Nghiên cứu mới đây của nhóm TS. Nguyễn Thị Hải Yến (Viện Nhân khẩu học Vienna, Viện Hàn lâm Khoa học Áo, (Áo)) cho thấy, những người già sống chung với con gái nhận được nhiều lợi ích như giảm cô đơn, cải thiện sức khỏe tự đánh giá cũng như cải thiện điều kiện kinh tế.

Những kết quả này cũng cho thấy các chính sách tăng cường vốn con người cho trẻ em gái có khả năng mang lại lợi ích lâu dài đối với hạnh phúc của người già.

Ảnh: Shutterstock.
Ảnh: Shutterstock.

Trẻ cậy cha, già cậy con là một câu tục ngữ thể hiện truyền thống lâu đời của người Việt. Và “con” ở Việt Nam cũng như một số quốc gia châu Á khác có truyền thống “trọng nam” ở đây là con trai. Nhiều kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng ở Việt Nam, hầu hết người cao tuổi đều sống chung với con trai đã lập gia đình. Tương tự, ở Ấn Độ, có tới 79% người lớn tuổi sống với con trai so với chỉ 39% người sống với con gái. Và tại Trung Quốc, chỉ có 4,8% ông bố và 6,46% bà mẹ chọn sống cùng con gái.

“Gia đình và các mối quan hệ giữa các thế hệ ngày càng trở nên quan trọng với vai trò là nguồn hỗ trợ và chăm sóc cho người cao tuổi trong các xã hội châu Á đang già hóa nhanh chóng. Tuy nhiên, điều này cũng làm dấy lên mối lo ngại về việc củng cố văn hóa coi con trai là nguồn an ninh tuổi già”, TS. Nguyễn Thị Hải Yến (Viện Nhân khẩu học Vienna, Viện Hàn lâm Khoa học Áo, (Áo)) và các nhà nghiên cứu từ Đại học Monash Malaysia (Malaysia) và Đại học Chulalongkorn (Thái Lan) viết trong bài báo “Hạnh phúc ở tuổi già: Mối liên hệ với con gái” (Happiness in Old Age: The Daughter Connection) được công bố gần đây trên tạp chí Journal of Happiness Studies.

Vậy mối liên hệ giữa giới tính của đứa con sống cùng cha mẹ và hạnh phúc tuổi già là gì? Những đặc điểm nào của đứa trẻ có liên quan đến hạnh phúc của cha mẹ lớn tuổi? Điều gì thực sự quyết định hạnh phúc của cha mẹ ở tuổi xế chiều? Đó chính là những câu hỏi mà nhóm nghiên cứu đã đi tìm lời giải khi quan sát những thực tế đang diễn ra tại nhiều quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam.

Hiệu ứng con gái


“Thay vì thực hiện nghiên cứu ở các quốc gia có sở thích mạnh mẽ về giới tính của con cái, nhóm nghiên cứu đặt ra một câu hỏi ngược lại: liệu ở một đất nước không có sở thích về giới tính của con, mối liên hệ giữa hạnh phúc của người già với giới tính đứa con có tồn tại hay không?”, TS. Nguyễn Thị Hải Yến chia sẻ với báo KH&PT. Đó là lý do nhóm nghiên cứu lựa chọn Thái Lan - một quốc gia châu Á có vị trí địa lý gần Việt Nam, đang già hóa nhanh chóng và không có truyền thống lựa chọn giới tính khi sinh con - để đi tìm câu trả lời. Ở quốc gia này, tỷ lệ người cao tuổi sống với con trai và con gái lần lượt là 29% và 32% - một con số tương đối đồng đều.


Điều mà chúng tôi kỳ vọng là với sự thay đổi giữa các thế hệ, khi mức độ ưa thích con trai ngày càng giảm dần, mức độ hạnh phúc của cha mẹ khi về già cũng sẽ thay đổi, và vai trò của người phụ nữ trong xã hội cũng sẽ được nâng cao.
TS. Hải Yến


