Vừa qua, Sở KH&CN An Giang đã tổ chức Hội đồng nghiệm thu dự án “Xây dựng mô hình trồng xà lách thủy canh đạt chứng nhận rau an toàn tại huyện Thoại Sơn” do KS Đoàn Mai Bá Vĩ - Trung tâm Công nghệ sinh học An Giang thực hiện.

Dự án đã thực hiện 12 tháng (từ tháng 5/2018 đến hết tháng 4/2019), kinh phí hỗ trợ dự án từ nguồn sự nghiệp KH&CN và kinh phí đối ứng dự án từ hộ dân tham gia dự án.

Với thành phần tham dự là Bà Hoàng Thị Thanh Thủy - Phó Giám đốc Sở KH&CN làm chủ tịch Hội đồng và các thành viên là đại diện Văn phòng UBND tỉnh, Sở Công thương, Hội nông dân tỉnh, Trung tâm Khuyến nông An Giang, Bộ môn Khoa học cây trồng - Khoa Nông nghiệp & Tài nguyên thiên nhiên - Đại học An Giang, Chi cục Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật An Giang, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN… và các thành phần tham dự có liên quan.


Mục tiêu chung của dự án là: Xây dựng 1 mô hình sản xuất thử nghiệm ứng dụng công nghệ cao với diện tích 1.000m2 trồng rau xà lách an toàn tại huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang nhằm giúp nông dân chủ động sản xuất rau trong nhà lưới bằng kỹ thuật thủy canh, đáp ứng nhu cầu rau đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho thị trường nội địa và tiến tới xuất khẩu. Trong đó, mục tiêu cụ thể là:

Xây dựng 1 mô hình ứng dụng công nghệ cao với diện tích 1.000m2 trồng rau xà lách an toàn, bao gồm: Xây dựng 1 nhà lưới và lắp đặt hệ thống thủy canh 1.000m2; trong thời gian dự án sản xuất 11 vụ rau xà lách gồm 4 loại: xà lách OKALEAFT xanh, xà lách OKALEAFT tím, xà lách mỡ, xà lách ROMAINE; Sản phẩm rau xà lách đạt chứng nhận tiêu chuẩn rau an toàn; Năng suất đạt 2,5 tấn/vụ/1.000m2 rau xà lách an toàn; Hiệu quả kinh tế mô hình trên tăng gấp 1,5 lần so với mô hình canh tác rau xà lách theo truyền thống.

Nội dung thực hiện dự án gồm 3 nội dung chính như sau: Chọn hộ tham gia dự án, thiết kế, xây dựng nhà lưới 1.000m2 và lắp đặt hệ thống thủy canh; Trồng và chăm sóc 4 loại rau xà lách theo mục tiêu đạt tiêu chuẩn an toàn; Tổ chức hội thảo tổng kết dự án.

Kết quả Hội đồng nghiệm thu dự án, các thành viên hội đồng đều thống nhất nghiệm thu dự án này. Tuy nhiên, đề nghị chủ nhiệm dự án cần chỉnh sửa hoàn chỉnh báo cáo theo ý kiến đóng góp của các thành viên hội đồng, cụ thể như sau: Bổ sung thông tin về nhiệt độ trong và ngoài nhà màng. Việc bảo trì, bảo dưỡng và thời gian sử dụng khấu hao các trang thiết bị; Trồng thử nghiệm 4 giống: cần ghi rõ số lượng hạt giống gieo, diện tích trồng của từng giống/vụ để tính toán năng suất chính xác và làm rõ nguyên nhân năng suất không đạt mục tiêu trong quá trình thực hiện; Chủ nhiệm bổ sung tình hình nhiễm bệnh, thống kê tỷ lệ bệnh, so sánh tỷ lệ bệnh và giá thành sản xuất với mô hình trồng truyền thống (ngoài trời) và các mô hình trồng rau trong nhà lưới khác; Bổ sung quy trình kỹ thuật chung (lịch trình canh tác cụ thể) của 4 giống rau xà lách vào phần phụ lục (ghi rõ lịch trình thực hiện); Bổ sung Bản cam kết tham gia thực hiện của hộ dân (duy trì mô hình 5 năm sau khi dự án kết thúc) vào phần phụ lục… Hội đồng yêu cầu đơn vị thực hiện phải chỉnh sửa hoàn chỉnh báo cáo dự án theo góp ý của Hội đồng và gửi lại Sở KH&CN trong vòng 1 tháng kể từ ngày 15/5/2019.