn lâm về công nghệ sinh học nhưng sau đó thường các nhà nghiên cứu rời châu Âu để tới các nơi thuận lợi hơn cho việc lập công ty, bán công nghệ”. So với Mỹ thì châu Âu thiếu các vốn đầu tư mạo hiểm giai đoạn đầu và gánh nặng pháp lý khiến mất nhiều thời gian hơn để có được sự chấp thuận của thị trường.

Ủy ban châu Âu đã hứa hẹn thành lập một trung tâm công nghệ sinh học của EU vào cuối năm nay để giúp các công ty có thể vận hành theo những quy định pháp lý hiện có và thiết lập hẳn một nghiên cứu về cách các quy định pháp lý có thể thúc đẩy nhanh hơn sự phê duyệt các công nghệ và cơ hội ra đến thị trường. Nghiên cứu này có thể sẽ hoàn thành vào giữa năm 2025 và dẫn đến một đạo luật sinh học EU.

Phức tạp và khó triển khai


Tuy nhiên, việc triển khai sáng kiến này ở châu Âu có vẻ muộn màng. Đó là lý do Hiệp hội công nghệ sinh học lớn nhất châu Âu EuropaBio đang kêu gọi các nhà lãnh đạo giải quyết các rào cản điều hành nhằm thúc đẩy đầu tư và hỗ trợ chuyển giao tri thức, để khiến cho châu Âu trở thành một điểm đến thu hút nhất cho các công ty công nghệ sinh học.

Không thể phủ nhận công nghệ sinh học là yếu tố xuất sắc nhất để châu Âu thiết lập vị trí dẫn dắt”, Clare Skentelbery, Tổng Giám đốc EuropaBio nêu quan điểm trong một báo cáo mới công bố. Châu Âu có thể dẫn đầu cuộc chạy đua toàn cầu để triển khai công nghệ này ở quy mô lớn nhưng điều này sẽ đòi hỏi nỗ lực lập pháp và ngân sách đầu tư đáng kể trong vòng năm năm tới, báo cáo nhận định.

Trong một bài viết nêu quan điểm của mình,EuropaBio kêu gọi “tham vọng và thúc đẩy” trong việc hoàn thiện sáng kiến Công nghệ sinh học và Sản xuất sinh học của châu Âu, và các nhóm làm việc dành riêng cho Nghị viện châu Âu, Hội đồng châu Âu dẫn dắt sáng kiến này. Câu hỏi quan trọng nhất là làm thế nào để thực hiện các kế hoạch này. EuropaBio hy vọng vào một cách tiếp cận toàn diện để giải quyết bản chất liên ngành của công nghệ sinh học hơn là trao quyền đầy đủ cho một tổng giám đốc điều phối.

Trong bản kết luận cuộc họp của Hội đồng châu Âu vào tháng 5/2024, bộ trưởng các quốc gia EU cũng kêu gọi EU “ghi nhận công nghệ sinh học và nền kinh tế sinh học như một phần cơ bản của chính sách công nghiệp của châu lục”.

Lĩnh vực này cũng cần được hưởng các thủ tục cấp phép một cách hợp lý theo khung Đạo luật công nghiệp Net –Zero của châu Âu, mới được thông qua vào đầu năm 2024. Với việc khuyến khích công nghệ xanh thay thế nhiên liệu hóa thạch, đạo luật này có nhiều điểm trùng khớp với công nghệ sinh học và cũng khuyến khích áp dụng công nghệ sinh học để phát triển các nguồn vật liệu không phụ thuộc vào tổng hợp dầu mỏ như nhựa tổng hợp.

Tuy nhiên, các nhà quan sát cũng cho rằng, để hỗ trợ các sản phẩm phát triển dựa trên công nghệ sinh học, EU cần thực hiện một đánh giá tác động những quy định về sản phẩm sinh học trong mua sắm công, đồng thời phát triển các phương pháp nhằm đảm bảo so sánh công bằng giữa các sản phẩm chứa dầu mỏ và sản phẩm công nghệ sinh học vì sản phẩm công nghệ sinh học thường đắt đỏ hơn và lợi ích môi trường không phải lúc nào khách hàng cũng thấy rõ ràng. Họ còn lưu ý, các sản phẩm công nghệ sinh học cũng hàm chứa rủi ro, ví dụ rủi ro chuyển sang ứng dụng quân sự hoặc bị lạm dụng trái với quyền con người. Mặt khác, thuộc nhóm công nghệ lưỡng dụng nên công nghệ sinh học cũng có thể có nguy cơ bị rò rỉ.

Khi một tương lai hình thành đạo luật công nghệ sinh học châu Âu là mục tiêu dài hạn, Clare Skentelbery, Tổng Giám đốc EuropaBio cho rằng “có nhiều thứ chúng ta cần làm trong ngắn hạn để có thể thu nhận được nhiều lợi ích hơn”. Ví dụ, Hội đồng châu Âu và các quốc gia thành viên cần có những hướng dẫn được tiêu chuẩn hóa hơn cho việc sản xuất công nghệ sinh học ở quy mô công nghiệp trong khi các cơ quan thực thi pháp luật cần nhiều nguồn lực hơn để gia tăng tốc độ thông qua các đề xuất. EuropaBio muốn bất kỳ thay đổi nào cũng đem lại lợi ích cho các công ty khởi nghiệp và các doanh nghiệp vừa và nhỏ. “Bởi vì đây là công nghệ tiên phong, nó thực sự phụ thuộc vào các nhà đổi mới sáng tạo nhỏ, các công ty spin-off và khởi nghiệp quanh các tiên tiến KH&CN”, Skentelbery nói. “Tôi nghĩ hứa hẹn sẽ chỉ là những thứ tồn tại về mặt lý thuyết. Cần phải chứng tỏ là Hội đồng châu Âu hướng đến lựa chọn giải quyết nó trong chương trình nghị sự tiếp theo”.

Pauline Grimmer, nhà quản lý chính sách tại tổ chức phi chính phủ quốc tế và think tank Good Food Institute Europe, lưu ý Hội đồng châu Âu về các công ty khởi nghiệp về thịt nhân tạo “cần thấy tham vọng của sáng kiến được chuyển thành các hành động như tài trợ cho R&D, hỗ trợ cho việc sản xuất ở quy mô lớn và cung cấp một khung pháp luật rõ ràng và minh bạch”.

Nguồn: sciencebusiness.net

Đăng số 1297 (số 25/2024) KH&PT