Theo đó, TS. Hải Yến và các nhà nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu từ Dự án Thay đổi dân số và Hạnh phúc trong Bối cảnh Xã hội Già hóa (PCWAS) năm 2016 tại Thái Lan. Cuộc khảo sát được thực hiện trên 15.222 hộ gia đình ở 20 tỉnh thuộc 5 vùng của Thái Lan, tập trung vào phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, và có những câu hỏi riêng cho 7.450 người già từ 60 tuổi trở lên. Các thông tin độc lập liên quan đến con cái được đưa vào phân tích là: việc sắp xếp chỗ ở của người cao tuổi, giới tính của đứa con sống chung và đặc điểm của con gái sống chung. Bên cạnh đó, những người từ 60 tuổi trở lên sẽ trả lời những câu hỏi về mức độ hạnh phúc trong ba tháng gần nhất với thang đo từ 0 đến 10 dựa trên sự tự đánh giá của bản thân. “Điều này có một hạn chế là khi so sánh giữa các cá nhân, sự so sánh này không đồng đều. Chẳng hạn như hai người cùng đánh giá mức độ hạnh phúc ở mức 5, nhưng không có nghĩa là hai mức điểm này bằng nhau. Nghiên cứu này chỉ dừng lại ở mức độ báo cáo tự thân của cá nhân, chứ không thể đi sâu vào sự khác biệt giữa các báo cáo tự thân của từng cá nhân”, TS. Hải Yến lưu ý.

Nhìn chung, nghiên cứu chỉ ra, so với việc sống một mình, việc sống cùng một người con có liên quan tích cực đến hạnh phúc của người cao tuổi. “Có một số nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng những người già sống một mình hạnh phúc hơn so với những người già sống cùng con cái. Lý giải cho điều này là ở một số quốc gia độc lập như Áo, Thụy Sĩ, hoặc Đức, người già họ rất coi trọng đời sống cá nhân, khi sống một mình, họ cảm thấy thoải mái hơn vì có thể tự do làm điều họ muốn mà không bị phiền phức bởi con cái hay mâu thuẫn trong gia đình. Tuy nhiên, điều này lại khác biệt với văn hóa châu Á, khi người già sống một mình thường bị coi là bị bỏ rơi hoặc cô đơn”, TS. Hải Yến cho biết. “Nghiên cứu của chúng tôi trùng khớp với văn hóa châu Á, khi cho thấy rằng những người già sống cùng con cái hạnh phúc hơn so với những người sống một mình”.

Điều đáng chú ý là, các kết quả nghiên cứu còn xác nhận một điều: con gái cũng có giá trị đối với cha mẹ trong các xã hội già hóa. Cụ thể, nghiên cứu cho thấy việc sống chung với con gái mang lại hạnh phúc nhiều hơn cho cha mẹ già, cụ thể thông qua bốn cách: tự cảm nhận thấy có sự cải thiện về sức khỏe (đối với người mẹ), giảm sự cô đơn (đối với cả cha và mẹ), giảm tình trạng khó chịu hoặc lo lắng đối với người mẹ (trong các trường hợp con gái có mối quan hệ tốt với cha mẹ hoặc có trình độ đại học hoặc trình độ cao hơn), cải thiện điều kiện kinh tế liên quan đến việc đảm bảo đủ thu nhập ở cả cha và mẹ (trong các trường hợp con gái có trình độ đại học trở lên).

“So với một người đàn ông lớn tuổi, phụ nữ lớn tuổi còn được hưởng lợi thế từ một lý thuyết gọi là ‘hiệu ứng con gái’ khi sống cùng với con gái”, TS. Hải Yến cho biết thêm. “Sống với con trai thường đi kèm với việc sống cùng con dâu, lúc này ông bà có thể cảm thấy không thoải mái, ngại yêu cầu những điều nhỏ nhặt. Tuy nhiên, khi sống với con ruột, tức là con gái của mình, cha mẹ sẽ thoải mái như ở nhà mình. Con gái cũng chăm sóc tốt hơn và đáp ứng các nhu cầu thầm kín của người mẹ tốt hơn khi cha mẹ già yếu, chẳng hạn như việc tắm rửa, lau chùi”.

Và một kết quả nổi bật mà nghiên cứu đã phát hiện ra là: khi người con gái sống cùng cha mẹ có trình độ học vấn đại học thì họ sẽ là người duy trì mối quan hệ tốt với cha mẹ và giúp đem lại hạnh phúc hơn cho cha mẹ. “Đây là một điều rất hiển nhiên, trình độ học vấn sẽ giúp cho người con gái có kiến thức hơn về việc chăm sóc cha mẹ cũng như có kỹ năng tốt hơn để giải quyết các mâu thuẫn trong gia đình”, TS. Hải Yến phân tích thêm.

Bài học nào cho các quốc gia “trọng nam khinh nữ”?

Khác với Thái Lan, Việt Nam là quốc gia có niềm ưa thích với con trai từ xa xưa. “Điều này đương nhiên sẽ dẫn đến kết quả là hạnh phúc của cha mẹ sẽ phụ thuộc vào giới tính của đứa con. Nếu gia đình sinh được con trai thì sẽ rất hạnh phúc. Còn nếu gia đình mong có con trai nhưng lại sinh ra ba bốn đứa con gái, thì người cha hoặc người mẹ sẽ cảm thấy buồn, không được thỏa mãn nhu cầu của mình”, TS. Hải Yến cho hay.

“Định kiến giới, thiên vị giới bắt đầu đè nặng lên một người từ khi nào? Tôi nghĩ là từ khi bắt đầu hoài thai một đứa trẻ!”, TS. Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội (ISDS) đã từng chia sẻ với Tia Sáng như vậy vào năm 2022 khi nói về quan điểm “trọng nam, khinh nữ” ở Việt Nam. Theo ước tính của Báo cáo Tình trạng Dân số Thế giới năm 2020 của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA), khoảng 41.000 trẻ em gái Việt Nam không có cơ hội chào đời vì niềm mong mỏi sinh con trai ở các gia đình. Với sự hỗ trợ của nhiều phương pháp hiện đại, các ông bố bà mẹ có thể biết được giới tính của đứa trẻ trong bụng mẹ và qua đó, có thể ra quyết định bỏ thai. “Đó là bằng chứng quá mạnh để thấy được sự phân biệt đối xử theo giới tính kinh khủng như thế nào, bất bình đẳng giới bắt đầu sớm như thế nào”, TS. Khuất Thu Hồng cho biết. Điều này dẫn đến hệ quả là sự chênh lệch tỉ lệ giới tính khi sinh của Việt Nam ở mức 111,5 bé trai/100 bé gái, thậm chí ở một số địa phương, con số này còn vượt ngưỡng 115/100, trong khi tỷ lệ giới tính khi sinh tự nhiên là 105 bé trai/100 bé gái (theo số liệu Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019).

Dù nghiên cứu về hạnh phúc tuổi già và mối liên hệ đối với giới tính của con cái mới chỉ sử dụng dữ liệu tại Thái Lan, TS. Hải Yến cho hay, hiện nay Việt Nam cũng đã có những cuộc khảo sát rất lớn về người già trên quy mô toàn quốc. Do đó, các nhà nghiên cứu nếu quan tâm sẽ có thể phân tích dữ liệu và tìm ra kết quả rất nhanh chóng tại Việt Nam nói chung và từng vùng nói riêng, cũng như những câu chuyện thú vị đằng sau đó để đề xuất các chính sách phù hợp. “Điều mà chúng tôi kỳ vọng là sự thay đổi giữa các thế hệ. Khi mức độ ưa thích con trai ngày càng giảm dần, mức độ hạnh phúc của cha mẹ khi về già cũng sẽ thay đổi, và vai trò của người phụ nữ trong xã hội cũng sẽ được nâng cao”, TS. Hải Yến cho biết.

Bên cạnh đó, nghiên cứu của nhóm TS. Hải Yến cũng cho thấy, trình độ học vấn có một mối tương quan rất mạnh mẽ với mức độ hạnh phúc của người già. “Trước giờ, các nghiên cứu khác cho rằng trình độ học vấn liên quan mạnh mẽ tới sự phát triển của quốc gia hoặc một cá nhân nào đó. Tuy nhiên, bây giờ chúng ta thấy rõ ràng là mức độ hạnh phúc của người già còn phụ thuộc vào trình độ học vấn, không chỉ là của cá nhân người đó mà còn là của con cái nữa”, TS. Hải Yến cho biết. “Như vậy, việc đầu tư vào học vấn, đặc biệt là học vấn của phụ nữ và trẻ em là điều rất cần thiết, vì chính học vấn đó không chỉ là một nguồn lực cho xã hội sau này mà còn là một động lực để mang lại hạnh phúc cho những thế hệ già trong tương lai”.

Đăng số 1314 (số 42/2024) KH&PT